(Post 04/08/2007) Viện Nghiên cứu cao cấp -
IAS (Mỹ) là một trong những học viện độc đáo nhất thế giới. Những người
công tác ở Viện đã từng đoạt 19 giải Nobel các loại, 32 huy chương Fields
(tương ứng với giải Nobel) về toán học và đang có 23 nam giáo sư, 3 nữ
giáo sư thường trực cùng 190 tiến sĩ danh dự là khách mời của các trường
đại học khắp thế giới.
Albert
Einstein |
|
Hàng năm, Viện đều mời những nhà vật lý, toán học, thiên
văn, sử gia, xã hội đến để trao đổi, hội thảo và cũng trả lương cho mỗi
vị viện sĩ 250.000 USD/ năm vì những suy ngẫm, lý giải cho các sự kiện,
hiện tượng tự nhiên - xã hội, mỗi năm Viện chi khoảng 23 triệu USD cho
tất cả các hoạt động.
IAS đã ra đời từ năm 1930, quy tụ các nhà khoa học đầu
ngành của nước Mỹ và quốc tế. Viện có 3 trường nổi tiếng là trường nghiên
cứu lịch sử, trường toán, trường khoa học tự nhiên và khoa học xã hội,
nằm giữa những dãy nhà bằng kính xanh lam, bốn bề rợp những hàng cây đại
thụ, những khoảng sân cỏ mênh mông, tĩnh mịch, và trong khu rừng thưa
phía nam của thị trấn Princeton, New Jersey, Mỹ.
Albert Einstein (1879-1955) là viện sĩ đầu tiên của Viện.
Ông là nhà bác học vĩ đại đã đề ra Thuyết tương đối, giành giải Nobel
vật lý năm 1922. Năm 1933, khi ông đang làm viện sĩ hàn lâm ở Đức, Giám
đốc IAS Apraham Flesner đã tới Đức mời ông đến Mỹ làm việc. Albert Einstein
là một ví dụ điển hình về một nhà khoa học bình dị. Hàng ngày, từ 4 giờ
sáng, ông đã đi bộ trên những con đường mòn trong rừng quanh Viện, tay
chắp sau lưng suy nghĩ. Ông thường nhận được hàng trăm bức thư, có lần
một em nhỏ gửi một bài toán khó ở trường nhờ ông giải hộ, một nhà toán
học trẻ cũng gửi một bài toán nhờ ông xem kết quả, và nếu có thể ông đều
đi bộ tới trả lời các bạn trẻ. Albert Einstein thường đi dạo cùng nhà
logich Kurt Godel trong khu vườn của Viện.
Từ khi có Albert Einstein, rất nhiều danh nhân đã cộng
tác với Viện, bao gồm Thomas Stearns Eliot (1888-1965) - nhà văn đoạt
giải Nobel văn học năm 1948 với tác phẩm Bữa tiệc cốc-tai; Kurt Godel
(1906-1978) - nhà logich học lỗi lạc chỉ đứng sau triết gia Aristotle;
J.Robert Oppenheimer (1904-1967) - cha đẻ của bom nguyên tử; John Louis
von Neuman (1903-1957) - cha đẻ của máy tính tốc độ cao, có phần mềm lưu
trữ văn bản đầu tiên; Homer Thompson (1906-2000) - chuyên gia khảo cổ
đã có những khám phá cách mạng cho thế giới biết rõ về nền văn hóa Hy
Lạp; George Kennan (1904-2005) - nhà ngoại giao đã nghĩ ra chủ nghĩa cấm
vận hay chiến tranh lạnh của Mỹ; Freeman John Dyson (1923) - vật lý gia
đa tài với toán học, lý thuyết vật lý phân tử, vật lý thiên thể, hạt nhân
và đã từng là người làm một con tàu vũ trụ…
Mỗi nhà khoa học ở IAS đều gắn bó cùng Viện hàng chục
năm, cống hiến lặng thầm tới khi về hưu. Mấy năm nay, Viện tăng cường
nhiều buổi giao lưu, hội thảo sôi nổi giữa các bạn trẻ và các giáo sư,
tiến sĩ trong hội trường lớn hoặc trên những bãi cỏ rộng. Chính từ những
buổi gặp lý thú đó, nhiều ý tưởng và công trình khoa học có giá trị đã
hình thành, phục vụ cuộc sống.
Chu Mạnh Cường
(theo báo Giáo Dục)
|