(Post 15/09/2007) Giáo dục đại học Việt Nam
đang đứng trước áp lực lớn đòi hỏi phải nhanh chóng hiện đại hóa, nâng
cao chất lượng, tăng quy mô để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước
và hội nhập quốc tế. Nhiều thống kê đánh giá của Việt Nam và các tổ chức
quốc tế về giáo dục đại học VN làm ta lo lắng sâu sắc. Vậy phải làm gì?
Lễ sơ kết
của trường Đại FPT - một thành viên của VIPUA |
|
Đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương thức đào
tạo, đẩy mạnh bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, tăng cường đầu tư phát triển
cơ sở vật chất…Đúng cả. Phải tấn công toàn tuyến, nhưng đột phá từ đâu?
Phải chăng là từ cơ chế quản lý mà bài học 20 năm đổi mới của đất nước
là một bài học vàng? Đó là nội dung cuộc hội thảo về mô hình và cơ chế
quản lý các trường ĐH, CĐ vừa được Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công
lập (VIPUA) tổ chức tại trường ĐH FPT cuối tháng 8 vừa qua. Chúng tôi
xin trích đăng những ý kiến chính tại cuộc hội thảo này.
GS.TS. Trần Hồng Quân –chủ tịch VIPUA:
GD đại học VN đang cần một cơ chế có thể tạo ra động
lực của toàn hệ thống, phải tạo ra đòi hỏi tự thân của từng trường, không
ngừng cách tân, sáng tạo và tự hoàn thiện. Cơ chế đó phải tạo ra sự cạnh
tranh, tạo ra điều kiện và năng lực tự chủ của các trường, tạo ra sự thu
hút nhiều nguồn lực xã hội làm GD, tạo ra môi trường liên kết hội nhập
quốc tế rộng rãi và phổ biến. Hiện nay ta vẫn còn một tâm lý quản lý muốn
có một cục diện thật trật tự theo sự sắp xếp điều khiển của mình dù là
trì trệ, thiếu tốc độ phát triển; vẫn có xu thế muốn tập quyền, rất do
dự phân quyền cho dù ở mức thấp, vẫn có tâm lý không tin tưởng ở ý thức
trách nhiệm của cấp dưới, chưa kể là có người còn muốn giữ quyền tập trung
để duy trì cơ chế “xin-cho”.
Cần phải tạo một hành lang pháp luật đủ rộng để các trường
được tự chủ sáng tạo trong hành lang đó. Các trường nên được tự chủ về
tài chính, về lao động và tiền lương, về nội dung chương trình, về cấp
học, ngành học và sự liên thông, về hợp tác quốc tế, về tuyển sinh, về
học phí. ĐH FPT đã có công tạo sự đột phá trong cơ chế tự chủ.
Về sở hữu trong GD, tại cuộc họp thông qua đề án xây
dựng trường ĐH Khoa học công nghệ thuộc Viện Khoa học VN, đồng chí Nguyễn
Thiện Nhân nói: “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho trường này huy động vốn”.
Phải chăng đây là sự lóng lánh thấy được qua khe của một chiếc xuyền vàng
còn đựng trong hộp? Tư duy đó không phải là mới mà quan trọng là nó có
ở người đang điều khiển hệ thống. Nếu trường công được huy động vốn (đương
nhiên đây không phải là vốn ngân sách của nhà nước) thì đó là sự thừa
nhận tính đa sở hữu của trường, là chấp nhận sự chuyển dịch trường công
gần về phía trường tư. Nếu vậy, và sẽ rất hợp lý, là sẽ hình thành một
phổ các trường xét về mặt sở hữu: trường 100% vốn nhà nước, trường có
sở hữu đan xen, trường 100% vốn tư nhân, trường 100% vốn nước ngoài. Sự
đan xen sở hữu trong các trường sẽ khai thác thế mạnh của từng loại sở
hữu, giúp cho quá trình kiểm soát các nguồn vốn được chặt chẽ hơn và khuyến
khích sử dụng có hiệu quả.
TS. lê trường tùng - hiệu trưởng trường ĐH FPT:
Chúng ta đang đứng trước thách thức của việc chuyển đổi
từ nền kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức với hai sự cạnh tranh
lớn là cạnh tranh tri thức và cạnh tranh dịch vụ. Đào tạo nguồn nhân lực
ở ta chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế tri thức, cả về số lượng
và chất lượng.
