(Post 17/11/2007) Một số chuyên gia trong lĩnh
vực công nghệ thông tin (CNTT) ở châu Á đưa ra 10 lời khuyên để giúp những
người lao động thuộc lĩnh vực này, dù ở vai trò quản lý kinh doanh hay
kỹ thuật, cũng có thể tìm được một việc làm dễ dàng và thành công trong
nghề nghiệp ở Malaysia, Singapore và một số nước khác...
1. Gây sự chú ý
Sự chú ý đầu tiên mà ứng viên có thể tạo ra cho nhà tuyển
dụng là thông qua bản tóm tắt thông tin về bản thân và quá trình làm việc
(Curriculum Vitae - CV). Ashran Dato Ghazi, Tổng giám đốc điều hành (CEO)
của Asiastream Group, một công ty ở Malaysia, nói: “Các nhà tuyển
dụng xem xét rất nhiều CV mỗi ngày và vì vậy bạn cần phải biết cách gây
sự chú ý nơi họ. Hãy thể hiện tính cách của mình qua CV” Ghazi khuyên
các sinh viên mới tốt nghiệp nên liệt kê toàn bộ những công việc mình
đã làm ở trường đại học như là một cách xây dựng các thành tích cho mình
trong CV.
Đối với những người đã có kinh nghiệm làm việc, Yeo Gek
Cheng, Giám đốc Hudsons IT&T (IT&Telecommunications) ở châu Á,
khuyên rằng bên cạnh phạm vi công việc của mình nên nói thêm những thông
tin khác, nhất là các thành tích trong công việc, các kỹ năng “cứng”.
Yeo nói: “Các nhà tuyển dụng có xu hướng sơ tuyển các ứng viên dựa
vào những kỹ năng “cứng” cơ bản của họ trước khi mời họ phỏng vấn để kiểm
tra lại xem họ có thật sự phù hợp với công việc hay không. Tại các buổi
phỏng vấn, các nhà tuyển dụng chủ yếu kiểm tra các kỹ năng “mềm” của ứng
viên”.
Các chuyên gia khuyên rằng, một trong những cách tạo
ra sự khác biệt cho mình là tranh thủ lấy các giấy chứng nhận chuyên môn.
2. Chuẩn bị một CV tốt
Nên chuẩn bị những CV khác nhau cho các công việc dự
tuyển khác nhau, đó là lời khuyên của Stella Thevarakam, Giám đốc nhân
sự khu vực của ISS Consulting, một công ty tư vấn công nghệ có các cơ
sở ở Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonesia. Thevarakam nói: “Không
nên làm những CV quá chung chung và gửi cho hàng loạt các tổ chức khác
nhau. Ứng viên cần nhấn mạnh các sở trường, thế mạnh của mình. Cũng nên
nêu ra các kinh nghiệm thực tế khi ứng viên tham gia vào các dự án mà
ứng viên có sử dụng kiến thức của mình. Những hồ sơ như vậy thường có
khả năng lọt vào vòng trong rất cao”. Thevarakam khuyên thêm rằng
CV là phương tiện đầu tiên để các ứng viên tự giới thiệu mình với nhà
tuyển dụng, vì vậy các ứng viên muốn tìm một cơ hội thử thách mới cần
phải trình bày CV của mình một cách rõ ràng, đi sát vào công việc.
3. Sử dụng các mối quan hệ quen biết
Các mối quan hệ cá nhân sẽ trở nên rất hữu ích khi các
ứng viên đi tìm một việc làm. Yeo của Hudsons IT&T nói: “Trong
khi xem quảng cáo tuyển dụng trên báo chí, trên các trang web tuyển dụng,
thông qua các dịch vụ tuyển dụng chuyên nghiệp vốn là những cách phổ biến
để tìm việc, các ứng viên nên nhớ rằng tìm việc thông qua các mối quan
hệ quen biết cũng có thể là một cách làm rất tốt”.
4. Có kỹ năng giao tiếp tốt
Robert Lim, Phó chủ tịch phụ trách khối doanh nghiệp
của SMR Technologies, cho biết ở nhiều nước, điển hình như Malaysia, bên
cạnh các kiến thức về kỹ thuật thì nhu cầu về lao động chuyên môn trong
lĩnh vực CNTT có thể sử dụng được tiếng Anh tốt đang rất lớn. Ngoài kỹ
năng về ngôn ngữ, ứng viên cũng phải thể hiện được tác phong chuyên nghiệp
thông qua cách ăn mặc, tính đúng giờ, quan tâm đến công việc bằng cách
chuẩn bị công việc kỹ càng trước khi đến công sở hay gặp gỡ đối tác.
