(Post 12/09/2007) Ngày 9-9-2007, Báo SGGP đã
nhận được bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về “Đổi mới có tính cách
mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà”. Báo SGGP xin trân trọng giới
thiệu cùng bạn đọc.
Đại diện
thày trò trường Đại học FPT đã đến thăm Đại tướng Võ Nguyên
Giáp tại nhà riêng nhân dịp kỷ niệm 53 năm chiến thắng Điện
Biên Phủ |
|
Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) là nhân tố quyết định để
phát huy tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam
và cộng đồng dân tộc Việt Nam, là động lực quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta tiến lên nhanh và
vững, hội nhập quốc tế thắng lợi, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên
thế giới.
Đảng ta đã xác định rất đúng đắn: GD-ĐT cùng
với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước,
toàn xã hội và sự nỗ lực phấn đấu của ngành giáo dục, sự nghiệp GD-ĐT
đã có một số tiến bộ mới: Ngân sách đầu tư cho giáo dục nhiều hơn, cơ
sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, quy mô giáo dục được mở rộng, trình
độ dân trí được nâng cao. Những tiến bộ ấy đã góp phần quan trọng vào
công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, cho đến nay, nền GD-ĐT của nước nhà vẫn tồn
tại nhiều yếu kém, bất cập, từ việc xác định quan điểm và mục tiêu GD-ĐT,
xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp, đội ngũ thầy giáo, hệ thống
tổ chức cho đến công tác quản lý. Chất lượng GD-ĐT ở cả phổ thông và đại
học đều thấp. Nội dung chương trình quá tải, sách giáo khoa có nhiều mặt
lạc hậu; cách dạy và học nặng về nhồi nhét kiến thức một cách thụ động,
thiếu kết hợp học với hành, GD-ĐT với thực tiễn kinh tế, sản xuất và đời
sống. Học sinh, sinh viên kém năng lực chủ động, sáng tạo, kém khả năng
thực hành, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước trong
tình hình mới. Hiện tượng mua bằng cấp, gian lận trong thi cử, bệnh chạy
theo thành tích còn phổ biến. Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có sáng kiến tiến hành
cuộc vận động “hai không”, kết quả bước đầu cho thấy, sự yếu kém về chất
lượng GD-ĐT đã bộc lộ một cách rất đáng lo ngại. Sự bất cập thể hiện ở
cả ba phương diện: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và sử
dụng nhân tài.
Nhìn chung, hệ thống GD-ĐT của nước ta đang tụt hậu xa
hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới (1). Thực trạng này
đã sớm được phát hiện. Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết và chủ
trương đúng đắn mà chưa được thực hiện nghiêm túc. Mấy năm qua, chúng
ta đã trăn trở tìm tòi cách giải quyết, nhưng tình hình chuyển biến rất
chậm. Cho đến nay, vẫn còn những quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược
nhau chưa được đưa ra trao đổi, bàn bạc để tìm ra phương sách chấn chỉnh
có hiệu quả. Sự yếu kém, bất cập kéo dài của hệ thống GD-ĐT đã có ảnh
hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.
Nhìn lại tình hình đất nước, trải qua hơn 20 năm thực
hiện đường lối đổi mới, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn
có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, cho đến nay, nước ta vẫn chưa thoát ra
khỏi tình trạng kém phát triển (2).
Trong khi Việt Nam bước vào quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa thì nhiều nước đã vượt qua thời đại cách mạng công nghiệp
đi vào thời đại cách mạng thông tin, xây dựng nền kinh tế tri thức và
xã hội tri thức. Khoảng cách về trình độ kinh tế, khoa học và công nghệ
giữa nước ta với các nước phát triển trên thế giới, kể cả một số nước
trong khu vực, có xu hướng ngày càng mở rộng thêm, mà một nguyên nhân
quan trọng là do chất lượng trí tuệ, năng lực sáng tạo và kỹ năng chuyên
môn còn bất cập của nguồn nhân lực (3).
