Time viết về thi cử và giáo dục đại học ở Việt Nam  
 

(Post 25/07/2007) "Chỉ ít phút sau khi tiếng chuông vang lên tại Đại học Hà Nội, cảnh sát và nhân viên an ninh ra đứng tại các lối vào sân trường. Các sĩ tử bị kiểm tra xem có mang theo điện thoại và các vật cấm khác vào phòng thi hay không", tạp chí Time của Mỹ miêu tả.

Các sinh viên trong phòng multimedia của Đại học Quốc tế RMIT ở TP HCM. Ảnh: AFP

Vì sao lại có tình trạng an ninh nghiêm ngặt như vậy? Tại đây đang diễn ra kỳ thi đại học. Giới chức thực hiện những biện pháp đặc biệt để ngăn chặn gian lận trong kỳ thi sống còn. Khi thi cử kết thúc ngày 16/7, trong tổng cộng 1,8 triệu thí sinh, sẽ chỉ có 300.000 em được chọn vào các trường đại học trên cả nước.

Áp lực này khiến nhiều sinh viên tìm bất kỳ lợi thế nào có thể. Trong tháng này, khu Văn Miếu 940 năm tuổi của Hà Nôi chật cứng các sĩ tử tới đốt hương cầu may. Một số thí sinh ăn "những bữa sáng may mắn" có đậu xanh để mong thi đậu.

Một số em khác thì không chỉ trông cậy vào đậu xanh. Những năm gần đây, báo chí trong nước đã nói nhiều đến việc gian lận trong thi cử. Năm ngoái, khoảng hai chục thí sinh bị bắt vì dùng tai nghe không dây giấu trong tóc giả để nhận lời giải từ bên ngoài. Đầu tháng này, cảnh sát phá vỡ đường dây cấp thẻ giả cho các sinh viên thi hộ cho những sĩ tử học kém. Mức giá là bao nhiêu? 2.500 USD - hơn gấp đôi mức thu nhập bình quân cả năm ở Việt Nam. Trước mối lo ngại về gian lận trong kỳ thi, các nhà chức sắc đã tăng cường biện pháp an ninh, huy động cảnh sát địa phương và thậm chí Bộ Công an giúp quản lý các điểm thi.

Việc một số thí sinh tìm mọi cách để gian lận cho thấy khủng hoảng ở quy mô rộng lớn hơn trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam, vốn chưa phát triển đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của các sinh viên muốn vươn lên trong nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai ở châu Á.

Nguyễn Thu Phương, 18 tuổi, đã ôn thi hơn một năm qua và đang ngồi xem lại vài phương trình toán học vào phút chót, trước khi giờ thi bắt đầu. Mẹ cô lo lắng quạt cho con. Bà từng cầm súng thời chiến và mới nghỉ hưu tại một xí nghiệp quốc doanh. Ước mơ của bà là con mình một ngày nào đó sẽ làm việc trong lĩnh vực tài chính hay ngân hàng. "Bây giờ không phải như ngày xưa", bà nhận xét. "Nếu bọn trẻ không có bằng đại học, chúng sẽ khó mà có làm một việc làm tốt".

Nhưng hiện giờ không có nhiều thanh niên Việt Nam có thể thực hiện giấc mơ học cao, một tin xấu cho nền kinh tế nước này. Việt Nam hiện thu hút mức đầu tư nước ngoài gần 1 tỷ USD/tháng. Các nhà đầu tư đang tìm cách tận dụng nhân lực rẻ và tầng lớp trí thức trẻ tại đây. Nhưng chỉ có 10% thanh niên ở độ tuổi học đại học được theo học các trường, một tỷ lệ kém Ấn Độ và Trung Quốc và chưa bằng một phần tư so với ở Thái Lan. Những con số này cũng không phải là điều đáng mừng cho tham vọng của Việt Nam đang muốn tiến vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao và gia công phần mềm.

Tom Vallely, Giám đốc chương trình Việt Nam tại Kennedy School of Government của Đại học Harvard, nhận xét các trường của nước này chưa cấp đủ số kỹ sư, nhân viên lĩnh vực IT và nhà quản lý có trình độ. "Điều mà bạn đang nhìn thấy là sự thiếu nhân công có tay nghề", ông bình luận.

Ngay cả những học sinh ưu tú vào được tới giảng đường đại học cũng nhận thấy giáo trình ở đây còn thua xa các trường khác của châu Á. Công cuộc cải cách, dù đã tạo điều kiện cho hàng loạt doanh nghiệp tư nhân phát triển, vẫn chưa chạm tới được hơn 300 trường đại học. Thu nhập của giáo viên và sự thăng chức dựa vào mức độ cống hiến lâu năm chứ không phải tài năng, và ít người có các bài báo xuất bản trên các tạp chí quốc tế.

"Việt Nam rất cần những cải cách trong giáo dục", Adam Sitkoff, Giám đốc Văn phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, nhận xét. "Nếu bạn muốn cạnh tranh trong lĩnh vực IT và thu hút mức lương cao, bạn cần phải có một lực lượng lao động có trình độ tốt".

Ông Vallely mới đây có mặt trong phái đoàn các nhà giáo dục Mỹ gặp Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Ông nhận xét Việt Nam cần có một ngôi trường tầm cỡ thế giới - như Học viện Công nghệ của Ấn Độ hay Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc. "Những bạn trẻ thi đậu vào các trường đại học rất thông minh", Vallely bình luận. "Nhưng họ được đào tạo chưa đủ tại các trường này".

M.C. dịch
(theo VnExpress)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Đi tìm "sức đẩy" để CNTT "cất cánh"Từ thung lũng Sillicon, lòng luôn hướng về tổ quốc
Giáo dục tài năng ở Hoa KỳSức hấp dẫn của nền giáo dục Ấn Độ
Tương lai của siêu đại học toàn cầu52 người Việt Nam nhận học bổng của VEF
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11