10 năm với bài toán 1.000 trí thức Việt kiều - Bài 1: Thu hút trí thức Việt kiều: Lời giải nào?  
 

(Post 22/08/2007) "Trong 10 năm tới, cố gắng thu hút vài trăm, thậm chí 1.000 nhà khoa học Việt kiều về làm việc tại các cơ sở giáo dục VN". Đó là tuyên bố của Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong một buổi làm việc tháng 1/2007. "Cởi trói" về thủ tục và trả thù lao "tương xứng" liệu đã phải là lời giải thích hợp cho bài toán "10 năm = 1000 trí thức Việt kiều” chưa?

Nhiều trí thức Việt kiều mong muốn đóng góp cho sự phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, khoa học. Ảnh tại lễ Vinh danh nước Việt 2007: Lê Anh Dũng

Bài 1: Thu hút trí thức Việt kiều: Lời giải nào?

Hiện nay, các chuyên viên của một số bộ, ngành đang soạn thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thu hút các nhà khoa học ở ngoài nước tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các cơ sở giáo dục ĐH VN. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng đề án thu hút trí thức Việt kiều. Nhiều trường ĐH cũng đã chủ động mời các nhà khoa học VN ở nước ngoài về giảng dạy và nghiên cứu nhưng số lượng còn quá ít ỏi.

"Cởi trói" thủ tục

Trong điều kiện nước ta hiện nay, để thu hút được một nguồn lực lớn các trí thức VN ở ngoài nước về làm việc tại các cơ sở giáo dục ĐH trong nước là điều không đơn giản.

PGS.TS Phan Thanh Bình (GĐ ĐHQG TP.HCM) cho biết, hiện nay trường có khoảng 10 nhà khoa học Việt kiều đang làm việc cố định tại đây. Bên cạnh đó còn khoảng 30 người khác thỉnh thoảng bay về giảng dạy.

Với ĐH “trọng điểm của trọng điểm” bao gồm nhiều trường thành viên như vậy thì con số nhà khoa học Việt kiều vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng thực sự. Nhiều ĐH trọng điểm khác như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên…, con số này còn thấp hơn nhiều, thậm chí có trường chưa từng mời được một nhà khoa học Việt kiều nào về giảng dạy hay nghiên cứu.

PGS.TS Phan Thanh Bình cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang làm việc với Ủy ban người VN ở nước ngoài TP.HCM lên kế hoạch thành lập một trung tâm để mời nhà khoa học Việt kiều về làm việc một cách bài bản hơn. Nhưng để làm được việc này lại cần giải quyết một loạt vấn đề liên quan đến chính sách".

GS Lan Trần Giễn (ĐH Memorial, Canada), người đã nhiều lần về VN thực hiện các dự án y tế cộng đồng, bày tỏ: “Chính phủ cần có chính sách cởi mở để trí thức Việt kiều biết rằng họ được mong chờ và đánh giá cao. Không chỉ công bố rộng rãi chính sách này mà Chính phủ nên viết thư trực tiếp cho những cá nhân cần mời. Đại sứ quán VN ở các nước cũng cần năng động hơn trong việc phổ biến chính sách".

Theo dự thảo quyết định của Chính phủ về việc thu hút trí thức VN ở ngoài nước tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các cơ sở giáo dục ĐH VN thì sắp tới sẽ có nhiều “cởi trói” về thủ tục cho đội ngũ này. Họ sẽ được cấp thị thực xuất nhập cảnh nhiều lần, tạo điều kiện lưu trú tại VN trong thời gian hợp đồng, miễn giấy phép lao động khi có hợp đồng làm việc với cơ sở giáo dục ĐH từ 1 năm trở lên, được hỗ trợ tạo điều kiện về chỗ ở, phương tiện đi lại, tái xuất phương tiện giao thông và miễn thuế nhập khẩu các thiết bị và tài liệu khoa học cần thiết.

Đồng thời, các nhà khoa học Việt kiều cũng sẽ được ưu tiên tuyển chọn chủ trì các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp và được thừa nhận các chức danh khoa học hiện có.

GS Lan Trần Giễn bày tỏ: “Nhà nước nên tạo điều kiện để trí thức Việt kiều về VN mua nhà vì ở khách sạn tương đối tốn kém, lại không đảm bảo điều kiện sinh hoạt thoải mái để chúng tôi yên tâm làm việc".

Tuy nhiên, để thực hiện được chính sách này cần phải có sự thay đổi đồng bộ cả chính sách thuế, xuất nhập cảnh… và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ liên bộ giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an.