Trước những thách thức của thời đại cách mạng tri thức
gắn liền với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khi mà nước ta
đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO),
trong cuộc đua tranh quyết liệt về mọi mặt, mà chủ yếu là đua tranh về
trí tuệ của các quốc gia trên toàn cầu, sự yếu kém, bất cấp và tụt hậu
của GD-ĐT đang trở thành lực cản đối với sự phát triển nhanh và vững của
đất nước.
Chúng ta đang ở vào thời kỳ có nhiều biến đổi sâu sắc
và nhanh chóng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Trước những thách
thức và yêu cầu của thời đại mới - thời đại của sự phát triển dựa chủ
yếu vào nguồn lực thông tin và tri thức với xu thế toàn cầu hóa lôi cuốn
sự hội nhập của mọi quốc gia, các nước trên thế giới, ở mức độ khác nhau,
đều thực hiện những thay đổi có tính cách mạng nền GD-ĐT. Ngay từ những
năm 80 và 90 của thế kỷ XX, một làn sóng cải cách giáo dục đã diễn ra
trên thế giới, trước tiên là ở các nước công nghiệp phát triển. Nước Mỹ
đã đề ra chương trình cải cách giáo dục 10 điểm để chuẩn bị hành trang
cho người Mỹ tiến vào nền kinh tế tri thức trong thế kỷ XXI, gần đây lại
đưa ra chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho kỷ nguyên thông tin.
Liên minh châu Âu gồm 29 nước đã thống nhất đổi mới hệ
thống giáo dục, coi việc xây dựng không gian giáo dục và đại học châu
Âu, không gian nghiên cứu châu Âu, không gian tri thức châu Âu là nền
tảng cho sự tăng trưởng mới nhằm biến châu Âu thành một nền kinh tế tri
thức hiệu quả nhất trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa trong thế
kỷ XXI…
Tư tưởng chủ đạo của làn sóng cải cách giáo dục trên
thế giới ở cuối thế kỷ XX là chuyển hệ thống GD-ĐT cũ được xây dựng để
đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên công nghiệp cổ điển sang một hệ
thống GD-ĐT mới thích ứng với những đòi hỏi của kỷ nguyên thông tin và
tri thức.
Ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tổ chức UNESCO
nêu lên 4 trụ cột của cải cách giáo dục đã đặc biệt nhấn mạnh: Thời đại
mới đòi hỏi con người phải có cách nhìn mới, cách nghĩ mới và
những kiến thức, kỹ năng mới của chính thời đại mình. Nói cụ
thể hơn, con người mới đó phải có khả năng tư duy độc lập, có phương pháp
tư duy hệ thống và cách nhìn toàn thể; có năng lực sáng tạo và tinh thần
đổi mới; có khả năng thích ứng với sự thay đổi thường xuyên, đa dạng,
phức tạp, đầy biến động bất ngờ và bất định; có năng lực hành động hiệu
quả và tinh thần hợp tác trong một môi trường đa văn hóa của một thế giới
toàn cầu hóa.
Nền giáo dục của kỷ nguyên thông tin là một nền
giáo dục cho mọi người, tạo điều kiện để mọi người được học,
giúp cho mọi người biết cách học, biết cách tự học, học tập liên tục,
học suốt đời; là một nền giáo dục mở và liên thông, có khả năng
hội nhập với nền giáo dục chung của thế giới.
Nền giáo dục mới là một nền giáo dục hiện đại,
sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông, mạng máy tính và
internet để tổ chức và triển khai quá trình dạy và học với những phương
pháp và hình thức linh hoạt nhằm nâng cao nền tảng văn hóa và tinh thần
chung của xã hội, mở ra những khả năng mới hỗ trợ cho quá trình học tập
liên tục, học tập suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, học từ xa và đặc biệt
là tự học của mọi người. Học trực tuyến và tương tác qua mạng internet
sẽ trở thành một hiện tượng toàn cầu…
Chúng ta cần nghiên cứu những quan điểm và bài học kinh
nghiệm của các nước về cải cách GD-ĐT để có thể vận dụng thích hợp vào
hoàn cảnh cụ thể của nước ta.
