(Post 01/08/2007) Nghị sĩ Quốc hội, Bộ trưởng
Bộ Y tế, Tổng biên tập Đài Truyền hình, đội trưởng đội bóng bàn quốc gia,
nhà triệu phú do tạp chí Forber bình chọn… đó là những tinh anh trên các
lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội của Singapore. Họ đều là dân nhập
cư từ Malaysia, Trung Quốc, thể hiện đầy đủ khát vọng cầu tài và sự thành
công của chiến lược nhân tài của đảo quốc này.
Đảo quốc
Singapore nhỏ bé trở nên phồn vinh và thịnh vượng thế này là nhờ
chiến lược nhân tài sáng suốt của họ |
|
Nhân tài không tin vào nước mắt
Đối diện với nghịch cảnh, nhân tài toàn cầu không tin
vào nước mắt. Trong quá trình lưu động tìm “đất sống”, họ đã làm nên chuyện
thần kỳ và cũng tạo ra sự thần kỳ cho nhiều quốc gia nơi họ định cư.
Thế giới phẳng nên việc lưu động của nhân tài cũng phẳng.
Nhân tài trong thời đại toàn cầu hóa, đa nguyên hóa đã vận dụng phương
thức lưu động đa nguyên, phá vỡ những rào cản truyền thống để tạo ra một
cục diện mới, đó là: chỉ cần có tài là có thể tung hoành “bốn biển, năm
châu”; chỗ này không dung ta thì ta tìm sang chỗ khác. Điều đó cũng khiến
cho nguồn nhân lực thế giới biến động không ngừng. Người hướng lên cao,
nước chảy chỗ trũng. Nhưng chỗ cao không chỉ là tiền mà để mở rộng tầm
mắt, bao quát xã hội, để nhân tài được phát huy tối đa trí tưởng tượng
và sức sáng tạo của mình.
Đã một thời nước Mỹ giống như một thỏi nam châm lớn thu
hút nhân tài, cũng là để đặt nền móng vững chắc cho đất nước mình. Phong
trào bài Do Thái như một trận cuồng phong diễn ra vào những năm 30 của
thế kỷ trước, mà cao điểm là dưới thời tên đồ tể phát xít Hít-le cầm quyền,
đã khiến cho nhiều tinh anh của dân tộc Do Thái ồ ạt di cư sang Mỹ. Từ
Albert Einstein đến Kissinger đều thành danh trên đất Mỹ góp phần làm
thay đổi vận mệnh của nước Mỹ.
Nước Mỹ có chính sách nhân tài không phân biệt chủng
tộc, tôn giáo nên đã trở thành cường quốc. Do đó, điều kiện quan trọng
để nước lớn vươn lên là mở rộng thu hút nhân tài, như trăm sông đổ về
một biển, và đa dạng hóa việc sử dụng nhân tài chứ không phải cứng nhắc.
Singapore là một quốc gia đô thị, hiểu rằng điều kiện
để nước nhỏ vươn lên càng phải nhờ vào đội ngũ nhân tài ưu tú nhất của
thế giới; tạo địa bàn thuận lợi nhất cho họ đến lập nghiệp và phát huy
tài năng, xây dựng kịch bản mới cho bước phát triển mới của Singapore.
Trên thực tế, đội ngũ nhân tài thế giới đang di dộng
như một dòng thác lũ, mang theo một sức mạnh tinh thần không gì sánh nổi.
Họ không phải là Einstein hay Kissinger nhưng trong gian nan và nghịch
cảnh họ không tin vào nước mắt. Nơi tha hương, bất chấp học vấn cao hay
thấp, bất kể tiền lương nhiều hay ít, họ sẽ tạo nên điều kỳ diệu, vì cuộc
sống của mình và cũng là để góp phần xây dựng quê hương mới.
