(Post 25/08/2007) Khi vị thế khoa học của ta
quá thấp thì nhìn người nào ở nước ngoài cũng “lung linh”. Quan trọng
nhất là lựa chọn đúng người và phù hợp với điều kiện của ta. Khi không
thể thu hút bằng lương, thì phải sử dụng cách nào để “lôi kéo” các nhà
khoa học VN ở nước ngoài trở về?
Nhóm
du học sinh giỏi cũng là đối tượng tiềm năng cần nhắm tới. Ảnh:
VEF |
|
Không phải cứ “lung linh” là phù hợp
Không chỉ nguồn chất xám chất lượng cao với những tri
thức, công nghệ hiện đại mà các nhà khoa học VN ở nước ngoài còn có thể
mang về cho các trường ĐH của VN phương pháp làm việc tiên tiến trên thế
giới. Đồng thời, với phong cách làm việc chuyên nghiệp và niềm say mê
khoa học, những người này có thể thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học,
thổi bùng ngọn lửa hoài bão trong đội ngũ cán bộ trẻ.
Để phát huy được tối đa nguồn lực trí thức Việt kiều,
vấn đề đầu tiên đặt ra là các trường ĐH của VN phải lựa chọn những nhà
khoa học thực sự, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát
triển của mình.
GS. Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ chia
sẻ: “Khi vị thế khoa học của nước ta quá thấp thì chúng ta nhìn người
nào ở nước ngoài cũng “lung linh”. Kể cả khi họ có “lung linh” thật thì
có thể họ và ta không tương thích với nhau”. Vì thế, theo GS. Đức, trước
hết các trường ĐH VN phải xây dựng đủ lực cả về lực lượng và trình độ
khoa học mới có thể đủ sức chọn được độ “lung linh” phù hợp và từ đó mới
có thể “hấp thụ” được những tiến bộ khoa học mà GS Việt kiều chuyển giao.
Một GS Việt kiều đã giảng dạy ở VN gần 3 năm cho biết,
ông chưa hề truyền đạt được cho SVVN những tri thức hiện đại mà ông tiếp
thu được ở nước ngoài bởi lẽ trình độ khoa học của ta chưa đạt đến mức
tiếp cận với những kiến thức đó. GS này cũng cho rằng VN chưa thực sự
có nhu cầu về nguồn tri thức chất lượng cực cao.
Bên cạnh đó, cũng phải có đủ thông tin để chọn đúng người,
mời đúng người. Có thể thông qua các mối quan hệ hoặc lên mạng tìm thông
tin về các công trình khoa học, bài báo khoa học để “kiểm định” chất lượng
nhà khoa học Việt kiều.
Trên website của các trường ĐH trên thế giới thường có
thông tin rất đầy đủ về đội ngũ giảng viên của họ,
PGS. Tạ Phương Hòa (Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế,
ĐH Bách khoa Hà Nội) nhấn mạnh: “Nếu không lựa chọn kỹ càng, chính xác
thì không những chúng ta chọn nhầm những GS “dởm” mà đội ngũ trí thức
Việt kiều sẽ không tin tưởng vào khả năng tìm người, sự thẩm định khoa
học của các trường ĐH trong nước nữa.”
Nhóm nào thích hợp?
Muốn “lôi kéo” được các nhà khoa học VN ở nước ngoài
về nước, cần hiểu rõ những thuận lợi và khó khăn của họ khi về VN công
tác.
Có thể chia trí thức Việt kiều thành 4 nhóm theo độ tuổi
và vị thế khoa học.
Nhóm thứ nhất là những nhà khoa học tương đối trẻ, trong
độ tuổi từ 30 đến 50. Những người này đang nỗ lực khẳng định chỗ đứng
của mình tại nơi họ đang làm việc. Đồng thời, họ cũng có con trong độ
tuổi đến trường nên khó có thể về VN trong khoảng thời gian dài.
Trong nhóm này, sẽ có một vài cá nhân xuất sắc có thể
tìm được những khoản quỹ tài trợ nghiên cứu cho một số dự án cụ thể và
họ có thể về VN để dạy những khóa tập trung hoặc tổ chức seminar, hội
thảo bằng nguồn tiền đó. Khi quay trở lại nước ngoài, họ vẫn có thể tiếp
tục hướng dẫn SV VN qua email, skype…
GS. Lan Trần Giễn (ĐH Memorial, Canada), một nhà khoa
học Việt kiều thường xuyên về nước thực hiện các dự án về y tế cộng đồng
đề xuất nên tận dụng “năm nghỉ phép” của các GS Việt kiều để mời họ về
VN làm việc. Ở Bắc Mỹ, các GS cứ làm việc 6 năm thì được 1 năm nghỉ phép
được nghỉ ngơi thoải mái, không phải đi dạy nhưng vẫn được hưởng 80% lương.
