(Post 20/10/2007) Điều các doanh nghiệp hiện
nay không hài lòng là cứ phải đón nhận những "người máy" thụ
động, lạc hậu về tri thức, thiếu thốn về kỹ năng để rồi phải đào tạo lại.
Thế nhưng, thất vọng hơn cả khi phỏng vấn dự tuyển là các thí sinh đều
có chung đặc điểm: Thiếu tính chủ động, thiếu giải pháp, tự ti và không
dám bày tỏ quan điểm của mình.
Cánh cửa
DN không bao giờ hẹp, nhưng không phải SV tốt nghiệp ĐH nào cũng
đủ hành trang để lọt qua. Ảnh: Đ.V |
|
Theo ông Phan Tâm Tình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu
ứng dụng khoa học quản lý TMQ, nói đến “nhân lực cao cấp" là nói
khả năng nhân viên trong điều kiện làm việc độc lập vẫn giải quyết tốt
công việc. Trong đó, khả năng về giao dịch, tổ chức, hoạch định, xử lý
tình huống, có ý tưởng và giải pháp sáng tạo... là điều tối cần. “Nhưng
các chương trình đào tạo chưa đáp ứng điều đó. Trường ĐH chỉ mới làm phần
việc cung cấp kiến thức chứ chưa cung cấp được kỹ năng mà sinh viên, DN
cần”.
Phần đông các cơ sở đào tạo chỉ mới quan tâm đến việc
cập nhật các kỹ năng, phương pháp lý thuyết, còn điều quan trọng là cách
tư duy, cách phân tích từng kỹ năng hay phương pháp chưa được quan tâm
đúng mức. Thạc sĩ Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Công ty liên doanh công
nghiệp Masan, cho rằng giáo dục hiện đang quá chú tâm đến việc truyền
đạt phần bề nổi của các phương pháp, kỹ năng mà thiếu phần thực hành và
tư duy thấu đáo.
Mặc dù có nhiều trung tâm có tên gọi đầy đủ về ngành
nghề đào tạo, nhưng giáo trình, kiến thức đào tạo lại khá mông lung. Còn
quá ít những ngành đào tạo chuyên sâu. Thạc sĩ Nguyễn Tân Kỷ cho biết,
có chủ doanh nghiệp băn khoăn không biết nơi nào, ngành nào đào tạo nhân
viên điều phối hay trưởng phòng kế hoạch; Giám đốc hậu cần tốt nghiệp
ngành nào. Hoặc nếu có đào tạo thì kiến thức trong trường còn quá xa và
lạc hậu với thực tế.
Dẫu vậy, kiến thức lạc hậu thì có thể "xoay xở"
bằng cách đào tạo lại và cập nhật thêm. Nhưng điều mà các doanh nghiệp
thất vọng hơn cả khi phỏng vấn dự tuyển là các thí sinh đều có chung một
đặc điểm: Thiếu tính chủ động, thiếu giải pháp, tự ti và không dám bày
tỏ quan điểm của mình. Kể cả nhân viên trong cơ quan hầu hết cũng thiếu
tính chủ động trong công việc, chỉ biết xin ý kiến, chờ chỉ đạo.
Điều doanh nghiệp chờ mong nhất ở nhân viên là tinh thần
dám trình bày, phản biện thì lại khá hiếm hoi. Nếu có chút ít ý kiến thì
cũng dè dặt, thiếu tự tin.
Theo ông Lê Quang Huy, Giám đốc công nghệ thông tin ACE
Life, trang bị kiến thức cơ bản là đương nhiên, nhưng quan trọng hơn là
trang bị phương pháp độc lập suy nghĩ, tự mình dám và biết cách đi tìm
lấy kiến thức mới. “Chúng ta đang có một nền giáo dục xuất phát từ
triết lý sai. Một triết lý trái ngược với yêu cầu tối đa giải phóng năng
lực cá nhân, khuyến khích sự mạo hiểm, kêu gọi tính sáng tạo. Đó là nền
giáo dục buồn tẻ của việc học thuộc lòng, lấy tiêu chí lớn nhất là sự
vâng lời, đồng phục và làm theo. Một nền giáo dục kiêng kỵ sự khác biệt,
sợ hoài nghi và ngăn trở óc phê phán”.
Theo ông Huy, giáo dục tốt không có nghĩa là giao cho
người học sự đinh ninh, niềm tin cố định, mà phải đem đến cho họ khả năng
biết và dám hoài nghi, tập thói quen phản đối trước rồi mới tin sau.
Còn ông Nguyễn Hữu Hiền, Giám đốc Saigon Software Park
đưa ra một hướng nhìn khác: “Một nền kinh tế bao cấp mà nền tảng của
nó là sự xin - cho, thì môi trường ấy ắt hẳn cũng đào luyện ra những bậc
thầy về xin - cho. Và do cái thời ấy đã lỗi thời nên chúng ta thiếu nguồn
nhân lực cao cấp cho thời kỳ kinh tế thị trường”.
Thế nhưng đến giờ, vấn đề bức xúc này vẫn chưa thể phá
vỡ. Các cơ sở giáo dục, đào tạo vẫn cứ cung cấp sản phẩm mà họ có chứ
chưa cung cấp cái mà xã hội cần.
Đặng Vỹ
(theo VietNamNet) |