Báo chí nước ngoài viết về dạy thêm học thêm ở Việt Nam  
 

(Post 11/08/2007) Thế giới bây giờ thật là nhỏ bé! Trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã tường. Chuyện học thêm ở nước ta, không ngờ đã vang ra cả thế giới. Bằng chứng là một bài báo của Guillaume Jan đăng trong tạp chí nổi tiếng của Pháp Thế Giới Giáo Dục nói về chuyện học thêm ở Việt Nam với đầu đề Những lớp học tư bị cấm đoán… nhưng vẫn được khuyến khích mạnh mẽ. Sau đây là nội dung bài báo.

Ngoài giờ học ở trường, một số em còn đi học thêm. Ảnh: T.B

Giữa trưa, giờ tan học ở quận Đống Đa, Hà Nội, Tâm cậu bé 14 tuổi, áo trắng, mũ catket bằng vải jean, lưng đeo cặp, luồn lách qua xe máy và xích lô để nhập vào đám bạn bè ở công viên bên cạnh. Các em đến đó ăn vội vã dưới bóng cây thông, trước khi đi học ở một “trường khác”. Cũng như phần đông học sinh Việt Nam, khi tan học ở trường công vào giữa ngày, Tâm và các bạn đi củng cố kiến thức ở các lớp dạy thêm, những chỗ học bán công khai trong những căn phòng biến thành lớp học. Thật vậy về lý thuyết, các lớp học đó là bất hợp pháp vì Luật giáo dục năm 1998 cấm “thương mại hóa hoạt động giáo dục”. Nhưng chính quyền tỏ ra mềm dẻo từ ngày ĐỔI MỚI (nguyên văn) năm 1986, sáng kiến cá nhân được phát huy cùng với việc Nhà nước nới lỏng sự độc quyền trong các việc công. Chính trong bối cảnh đó mà “các lớp tư” được mở nhiều hơn trong 10 năm gần đây, đến nỗi được học sinh chuộng hơn cả trường công.

Trường lớp công, tư tồn tại song song trong từng quận ở Hà Nội và tất cả các thành phố trong cả nước. Chỉ cần chú ý một chút cũng nhận ra ngay: một đống xe đạp, xe máy tràn cả đường, giọng thầy giáo vọng ra từ một cửa sổ mở… Thường lớp học là phòng khách hay phòng ăn, sắp xếp để thành lớp, thuê từng năm của chủ nhà, hoặc tầng trệt một nhà 4 tầng ở cuối một lối đi nhỏ của một biệt thự tư nhân.

Chủ nhà, bà Trần Huyền Minh, 50 tuổi, đợi học sinh lớp buổi chiều. Bà thu “1 triệu đồng một tháng” (50 Euro), bằng lương thợ điện của chồng. Họ mở các lớp này năm 1999. “Lúc đầu thì UBND cũng yêu cầu chúng tôi đóng cửa, nhưng rồi họ cũng nhượng bộ khi thấy nhiều phụ huynh kiên quyết đòi giữ lại”.

Hiện nay có đến hàng chục “lớp chui” trong quận. “UBND làm lơ cho, bù lại họ cũng thu được tiền bồi dưỡng…”, bà nói.

13 giờ Tâm và các bạn có mặt ở lớp, học Anh văn, vật lý, toán. Khi chúng về, trời đã tối. “Chiều nào, kể cả thứ bảy, chủ nhật con cũng học ở đây”. Nó theo học các “siêu lớp” từ năm 6 tuổi. Dậy từ 6 giờ sáng, học suốt ngày đến nửa đêm để làm xong bài. Cũng như đa số các gia đình khá giả ở thành phố, cha mẹ nó là dược sĩ, đã chi tiêu nhiều cho việc học của con. Ở những gia đình nghèo hơn, một số phải mắc nợ nhiều năm để đảm bảo cho con cái thi đậu. Tiền học thêm khá cao, từ 0,3-0,5 euro một giờ, trong khi thu nhập trung bình một gia đình là 100 euro/ tháng.

