Việt Nam cần thiết kế "hệ thống lọc dầu giáo dục"  
 

(Post 08/09/2007) "Cách mỗi quốc gia đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH, sẽ tạo ra khác biệt cho chính họ" - Giáo sư Malcolm Gillis, nguyên chủ tịch trường ĐH Rice (Hoa Kỳ) chia sẻ trong cuộc trò chuyện với VietNamNet sau khi kết thúc buổi làm việc với Bộ GD - ĐT và trước giờ gặp Thủ tướng.

GS Malcom Gillis. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Malcolm Gillis trở lại Việt Nam lần thứ 2, lần này, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ học bổng Việt Nam – Hoa Kỳ (VEF)

"Xây dựng được hệ thống dẫn nối tốt giữa chúng với hệ thống lọc dầu"

- Việc xây dựng và phát triển các trường ĐH chất lượng cao là vấn đề đang được quan tâm ở Việt Nam. Từng là nhà quản lý của ĐH danh tiếng ở Mỹ, ông có gợi ý gì cho vấn đề này?

- Các bạn có thể tham khảo kinh nghiệm của các trường ĐH ở Mỹ, hoặc 1 số trường ĐH mới ở Đức, chẳng hạn như trường ĐH ở Bremen.

Muốn thành công nhanh chóng, trường ĐH cần được thành lập mới hoàn toàn. Tôi nói điều này từ kinh nghiệm của ĐH Bremen, và sắp tới là ĐH ở Bình Nhưỡng. Đầu năm nay, tòa nhà cho ĐH ở Bình Nhưỡng đã được khởi công xây dựng.

Có rất nhiều cách để có thể đẩy mạnh hệ thống giáo dục của Việt Nam. Theo kinh nghiệm 50 năm qua, tôi thấy, điều quan trọng để phát triển kinh tế, phát triển đất nước là chúng ta nên đầu tư vào giáo dục. Đó là điều cơ bản đẩy mạnh chất lượng cuộc sống.

- Tại Việt Nam, câu chuyện xây dựng ĐH chất lượng cao mà người ta hay nhắc tới với tên gọi "ĐH đẳng cấp quốc tế" đã được đưa ra bàn thảo từ chuyến đi Mỹ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005. Đến giờ, những ý tưởng vẫn đang đâu đó trên các bàn giấy. Theo ông, để có những ĐH đó, cần phải "kích hoạt" những gì?

- Theo tôi, Việt Nam đã thực hiện tốt phần khởi động. Các bạn đã gửi những sinh viên ưu tú của mình đi du học ở các nước tiên tiến học tập trong các ngành khoa học và công nghệ.

Chính phủ Việt Nam lên kế hoạch gửi khoảng 3.000 - 5.000 sinh viên đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài trong vòng 10 - 20 năm tới. Một số nghiên cứu sinh này do quỹ giáo dục Việt Nam VEF hỗ trợ, một số sẽ được hỗ trợ bởi những nguồn tài chính khác.

Trong cuộc họp với Bộ GD-ĐT sáng 14/6, chúng tôi có so sánh, nên coi mỗi sinh viên trẻ ra đi như những giếng dầu. Việc xây dựng các hệ thống các trường ĐH tốt được ví như hệ thống lọc dầu. Thế nhưng, để có được lợi nhuận từ dầu, chúng ta không những khai thác các giếng dầu này mà còn phải "xây dựng được hệ thống dẫn nối tốt giữa chúng với hệ thống lọc dầu".

Có một số nước tập trung vào dầu lửa. Nhưng việc đó sẽ không phải hướng phát triển lâu dài nếu như anh chỉ bám vào những nguồn tài nguyên sẵn có.

Mỗi sinh viên giỏi khi trở về còn quý hơn nhiều so với những giếng dầu. Rõ ràng là, để tận dụng và phát huy nguồn sức mạnh này, cần phải xây dựng không những chỉ các trường đại học tốt mà còn cả hệ thống giáo dục tốt.

Có một câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi rất tâm đắc "Vì lợi ích 10 năm trồng cây. Vì lợi ích 100 năm trồng người". Tôi có treo câu này trong văn phòng ở Trường ĐH Rice. Rất nhiều người đến đó đã ấn tượng với câu nói đó.

Nếu câu này được treo ở mỗi nhà và các cơ quan chính phủ thì rất tuyệt vời.

- Cụ thể hơn, mô hình trường ĐH này, trong hình dung của ông, đâu là hướng phát triển?

- Có lẽ là nên đầu tư hơn nữa vào nghiên cứu.

Cho đến bây giờ, Việt Nam đang đi theo mô hình của người Pháp và người Đức về nghiên cứu và giảng dạy. Theo mô hình đó, các trường ĐH thì tập trung vào giảng dạy còn các viện nghiên cứu tập trung vào việc nghiên cứu.