Nhóm thứ hai là những GS mấp mé độ tuổi nghỉ hưu (từ
51 đến 65 tuổi). Họ đã có địa vị nhất định và con cái cũng đã trưởng thành,
ít phụ thuộc vào bố mẹ. Tuy nhóm này có thể có điều kiện dễ dàng đi làm
việc ở nhiều nơi nhưng họ đều đang trong độ “chín”, vừa sung sức vừa có
kinh nghiệm, lại đang ổn định công việc ở các trường ĐH nước ngoài nên
rất khó “lôi kéo” về nếu không có đãi ngộ hợp lý.
Ngoài ra còn nhóm những GS đã nghỉ hưu. Nhóm này có rất
nhiều kinh nghiệm và thời gian, và hầu hết họ đều học phổ thông tại VN
nên có sự gắn bó mật thiết với VN. Hạn chế lớn nhất của họ là vấn đề sức
khỏe.
Có ý kiến cho rằng, thêm một nhóm trí thức VN ở ngoài
nước mà chúng ta nên nhắm tới để tập trung thu hút là những du HS giỏi
được giữ lại giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nước ngoài. Trên thực tế,
ai cũng hiểu rằng, để thu hút được nhóm này về nước là vấn đề không đơn
giản. Nó phụ thuộc vào một chính sách hợp lý với đội ngũ nhà khoa học
trong nước nói chung chứ không còn là vấn đề trí thức ngoài nước nữa.
Nhưng GS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, biện pháp lôi kéo
nhóm SV du học vẫn chỉ là một cách và thậm chí chỉ là cách làm “ăn xổi”.
Thực tập sinh của ta ở nước ngoài dù giỏi nhưng vẫn chỉ làm theo sự hướng
dẫn của các GS theo kiểu “chỉ đâu đánh đấy” chứ chưa đủ độ độc lập trong
nghiên cứu. Quốc gia nào cũng muốn chứng kiến thành công của công dân
trên chính đất nước mình. Theo hướng đó, thì các mô hình đào tạo chất
lượng cao, trình độ theo địa chỉ, thực hiện ngay ở trong nước sẽ có hiệu
quả và tính bền vững cao hơn.
Trao “thực quyền” cho trí thức Việt kiều
Khi không thể cạnh tranh với các trường ĐH nước ngoài
bằng lương thì vấn đề mấu chốt chính là sự tôn trọng và cách thức tổ chức
khoa học để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho trí thức Việt kiều về làm
việc.
GS. Huỳnh Hữu Tuệ - người đã từ bỏ mức lương 10.000 USD/tháng
ở ĐH Laval (Canada) để về VN làm chủ nhiệm bộ môn Xử lý thông tin, thuộc
khoa Điện tử Viễn thông, ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) khẳng định: “Không
cần quá nhiều ưu đãi mà cần một môi trường làm việc tốt, đến thời điểm
thích hợp, trí thức Việt kiều sẽ tự động về".
Những chính sách rộng mở, thể hiện sự tôn trọng và khẳng
định mong muốn thu hút đội ngũ nhà khoa học ở nước ngoài trở về chính
là chất kích thích để “lôi kéo” họ về.
GS. Lan Trần Giễn khẳng định: “Quan trọng hơn cả, các
nhà khoa học Việt kiều cần được tham gia thực sự vào quá trình hoạt động
của các trường ĐH về chính sách, việc tuyển giảng viên, đường lối phát
triển…”.
Thông qua các dự án khoa học, không những không cần thù
lao mà một số trí thức Việt kiều còn mang về cả một nguồn tài chính. GS.
Lan nhấn mạnh: “Phía VN cần tạo điều kiện để các trí thức VN hợp thức
hoá sử dụng nguồn quỹ dự án đó bằng cách chỉ định những GS này làm cố
vấn cho các trường ĐH. Như vậy, họ có thể về nước tổ chức các seminar,
hội thảo, giảng dạy mà không phải sử dụng tiền của các trường".
Ở nước ngoài, các khoá học và chương trình học phụ thuộc
vào GS. GS mạnh về môn nào thì họ mở khoá đó còn ở VN, các khoá học lại
phụ thuộc vào chương trình đặt ra nên có thể không tận dụng được thế mạnh
của các GS.
GS. Nguyễn Quốc Bình (Phó GĐ Trung tâm Công nghệ sinh
học TP.HCM) cho rằng các chương trình giảng dạy của ta “Việt Nam quá”,
chưa tiêu chuẩn hóa theo thế giới nên hạn chế nhiều sự tham gia của GS
Việt kiều. GS. Bình chia sẻ: “Các trường chỉ yêu cầu chúng tôi dạy những
gì họ thiếu trong khi mấu chốt là phải thay đổi toàn bộ chương trình.
Cần giao cho tr í thức Việt kiều xây dựng lại chương trình vì kiến thức
của ta đã quá lạc hậu so với thế giới, dẫn đến sự khập khiễng".
Lan Hương
(theo VietNamNet)
|