Cương lĩnh đào tạo của ĐH FPT là nhằm đáp ứng yêu cầu
nhân lực cho nền kinh tế tri thức đó, vừa tăng tốc về số lượng đào tạo
(hiện nay là 2000 SV), phấn đấu đến 2008 là 8000, 2010 là 15000 và 2015
là 60.000 SV. Với quy trình đào tạo 10 học kỳ đan xen 1 năm đi làm ở quãng
giữa đã giúp SV có thể làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.
Trong một thời gian rất ngắn hoạt động, chúng tôi rất
băn khoăn khi nhận ra một số vấn đề bất cập trong quản lý ĐH của ta như
sau:
- Về chỉ tiêu tuyển sinh, nên căn cứ vào tỉ lệ SV/GV hay số SV tối
đa trong một lớp?
- Về quản lý hiệu quả đầu tư thì nên là tiền kiểm hay hậu kiểm?
- Về tuyển sinh nên kiểm tra thành tích quá khứ hay kiểm tra tố chất
trong tương lai? Bên cạnh 3 chung thì có bao nhiêu riêng?
Trong tư duy quản lý, chúng tôi cũng thấy có bất cập.
Chúng ta đang mở cửa cho nước ngoài đầu tư GD nhưng lại đóng cửa với các
trường VN. Việc quản lý trường công cũng khác với trường tư và chưa hề
có sự bình đẳng mặc dù luật quy định như vậy. Tư duy lộ trình cũng có
vấn đề cần xem lại, nên vừa chạy vừa xếp hàng hay cứ chậm nhưng mà chắc?
Làm gì để nhanh chóng thu hẹp khong cách giữa VN và quốc tế trong GD?
Nên đặt niềm tin kết hợp kỷ cương hay cầm tay chỉ việc? Việc chuyển đổi
bán công nên sang công lập hay sang tư thục? Đó là những câu hỏi về quản
lý mà thực tiễn GD đang đòi câu trả lời.
TS. Nguyễn Niên - hiệu trưởng trường ĐH Đông
Đô:
Những vấn đề về cơ chế quản lý và mô hình GD ĐH là đã
quá rõ ràng, có lẽ không cần phải tranh luận. Vấn đề là hành động thực
tiễn. Thực tế đổi mới 20 năm qua cho chúng ta thấy nghèo đói bây giờ không
phải do đế quốc sài lang gì đó, mà do chúng ta. GD cũng vậy. Từ nhận thức
phải chuyển sang hành động. Các bộ luật về kinh tế không phân biệt hình
thức sở hữu, thành phần kinh tế. Vậy thì luật GD cũng phải là của chung
mọi mô hình, tại sao phải phân biệt đối xử với các hình thức sở hữu khác
nhau? Xu hướng tư thục hóa đang là xu hướng GD cần được quan tâm. Muốn
có nguồn lực phải có động lực. Động lực ấy là cơ chế quản lý. Có cơ chế
thì có mô hình.
GS. Hoàng Xuân Sính – chủ tịch HĐQT ĐH Thăng
Long:
GD đại học là một lĩnh vực rất khó. ở Hy Lạp, bà Bộ trưởng
GD nêu ra một thực trạng là ngân sách nhà nước không đủ lo cho GD, SV
phải ra nước ngoài học rồi không về nữa gây lãng phí tiền của và chảy
máu chất xám. Cần phải phát triển các trường ĐH không nhà nước, không
lợi nhuận.
Tuyên bố này của bà Bộ trưởng gây nên một sự phản kháng
mạnh mẽ. Và vì vậy mà Hy Lạp chỉ có trường công.
