Phó Thủ tướng độc giảng tại lớp học hiệu trưởng  
 

(Post 29/07/2007) Trong vòng 1 tiếng rưỡi, bắt đầu từ 19h tối ngày 28/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đứng liên tục để giới thiệu về nội dung "sứ mạng và những bài toán của giáo dục ĐH Việt Nam" tại lớp học của các hiệu trưởng ĐH.

Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong giờ đứng lớp

Tài liệu giảng dạy là 5 trang giấy viết tay do ông Nhân tự soạn. Sau phần giới thiệu những số liệu thống kê của giáo dục Việt Nam và nước ngoài, bài giảng nhấn mạnh tới "sứ mạng của giáo dục và đào tạo ở Việt Nam", đồng thời đưa ra bốn bài toán của giáo dục ĐH.

"Nhận thức lại"

"Bản thân tôi nhận thấy cần nhận thức lại", câu này được nhắc lại 2 lần trong phần trình bày của ông Nhân.

"Chuẩn bị bài giảng này, tôi có một suy nghĩ không bình thường", Phó Thủ tướng chia sẻ. Khi chế tạo mẫu máy, anh kỹ sư có thể giở sách. Vậy nhưng tại sao khi thi, lại cấm SV mở sách? Rõ ràng là thực tế một đằng, nhưng chúng ta lại đào tạo một nẻo".

Bởi vậy, cần thay đổi phương thức đào tạo cho mục đích giúp sinh viên giải quyết được các vấn đề từ thực tiễn chứ không phải sao chép hay học thuộc lòng những công thức, định nghĩa.

Nhưng, để có thay đổi này, thầy giáo phải biết cách ra đề bài cho SV chứ không chỉ bắt các em "học thuộc lòng" - ông Nhân nói.

Do đó, nội dung cần "nhận thức" lại, như tiêu đề bài giảng, đó là sứ mệnh của giáo dục.

Phó Thủ tướng quan niệm, giáo dục phổ thông có mục đích tạo ra con người có khả năng tự học và tự tìm kiếm thông tin. Còn đào tạo sau phổ thông có ba sứ mệnh: tạo ra những con người có nghề nghiệp mang hiệu quả cho mình và xã hội; làm cho mình và người xung quanh hạnh phúc; đồng thời sáng tạo ra tri thức mới.

Hai dẫn chứng mới nhất được đưa vào bài giảng là sự kiện mà ông Nhân vừa chứng kiến và đọc trên báo từ tối qua và ngày hôm nay.

Để minh họa cho ý những sáng tạo nảy sinh từ thực tiễn, Phó Thủ tướng dẫn câu chuyện một công nhân trong phóng sự đạt giải báo chí vừa trao tối 27/8 đã mày mò tìm ra công nghệ đúc thép từ phế thải thành thép có chất lượng cao mà nhiều nhà khoa học phải thán phục.

Đề cập tới nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chưa đáp ứng nổi khi nguồn đầu tư đổ vào Việt Nam mạnh mẽ, ông Nhân lấy ngay thông tin một tập đoàn Đài Loan sáng nay vừa khai trương 2 nhà máy đầu tiên trong chuỗi dự án trị giá 5 tỷ USD ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Tập đoàn này dự kiến sử dụng 300.000 lao động, nhưng hiện tại chưa đủ nhân lực, đặc biệt là kỹ sư và công nhân kỹ thuật cao nên phải mở chương trình đào tạo đưa qua nước ngoài dạy.

Đáng chú ý trong phần giới thiệu số liệu thống kê là những con số báo động về chất lượng đội ngũ giảng viên ĐH. Theo đó, tỷ lệ giáo sư trung bình ở một trường ĐH VN hiện nay là 3,4. Thậm chí, ở 60 trong số 139 trường không có một vị giáo sư nào.

4 câu hỏi của bài toán giáo dục ĐH

"Đứng lớp này rất khó giảng", Phó Thủ tướng nói. "Tôi đưa ra đây các bài toán và mong các hiệu trưởng cùng giải giúp".

Nhắc lại một chút về bối cảnh nền kinh tế tri trức, xã hội thông tin và toàn cầu hóa đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới các quốc gia, ông Nhân trình bày thực tế nguồn nhân lực có trình độ ĐH thực tế của Việt Nam: đầu ra thì số lượng ít (167 SV/ 1 vạn dân), chất lượng hạn chế trong khi đầu vào chi phí thấp, chất lượng đào tạo thấp. Bài toán đặt ra ở đây là: với khả năng đầu tư từ GDP thấp, làm sao phát triển giáo dục ĐH cả về số lượng và chất lượng?

Để "giải bài toán phát triển quốc gia", Phó Thủ tướng chia nhỏ thành 4 câu hỏi, đồng thời "định hướng giải pháp": Vì sao Việt Nam nghèo nhưng vẫn thắng Pháp và Mỹ rất giàu; làm sao tạo động lực cho hệ thống giáo dục phát triển; làm thế nào để sử dụng nguồn lực cho hiệu quả và cách thức gì để tăng nguồn lực cho giáo dục?

"Sự cạnh tranh" giữa các giảng viên ĐH, giữa các trường học và "đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu xã hội" được ông Nhân nhắc đi nhắc lại khá nhiều như những động lực cơ bản buộc hê thống giáo dục phát triển.

Theo ông Nhân, không có chuẩn nhà giáo thì hệ thống giáo dục không thể phát triển được. “Năm nay, sinh viên sẽ được quyền đánh giá giảng viên. Việc này đang được giao cho Cục Quản lý nhà giáo soạn thảo.

Với các giảng viên, trong nghiên cứu khoa học cũng phải có sự cạnh tranh. “Ở Singapore, nếu sau 1 - 2 năm giảng viên không có đề tài nghiên cứu thì phải ra khỏi trường, áp lực vô cùng lớn”.

Thậm chí, sự cạnh tranh này còn phải đặt ra với các ĐH.

Phó Thủ tướng dẫn: Trung Quốc từng đóng cửa nhiều trường đại học không hiệu quả. Singapore cũng cho ngừng hoạt động cả chục trường cao đẳng. Điều đó thể hiện sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, ở nước ta, hầu như chưa có trường nào bị đóng cửa.

Ông Nhân còn cho biết, Bộ GD-ĐT đang giao cho Cục Quản lý nhà giáo xây dựng tiêu chí đánh giá thành tích và hạn chế của hiệu trưởng.

Bài giảng kết thúc lúc 20h30 sau 1 tiếng rưỡi thuyết trình không giải lao hay thảo luận.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho nhà quản lý giáo dục, đưa hiệu trưởng các trường ĐH, phổ thông tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài về năng lực quản lý là định mà ông Nhân đã từng phát biểu nhiều lần tại các hội nghị khi nhận công việc Bộ trưởng GD-ĐT.

Trước buổi nghe báo cáo chuyên đề này, 35 hiệu trưởng đã dự 2 ngày học, với giảng viên là lãnh đạo các vụ chức năng của Bộ GD-ĐT. Sau 3 ngày học với chuyên gia Nhật Bản, các học viên sẽ sang Nhật để tiếp tục "cua" đào tạo 2 tuần.

Hạ Anh - Kiều Oanh
(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Gặp Hiệu trưởng ĐH danh tiếng nhất PhápTưng bừng chào đón “lính mới”
Nước Mỹ: Nguy cơ chảy máu chất xámMô hình và cơ chế quản lý các trường ĐH và CĐ: Vẫn đang cần đổi mới
Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhàViệt Nam cần thiết kế "hệ thống lọc dầu giáo dục"
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11