Cũng như nhiều em khác, Tâm bị gia đình bắt buộc phải thi đậu: con một, nó phải tìm được một việc làm có lương khá để có thể nuôi cha mẹ, ông bà càng ngày càng già yếu, trong một nước mà bảo hiểm hưu trí hầu như chưa có. Ở Việt Nam trường hợp như Tâm không có gì đặc biệt. Để đáp ứng với sức tăng dân số (gấp đôi trong 30 năm), Nhà nước đã đề ra chính sách hạn chế sinh đẻ như ở Trung Quốc. Kết quả: thanh niên thế hệ mới phải một mình nuôi dưỡng những người già cả. Được gửi gắm hy vọng lớn, học sinh không có con đường nào khác là phải có một tấm bằng, công cụ cần để có một chỗ làm lương cao. Đó là nguyên nhân của các lớp dạy thêm, được xem như một nhân tố hỗ trợ sự thành công, trong khi chất lượng giáo dục công bị đánh giá là kém hơn.

Do cầu rất lớn, nên cung đáp ứng ngay, lợi dụng được sự bất cập của lĩnh vực công để khai thác thời cơ kiếm tiền. Dịch vụ “lớp tư” đem lại thu nhập rất khá cho giáo viên, vốn lương còn thấp (chính thức chỉ 700.000 đồng = 35 euro/ tháng). Cũng như mọi công chức Việt Nam, họ bắt buộc phải làm thêm một công việc thứ hai. Đó là trường hợp của bà Đàm Thu Trang, giáo viên Anh văn ở một trường của quận, dạy buổi chiều. “Lớp dạy tư cho tôi thu nhập gấp ba. Mỗi học sinh trả cho tôi 20.000 đồng (1 euro)/ buổi”, bà nói. Dạy mỗi tuần một buổi, bà cũng lãnh được 50 euro/ tháng.

Cuối cùng, xung quanh các lớp dạy tư là cả một thị trường: nhiều chủ nhân các phòng học ở tầng trên, mở quán ăn ở tầng trệt. Thu nhập của họ cộng với “tiền bồi dưỡng” của các người giữ xe đạp, xe máy cho học sinh, cũng gấp ba, gấp bốn lần thu nhập bình quân. Điều đó tất nhiên dẫn việc phải “biết điều” với quan chức địa phương để họ làm ngơ cho. “Ở Việt Nam các lớp dạy tư xếp đặt mọi việc”, bà Nguyễn Ánh nói. Bà dạy Anh văn ở Đại học Bách khoa và là mẹ của con trai 16 tuổi. Bà nói: “Cha mẹ đi làm buổi chiều, biết chắc con mình đang đi học. Về phía giáo viên, họ tăng thu nhập gấp ba. Và Chính phủ cách đây mấy năm còn làm ngơ một cách khó khăn các cơ sở dạy tư thì bây giờ đã tỏ ra dễ dãi, vì họ thấy được những ích lợi khi để cho các trường tư tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Các trường tư tự tổ chức lại để đáp ứng với sự mở cửa của Nhà nước, tuy làm như vậy có nguy cơ tăng sự bất bình đẳng, là điều mà ngành giáo dục đã lưu ý từ đầu.

Bà Tuyết Nhung, phụ trách chương trình song ngữ Pháp Việt ở Bộ Giáo dục nói: “Nhiều buổi học vô ích, cũng vẫn giáo viên đó dạy lại bài đã dạy buổi sáng ở lớp mới chật ních. Nhiều phụ huynh cảm thấy bị lừa…”.

Nhà nước có vẻ muốn xác định vai trò hợp pháp của các trường tư, nhưng vị trí của chúng cũng còn mờ nhạt.

Giáo sư về hưu tên Phương, tiếp tục dạy ở trường tư nói: “Việt Nam sống trong một hệ kinh tế có hai tốc độ, hệ thống đó hiện nay vận hành tốt. Mọi người cảm thấy hài lòng trong hệ thống đó”.

Tất cả hài lòng, trừ học sinh ra; các em sống trong sức ép của học tập như những nhà tu khổ hạnh. Trước khi về nhà làm bài, Tâm than thở: “Con cảm thấy mình sống như một rô-bốt”.

Phan Thanh Quang
(theo Guillaume Jan trong Thế Giới Giáo Dục của Pháp)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


"Đánh giá chất lượng giáo dục VN quá khác biệt thế giới"IAS - Học viện độc đáo
Chiến lược nhân tài của SingaporeBộ GD-ĐT chậm công bố thang điểm trắc nghiệm: Thiếu tự tin hay mắc bệnh thành tích?
Time viết về thi cử và giáo dục đại học ở Việt NamĐi tìm "sức đẩy" để CNTT "cất cánh"
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11