Mục tiêu sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát
triển, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát
triển kinh tế tri thức, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hội nhập
quốc tế, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới trong thể kỷ XXI
mà Đại hội X của Đảng đã nêu ra, cũng cần được hiểu với một tầm
nhìn mới, nhận thức mới, bởi vì trong thế kỷ XXI, các mục tiêu
đó chỉ có thể đạt được nếu ta xây dựng được nước ta trở thành một nước
độc lập, có năng lực sáng tạo mạnh mẽ, góp phần tạo nên những thành tựu
và cống hiến đặc sắc, độc đáo vào sự phát triển chung của một thế giới
của nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức toàn cầu hóa.
Một nền giáo dục hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội đó
phải là một nền giáo dục mở, hướng tới đối tượng trung tâm là
người học, có trách nhiệm tạo điều kiện và môi trường cho mọi
cá nhân người học được trang bị một nền học vấn vừa đậm đà bản sắc văn
hóa dân tộc, vừa hiện đại về tri thức, khoa học và công nghệ…
Mỗi con người mà nền giáo dục đó đào tạo phải
có: 1. những hiểu biết và cảm thụ sâu sắc đối với những tinh
hoa của truyền thống văn hóa dân tộc; 2. những kiến thức khoa học và công
nghệ hiện đại; 3. năng lực tư duy độc lập trên cơ sở kết hợp tư duy khoa
học với phương pháp tư duy hệ thống, tư duy phức hợp, để có khả năng sống
và hoạt động một cách linh hoạt, sáng tạo trong một thế giới phức tạp,
đầy những bất định và đổi thay, đan xen những thách thức và cơ hội…
Trong lúc ấy, nền giáo dục của nước ta về cơ bản vẫn
dựa trên mô hình cũ. Để đưa đất nước phát triển nhanh với chất lượng cao
và bền vững, tiến kịp thời đại trong kỷ nguyên thông tin và tri thức,
chúng ta cần tiến hành một cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc, triệt
để có tính cách mạng nền GD-ĐT của nước nhà.
Để thực hiện chủ trương này, cần tập hợp một số chuyên
gia hàng đầu về giáo dục, khoa học và quản lý để giúp Đảng và Nhà nước
nghiên cứu, kiểm điểm, đánh giá tình hình GD-ĐT một cách
khách quan khoa học với tinh thần nhìn thẳng và sự thật, làm rõ những
kết quả đạt được, vạch rõ những yếu kém, bất cập, đặc biệt làm
rõ những nguyên nhân vì sao mấy năm qua chúng ta đã có nhiều
cố gắng tìm cách chấn chỉnh nhưng tình trạng yếu kém, bất cập trong giáo
dục vẫn tồn tại, chậm chuyển biến, để đi đến một nhận thức mới, một quyết
tâm mới, một chương trình hành động mới làm chuyển biến căn bản nền GD-ĐT
của nước nhà. Trước hết, cần đổi mới tư duy về quan điểm và mục
tiêu GD-ĐT, từ đó mà đổi mới chương trình, nội dung, phương châm, phương
pháp giáo dục, đổi mới hệ thống tổ chức, công tác quản lý và hệ thống
chính sách nhằm hiện đại hóa nền giáo dục của nước ta phù hợp
với truyền thống văn hóa dân tộc và xu hướng phát triển chung của thời
đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển và hiện đại hóa đất nước
ta trong tình hình mới.
Ngành GD-ĐT phải đổi mới tư duy và có quyết tâm cao đối
với công cuộc đổi mới nền giáo dục. Trước mắt, cần rà soát lại các chủ
trương, chính sách về GD-ĐT được đề ra trong các nghị quyết của Đảng,
trong luật và chiến lược giáo dục của Nhà nước để xác định một kế hoạch,
một lộ trình đổi mới nền GD-ĐT từ nay đến năm 2020 với yêu cầu nâng cao
một bước rõ rệt chất lượng GD-ĐT.