Có hàng tá những lý do để chứng minh rằng sự thiếu đan xen này không còn phù hợp với thế kỷ XXI. Bởi vì giảng dạy tốt phụ thuộc và nghiên cứu tốt và ngược lại. Trong khoa học và công nghệ, để có nhiều nghiên cứu tốt thì phụ thuộc rất nhiều vào các sinh viên tốt nghiệp giỏi, mà những người này chỉ có ở các trường ĐH.

Phải biết điều mình muốn

Hiện đang có nhiều đề án xây dựng ĐH với sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài đang trong quá trình hoàn tất. HSSV Việt Nam đang tìm kiếm thông tin tại triển lãm du học Hoa Kỳ. Ảnh: Lê Anh Dũng

- Được biết ông sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, sau buổi làm việc với Bộ GD về hợp tác giáo dục giữa 2 nước. Ông muốn nói điều gì tại cuộc gặp này?

Tôi không thể nói được cách xây dựng, mà phải là các bạn khẳng định phải biết mình muốn gì, cần gì.

Các bạn xác định cho mình các ưu tiên, và chúng tôi hỗ trợ. Bởi vì, chúng tôi đến để giúp cái mà các bạn muốn chứ không thể trả lời hết những vấn đề mà các bạn đang gặp phải.

- Vậy nếu được đề nghị tư vấn về giải pháp ưu tiên cho giáo dục ĐH Việt Nam, ông sẽ đề xuất điều gì?

Điều trước tiên là các trường phải đảm bảo nghiên cứu và giảng dạy tốt. Để có được điều đó, phụ thuộc vào con người.

Với câu chuyện giáo dục ĐH, tôi nghĩ rằng, sẽ cần không chỉ một mà một vài trường đẳng cấp quốc tế để có thể giải quyết các vấn đề, phát minh những ý tưởng trong khoa học, nghệ thuật trên chính đất nước các bạn.

Trong tương lai, thế giới sẽ có 3 loại quốc gia: những nước thông minh, những nước thông minh hơn, và những nước thông minh nhất.

Sự khác biệt sẽ do cách mỗi quốc gia đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH.

Những nước có các ĐH có thể thích nghi với sự phát triển công nghệ nhanh chóng sẽ là những nước thông minh nhất. Trong khi đó, những nước có nền giáo dục nghèo nàn sẽ không có gì ngoài một cuộc sống tồi tàn với sự tuyệt vọng trong những thập kỷ tới.

Hay như, các bạn có thể thấy ở Mỹ, những ý tưởng lớn nhất được phát minh từ các trường ĐH. Yếu tố quan trọng tạo nên thành công của các trường ĐH ở đây là sự đề cao quyền lực thống trị của các ý tưởng.

Liệu bạn muốn những ý tưởng như thế chỉ bắt đầu từ Tokyo, London, Bắc Kinh... hay sẽ có ít nhất một vài ý tưởng như thế được phát minh ở Việt Nam?

Tôi đã tới Việt Nam lần thứ 2 và thấy đất nước này có nhiều thay đổi. Đất nước các bạn quá lớn, mọi phát minh có thể bắt đầu ở đây.

Sắp tới, tôi sẽ đi Bình Nhưỡng để xúc tiến tiếp cho trường ĐH ở đây mà tôi và nhóm cộng sự đang làm. Ở Chile, Mexico, người ta đã mở những "trung tâm xuất sắc". Bình Nhưỡng, Chile, rồi Mexico, họ đều làm được. Một đất nước năng động như Việt Nam, tại sao không?

Điều quan trọng hơn, khi các Chính phủ thật sự quyết tâm thì các cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài sẽ sẵn sàng đóng góp.

Nhưng tôi cũng muốn nói rằng, việc xây dựng trường ĐH tốt cũng giống như làm vườn ở Nhật Bản, rất đẹp, cầu kỳ nhưng không bao giờ có điểm kết thúc cả. Vì vậy, sự nỗ lực phải liên tục.

Cảm ơn ông!

Hạnh Phương (thực hiện)
(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Kết thúc kỳ thi Olympic toán học quốc tế: Sáng ngời hai chữ Việt NamTư vấn trực tuyến: ĐH FPT tuyển sinh
10 năm với bài toán 1.000 trí thức Việt kiều - Bài 3: Nhà khoa học VN ở nước ngoài: Về nước hay "nằm vùng"?10 năm với bài toán 1.000 trí thức Việt kiều - Bài 2: Chọn đúng người, dùng đúng cách
10 năm với bài toán 1.000 trí thức Việt kiều - Bài 1: Thu hút trí thức Việt kiều: Lời giải nào?10 thủ phủ công nghệ của thế giới
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11