Nhân tài nhập cư chủ yếu là người Hoa
Để giành được vị trí xứng đáng trên “chiến trường” toàn
cầu hóa, Singapore đang áp dụng chiến lược chủ yếu là bồi dưỡng và cạnh
tranh nhân tài. Mới đây, Chính phủ nước này đã công bố kế hoạch phát triển
quốc gia đến năm 2030 với số dân là 6,5 triệu người, tương đương với các
thành phố lớn như New York, London… Nhưng với số dân hiện tại là 4,5 triệu
người, thêm vào đó là tỷ lệ gia tăng dân số đang sụt giảm nên muốn đạt
được mục tiêu đã đề ra, Singapore buộc phải trông chờ vào dân nhập cư,
chủ yếu là những nhân tài gốc Hoa. Trong số đó có bà Lý Mỹ Hoa 47 tuổi,
một chính khách mới nổi, là người của Đảng nhân hành động vừa trúng cử
đại biểu Quốc hội và tham gia bộ máy lãnh đạo Singapore trong cuộc bầu
cử năm 2006. Bà Lý Mỹ Hoa sinh trưởng ở Malaysia nhưng nhập quốc tịch
Singapore.
Kể từ khi lập quốc (1965) đến nay, Singapore luôn là
một đất nước của dân nhập cư, và phần lớn là những người đến từ Malaysia,
Chính phủ Singapore luôn đòi hỏi sự thuần khiết đối với dân nhập cư để
duy trì sự ổn định về tỷ lệ giữa người gốc Malaysia với người gốc Trung
Quốc và người gốc Ấn Độ.
Trong bối cảnh lịch sử, xã hội của Singapore thì những
người gốc Hoa nói chung là dễ hội nhập hơn cả, người ta không coi họ là
người nước ngoài. Về trình độ dân nhập cư, Singapore không nhất thiết
chỉ chấp nhận kỹ sư, bác sĩ và những người có trình độ học vấn cao hơn,
mà thường chú trọng vào kỹ năng đặc định của mỗi người như kỹ thuật viên
sửa chữa máy bay… Để thu hút nhân tài, Chính phủ Singapore cũng đã mở
trang web (www.contactsingapore. org.sg) để mọi người trên thế giới đều
có thể truy cập, tìm hiểu. Họ rất chuộng người Malaysia, thậm chí còn
cử cán bộ đến các trường trung học, đại học của Malaysia để tuyển chọn
nhân tài, trao học bổng khuyến học…
Nói vậy chứ không phải tất cả đều thuận lợi đối với nhân
tài nhập cư, bởi người dân Singapore chính gốc luôn lo ngại nhân tài nhập
cư sẽ tranh mất chỗ làm việc của họ. Nhưng trên thực tế thì không hoàn
toàn là như vậy. Không ai có thể tranh mất việc làm của ai vì con người
luôn thích nghi với cuộc sống, chẳng ai có tài mà không có việc làm cả.
Vài nét về Singapore
Người Anh khai thác vùng
đất Singapore từ năm 1819, đến năm 1963 trở thành một bang của
Liên bang Malaysia và hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của nước
Anh. Năm 1965 Singapore tách khỏi Malaysia, trở thành một quốc
gia độc lập. Diện tích đất đai: 692,7 km2.
Theo số liệu điều tra năm
2006 thì: nhân khẩu: 4.492.150 người; tỷ lệ sinh sản 9,34/ 1.000
người; tỷ lệ tử vong: 4,28/ 1.000 người; bình quân tuổi thọ 81,71
tuổi (nam 79,13 tuổi và nữ 84,49 tuổi). Thu nhập bình quân đầu
người: 30.900 USD. Tỷ lệ thất nghiệp: 3,1%. Dự trữ ngoại hối:
134,6 tỷ USD.
Cơ cấu chủng tộc (số liệu
điều tra năm 2000): người Hoa: 76,8%; người Malaysia: 13,9%; người
Ấn Độ: 7,9%. |
Nguyễn Thành Tiến
(theo báo Giáo Dục) |