Cuộc sống của sinh viên Aptech tại SCU  
 

(Post 27/10/2005)

Những ngày đầu tiên của tôi ở SCU là tuần lễ các hoạt động định hướng (orientation week) dành cho sinh viên mới. Trong những ngày này, tôi được tham gia các buổi hướng dẫn (tutorial) về sinh hoạt và học tập tại trường, từ các việc như sử dụng thư viện, giảng đường, cách viết bài luận, cho đến các buổi party tại quán bar của nhà trường (gọi là Uni-bar). Các buổi tutorial như vậy là không bắt buộc đối với sinh viên nhưng bạn nên tham gia vì bạn sẽ biết được rất nhiều thông tin bổ ích để sau này khỏi bỡ ngỡ. Bạn cũng sẽ được chọn môn và chuyên ngành học của mình ngay trong tuần lễ này. Những ai thích giao thiệp thì sẽ có vô vàn các cơ hội để tìm kiếm những người bạn, những mối quan hệ mới.

Tôi ở cùng các người bạn Aptechites trong 3 tuần đầu rồi sau đó tôi chuyển vào ở trong “ký túc xá” Sirius College. Sirius là khu nhà ở dành cho sinh viên (college) tốt thứ 2 tại SCU, sau Magelan và hơn so với Orion. Các khu college dành cho sinh viên được chia làm nhiều căn hộ khép kín (unit), mỗi unit có từ 2 cho đến 6 phòng ngủ (càng ít phòng ngủ thì càng đắt tiền) và chung nhau phòng khách, bếp lớn (có đủ bếp điện, lò nướng, lò vi sóng, tủ lạnh và tủ bếp), phòng tắm lớn và một phòng vệ sinh phụ. Đồ đạc trong unit và phòng ngủ khá cơ bản, tuy nhiên sẽ không có tivi và đường dây điện thoại trong unit thì lại không thể gọi được ra ngoài một cách tự do (ở Magelan College thì gọi được vì có điện thoại trong phòng riêng và tất nhiên là có hóa đơn riêng). Tôi ở trong một unit có 3 phòng ngủ cùng với 2 anh bạn Aussie, họ khá lớn tuổi so với tôi, một người 36 còn người kia 37, nên sinh hoạt của họ khá điều độ và có ảnh hưởng rất tích cực tới cách sinh hoạt và thói quen của tôi. Tất nhiên ở trong college không phải là lựa chọn duy nhất của bạn tại SCU. Bạn có thể share phòng với những sinh viên khác ở ngoài (những người bản địa họ cho sinh viên thuê nhà) hay ở home-stay với một gia đình người Úc nào đó. Mỗi một cách đều có những thuận lợi và những khó khăn riêng, phù hợp với điều kiện và ý thích của từng người.

Về việc đi lại, các thành phố ở Úc, thậm chí ngay cả thành phố nhỏ như Lismore, đều được quy hoạch rất rộng rãi và thoáng, phương tiện đi lại chính là ô tô và tàu điện ngầm (ở Lismore không có). Sinh viên thì hay dùng xe đạp, rất tiện lợi và an toàn. Ở các điểm nút hay bến bãi, trạm giao thông đều có hệ thống biển báo thông tin phương hướng rất đầy đủ vì thế nếu chú ý một chút bạn sẽ không bao giờ bị lạc đường. Trong trường hợp bạn hoàn toàn mất phương hướng, những người bộ hành thân thiện xung quanh sẽ sẵn sàng giúp đỡ nếu bạn yêu cầu. Đặc biệt, SCU còn có một hệ thống xe buýt (Bus) riêng để phục vụ sinh viên miễn phí chạy theo lịch hàng ngày, hàng tuần. Chi phí đi lại ở Úc nói chung là khá đắt đỏ, kể cả các phương tiện giao thông công cộng. Để các bạn dễ hình dung tôi có mấy ví dụ như sau: 120-180 đô la là giá cho một chuyến bay nội địa, 50 đô la là giá vé tàu từ Lismore đến Sydney, và khoảng hơn 1 đô la cho một Km nếu bạn đi bằng taxi.