Để triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền GD-ĐT,
cần thực hiện ngay một số vấn đề cơ bản và cấp bách:
Trước hết, cần tổ chức lại và kiện toàn
Hội đồng giáo dục quốc gia cho ngang tầm với nhiệm vụ.
Đây là hội đồng khoa học, chủ yếu làm nhiệm vụ tư vấn cho Trung ương,
Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định chính sách và chiến lược phát
triển GD-ĐT ở tầm vĩ mô. Hội đồng phải tập hợp được các nhà giáo dục và
khoa học có tâm huyết, những chuyên gia giỏi, am hiểu hình hình giáo dục
trong nước và thế giới, có uy tín, phần lớn không phụ trách chức vụ quản
lý, kể cả những người đã nghỉ hưu nhưng có năng lực, có kinh nghiệm và
còn sức làm việc. Chủ tịch hội đồng nên là một nhà khoa học giáo dục có
uy tín phụ trách. Hội đồng có quy chế làm việc chặt chẽ, bảo đảm thực
sự dân chủ, tôn trọng những ý kiến khác nhau, cùng nhau thảo luận đi đến
kết luận và đưa ra kiến nghị với Đảng và Nhà nước.
Hai là, tổ chức nghiên cứu rà soát lại
hệ thống chương trình giáo dục và sách giáo khoa. Tiếp
tục bổ sung, hoàn thiện, ổn định chương trình làm cơ sở để sớm
biên soạn xong sách giáo khoa chuẩn mực cho mọi bậc học, mọi
ngành học trong một vài năm. Thay đổi cách tổ chức biên soạn chương trình,
sách giáo khoa, thực hiện dân chủ, công khai, tránh độc quyền, có hội
đồng thẩm định nghiêm túc, tránh sửa đi sửa lại, biên soạn kéo dài và
thay đổi sách triền miên. Một số nhà khoa học nêu ý kiến có thể giải quyết
vấn đề chương trình và sách giáo khoa chuẩn cho cả phổ thông và đại học
trong một năm với kinh phí 100 tỷ đồng. Những ý kiến như vậy nên được
trao đổi, bàn bạc.
Ba là, cần nghiên cứu tổ chức
hệ thống giáo dục quốc dân cho hợp lý. Sớm chấm dứt tình trạng
“vừa thừa vừa thiếu cả thầy lẫn thợ”. Cấp đại học trước hết phải nâng
cao chất lượng về mọi mặt, phấn đấu đến năm 2020 có một số trường đại
học trọng điểm đạt đẳng cấp quốc tế. Chỉ mở thêm trường đại học khi có
đủ điều kiện bảo đảm chất lượng. Sớm khắc phục tình trạng đào tạo trên
đại học tràn lan, không bảo đảm chất lượng. Nghiên cứu biện pháp nâng
cao chất lượng và thực hiện tốt việc phân luồng ở cấp phổ thông. Phát
triển mạnh hệ thống các trường dạy nghề để đáp ứng kịp nhu cầu nhân lực
có kỹ năng chuyên môn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu trong
một thời gian ngắn nhất có thể được, làm cho bằng cấp của nước ta, lao
động kỹ thuật do ta đào tạo ra được thị trường quốc tế thừa nhận.
Hết sức coi trọng phương châm gắn học với hành.
Trường đại học gắn với viện nghiên cứu và các cơ sở kinh tế lớn. Trường
dạy nghề gắn với các cơ sở sản xuất. Trường phổ thông phải tổ chức hướng
nghiệp, gắn với đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tiếp tục chống gian lận trong thi cử, chạy theo thành
tích giả. Sớm chấm dứt mọi hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục.
