(Post 09/06/2007) Để nâng cao chất lượng đội
ngũ giảng viên và đến 2015 có 30% giảng viên ĐH-CĐ có trình độ tiến sĩ
(TS), Bộ GD-ĐT đang triển khai kế hoạch đào tạo 20.000 TS mới cho giai
đoạn 2007-2015. Bên cạnh việc phát triển số lượng TS, điều rất quan trọng
và khó khăn là nâng cao chất lượng các luận án TS theo những chuẩn mực
quốc tế hiện đại.
GS Đinh Thế Lục (ĐH Avignon, Pháp) cho rằng: "Mô
hình đào tạo TS liên kết với nước ngoài rất nên được quan tâm tổ chức
nhiều hơn vì bản thân những GS hướng dẫn cũng được thúc đẩy để nghiên
cứu theo kịp trình độ thế giới. Về phía các nghiên cứu sinh (NCS) thì
vừa có thể kết hợp công việc hiện đang làm ở VN mà vẫn đáp ứng chương
trình học tập quốc tế, còn Nhà nước đỡ tốn kém rất nhiều so với ngân sách
chi cho Đề án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài bằng ngân
sách Nhà nước (Đề án 322)".
Muốn đẩy mạnh chương trình đào tạo TS liên kết này, ngoài
việc có định hướng và chính sách tốt, Nhà nước cần tổ chức triển khai
hiệu quả hơn. TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM đề nghị:
"Bộ GD-ĐT cần xây dựng và công khai quy trình, tạo thuận lợi tối
đa để các cơ sở có khả năng đào tạo phối hợp. Các quy trình cần rõ ràng,
nhanh gọn, không mất quá nhiều thời gian, thậm chí có thể đăng ký đào
tạo qua mạng.
Chất lượng cao đòi hỏi kinh phí tương xứng, chúng ta
không thể chỉ hô hào suông và đòi hỏi chất lượng cao mà không chú ý đúng
mức đến việc đảm bảo điều kiện cho chất lượng ấy". Về phần mình,
các cơ sở đào tạo sau ĐH, đội ngũ thầy giáo và bản thân các NCS cũng cần
phải hết sức tích cực chuẩn bị cho mô hình này. Quan hệ quốc tế cần mở
rộng hơn, thủ tục giấy tờ tại trường cần nhanh chóng và đi vào thực chất
hơn. Cần vạch ra kế hoạch đăng công trình trên các ấn phẩm khoa học quốc
tế hoặc tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế cho NCS. Các quy chế,
quy định cũng cần chỉnh sửa cho phù hợp theo hướng hội nhập.
theo Nhựt Quang
(nguồn: Thanh Niên) |