10 năm với bài toán 1.000 trí thức Việt kiều - Bài 3: Nhà khoa học VN ở nước ngoài: Về nước hay "nằm vùng"?  
 

(Post 29/08/2007) "Lực lượng nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài còn mỏng so với nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... Phải có ý thức ở lại để "giữ ghế" trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu hàng đầu tại các nước phát triển". Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định như vậy, trong một buổi trò chuyện với các trí thức khoa học Việt Nam đang công tác tại nước ngoài.

Nhiều nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đang trao đổi kinh nghiệm tại một hội thảo. Ảnh: Hoàng Lê

Phải "giữ ghế" tại các nước phát triển

GS Lê Tuấn Hoa (Phó Viện trưởng Viện Toán học) phân tích vấn đề "về hay ở" trong hai tình huống.

Theo ông, nếu chưa có được công việc ổn định hoặc vị trí tốt ở nước ngoài thì nên về nước, sẽ có lợi cho cả 2 bên, cả đất nước và chính người đó. Về nước, nhà khoa học VN sẽ dễ dàng hơn trong việc kiếm học trò, tạo nhóm nghiên cứu.

Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, nếu có 1 lực lượng nhà khoa học Việt Nam ở lại các nước phát triển sẽ làm cầu nối vững chắc cho nền khoa học nước nhà.

Khi ở lại, họ có nhiều cơ hội để phát triển công trình nghiên cứu lớn của riêng mình. "Trước kia chúng ta không có công trình đăng trên những tạp chí lớn thì hiện nay lác đác đã có những tên tuổi VN trên những "vùng cấm" vốn chưa từng đặt chân đến" - ông nhận định.

Đồng thời, nhờ có GS VN "nằm vùng" tại các trường ĐH lớn mà SV và nghiên cứu sinh (NCS) VN có điều kiện sang học ở những trung tâm tốt nhất trên thế giới.

Đồng tình với ý kiến này, GS Phạm Hữu Tiệp (ĐH Florida, Mỹ) chia sẻ thêm rằng, mỗi khi tiếp nhận hồ sơ của NCS VN, đầu tiên ban xét tuyển của trường sẽ hỏi 1 số GS VN ở trường và dựa vào sự tiến cử của GS đó để xem xét. Các GS sẵn sàng dùng uy tín của mình để đảm bảo cho SV VN đi học.

“Muốn phát triển nền khoa học nước nhà, trước tiên chúng ta phải xác định mình đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới. Hiện nay, số người VN đang làm việc ở các trung tâm hàng đầu thế giới là con số rất khiêm tốn, người có vị trí ổn định không nhiều. Muốn nền khoa học của ta đi lên thì con số đó phải tăng lên” – TS Lê Minh Hà, người đã từng nhận bằng tiến sỹ tại Mỹ và về làm việc ở ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) 2 năm nay, nhận định.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định: "Chúng ta cần xây dựng tiềm lực khoa học cả trong và ngoài nước. Những người VN ở nước ngoài chỉ về luân phiên chứ không bỏ chỗ trống cho các nước khác "nhảy vào". Phải có ý thức "giữ ghế" của khoa học VN trong các nước phát triển”.

“Học xong tiến sỹ mà về nước ngay là sai lầm”

Đó là kinh nghiệm của TS Lê Minh Hà, rút từ trường hợp của bản thân và cả của người bạn đời cũng lấy bằng tiến sỹ tại Pháp và cùng về VN với anh. TS Hà cho rằng, đối với những người theo con đường nghiên cứu, sau khi lấy được bằng tiến sỹ ở nước ngoài, nên ở lại một thời gian để trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm.

“Dù gì đi nữa, việc sinh hoạt trong một môi trường khoa học phát triển, trao đổi, va chạm với những tư tưởng khoa học hiện đại, có cơ hội được dự những hội nghị quốc tế lớn… sẽ là những kinh nghiệm rất quý báu cho những nhà khoa học trẻ. Điều này, nếu về Việt Nam ngay sau khi ra trường, họ sẽ khó có được” – Đào Hải Long, giảng viên ĐH Utah nhận định.

Tuy nhiên, một số quy định hiện nay lại đang trói buộc điều này. "Những lưu HS VN xuất sắc sau khi tốt nghiệp phải được ở lại các nước phát triển để làm việc. Trong khi đó, các học bổng của ta như đề án 322 đều yêu cầu lưu HS phải về nước ngay sau khi tốt nghiệp. Điều này làm mất cơ hội phát triển chín muồi về khoa học của họ" - GS Vũ Kim Tuấn (ĐH West Georgia, Mỹ) nhận xét.

GS Tuấn kiến nghị Nhà nước nên cho phép SV ở lại sau khi tốt nghiệp để tạo chỗ đứng ở các trung tâm lớn và tiếp tục giúp đỡ những SV khác sau này.

Bên cạnh đó, yêu cầu "SV sau khi ra trường phải làm việc trong một cơ quan Nhà nước từ một năm trở lên mới được nhận học bổng của Nhà nước" cũng khiến nhiều SV giỏi "chạy" sang các công ty tư nhân hoặc công ty nước ngoài vì không đợi lâu được.