Học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp) vui chào đón năm học mới
2007-2008. Ảnh: MAI HẢI |
|
Bốn là, cần triển khai tích cực công
tác phát hiện, tuyển chọn nhân tài, tổ chức đào tạo trong nước và ngoài
nước để sớm có một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, bồi
dưỡng thành đội ngũ giảng viên đại học, đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng
của cấp đại học. Nâng cao chất lượng cấp đại học là cơ sở để nâng cao
chất lượng cấp trung học phổ thông và dạy nghề. Đào tạo đội ngũ thầy giáo
có trình độ quốc tế là vấn đề quyết định để đổi mới, hiện đại hóa nền
giáo dục nước nhà. Coi trọng việc lựa chọn đúng cán bộ quản lý giáo dục,
nhất là chức bộ trưởng, hiệu trưởng các trường đại học lớn và giám đốc
các sở giáo dục. Những cán bộ ấy phải là những người có tâm và có tầm,
có phẩm chất đạo đức và năng lực trí tuệ, năng động, sáng tạo, không bảo
thủ giáo điều, có uy tín, có cách làm việc tập hợp được nhân tài, phát
huy được trí tuệ của chuyên gia giỏi, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ đầu đàn và sự
mất cân đối về cơ cấu, trước mắt, cần có cơ chế và chính sách tiếp tục
sử dụng những cán bộ khoa học và giáo dục đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn
đủ sức khỏe, có năng lực chuyên môn và có tâm huyết.
Mặt khác, cần có chủ trương, chính sách và cơ chế tạo
môi trường thuận lợi để thu hút các nhà khoa học giỏi vào đội ngũ giảng
viên cao cấp của các trường đại học và các viện nghiên cứu, thu hút các
chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học người Việt ở nước
ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học và viện nghiên
cứu của Việt Nam.
Năm là, cần tăng thích đáng
đầu tư, và quan trọng hơn, cần quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách
đầu tư cho GD-ĐT. Mức đầu tư phải tạo điều kiện cho GD-ĐT đi
trước, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mấy năm
qua, mức đầu tư cho GD-ĐT (tính theo % GDP và % ngân sách nhà nước) đã
tăng đáng kể. Tuy nhiên, cần thấy rõ là mức đầu tư cho GD-ĐT tính theo
đầu người của nước ta còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và
trên thế giới (4), vì vậy, cần tính toán các mặt để có một mức tăng đáng
kể từ nay đến năm 2020 nhằm tạo nên một sự chuyển biến căn bản về chất
lượng và quy mô GD-ĐT. Đầu tư từ ngân sách nhà nước có vai trò quan trọng,
nhưng chắc chắn không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, bởi vậy,
một nguồn lực quan trọng là cần xác định trách nhiệm, cơ chế và chính
sách cụ thể nhằm huy động sự đóng góp của các tổ chức kinh tế và xã hội
sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo. Đồng thời, đặc biệt quan tâm việc
quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn đầu tư cho GD-ĐT một cách đúng hướng,
hợp lý và hiệu quả, tránh gây thất thoát, lãng phí.
Dành tỷ lệ đầu tư thích đáng cho việc nâng cấp, từng
bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật cho GD-ĐT,
đặc biệt là nguồn thông tin tư liệu, các trung tâm thử nghiệm, các cơ
sở dạy nghề và sản xuất thử, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ và tin học.
Cuối năm 2000, Trung ương đã có chỉ thị về đẩy mạnh ứng
dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tuy nhiên,
cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống GD-ĐT vẫn
còn hạn chế, còn kém so với các nước trong khu vực. Để tạo được sự chuyển
biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, cần có chủ trương và chính sách cụ
thể tạo điều kiện cho các giáo viên, học sinh, sinh viên được dễ dàng
sử dụng máy tính và internet trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Đồng
thời, cần nghiên cứu thực hiện chủ trương phổ cập tiếng Anh để nâng cao
hiệu quả sử dụng máy tính và internet trong GD-ĐT, trong nghiên cứu khoa
học cũng như trong hoạt động quản lý và kinh doanh (5).
