(Post 31/05/2008) Sẽ có 9 dự án giáo dục được
sử dụng 850 triệu USD nguồn tiền vay và viện trợ từ các tổ chức nước ngoài
trong giai đoạn 2008-2010. Đó là con số vừa được công bố tại Hội nghị
Đối thoại thường niên lần thứ 2 giữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT và nhóm các nhà
tài trợ quốc tế cho giáo dục.
Nhà tài
trợ nước ngoài chất vấn lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại hội nghị. Ảnh: L.H |
|
Hiện nay, tổng nguồn vốn từ nước ngoài đang được sử dụng
trong các dự án giáo dục tại VN là 825,4 triệu USD với tỉ lệ giải ngân
năm 2007 đạt 74,15%.
Trong số 9 dự án sẽ được đầu tư sắp tới, có tới 4 dự
án tập trung xây dựng và phát triển các trường ĐH nghiên cứu chất lượng
cao gồm ĐH Việt-Đức, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ĐH nghiên cứu Cần
Thơ và ĐH Nghiên cứu Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho
biết sẽ cho phép các giảng viên ký hợp đồng với hiệu trưởng để nâng tính
cạnh tranh và hiệu trưởng được phép trả thù lao theo thỏa thuận với giảng
viên. Như vậy, giáo sư không còn là công chức suốt đời và được tự do điều
chỉnh 50% chương trình học.
Xây dựng trường học 2 buổi/ngày cũng là 1 trong những
ưu tiên của các dự án có hỗ trợ từ nguồn vốn nước ngoài.
Trong những năm tới, sẽ cần khoảng 50 triệu USD để tới
năm 2020, 100% trường tiểu học trên cả nước học 2 buổi/ngày.
Với bậc THCS và THPT, tới năm 2004, 33 tỉnh đã có trường
học 2 buổi/ngày nhưng hiện nay ở các thành phố lớn đang bị quá tải nên
cần phải đầu tư mở rộng gần 10.000 trường THCS và 1.000 trường THPT, đồng
thời xây dựng thêm trường mới.
Trong 5 năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ ngành
liên quan để tìm nguồn vốn 25.200 tỉ đồng phục vụ kiên cố hóa trường lớp
học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
Được các nhà tài trợ quốc tế đánh giá là quốc gia đi
đầu trong khu vực về giáo dục hòa nhập, VN sẽ tập trung xây dựng đội ngũ
giáo viên có trình độ chuyên môn theo chuẩn nghề nghiệp, đồng thời nắm
bắt tâm lý của HS dân tộc thiểu số và biết tiếng dân tộc. Bộ GD-ĐT cũng
đang tiến hành cung cấp miễn phí sách giáo khoa và báo cho trẻ em dân
tộc. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở những vùng không được triển khai hỗ
trợ vẫn được nhận hỗ trợ.
Mỗi điểm trường sẽ cử thêm 1 nhân viên hỗ trợ cho những
HS mà tiếng mẹ đẻ không phải tiếng Việt. Mỗi trường tiểu học còn được
nhận 500 USD/năm để hỗ trợ trực tiếp cho HS khó khăn mua quần áo ấm, bữa
ăn bán trú...
Về minh bạch trong quản lý tài chính, Bộ trưởng Nguyễn
Thiện Nhân thừa nhận, hệ thống quản lý tài chính giáo dục ở VN rất phân
tán. Bộ GD-ĐT chỉ quản lý khoảng 50% nguồn tài chính cho giáo dục, còn
lại là các bộ ngành địa phương trực tiếp quản lý và chi tiêu không hề
báo cáo với Bộ GD-ĐT. Vì thế, Bộ không kiểm soát được hoàn toàn việc sử
dụng tài chính giáo dục.
Hiện nay Bộ đang xây dựng đề án đổi mới cơ chế tài chính
để sắp xếp lại quản lý hợp lý hơn, có phối hợp quy định trách nhiệm trong
xác định định mức chi. Dự kiến tháng 4 sẽ công bố đề án này.
Ông Nhân cũng cho biết chủ đề năm học 2008-2009 là ứng
dụng công nghệ thông tin và đổi mới quản lý tài chính. Tất cả các hiệu
trưởng sẽ phải được đào tạo về quản lý tài chính. Thông qua chương trình
ODA quản lý tài chính trường phổ thông, đến 2010 sẽ có phần mềm thực hiện
và 28.000 hiệu trưởng được bồi dưỡng.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp
đề xuất thành lập 1 nhóm đặc nhiệm phản ứng nhanh trước các yêu cầu của
đối tác quốc tế. Các Sở GD-ĐT và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng
phải cùng tham gia đánh giá, dự báo về nhu cầu lao động, tạo lập trung
tâm hỗ trợ đào tạo nghề.
Lan Hương
(theo VietNamNet) |