Người dân Úc nói chung và Lismore nói riêng rất thân thiện. Các sinh viên du học tại Lismore, đặc biệt là sinh viên châu Á, nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của người dân bản địa. Những sinh viên ở home-stay hay thuê nhà của dân thì được họ giúp đỡ trong các vấn đề sinh hoạt, văn hóa, cách hòa nhập, đặc biệt là ngôn ngữ. Trong những trường hợp còn lại họ là người chỉ đường nhiệt tình và đáng tin cậy luôn sẵn sàng hướng dẫn bạn những gì bạn gặp khó khăn, khúc mắc. Hay đơn giản hơn, nhiều khi đó chỉ là những nụ cười và ánh mắt đầy thân thiện bạn bắt gặp bất chợt trên đường từ những người hoàn toàn xa lạ để cảm thấy mình không bị lạc lõng.

Sơ lược về việc học, thuận lợi và khó khăn

Tôi bắt đầu kỳ học đầu tiên của mình tại SCU với một tâm lý pha trộn nhiều mâu thuẫn, vừa háo hức mà lại đầy lo lắng. Sau những tuần đầu tiên trong sự giúp đỡ của nhóm bạn Aptechites, tôi dần tự tin hơn và bắt đầu biết được mình phải làm những gì, một cách độc lập. Cách tổ chức, giảng dạy và học tập tại đây bắt buộc mọi sinh viên phải có thói quen lập kế hoạch nếu như không muốn bị ngập trong bài tập và nhiều công việc khác. Nhà trường và sinh viên liên lạc chủ yếu với nhau qua internet (thư điện tử và website nhà trường), tuy vậy các thầy giáo và nhân viên các phòng ban trong trường cũng rất cởi mở giúp đỡ nếu bạn nếu bạn đến gặp họ tại văn phòng (trong một số trường hợp bạn phải hẹn trước). Một kỳ học tại SCU kéo dài trong 17 tuần bao gồm: 15 tuần học và 2 tuần thi.

SCU tuy không phải là trường đại học lớn tại Úc, nhưng cơ sở vật chất của nó rất đầy đủ và hiện đại. Hệ thống phòng máy tính của trường (mới được nâng cấp năm 2005) gồm toàn máy tính màn hình tinh thể lỏng 17 inches, cấu hình pentium 4, 512mb RAM, DVD burner, kết nối Internet tốc độ cao 24/24 giờ. Bên cạnh trang thiết bị hiện đại một thuận lợi khác của bạn tại SCU đó là hệ thống Learning Assistant và Tutorial của nhà trường, bạn luôn luôn có được sự hướng dẫn về học tập tại bất cứ đâu bất cứ lúc nào, trực tuyến, ngoại tuyến hay gặp mặt trực tiếp (bạn có thể sẽ phải trả tiền cho một số tutorial riêng biệt). Ngoài ra, các sân chơi thể thao và phòng tập thể lực rất tiện nghi củ nhà trường cũng sẽ giúp bạn có được những giây phút giải trí sảng khoái và thư giãn.