5. Có khả năng làm chủ công việc
Dù là làm việc ở bộ phận kỹ thuật hay kinh doanh, điều
quan trọng là phải làm chủ được công việc của mình. Yeo của Hudsons nói:
“Có khả năng trình bày một cách chi tiết các kế hoạch kinh doanh và
các chiến lược của mình vẫn chỉ mới là một điều kiện cần. Bạn cần phải
có khả năng triển khai các kế hoạch, chiến lược đó để đem lại những lợi
ích cụ thể cho doanh nghiệp”.
Kỹ năng “cứng” và kỹ năng “mềm” phải đi song hành với
nhau cho bất cứ một công việc nào, ở bất cứ vị trí nào. Yeo nói thêm:
“Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều ứng viên có kỹ năng kỹ thuật rất
xuất sắc nhưng lại gặp khó khăn trong việc trình bày những ý tưởng của
mình. Ngược lại, cũng có những ứng viên có thể trình bày tốt các ý tưởng,
chiến lược của mình nhưng lại thiếu khả năng lập ra một kế hoạch hành
động”.
6. Suy nghĩ như một doanh nhân
Không nên nghĩ rằng bạn không thể trở thành một doanh
nhân nếu bạn đang phải làm thuê cho ai đó. Ghazi cho biết, hiện nay các
nhà tuyển dụng thường tìm những ứng viên không chỉ có những kỹ năng cần
thiết cho công việc mà còn phải biết “suy nghĩ như một doanh nhân”.
“Hãy mạnh dạn trình bày những ý tưởng mới, đề xuất các phương pháp mới
để xử lý công việc. Các công ty năng động thích những ứng viên như vậy”.
7. Tuân thủ chính sách của công ty
Có rất nhiều trường hợp khiến những người lao động trong
lĩnh vực CNTT bị mất việc. “Việc không tuân thủ các quy định, nguyên tắc
quan trọng của doanh nghiệp là một nguyên nhân. Làm “tay trong” cho các
vụ mua bán cổ phiếu của công ty hay biển thủ các nguồn quỹ của công ty
là một ví dụ. Làm việc không có hiệu quả trong một thời gian dài cũng
là một trường hợp khác”, Yeo giải thích như vậy. Ông nói thêm: “Chúng
tôi đã có trường hợp một ứng viên bị sa thải vì ngủ trong khi làm việc.
Có một số công việc đòi hỏi nhân viên phải ngồi yên trước màn hình máy
tính cả ngày như công việc phát triển CNTT”. Ngoài ra, theo Thevarakam,
sử dụng Internet cho những mục đích cá nhân trong thời gian làm việc cũng
là một điều khiến nhiều nhân viên trong các công ty CNTT gặp không ít
rắc rối.
8. Áp dụng kiến thức thích hợp
Lạm dụng những kiến thức CNTT mà mình đã học được đôi
khi là nguyên nhân khiến các nhân viên trong lĩnh vực này “tự kết liễu”
sự nghiệp của mình. Chẳng hạn, theo lời giải thích của Thevarakam, các
nhân viên CNTT sử dụng kiến thức chuyên môn của mình để thực hiện các
hoạt động bị cấm như tấn công (hacking) vào các hệ thống để lấy những
thông tin mang tính riêng tư và bảo mật.
9. Không ngừng học hỏi
Các nhân viên CNTT nên liên tục cập nhật các thông tin,
các xu hướng phát triển mới trong ngành và không nên chỉ trông cậy vào
các khóa học, các buổi hội thảo và các cuộc triển lãm mà công ty cử mình
đi tham dự. Thevarakam nói: “Có thể tự tìm hiểu, thu thập và cập nhật
thêm các kiến thức mới mà không phải quá tốn kém bằng cách lên Internet,
tham gia vào các hiệp hội, viết blog…”.
10. Sẵn sàng đón nhận các nhiệm vụ, thử thách
mới
Thevarakam khuyên: “Các nhân viên CNTT nên sẵn sàng
đón nhận thêm các trách nhiệm, thử thách mới. Chẳng hạn, nếu bạn là một
người mới tốt nghiệp và được tuyển dụng để làm một nhà tư vấn SAP nhưng
sau đó công ty bạn cần một người được đào tạo về Peoplesoft và sẵn sàng
đào tạo bạn thì bạn nên chấp nhận cơ hội đó để mở rộng kiến thức. Nếu
chỉ chăm chăm theo đuổi một kỹ năng chuyên môn nào đó, bạn sẽ tự làm cho
mình trở nên lạc hậu và thừa thãi đối với tổ chức của mình”.
(theo BusinessWeek, TBVTSG) |