(Post 17/05/2008) Lao động cấp trung và được
đào tạo tốt của VN còn rất ít ỏi. Phần “cứng” như kiến thức và kỹ thuật
đều đảm bảo nhưng phần “mềm” bao gồm trình độ tiếng Anh, khả năng giao
tiếp, giải quyết vấn đề… đều còn yếu.
Sinh viên
VN thực tập tại Intel TP.HCM. Ảnh: T.V. Nguyên |
|
Đó là nhận xét của đa số đại diện các tập đoàn lớn của
Hoa Kỳ về nguồn nhân lực VN được đưa ra tại Hội nghị “Vai trò của Hoa
Kỳ đối với sự phát triển của giáo dục đại học ở Việt Nam" tổ chức
ngày 24 và 25/1 tại Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên ĐSQ Hoa Kỳ tổ chức 1 hội nghị giáo
dục quy mô lớn tại VN với sự tham gia của 160 đạo diện đến từ các trường
ĐH và các tập đoàn lớn như Boeing, Microsoft, Intel… Ngoài ra còn có 20
quan sát viên đến từ Bộ GD-ĐT và 1 số trường ĐH VN.
Trước kia, các công ty Hoa Kỳ tới VN đều có chung 1 mối
quan tâm về chất lượng nguồn nhân lực nhưng các công ty này đều tìm cách
giải quyết nhu cầu nhân lực riêng rẽ. Đây là cơ hội để họ cùng chia sẻ
kinh nghiệm và tìm giải pháp chung.
Ông Micheal W. Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại VN cho biết:
“Các công ty Hoa Kỳ mong muốn tìm kiếm được những người lao động, nhà
quản lý linh hoạt, sáng tạo, biết cách giải quyết vấn đề. Họ biết rằng
ở VN có nhiều người như vậy nhưng rất tiếc lại chưa tìm được.”
VN có lực lượng lao động trẻ và sẵn sàng học hỏi, vững
về kiến thức và kỹ năng nhưng còn yếu về kỹ năng “mềm”, đặc biệt là khả
năng sử dụng tiếng Anh.
Để tăng cường khả năng sử dụng tiếng Anh của người lao
động VN, phía Hoa Kỳ đang cử 1 chuyên gia làm việc với Bộ GD-ĐT giúp xây
dựng giáo trình và đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh. Ngoài ra còn
tổ chức các hội thảo định kỳ trao đổi kinh nghiệm dạy tiếng Anh ở các
trường ĐH.
Hiện nay, tổ chức tình nguyện VIA của Hoa Kỳ với khoảng
17, 18 giảng viên tiếng Anh cũng đang giảng dạy miễn phí tại các trường
ĐH của VN.
Ông Jeff Prunty
(Giám đốc Tài chính Công ty Intel VN): Hiện nay, chúng
tôi đang sử dụng 60 lao động VN, chủ yếu trong lĩnh vực nhân lực,
tài chính, xây dựng. Trong đợt tuyển dụng kỹ sư gần đây nhất của
chúng tôi, có 2.000 ứng viên mới tốt nghiệp đã tham gia 1. Sau vòng
1, đã có 90 người vào phỏng vấn và cuối cùng chỉ chọn được 40 người.
Kỹ thuật và kiến thức của người lao động VN đều rất tốt nhưng những
kỹ năng mềm cần thiết cho công việc thì còn thiếu.
Để tăng cường khả năng tiếng
Anh của nhân viên, chúng tôi gửi họ đi đào tạo vài tháng ở nước
ngoài. Đồng thời, công ty yêu cầu nhân viên bắt buộc phải sử dụng
tiếng Anh, kể cả khi người Việt nói chuyện với nhau.
Về dài hạn, Intel sẽ phối
hợp với các trường của VN để đào tạo nhân lực ngay từ khi còn ngồi
trên ghế nhà trường.
Hiện nay, chúng tôi đang
làm việc với 1 số trường ĐH hàng đầu của VN như ĐH Bách khoa Hà
Nội, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM để đưa các chương
trình chất lượng cao của các ĐH Hoa Kỳ về VN.
Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa
SVVN sang Mỹ theo học 1 số chương trình. Khóa đầu tiên có thể sẽ
bắt đầu vào năm 2010. Trong thời gian đó, chúng tôi cũng tuyển chọn
1 số SV năm thứ 2, thứ 3 để đưa sang Mỹ học tập và lấy bằng tốt
nghiệp của Mỹ. Các SV này được Intel học bổng mà không cần cam kết
phải làm việc tại Intel.
SV cũng được tạo điều kiện
đến Intel thực tập. Cho đến nay, khoảng 50% thực tập sinh đã trở
thành nhân viên chính thức của Intel.
Ở các bậc học khác, chúng
tôi cũng có hỗ trợ như đào tạo giáo viên bậc tiểu học, cung cấp
máy tính cho HS tiểu học, tổ chức các kỳ thi toán phổ thông.
Chúng tôi cũng ký kết biên
bản hợp tác trong xây dựng chương trình giảng dạy đáp ứng nhu cầu
xã hội cho các trường ĐH. |
Lan Hương
(theo VietNamNet)
|