Sẽ có rất nhiều điều đáng để bạn phải lưu ý bên cạnh những thuận lợi khi bạn có ý định theo học tại SCU. Có 3 khó khăn chính đối với sinh viên (theo cách nhìn của cá nhân tôi) đó là: ngoại ngữ, cách tổ chức thời gian và cách thức làm bài tập, bài kiểm tra. Ngoại ngữ quả thật là vấn đề lớn đối với mọi sinh viên châu Á khi mới đặt chân vào trường. Trong những buổi lên lớp đầu tiên, bạn khó có thể nắm bắt dù chỉ ½ những gì mà giảng viên truyền đạt. Đó là chưa kể những lúc họ kể chuyện cười trong lớp, có thể bạn sẽ chỉ có nước ngồi khóc mà thôi. Tuy vậy, đó chỉ là khó khăn bước đầu và bạn sẽ rất nhanh tiếp thu được một vốn ngoại ngữ mà nếu chỉ ở Việt Nam bạn sẽ chẳng bao giờ có được. Mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng sau 2-4 tuần. Khó khăn lớn hơn mà bạn phải đương đầu đó là một việc tưởng chừng như rất đơn giản: sắp xếp thời khóa biểu. Nếu mới chỉ nhìn vào thời khóa biểu lên lớp mà nhà trường cho bạn, có thể bạn sẽ nghĩ tôi nói sai vì nó rất thưa và ít giờ lên lớp, nhưng bạn nên phân tích kỹ hơn. Thời gian lên lớp không nhiều (chỉ từ 2-4 ngày một tuần, mỗi ngày từ 2-4 tiếng) nhưng bài tập về nhà thì rất nặng (khoảng 2-3 assignments một học kỳ). Không chỉ có thế bạn nên nhớ là bạn ở đây một mình và bạn còn phải làm rất nhiều việc khác như: nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, hẹn hò, v.v… và vì thế mọi việc sẽ rối tung nếu bạn không biết sắp xếp. Bạn sẽ phải biết cách lên lịch cho mọi việc từ học tập cho đến tề gia nội trợ, thậm chí là chơi bời, hò hẹn (sẽ không thể tránh được, đáng vui hay đáng tiếc đây nhỉ?) trong vòng 4-8 tuần. Khi mọi việc đã đâu vào đấy, bạn đã bắt đầu có thể tập trung hơn vào học tập thì đúng lúc đó, hẹn trả bài tập, và ngày thi lại đến gần. Các bài tập (assignments) là rất quan trọng, chúng chiếm từ 40-50% tổng điểm của môn học. Đạt được điểm cao trong các bài tập này không phải là điều dễ dàng. Khác với cách chấm điểm ở nước ta khi điểm cao và điểm tuyệt đối được chấm cho những bài làm trọn vẹn với những kiến thức đã được dạy trong sách giáo khoa, tại SCU, bài làm điểm cao là bài làm phải có những ý tưởng và kiến thức vượt ra khỏi khuôn khổ truyền đạt của giảng viên, đó có thể là những sự liên hệ, mâu thuẫn xác đáng được ghép nối từ nhiều kiến thức, nguồn tư liệu, tác giả khác nhau và hay hơn nữa và rất được khuyến khích đó là những ý tưởng sáng tạo, mới mẻ, dù là rất nhỏ. Điều này thúc đẩy sinh viên phải học tập không chỉ chăm chỉ mà phải động não, tiếp nhận kiến thức một cách tích cực, hào hứng. Mặt khác, trong bài làm của mình, sinh viên sẽ học được kỹ năng viết mang phong cách học thuật (academic writing) rất quan trọng cho công việc sau này mà vẫn còn rất mới mẻ đối với sinh viên Việt Nam, đơn cử như kỹ năng trích dẫn tài liệu (referencing). Đạo văn và bài làm của người khác là tối kỵ và bạn sẽ học cách tôn trọng chất xám của người khác nếu như bạn sử dụng ý tưởng hay văn viết của ai đó trong bài viết của mình qua việc trích dẫn một cách rõ ràng, sáng tỏ. Việc bạn nắm được kỹ năng viết mang phong cách học thuật không phải là chuyện dễ dàng và nó sẽ lấy đi của bạn rất nhiều công sức và thời gian.

Lời khuyên cho các bạn đang học tại Aptech có nguyện vọng đi học ở SCU

Có 3 lời khuyên mà tôi mạo muội xin đưa ra qua những gì mà tôi và các bạn Aptechite đang học ở SCU đã trải nghiệm dành cho những bạn có mong muốn đi học tại SCU đó là: thứ nhất, khả năng tài chính của gia đình đủ để chu cấp cho việc du học của bạn; thứ hai, khả năng anh ngữ của bạn không đến nỗi quá tệ và ít nhất bạn phải có được 5.5 điểm IELTS ở Việt Nam; và cuối cùng bạn muốn được đi du học.

Những gì tôi vừa viết chỉ là xuất phát từ quan điểm và hoàn cảnh của cá nhân tôi và chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều điều tôi có thể kể, hy vọng nó đã giúp bạn phần nào hiểu thêm về cuộc sống và việc học tập tại SCU. Nếu có bạn nào cần thêm thông tin về bất cứ vấn đề gì, bạn có thể liên lạc với tôi qua địa chỉ email diepae@yahoo.com hoặc nnguye10@scu.edu.au. Hy vọng sẽ được chào đón các bạn tại SCU, Lismore, Australia.

NGOC DIEP NGUYEN
C/O Internaltional Office,
Southern Cross University
PO BOX 157
Lismore, NSW 2480 Australia


 
 

 
     
 
Người Aptech khác:


Một Aptechite trở thành giám đốc Hải phòng AptechTất cả chỉ là may mắn? - Phan Nguyễn Bảo Trân
Con đường của tôiAptechite tại RMIT
Hệ thống quản lý nhà hàng, quán Karaoke tự động bằng tín hiệu điện đầu tiên cho ngành dịch vụĐưa y học hiện đại đến với đồng bào vùng cao
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11