(Post 28/07/2007) Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 đã đi gần hết chặng đường. Ngoài các trường có số TS đăng ký dự thi ít đã công bố kết quả điểm thi, các trường ĐH còn lại đều chấm gần xong các bài thi tự luận và đã gửi dữ liệu bài thi trắc nghiệm ra cho Bộ GD-ĐT. Mặc dù việc chấm thi bắt đầu từ ngày 11-7, nhưng mãi đến ngày 18-7, dư luận mới được biết thang điểm chấm trắc nghiệm mà Bộ “công bố” trên một tờ báo. Vì sao Bộ luôn cho biết thang điểm sau khi đã có trong tay dữ liệu bài thi? Với các kiểu ra đề như hiện nay, kỳ thi 3 chung chỉ đạt được một mục tiêu là kiểm tra xem TS nào có đủ kiến thức phổ thông để tiếp tục học tiếp ở bậc học khác, chứ không tuyển được đúng những TS có đủ trình độ và tư duy năng khiếu cho đúng ngành học, mà sau này sẽ trở thành nghiệp dĩ đeo theo cả cuộc đời của các em. Học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn thi thử trắc nghiệm môn Lý. Ảnh: M.H | |
Bao giờ các trường được “rời” khỏi Bộ? Đến thời điểm này, khâu chấm thi ĐH đã gần hoàn tất, nhưng các trường vẫn phải chờ đợi văn bản chính thức về phương án chấm bài thi trắc nghiệm. Không chỉ có các trường phải chờ, mà các TS, khi thụ hưởng hình thức thi mới này - trên nguyên tắc, đã có quyền được biết ngay từ lúc làm bài thi - vẫn phải hồi hộp chờ đợi thang điểm. Từ mùa tuyển sinh năm 2006, khi áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm đầu tiên cho môn ngoại ngữ, bộ cũng yêu cầu các trường gửi dữ liệu bài thi, và sau khi đã kiểm tra hết tất cả thông tin về bài thi của TS, bộ mới công bố thang điểm. Đến kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tình trạng chờ thang điểm lại tiếp diễn khiến dư luận bàn tán về hai trường hợp: Một là khi hoàn tất khâu ra đề, hội đồng ra đề vẫn còn… tranh cãi về thang điểm. Hai là bộ đã có thang điểm nhưng không dám công bố trước, sợ không phù hợp với tình hình thực tế, không “kiểm soát” được điểm thi của TS, sẽ dẫn đến việc điểm thi cao quá thì không hợp lý, mà điểm thấp sẽ khiến xã hội… “rùng mình”? Còn ở tuyển sinh 2007, dù bộ đã chuẩn bị thang điểm cho các môn trắc nghiệm sớm hơn hai kỳ thi trước, nhưng cũng chỉ cung cấp ngay sau khi có trong tay dữ liệu bài thi. Dư luận thắc mắc, nếu bộ xem đó là dữ liệu song trùng để trường và bộ có thể kiểm soát tiêu cực thì thang điểm vẫn phải có trước để khẳng định đó là những đề thi hoàn chỉnh. Ở khía cạnh khác, việc bộ yêu cầu gửi dữ liệu chỉ để kiểm tra, cũng cho thấy Bộ thiếu tin tưởng các trường trong công tác chấm thi. Chỉ giao cho các trường một trong các công đoạn của khâu tuyển sinh mà Bộ cũng thiếu lòng tin, quả thật, các trường còn lâu lắm mới nói được đến chuyện tự chủ. “Gọt chân cho vừa giày” Dù với lý do nào thì việc thang điểm luôn có sau đều cho thấy một vấn đề: Bộ GD-ĐT còn đang lúng túng trong việc ra các đề thi trắc nghiệm. Nguyên do có phải Bộ GD-ĐT vội vã “trình làng” cái mới trong thi cử, trong khi sự chuẩn bị chưa đủ độ chín? Hay, năng lực thực hiện đề thi trắc nghiệm của bộ có vấn đề? Nhìn lại việc ra đề thi của chúng ta, với phương thức mới là thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT vẫn đưa ra thông điệp cũ: đề thi sát chương trình sách giáo khoa!? Vậy đề thi trắc nghiệm có khác gì đề thi tự luận? Phải chăng chỉ khác về hình thức: nhiều câu hỏi hơn, và TS thay vì trực tiếp trả lời đáp án thì các em sẽ chọn câu trả lời đúng nhất. Đương nhiên, với cách làm này, việc học từ chương của TS vẫn tiếp tục như cũ. Đề thi trắc nghiệm vừa qua, thực chất vẫn là “bình mới, rượu cũ” !? Mặt khác, dư luận cũng đặt vấn đề: Việc chậm trễ công bố thang điểm và phương thức chấm, phải chăng Bộ cũng đang mắc “bệnh thành tích” nặng nề? Bởi lẽ khi tiến hành thi thử trắc nghiệm, bộ không biết có bao nhiều phần trăm học sinh toàn quốc đạt được hiệu quả “coi được”. Cho nên nếu công bố trước thang điểm, TS rớt nhiều quá hay đậu điểm cao quá đều là vấn đề đề dư luận xã hội bàn tán. Để giải quyết vấn đề này, từ mùa tuyển sinh năm 2006, khi thi môn trắc nghiệm đầu tiên, bộ đã làm công đoạn: “gọt chân cho vừa giày” khi quyết định công bố thang điểm sau khi đã biết tình hình làm bài của TS. Bên cạnh đó, những ngày qua, không chỉ các trường thắc mắc, mà phụ huynh, TS tham gia kỳ tuyển sinh toàn quốc vừa qua cũng không khỏi bức xúc khi bộ cho biết các bài trắc nghiệm sẽ được chấm theo thang điểm 100 và sau đó quy ra 10. Để quy từ 100 điểm ra 10 điểm, bộ phải tạo nhóm điểm mới là 10 thang 10 điểm. Ở thang điểm 100 sẽ có 5 bậc điểm 1, 2, 3, 4, 5 được quy ra thành 0,5 điểm của thang 10 điểm. Khi chưa quy ra thang điểm 10, các TS sẽ có điểm chênh lệch nhau, nhưng vì phải làm tròn, TS đạt 1 điểm sẽ bằng 5 điểm. Việc quy đổi này không công bằng đối với các TS tham dự một kỳ thi tuyển, khi ở đó, mỗi TS phải cạnh tranh nhau từng chút một để vào được tới giảng đường ĐH. Với các kiểu ra đề như hiện nay, kỳ thi 3 chung chỉ đạt được một mục tiêu là kiểm tra xem TS nào có đủ kiến thức phổ thông để tiếp tục học tiếp ở bậc học khác, chứ không tuyển được đúng những TS có đủ trình độ và tư duy năng khiếu cho đúng ngành học, mà sau này sẽ trở thành nghiệp dĩ đeo theo cả cuộc đời của các em. Linh An (theo báo Sài Gòn Giải Phóng) |