Lương có phải mối quan tâm hàng đầu của Việt kiều khi về nước. Ảnh: Các trí thức Việt kiều trao đổi tại lễ Vinh danh nước Việt 2007. Ảnh: LAD

Cách nào để trả lương "tương xứng"?

Cũng theo dự thảo nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở giáo dục ĐH được phép tự chủ thực hiện chế độ trả lương tương xứng với năng lực của chuyên gia ở nước ngoài và khả năng tài chính của cơ sở.

Nhưng thế nào là “trả lương tương xứng” khi mà lương của các GS Việt kiều tại các nước phát triển đều hàng chục ngàn đô la Mỹ mỗi năm? Với tình hình tài chính của các trường ĐH VN hiện nay thì trả lương theo mức này quả thực là không tưởng.

Đa số các nhà khoa học VN ở nước ngoài hiện nay về nước đều với tinh thần tự nguyện đóng góp công sức cho nền giáo dục nước nhà. Họ sẵn sàng nhận mức lương khiêm tốn so với con số hàng ngàn đô la Mỹ mỗi tháng ở nước ngoài.

Theo GS Nguyễn Quốc Bình (Phó GĐ Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM) thì dù không thể trả thù lao cao như các nước phát triển, ít nhất chúng ta cũng phải trả lương cho các nhà khoa học Việt kiều bằng với mức lương của GS các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia.

Rõ ràng hiện nay chúng ta chưa thực sự tôn trọng chất xám chất lượng cao mà vẫn coi đó là lao động bình thường như các lao động phổ thông khác. Một công nhân được trả lương 2 triệu đồng/tháng mà một giảng viên ĐH với nhiều đầu tư học hỏi, nghiên cứu cũng chỉ được trả 2 triệu.

GS Bình đề xuất: “Đối với những GS hàng đầu, không phân biệt ở VN hay từ nước ngoài về, thì phải đặt mức lương cao hẳn. Có thể thí điểm một số trường trả lương khoảng 1.000 USD/tháng cho GS đầu đàn. Đó không còn là ưu đãi mà là sự sòng phẳng đối với những người có năng lực".

Nhưng với tiềm lực tài chính như hiện nay, không có nhiều trường ĐH đủ khả năng chi trả mức lương này.

Vì thế, theo dự thảo nghị quyết Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo tài chính, bên cạnh việc tự chủ mức lương cho GS Việt kiều, các trường ĐH cũng sẽ được tự chủ trong việc quy định mức học phí đối với người học theo các chương trình đào tạo có sự tham gia của chuyên gia ở nước ngoài.

GS Nguyễn Quốc Bình tin tưởng: “Dù học phí cao nhưng nếu chất lượng tốt thì vẫn có SV theo học bởi thực tế cho thấy các trường phổ thông quốc tế ở Hà Nội và TP.HCM có mức học phí hàng nghìn USD nhưng vẫn đông HS".

Đối với những SV giỏi nhưng không đủ khả năng tài chính thì Nhà nước và bản thân các trường có thể tạo điều kiện cho họ theo học những chương trình có sự tham gia của chuyên gia VN ở nước ngoài bằng cách cho vay học phí hoặc hỗ trợ học bổng.

Các nước láng giềng như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc… đều đã tương đối thành công khi đặt ra chính sách hợp lý thu hút trí thức ở nước ngoài hồi hương thông qua các dự án, chương trình cấp quốc gia. Thông qua những chương trình trọng điểm này, nhà nước sẽ phân bổ đội ngũ này về các trường thực hiện dự án và nhà nước chứ không phải các trường phải trả lương cho họ. Như vậy, các trường không phải lo về tài chính mà vẫn có thể sử dụng được những nhà khoa học từ nước ngoài về.

GS Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ cũng rất tán đồng với chính sách này: “Khi nhà trường có một đề tài cụ thể, nhiệm vụ khoa học - công nghệ cụ thể thì mới nên mời GS ở nước ngoài về tham gia. Còn nếu chỉ dừng lại ở việc giảng dạy thì phải đợi rất lâu nữa khoa học - công nghệ nước nhà mới có thể tạo ra được các yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế tri thức".

Lan Hương
(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


10 thủ phủ công nghệ của thế giớiThu hút đầu vào các trường dân lập: Tại sao khó?
Báo chí nước ngoài viết về dạy thêm học thêm ở Việt Nam"Đánh giá chất lượng giáo dục VN quá khác biệt thế giới"
IAS - Học viện độc đáoChiến lược nhân tài của Singapore
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11