Chất lượng nhân lực VN: Xếp thứ 11/12 nước châu Á  
 

(Post 07/05/2008) Chất lượng nguồn nhân lực của VN hiện nay mới chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng, theo đánh giá mới của Ngân hàng Thế giới (WB). 1 nghiên cứu khác cho thấy lao động VN chỉ đạt 32/100 điểm. Trong khi đó, những nền kinh tế có chất lượng lao động dưới 35 điểm đều có nguy cơ mất sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đó là những con số được các đại biểu đưa ra tại hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển Thủ đô” diễn ra mới đây.

Nhiều con số gây "sốc" được các đại biểu đưa ra tại hội thảo. Ảnh: Lan Hương

Đồng tình với những nhận định này, PGS.TS Nguyễn Đại Thành, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) khẳng định nguồn lao động của nước ta có năng suất lao động quá thấp, đứng thứ 77/125 nước và vùng lãnh thổ, sau cả Indonesia, Philippine và Thái Lan.

Ngay tại Thủ đô, có chưa tới 15% lực lượng lao động biết tiếng Anh và sử dụng thành thạo máy vi tính, TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-xã hội Hà Nội cho biết.

Theo bảng số liệu do PGS.TS Đặng Quốc Bảo cung cấp thì tỉ lệ lao động không có chuyên môn ở Hà Nội hiện là 41,4%, Hải Phòng 64%, Đà Nẵng 54,4%, TP.HCM 55% và Bà Rịa Vũng Tàu là 62,9%.

Ông Bảo cảnh báo với chất lượng lao động như vậy, chúng ta có nguy cơ thua ngay trên chính sân nhà. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không “dám” sử dụng lao động VN cho những vị trí cần kiến thức và tay nghề cao nên sẽ có lúc chúng ta phải nhập khẩu lao động chất lượng cao từ nước ngoài vào.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) Hoàng Ngọc Vinh cho rằng trước hết cần có chuẩn để so sánh chất lượng lao động và để thực hiện được chuẩn phải giải quyết các vấn đề về cơ chế, tài chính, quản lý...

Các tiêu chí đánh giá chất lượng lao động do WB đưa ra bao gồm những ấn tượng chung về hệ thống giáo dục và đào tạo nhân lực; mức độ sẵn có của lao động chất lượng cao; mức độ sẵn có của nhân lực quản lý hành chính chất lượng cao; sự thành thạo tiếng Anh và sự thành thạo về kỹ thuật và công nghệ tiên tiến.

Là đại diện duy nhất từ doanh nghiệp tham gia hội thảo, ông Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Đào tạo, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Vinaconex cho rằng cần phải nhìn nhận lại quan niệm thông thường là lao động trình độ cao tức là lao động được đào tạo ở trình độ cao. Những nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống rất thành thạo công việc của mình nên dù không qua trường lớp đào tạo, họ vẫn là những lao động có trình độ rất cao.

Theo ông Tố, cần làm sáng tỏ vấn đề này, từ đó đưa ra hướng đào tạo thích hợp.

Ông Tố cũng cho rằng lâu nay chúng ta nhầm lẫn giữa nhu cầu xã hội và nhu cầu lao động. Nhu cầu xã hội là nhu cầu được đi học của người dân, vì thế các trường luôn mở rộng, tuyển sinh nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu này. Và hàng năm, ước tính các trường ĐH, CĐ trên cả nước cho “ra lò” gần 1 triệu lao động nhưng khu vực cần rất nhiều nhân công như các khu công nghiệp, làng nghề, xuất khẩu lao động lại chỉ tận dụng được lao động nông thôn nhàn rỗi chứ không phải 1 triệu lao động qua đào tạo kia. Như vây, rõ ràng có sự vênh nhau giữa nhu cầu đi học của người dân và nhu cầu nhân lực của xã hội.

Đa số đại biểu tham gia hội thảo đều bày tỏ rằng với cơ chế tài chính và quản lý hiện nay, rất khó cho các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề nâng cao chất lượng đào tạo lao động. 1 trường có tới 2 bộ quản lý (Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), lại thêm bộ chủ quản “kèm cặp”. “Có 2, 3 ông bố thì con gái không lấy chồng được là phải!” - Ông Nguyễn Văn Tố ví von.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp Hoàng Ngọc Vinh cũng đồng tình rằng, 1 trong các nguyên nhân dẫn tới chất lượng đào tạo lao động còn yếu kém là do lạc hậu trong nhận thức và quản lý giáo dục, chưa quan tâm đúng mức tới cung-cầu mà chỉ đào tạo theo quán tính. Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế chế tài cũng dẫn đến buông lỏng chất lượng đào tạo vì cho đến nay, ngoài Trường ĐH Á Châu thì chưa có 1 trường nào ở nước ta phải buộc đóng cửa.

Các đại biểu thống nhất cần thành lập các cơ quan dự báo nguồn nhân lực để đón đầu thị trường, đồng thời thay đổi cơ chế quản lý đào tạo để thúc đẩy mạnh mẽ việc tăng chất lượng đào tạo nhân lực.

Lan Hương
(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Cách "kiếm tiền" và "tiêu tiền" của ĐH MỹHệ tín chỉ: Từ ĐH ở Mỹ đến ĐH ở Việt Nam - Bài 4: Quản lý "thủ công" sẽ bóp méo hệ tín chỉ
Hệ tín chỉ: Từ ĐH ở Mỹ đến ĐH ở Việt Nam - Bài 3: Hệ tín chỉ: “Viết lại một quyển niên giám”Hệ tín chỉ: Từ ĐH ở Mỹ đến ĐH ở Việt Nam - Bài 2: “Thầy diễn thuyết trò nghe” vẫn có chất lượng cao?
Hệ tín chỉ: Từ ĐH ở Mỹ đến ĐH ở Việt Nam - Bài 1: Hệ tín chỉ và các yêu cầu tối thiểu trong ĐH ở Mỹ"Tấm thảm" cho nhân tài đã thực sự "đỏ"?
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11