Vì vậy, ông Đỗ Đức Thái (Phó Chủ nhiệm khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội) đề nghị bỏ yêu cầu đó với SV giỏi, đặc biệt là SV từ những lớp cử nhân tài năng. "Nếu không, chúng tôi lại phải giải quyết thêm bài toán tìm cách cho các em vào biên chế rồi mới cử đi".

Đáp lại đề nghị của ông Thái, Thứ trưởng GD-ĐT Trần Văn Nhung khẳng định: "Theo quy định mới, không cần vào biên chế mà chỉ cần có hợp đồng là có thể được cử đi học nước ngoài".

Biến "holiday" thành "scientific-day"

Theo đề xuất của ông Nguyễn Tuấn Hoa, bên cạnh việc giúp đỡ SVVN sang học, các nhà khoa học VN ở nước ngoài có thể cố gắng trở về VN 1, 2 năm 1 lần, mỗi lần vài tháng để trực tiếp tìm kiếm học trò, xây dựng nhóm nghiên cứu tại chính VN.

“Nếu chỉ mời người ở nước ngoài về dạy mà không có sự hợp tác của đồng nghiệp trong nước thì khó có hiệu quả. Lý tưởng nhất là tạo nhóm nghiên cứu có cả thành phần trong và ngoài nước. Khi đó họ trở về tuy chỉ 1, 2 tháng nhưng không phải người xa lạ mà là tiếp tục công việc ở bên kia" - ông Hoa nói. Ông dẫn chứng, trước đây, GS Fedric Phạm đã xây dựng được 1 nhóm nghiên cứu mạnh ở trong nước về Hình học vi phân nhờ về nước 5, 6 tháng thường xuyên.

Tuy nhiên, GS Lê Tự Quốc Thắng (ĐH Georgia, Mỹ) bày tỏ khó khăn trong việc tìm kiếm cộng sự phù hợp: "Muốn tìm thông tin về các nhà khoa học VN trong nước để hợp tác nhưng không biết tìm ở đâu. Muốn biết năm vừa qua VN có bao nhiêu công trình nghiên cứu, ở những ngành nào thì không tìm được, trong khi ở Mỹ có thống kê khá đầy đủ".

Hình thức phối hợp cùng đào tạo nghiên cứu sinh cũng được nhiều nhà khoa học đánh giá là khá hiệu quả. Tuy nhiên, GS Đỗ Đức Thái (Phó Chủ nhiệm Khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội) bày tỏ: "Một giờ hướng dẫn NCS ở VN tương đương... 2kg gạo. Trong ngân sách đào tạo phối hợp, GS nước ngoài về VN chỉ có 1 vé máy bay trị giá 900 USD và 14 ngày ở khách sạn với mức phí 40 USD/ngày và không có sinh hoạt phí. Các GS không thể làm với tinh thần thiện nguyện như thế mãi được".

Tranh thủ các kỳ về nước nghỉ của các nhà khoa học VN ở nước ngoài, để mời họ giảng bài hoặc báo cáo tại hội thảo. Đó là một cách "tận dụng" họ khá tiện lợi của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Tuy nhiên, những chương trình này thường không có sự chuẩn bị trước mà làm theo kiểu "chộp giật" nên hiệu quả không cao.

GS Vũ Kim Tuấn (ĐH West Georgia) cho biết năm nào ông cũng về nghỉ hè ở VN khá lâu nhưng thời gian đó hoàn toàn là nghỉ ngơi, lên Viện Toán học cũng chỉ ngồi chơi chứ không thấy có việc gì cho mình đóng góp.

Ông Tuấn chia sẻ: "Một số nơi cũng mời tôi tới giảng bài nhưng vì không có sự chuẩn bị trước nên tôi không coi đó là sự hợp tác chính thức. Nếu họ lên kế hoạch trước, tôi sẽ chuẩn bị chu đáo nội dung bài giảng từ bên kia".

Từ chia sẻ của ông Tuấn, GS Đỗ Ngọc Diệp (Viện Toán học) đề xuất nên tạo cơ chế để các nhà khoa học VN ở nước ngoài khi về nước biến những "holiday" (kỳ nghỉ) thành "scientific-day" (kỳ hoạt động khoa học) và giúp họ tạo ra những ekip nghiên cứu trong và ngoài nước.

Theo GS Đào Trọng Thi, hiện nay chương trình đào tạo tiên tiến ở một số trường ĐH rất thích hợp để mời các GS VN ở nước ngoài về giảng dạy vì có thể trích một phần kinh phí cho các thầy. Hơn nữa, những chương trình tiên tiến này đều được lấy y nguyên như chương trình của các trường ĐH Mỹ và được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, đối tượng hưởng thụ chương trình này lại không phải là những SV giỏi nhất bởi học phí quá cao.

Lan Hương
(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


10 năm với bài toán 1.000 trí thức Việt kiều - Bài 2: Chọn đúng người, dùng đúng cách10 năm với bài toán 1.000 trí thức Việt kiều - Bài 1: Thu hút trí thức Việt kiều: Lời giải nào?
10 thủ phủ công nghệ của thế giớiThu hút đầu vào các trường dân lập: Tại sao khó?
Báo chí nước ngoài viết về dạy thêm học thêm ở Việt Nam"Đánh giá chất lượng giáo dục VN quá khác biệt thế giới"
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11