(Post 08/08/2007) "Các trường ĐH VN tồn
tại nghịch lý là uy tín của họ phụ thuộc vào chất lượng đầu vào chứ không
phải đầu ra. Cách đánh giá chất lượng giảng viên và SV của VN có sự khác
biệt lớn với nhiều nước trên thế giới. Nhiều "tiêu chuẩn đạt được"
của SV còn vắng bóng".
TS Peter
Gray |
|
TS Peter J. Gray, Học viện Hải quân Hoa Kỳ, tác giả trên
40 ấn phẩm về đánh giá chất lượng giáo dục cho biết như vậy trong câu
chuyện với VietNamNet khi kết thúc khảo sát thực tế tại một số trường
ĐH ở VN.
Hiện tại, hầu hết các trường ĐH Việt Nam đang tuyển
sinh theo mô hình chung cách thức tổ chức và sử dụng kết quả. Sắp tới,
Bộ GD-ĐT Việt Nam có dự định sẽ bỏ kỳ thi ĐH. Theo ông, đâu là cách thức
hiệu quả nhất để tuyển được những SV tốt nhất và phù hợp nhất với mục
đích đào tạo của mình?
- Trong những buổi hội thảo của đoàn chuyên gia Mỹ tại
VN, tôi nhận thấy đại diện các trường ĐH VN thảo luận rất nhiều về vấn
đề trao quyền tự chủ cho các trường, trong đó có tự chủ tài chính, tự
chủ xây dựng chương trình và tự chủ tuyển sinh.
Vì vậy, nếu bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH trên toàn quốc, phải
cho phép các trường tự chủ trong việc đưa ra tiêu chí và cách thức tuyển
chọn SV.
Tiêu chí đầu vào này lại phải phụ thuộc vào đánh giá
đầu ra, những phẩm chất cần có của SV. Các trường cũng nên mời những chuyên
gia, những người thành đạt trong lĩnh vực mình đào tạo làm cố vấn xây
dựng tiêu chí đầu vào.
Ở Mỹ, mỗi trường có cách thức tuyển sinh khác nhau. Có
trường sử dụng kết quả học tập thời THPT nhưng cũng có trường tổ chức
kỳ thi tuyển riêng. Điều đó phụ thuộc vào mục đích, yêu cầu của từng trường.
Là một chuyên gia đánh giá chất lượng giáo dục, sau
khi tiếp xúc và làm việc với nhiều giảng viên (GV), SV VN, ông có đánh
giá như thế nào về chất lượng của họ?
- Tôi nhận thấy SV VN rất năng nổ, nhiệt tình và có ý
chí vươn lên. Nhưng họ chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà trường về
phương pháp học tập tích cực. Lý do chính là SV phải học quá nhiều môn,
thời lượng học trên lớp quá lớn, cơ sở vật chất của trường thiếu thốn...
Nhược điểm của SV VN nói chung là thiếu khả năng suy
nghĩ độc lập, làm việc nhóm và xây dựng kế hoạch. Nhưng đây không phải
lỗi của họ mà là lỗi của hệ thống giáo dục.
Các GV VN rất năng động và mong muốn được cống hiến nhưng
họ lại được trả lương theo số giờ dạy chứ không phải trả lương theo vị
trí như ở Mỹ. GV VN phải dạy quá nhiều giờ để kiếm đủ tiền trang trải
cuộc sống.
Còn một thực tế nữa là các giáo viên cũng bị ảnh hưởng
bởi hệ thống giáo dục nên không thể hướng dẫn cho SV phương pháp học tập
tích cực. Bởi, chính bản thân những giáo viên đó cũng chưa được hưởng
thụ phương pháp này.
TS. Peter J. Gray tốt nghiệp
tiến sĩ Tâm lí Giáo dục tại Trường ĐH Oregon và tốt nghiệp thạc
sĩ về Lý thuyết Chương trình Đào tạo tại Trường ĐH Cornell. Chuyên
sâu của ông trong lĩnh vực giáo dục ĐH bao gồm: công tác đánh giá
kết quả học tập của SV; đảm bảo chất lượng; thiết kế, phát triển
và đánh giá các môn học, chương trình đào tạo, ngành học; kĩ năng
lãnh đạo và lập kế hoạch cho sự thay đổi.
Từ năm 1984-2002, ông là
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Giảng dạy và Học tập của ĐH Syracuse.
Tháng 8/2002, ông giữ chức GĐ Đánh giá Đào tạo, Trung tâm Bồi dưỡng
Giảng viên, Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Tại đây ông chịu trách nhiệm
xây dựng và phát triển một chương trình đánh giá chất lượng học
thuật có quy mô lớn.
Ông là tác giả của trên 40
ấn phẩm về đánh giá chất lượng giáo dục. |
"Đánh giá chất lượng của Việt Nam quá khác
biệt thế giới"
SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) tại lễ
nhận bằng tốt nghiệp ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng
Vậy theo ông, VN nên sử dụng những phương pháp nào
để đánh giá chính xác chất lượng GV và SV?
