(Post 26/09/2007) Có hai nguyên tắc để đổi
mới giáo dục ĐH Việt Nam: nhà trường không thể tách rời doanh nghiệp;
không thể để "giảng dạy - nghiên cứu - phát minh" đứng độc lập
với nhau. "Và một nguyên tắc nữa, tôi xin được thêm vào cho VN: hãy
coi những kinh nghiệm quốc tế của du HS chính là một đầu tư chính yếu".
Tướng Xavier Michel, Hiệu trưởng một trong những trường ĐH danh tiếng
của Pháp - Ecole Polytechnique - cho biết như vậy trong cuộc trao đổi
45 phút với VietNamNet, vào trưa 25/9.
Tướng Xavier
Michel. Ảnh: Lê Anh Dũng |
|
SV cần biết ít nhất 2 ngoại ngữ và đào tạo đa
ngành
Theo quan sát của ông, nền giáo dục ĐH thế giới đang
vận động theo xu hướng nào?
Tôi nghĩ rằng, xu thế hiện nay chính là quốc tế hoá.
Đó là quy tắc của mọi công ty lớn trên toàn thế giới. Vì thế, SV cũng
phải thích nghi được với sự dịch chuyển này.
Để hòa nhập vào xu thế đó, trường chúng tôi tạo điều
kiện cho SV theo học 1 năm ở nước ngoài, đồng thời đón các SV nước ngoài
học tập ở trường. Ngoài tiếng mẹ đẻ, SV được khuyến khích học 2 - 3 ngoại
ngữ.
Một điều nữa rất quan trọng, đặc biệt là trong đào tạo
khoa học: các nhà khoa học, kỹ sư không chỉ học một chuyên ngành duy nhất,
mà phải được đào tạo đa ngành. Trong sự nghiệp của mình, họ phải không
ngừng thích nghi, sáng tạo, phát minh.
Tôi muốn nói, sáng tạo tức là: học một lĩnh vực và dấn
thân vào một lĩnh vực khác. Chỉ có đào tạo đa ngành, một đặc trưng của
đào tạo ở Pháp, mới giúp cho các kỹ sư được đánh giá cao ở mọi nơi trên
thế giới.
Một xu thế phát triển nữa của các trường ĐH trên thế
giới là mối quan hệ càng ngày càng chặt chẽ giữa giảng dạy - nghiên cứu
- phát minh công nghệ.
Trường chúng tôi thường xuyên đầu tư cho quan hệ với
các doanh nghiệp, trong lĩnh vực nghiên cứu.
Tất cả các giáo viên của trường là những nhà nghiên cứu.
Các SV không chỉ thụ động học những kỹ thuật mà mọi người đều đã biết
và thừa nhận, mà phải tìm tòi, mày mò những gì chưa ai khám phá.
Ngược lại, việc các doanh nghiệp giữ quan hệ thường xuyên
với trường khiến chúng tôi luôn cập nhật và tìm cách đáp ứng những nhu
cầu mà họ chưa được đáp ứng.
Thiếu tướng Xavier Michel
được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường vào tháng 6/2005.
Ông tốt nghiệp trường khoá
1972-1975, có bằng thạc sĩ khoa học của Trường ĐH Tổng hợp Californie
và bằng kỹ sư của Trường ĐH Kỹ thuật Tiên tiến Quốc gia.
Ông cũng đã tốt nghiệp Trường
Quốc phòng Liên quân Mỹ, Trường Sỹ quan Chỉ huy Tham mưu Mỹ và là
cựu học viên của Trung tâm Nghiên cứu Vũ khí Cao cấp.
Ông phục vụ trong binh chủng
Tăng Thiết giáp trước khi đảm đương nhiều chức vụ chỉ huy trong
quân đội.
Từ tháng 1 đến tháng 6/2004,
ông chỉ huy lữ đoàn quân đa quốc gia tại Kosovo. |
Đào tạo theo nhu cầu xã hội
Thưa ông, vậy đâu là "những thách thức đối với
trường đào tạo kỹ sư hàng đầu của Pháp khi phát triển ra phạm vi thế giới"?
Trong xu hướng phát triển ra thế giới, trường chúng tôi
gặp phải thách thức về sự thích nghi.