Sáu, nền giáo dục của ta là nền
giáo dục của dân, vì dân, do dân. Dân chủ và công bằng là tính
ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, trước hết phải được thể hiện trong
giáo dục và y tế, hai lĩnh vực trực tiếp bồi dưỡng con người. Bác Hồ mong
muốn “ai cũng được học hành”. Vì vậy, xu hướng đúng đắn là phải tiến tới
bỏ học phí. Nhiều nước tư bản cũng đã bỏ học phí ở cấp phổ thông, có nước
bỏ học phí ở cấp đại học. Đất nước Cuba còn nhiều khó khăn vẫn kiên trì
thực hiện học tập và chữa bệnh miễn phí. Vì vậy, không lý gì ta lại chủ
trương tăng học phí tràn lan (6). Phải kiên quyết thực hiện không thu
học phí đối với giáo dục phổ cập theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Mặt
khác, cần nghiên cứu kỹ chế độ học phí theo hướng không tăng mà giảm dần,
tiến tới bỏ học phí ở cấp phổ thông rồi tiến đến bỏ học phí ở cấp đại
học. Ở cấp mẫu giáo, mầm non, không nên hình thành một loại trường cho
các cháu con nhà giàu và một loại trường cho các cháu con nhà nghèo. Nên
nghiên cứu vận dụng cơ chế khuyến khích cạnh tranh dạy tốt, học tốt, nhưng
không nên phát triển tư nhân hóa trường công, phát triển xu hướng thương
mại hóa giáo dục, coi nhà trường là tổ chức kinh doanh để thu lợi nhuận
dưới danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục”, không đúng với tinh thần chủ trương
của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng nền giáo dục của nhân dân,
vì nhân dân.
***
Đổi mới toàn diện, sâu sắc, triệt để có tính cách mạng
nền GD-ĐT là một điều kiện tiên quyết để đưa nước ta
tiến lên nhanh và vững trên con đường hiện đại hóa đất nước, hội nhập
quốc tế và sánh vai cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới trong kỷ
nguyên thông tin và toàn cầu hóa.
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm
2006: Giáo dục Việt Nam đang bị tụt hậu so với các nước khác trong khu
vực, chỉ có 2% dân số được học trong thời gian trên 13 năm. Việt Nam xếp
hàng chót trong khu vực châu Á nếu xét trong độ tuổi từ 20 đến 24 chỉ
có 10% học lên tới đại học (so với Trung Quốc 15%, Thái Lan 41%, Hàn Quốc
89%). Tỷ lệ 167 sinh viên/1 vạn dân là rất thấp so với khu vực và các
nước phát triển.
(2) Một nước được coi là “kém phát triển” nếu GDP/người
dưới 750 USD/năm (theo Liên hiệp quốc) và dưới 1.000 USD/năm (theo phân
loại và xếp hạng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD); GDP/người
của Việt Nam hiện nay khoảng trên dưới 600 USD/năm.
(3) Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), (năm 2005),
chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam xếp thứ 53 trong số 59 quốc gia
được khảo sát.
Báo cáo về phát triển con người của Liên hiệp quốc
(UNDP) đánh giá: Việt Nam tụt hậu so với Trung Quốc 10 năm, Thái Lan 15
năm, Malaysia 20 năm, Hàn Quốc 25 năm, Singapore 35 năm, Nhật Bản 40 năm.
Nếu tiếp tục tốc độ phát triển như hiện nay (GDP
tăng 8% - 8,6% mỗi năm và GDP/người cứ 10 năm tăng gấp đôi) thì đến năm
2020, Việt Nam vẫn đi sau Thái Lan 15 năm và GDP/người vẫn thấp hơn nhiều
nước trong ASEAN.
(4) Hiện nay, mức đầu tư cho GD-ĐT tính theo đầu
người của Việt Nam chỉ bằng 1/8 của Thái Lan và chỉ bằng 1/20 mức trung
bình của các nước phát triển.
(5) Hiện nay, khoảng 90% nguồn thông tin, tri thức
khoa học và công nghệ trên internet được viết bằng tiếng Anh.
(6) Hiện nay, tỷ lệ đóng góp giữa nhân dân và nhà
nước ở ta là 50/50, trong khi tỷ lệ đóng góp cao nhất của người dân trên
thế giới khoảng 20% (Mỹ 19%, Pháp 7%, Trung Quốc 12%).
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
(theo báo Sài Gòn Giải Phóng)
|