- Cách đánh giá chất lượng giảng viên và SV của VN có
sự khác biệt lớn với nhiều nước trên thế giới. Ở Mỹ, chúng tôi sử dụng
rất nhiều hình thức đánh giá nhưng ở VN chủ yếu tập trung vào đánh giá
cuối cùng. Vì thế, đôi khi GV và SV không biết phải nâng cao mặt nào trong
quá trình giảng dạy, học tập.
Ở VN, SV chỉ có kỳ thi cuối kỳ mà ít khi có bài tập về
nhà hoặc những dự án trong suốt quá trình học. Điều này cũng xuất phát
từ thực trạng GV phải dạy quá nhiều tiết và không có trợ giảng chấm bài
giúp.
Còn GV thường được đánh giá theo các kỳ, vài tháng hoặc
1 năm mới có kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng GV.
Qua khảo sát ở một số trường ĐH của VN, chúng tôi nhận
thấy các trường không có sự khuyến khích đối với GV trong việc nâng cao
kỹ năng giảng dạy, chất lượng môn học, chương trình đào tạo, và khả năng
nghiên cứu vì sự đề bạt và tăng lương thường dựa vào khối lượng giảng
dạy và thâm niên, không dựa trên thành tích hay khả năng nghiên cứu.
Tôi nghĩ, các trường cần thiết lập chế độ thưởng theo
thành tích, thưởng và ghi nhận các giáo viên có những cải tiến trong công
tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Ở Mỹ, GV được đánh giá thường xuyên bởi chính SV, đồng
nghiệp, cấp trên và các tổ chức chuyên đánh giá chất lượng độc lập được
mời từ bên ngoài trên các mặt như sự chuẩn bị bài giảng, phương pháp giảng
dạy và những đóng góp cho sự phát triển của khoa, trường.
Qua những lần đánh giá này, các GV không đảm bảo chất
lượng sẽ được gửi đến những trung tâm phát triển và bồi dưỡng chất lượng
giảng dạy và học tập để trau dồi thêm nghiệp vụ. Đồng thời, các trường
cũng thường xuyên tổ chức tập huấn về phương pháp giảng dạy cho đội ngũ
GV.
Theo tôi, VN nên thành lập những Trung tâm về giảng dạy
và học tập và Trung tâm đánh giá chất lượng trường để vừa làm nhiệm vụ
đánh giá, vừa giúp đỡ các trường nâng cao chất lượng GV, SV.
"Nhiều phạm trù còn vắng bóng"
Theo một khảo sát mới đây, ở VN tồn tại một nghịch
lý là uy tín của các trường phụ thuộc vào chất lượng đầu vào chứ không
phải chất lượng đầu ra.Thưa ông, nghịch lý này nên khắc phục thế nào?
- Trước tiên, mỗi trường phải xác định được sứ mệnh,
nhiệm vụ: đào tạo ra những SV như thế nào.
Ở Mỹ, chúng tôi xác định 4 phạm trù lớn bao gồm các yếu
tố mà SV phải đạt được sau khi tốt nghiệp. Đó là: kiến thức chuyên biệt
cho từng ngành học, các kỹ năng suy nghĩ, kiến thức chung và nhân cách.
Mỗi phạm trù lại có những mảng khác nhau.
Kiến thức chung là khả năng giao tiếp, suy nghĩ phân
tích và giải quyết vấn đề, sử dụng các phương tiện kỹ thuật thành thạo,
kiến thức lịch sử, nhận thức về những vấn đề toàn cầu, trải nghiệm và
đánh giá những nền văn hóa khác nhau... Đây là phạm trù tôi thấy còn vắng
bóng tại các chương trình đạo tạo ở VN.
Trong kỹ năng suy nghĩ có khả năng ghi nhớ kiến thức,
hiểu, sử dụng kiến thức trong những tình huống quen thuộc hoặc mới lạ,
phân tích thông tin, tổng hợp và đánh giá thông tin.
Những yếu tố đầu ra về nhân cách cũng rất quan trọng
bao gồm sự tự tin, trung thực, đạo đức, khỏe mạnh về thể chất và tinh
thần, tính chuyên nghiệp và trách nhiệm trong công việc, tôn trọng người
khác, khả năng làm việc nhóm cũng như tố chất lãnh đạo...
Tất nhiên, không có SV nào có thể đạt được tất cả những
yếu tố trên. Mỗi khoa, mỗi trường cần xác định những yếu tố phù hợp trong
4 nhóm đó để xây dựng tiêu chí phẩm chất cần thiết đối với SV của mình.
Bên cạnh đó, các trường cũng cần có mối liên hệ mật thiết
với các công ty bên ngoài để biết SV sau khi tốt nghiệp có đáp ứng được
yêu cầu công việc hay không.
Ở Mỹ, các trường đều có một trung tâm, thậm chí một khoa
chỉ chuyên làm đầu mối liên lạc với các cựu SV. Qua những thông tin phản
hồi gửi về từ các cựu SV này, nhà trường có thể đánh giá được chất lượng
đầu ra của mình.
Xin cảm ơn ông!
Lan Hương
(theo VietNamNet)
|