Chúng tôi có 3.000 SV. Trong đó, ở bậc ĐH, 20% là SV
nước ngoài; ở bậc thạc sỹ và tiến sỹ, tỷ lệ này khoảng 50%.
Chúng tôi đang phát triển trung tâm nghiên cứu đa ngành:
toán học, sinh học, tin học, kinh tế, hoá học, vật lý, quản lý... với
1.600 người hiện tại.Trong khuôn viên của trường, ngoài trung tâm này,
còn có cả những trường ĐH khác đến hợp tác.
Sắp tới, chúng tôi sẽ hợp tác với một trường chuyên về
hành chính kinh tế và thống kê.
Trong 5 năm tới, khả năng về đào tạo và nghiên cứu sẽ
tăng gấp đôi. Đồng thời, chúng tôi cũng quan hệ với những cơ sở danh tiếng
hàng đầu như Trung tâm năng lượng nguyên tử, Trung tâm nghiên cứu khoa
học quốc gia - CNRS, Trường ĐH Paris 11, Trường ĐH Thương mại cấp cao...
Hiện, chúng tôi đang tổ chức toàn bộ các cơ sở này, tạo nên 2 hệ thống
nghiên cứu chất lượng cao: Một, về vật lý, với 1.800 nhà nghiên cứu và
một, về tin học với 1.200 nhà nghiên cứu. Để, trong 5 năm tới, sẽ phải
có 1.800 nhà nghiên cứu về tin học.
Ngoài ra, cùng với 9 trường ĐH lớn khác của Paris như
Trường Mỏ, Trường Cầu đường, Trường Kỹ thuật tiên tiến... chúng tôi tạo
thành khối ParisTech với 12.000 SV. Như thế, SV trên toàn thế giới sẽ
dễ dàng tìm thấy ở chúng tôi ngành học họ yêu thích. Và ParisTech sẽ có
đến 130 phòng thí nghiệm.
Thời gian này, giáo dục ĐH Việt Nam đang đề câp tới
chuyện “đào tạo theo nhu cầu xã hội”, trong đó, đề cập tới mối quan hệ
cần thiết giữa trường ĐH với các doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ kinh
nghiệm thiết lập và duy trì quan hệ với các doanh nghiệp mà trường của
ông khá mạnh?
Thứ nhất, chúng tôi rất chú ý đến việc SV ra trường có
việc làm như thế nào.
Trường có quan hệ chặt chẽ với bộ phận nhân sự của các
doanh nghiệp. Họ sẽ cho chúng tôi biết, SV của trường làm việc thế nào,
yếu mặt nào, cần bổ sung kỹ năng gì. Từ đó, điều chỉnh chương trình đào
tạo cho phù hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp. Để làm được việc này,
chúng tôi có bộ phận chuyên theo dõi SV ra trường.
Thứ 2, chúng tôi giữ liên lạc với SV cũ, nhiều người
trong số họ nay là sếp doanh nghiệp. Chính họ sẽ nói với chúng tôi nên
làm gì, tổ chức hệ thống đào tạo ra sao.
Cách thứ 3 là các trung tâm nghiên cứu ký hợp đồng với
các doanh nghiệp.
Các nhà nghiên cứu biết rõ nhu cầu về sáng chế, phát
minh công nghệ của doanh nghiệp. Công việc của các nhà nghiên cứu còn
giúp chúng tôi điều chỉnh chương trình giảng dạy, vì họ nắm được đâu là
lĩnh vực doanh nghiệp cần.
Những năm gần đây, chúng tôi còn có những chương trình
hợp tác đặc biệt với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp đưa ra những lời đề
nghị ở 1 số lĩnh vực đặc thù và chúng tôi vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy
về những lĩnh vực ấy.
Ngoài ra, đôi khi có những doanh nghiệp có những nhu
cầu đào tạo lớn trong 1 lĩnh vực đặc biệt, nếu 1 mình Ecole Polytechnique
không đảm đương được thì kết hợp với mạng lưới ParisTech.
Dự kiến, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đến thăm trường tới đây, ông sẽ được sinh viên của trường đón trong
trang phục truyền thống của trường, trang phục dành trong những dịp nghi
thức đón khách quý của trường. Ảnh: từ Đại sứ quán Pháp |
|
ĐH Pháp có nhu cầu tự chủ lớn
Hiện, ở Việt Nam, đang rất quan tâm tới vấn đề quản
trị trong trường ĐH, mà một nội dung quan trọng là quyền tự chủ của trường
ĐH. Hiện tại, các trường ĐH VN chịu sự can thiệp quá sâu của Nhà nước
về tài chính, chương trình học và ngay cả tuyển sinh. Vấn đề này ở Pháp
đã giải quyết ra sao?