Tình hình ở ta cũng tương tự, nhưng có điều chúng ta
sẵn sàng chấp nhận đến năm 2020 tỉ lệ SV ngoài công lập (NCL) chiếm 40%
mặc dù chưa có một giải pháp nào đặt ra cho nó. Các trường NCL cứ hùng
hục phấn đấu cho tỉ lệ này. Nhưng với cơ chế chuyển đổi hiện nay, số trường
công đang tăng lên và trường tư lại giảm đi. Tỉ lệ SV ngoài công lập đang
là 12% năm ngoái, năm nay chỉ còn 9%. Vậy thì làm thế nào để đạt tỉ lệ
40% kia? Với cung cách đầu tư như các trường NCL của ta đang làm hiện
nay, trừ các đồng minh chiến lược còn không có nhà đầu tư nước ngoài nào
dại gì làm như vậy. Họ chỉ làm khi có lãi, và học phí lúc ấy phải từ 6000
đến 8000 USD/năm, trong khi ta thu 2000 USD/năm còn khó, cuộc họp với
phụ huynh SV trường tôi năm nào cũng có sự mặc cả học phí. Vậy phải làm
thế nào để cạnh tranh được với nhà đầu tư nước ngoài? Cần phá bỏ rào cản
của cơ chế quản lý tài chính hiện nay. Nên chăng, hãy học tập ấn Độ: chia
3 loại hình trường với 3 mức học phí khác nhau: trường chỉ dạy bằng tiếng
Hindu, trường dạy bằng cả hai thứ tiếng Hindu và Anh, trường chỉ dạy bằng
tiếng Anh. Đó chỉ là một ví dụ.
Ông Bùi Thiện Dụ – hiệu trưởng trường đại học
Phương Đông:
Kinh tế thị trường là thành quả của cả nhân loại, không
phải của một nhóm tư bản. Dân chủ và quyền công dân cũng vậy. Toàn cầu
hóa phải tiếp nhận hai khái niệm này. Từ “đổi mới” đã trở nên món cũ.
Cái gì diễn ra không đúng quy luật thì phi bị loại trừ. Hãy để cho mỗi
người tự quyết định, tự chủ, tự trị và tự chịu trách nhiệm. Mà trách nhiệm
ấy không phải là trách nhiệm xã hội chung chung, mà cụ thể là trách nhiệm
trả lời minh bạch trước xã hội. Tôi không bức xúc lắm trước những gì tạm
gọi là chưa đổi mới hiện nay. Và tôi chấp nhận chờ.
GS.TS. Trần Hữu Nghị – hiệu trưởng trường ĐHDL
Hải Phòng:
Trong quá trình hoạt động, các trường NCL không được
tự tăng chỉ tiêu, không được liên kết, không được đa dạng hóa. Nhưng sau
gần 10 năm thành lập, trường tôi là 1 trong 20 trường được lựa chọn để
Bộ kiểm định thì tất cả những điều không được làm trên đây lại trở thành
những tiêu chí kiểm định.
Đến học phí cũng vậy. Năm nay trường tôi mới dám đưa
lên mức 4.950.000/năm, chỉ bằng học phí một tháng của ĐH FPT. Thôi thì
đành cố gắng tận dụng hết số tiền thu được cho đào tạo. Vì vậy cũng khó
có thể có chất lượng được như ĐH FPT. Nhân đây cũng nói thêm về chuyện
đầu tư của Nhà nước cho trường NCL. Hiện nay trường tôi đã có 81% GV là
thạc sĩ, mà không hề được nhà nước đầu tư hỗ trợ như đã từng làm với các
trường công. Trong danh sách hưởng đề án 322 cũng không hề có một ai là
của trường NCL.
Nếu giải quyết được vấn đề mô hình và cơ chế quản lý
thì hệ thống của ta sẽ tốt hơn. Quan trọng nhất là sự bình đẳng trước
pháp luật của mỗi thành viên trong hệ thống.
GS.TSKH. Phan Đình Diệu:
Việc đổi mới mô hình và cơ chế quản lý không phải là
việc cần làm với riêng các trường NCL mà với chung các trường ĐH trong
cả nước, của cả hệ thống GD. Rất cần trao cho các trường quyền tự quyết
định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, trong đó có quyền quyết
định nội dung chương trình. Nội dung chương trình ấy phải đáp ứng được
yêu cầu hiện đại hóa tri thức, đào tạo nguồn nhân lực hiện đại của thế
kỷ 21. Họ phải có tư tưởng, có cách tư duy tương thích với thế kỷ 21 –
thế kỷ của nền kinh tế tri thức. Mọi yêu cầu khác về nội dung chương trình
đều phải hướng tới mục đích này.
Triệu Bảo Ngọc Anh (lược ghi)
(Theo Báo Giáo dục và Thời đại) |