Mỗi quốc gia có những nguyên tắc của mình. Ở Pháp, các
trường ĐH cũng mới có quyền tự chủ từ mùa hè vừa qua nhờ một luật mới
được thông qua. Nghĩa là tình hình của chúng tôi cũng tương tự như các
bạn và các trường ĐH cũng có nhu cầu tự chủ rất lớn.
Tới mùa hè vừa qua, Pháp mới thông qua luật cho
phép các trường ĐH được tự chủ. Việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào
tạo ĐH liệu có quá chậm trễ?
Tôi không nghĩ vậy, nhưng đúng là chất lượng cao của
giáo dục ĐH Pháp đã không được quan tâm đúng mức và vì thế cần phải đánh
giá đúng và tôn vinh giá trị của giảng dạy cũng như nghiên cứu của các
trường ĐH.
Riêng Trường Polytechnique có may mắn là có danh tiếng
từ lâu trên thế giới, là một trong những trường ĐH lớn nhất của Pháp nên
chúng tôi đã có phần nào tự chủ: tôi quyết định chọn giáo viên cho trường
cũng như những khoản đầu tư vào những lĩnh vực tôi cho là có ích.
“Kinh nghiệm quốc tế của du học sinh VN là đầu
tư chính yếu”
Các nước đang phát triển, trong đó có VN, đang đứng
trước yêu cầu bức thiết về đổi mới toàn diện nền GDĐH. Nếu được mời làm
cố vấn về chính sách để đổi mới GDĐH, ông sẽ đưa ra lời khuyên nào cho
Việt Nam?
Tôi không thể đưa ra lời khuyên khi chưa biết rõ. Vì
thế, trước khi đưa ra lời khuyên, tôi phải đến tận nơi để mắt thấy tai
nghe đã.
Tuy nhiên, có một vài nguyên tắc lớn, chủ yếu có tính
toàn cầu. Đó là mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa nghiên
cứu - giảng dạy và phát minh, sáng chế.
Và một nguyên tắc nữa, tôi xin được thêm vào cho VN.
Đó là: dù có ít SV VN quay trở về, thì VN hãy coi những kinh nghiệm quốc
tế của họ chính là một đầu tư chính yếu mà tôi tin rằng trong tương lai
sẽ đơm hoa kết trái. Tôi tin như vậy.
Vì sao?
Bởi vì, người VN rất đặc biệt ở chỗ rất gắn bó với quê
hương. Khi tôi gặp những người Pháp sống ở nước ngoài, 15% cựu SV của
trường là người Pháp đang ở Mỹ, Anh, châu Á, tôi thấy họ chính là một
nguồn tài nguyên cho nước Pháp. Với các bạn cũng vậy thôi.
Hiện 3 người trong số 4 SVVN đang làm luận án tiến sỹ
ở năm cuối tại trường tôi đã nói sang năm sẽ về VN. Do đó, tôi tin là
họ giữ mối liên hệ chặt chẽ với quê nhà và sẽ sớm trở về.
Thưa ông, ví dụ con số 3 đã thực sự tiêu biểu hay chưa?
Theo một khảo sát trên mạng của chúng tôi thời gian qua với hơn 60.000
ý kiến, có tới hơn 2/3 du học sinh có sự chọn lựa “không quay về nước”
hoặc “sang làm việc ở nước thứ 3”.
Tôi đã gặp nhóm những cựu SVVN tại trường, nhóm có tên
"X-Vietnam". Đó là một nhóm cực kỳ năng động, rất nổi trội ở
trường và tích cực trong quan hệ với VN.
Họ tìm cách đỡ đầu cho SV VN muốn sang học ở Ecole Polytechnique.
Họ cũng vận động tích cực cho hợp tác Pháp - Việt trong lĩnh vực kinh
tế. Tôi lạc quan về việc họ sẽ sớm trở về VN.
Tôi nghĩ rằng, các SV sau khi tốt nghiệp muốn có thêm
kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài trong một vài năm. Nhưng một số không
ít quay về VN và trở thành những nhân tố rất tích cực cho mối quan hệ
Pháp - Việt. Tôi cho rằng, điều này gắn với điều kiện học tập và kinh
tế của nước mà họ học và ở lại vài năm.
Cảm ơn ông!
Được thành lập vào năm
1794, Trường Polytechnique ban đầu có nhiệm vụ đào tạo cán bộ tương
lai cho nhà nước Pháp trong hoàn cảnh thiếu hụt trầm trọng cán bộ
khoa học và kỹ thuật sau cách mạng Pháp năm 1789. Năm 1804, trường
chính thức được hoàng đế Napoleon I giao cho quy chế quân sự với
nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho quân đội và tặng cho lá cờ và khẩu hiệu
"Vì Tổ quốc, Khoa học và Vinh quang".
Nhiều nhà quân sự giỏi như
Faidherbe, Denfert-Rochereau (chiến tranh năm 1870) hay bốn nguyên
soái lớn là Fayolle, Foch, Maunoury và Joffre trong đại chiến thế
giới lần thứ nhất đều là cựu sinh viên của trường.
Không chỉ nổi tiếng với tư
cách là một trường quân sự, tên tuổi của Polytechnique còn gắn liền
với những nhà khoa học nổi tiếng thế giới như Cauchy, Poisson, Poincaré
(toán học), Fresnel, Biot (vật lý học), Guy-Lussac (hoá học) hay
Arago (thiên văn học). Polytechnique cũng đã đào tạo ra nhiều nhà
chính trị quan trọng của Pháp như các tổng thống Carnot (1887-1894),
Giscard-de Estaing (1974-1981) hay các nhà công nghiệp quan trọng
của lịch sử Pháp đương đại như Talabot và ngành đường sắt (công
ty đường sắt Paris Lyon Méditeranée), Bienvenue với hệ thống tàu
điện ngầm ở Paris, Citroen và hãng xe ô tô mang tên của ông, Schlumberger
với tập đoàn dầu khí cùng tên.
Cựu SV Polytechnique tham
gia vào hầu hết các lĩnh vực quản lí và điều hành trong nền hành
chính và kinh tế Pháp. Hiện nay, trong số 40 tập toàn đa quốc gia
có nguồn gốc từ Pháp lớn nhất (các công ty trong danh sách CAC 40),
19 tập đoàn đang được điều hành bởi các ban quản trị mà đứng đầu
là các nhà lãnh đạo xuất thân từ trường Polytechnique.
Từ những năm 1920, đến nay có khoảng hơn 200 người Việt Nam
đã tốt nghiệp tại trường. Khóa 1995 là khóa đầu tiên trường tuyển
SV trực tiếp từ VN.Tới nay đã có hơn 100 SVVN tốt nghiệp từ trường
và làm việc trong các ngành mũi nhọn như viễn thông, công nghệ thông
tin, hàng không, dầu khí, tài chính ngân hàng... cũng như trong
các lĩnh vực nghiên cứu như Toán, Vật lí... tại các nước Pháp, Anh,
Nhật, Tây Ban Nha, Mĩ và VN. Trong số những người VN tốt nghiệp
từ trường, đáng chú ý có học giả Hoàng Xuân Hãn (X30) hay Bùi Huy
Đường (X57), viện sĩ viện Hàn Lâm khoa học Pháp.
Một số người trở về nước
đóng góp, thậm chí từ rất sớm (1978) như tiến sĩ Trần Hà Anh (X59),
cựu viện trưởng viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, phó chủ nhiệm ủy
ban khoa học-kĩ thuật và môi trường quốc hội khóa 10, hiện là chủ
tịch ban điều hành CLB khoa học-kĩ thuật Việt Kiều OVSClub và cũng
là thành viên ban điều hành của nhóm X-Việt Nam.
Đội ngũ giáo sư, nhà
nghiên cứu người Việt tại Polytechnique cũng chiếm một số lượng
không nhỏ trong số những GS, nhà nghiên cứu gốc nước ngoài. Tiêu
biểu có Bùi Huy Đường, Trương Nguyễn Trân, Nguyễn Quốc Sơn, Đặng
Văn Kỳ. (Thông tin do nhóm X-VietNam cung cấp). |
Vân Anh - Hạ Anh (thực hiện)
(theo VietNamNet)
|