(Post 29/08/2009) Ngành Viễn thông - CNTT của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Làm thế nào để có thể tăng tốc, sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về Viễn thông và CNTT là câu hỏi và cũng là mục tiêu lớn được hướng tới. Có rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên câu trả lời xác đáng nhất. Và cả mong muốn, ước mơ, kỳ vọng về những Bill Gates "made in" Việt Nam... Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trả lời trực tuyến sáng 16/8 trên kênh VTC2 | |
Đối thoại trực tuyến về “Chiến lược phát triển quốc gia về CNTT” Diễn ra trong bối cảnh Dự thảo đề án “Tăng tốc sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về Viễn thông và công nghiệp CNTT” vừa được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông thông qua vào ngày 3/8/2009 vừa qua và đang trong quá trình chờ Chính phủ phê duyệt, sự kiện Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đối thoại trực tiếp về Chiến lược phát triển Quốc gia về CNTT trên kênh VTC2 từ 10 giờ sáng nay, 16/8, đã giành được sự quan tâm lớn. Sẽ có những Bill Gates của Việt Nam Câu hỏi đầu tiên được đặt ra cho Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trong buổi trả lời trực tuyến có lẽ cũng là một câu hỏi chung của những người quan tâm tới sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam: Mục tiêu đề ra là đến giai đoạn 2015-2020 là một trong 70 nước mạnh về CNTT. Tại sao lại là top 70 mà không là top 50, hoặc 20, hoặc 10? Và đây là mục tiêu hiện tại, nhưng trong thời gian đó các nước khác cũng phát triển, thậm chí còn chạy nhanh hơn ta vì họ có tiềm lực mạnh hơn. Làm sao để đạt mục tiêu? Trả lời băn khoăn này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, hiện tại, Việt Nam đứng thứ hạng 92 trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Cách đây 5 năm, Việt Nam đứng thứ 107. Như vậy, sau 5 năm, Việt Nam tăng được 15 bậc trong bảng xếp hạng. Mục tiêu đề án tăng tốc là đến 2015 (sau 6 năm nữa), Việt Nam sẽ đứng khoảng thứ 70 - tức là tăng được 18 bậc. Và đến năm 2020, Việt Nam đứng khoảng thứ 60. Nếu chia các quốc gia trên thế giới (khoảng gần 200 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc) thành 3 nhóm về CNTT: nhóm khá, nhóm trung bình và nhóm yếu, mỗi nhóm khoảng 60-70 quốc gia, thì nếu Việt Nam đứng thứ hạng 70, có thể nói Việt Nam thuộc nhóm khá về CNTT. Để đạt mục tiêu, Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp về xã hội hóa, về đầu tư, về thể chế mở đường và về chính sách. Đặc biệt, yếu tố quyết định để đạt mục tiêu là sự quyết tâm cao độ của các cơ quan Nhà nước (Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông…) và sự quyết tâm, nỗ lực hết mình của các doanh nghiệp viễn thông và CNTT. Với những nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, tiềm năng của Việt Nam, Bộ trưởng tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia mạnh về viễn thôn và CNTT với những mục tiêu rất cụ thể về thứ hạng, về tổng doanh thu, về tốc độ tăng trưởng… Và quan trọng hơn, Viễn thông và CNTT Việt Nam sẽ thực sự phục vụ cuộc sống, nhu cầu hàng ngày của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của người dân. Một trong những nhiệm vụ chính của Đề án là nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông và CNTT của Việt Nam gia nhập thị trường thế giới, quảng bá hình ảnh, thương hiệu VT&CNTT Việt Nam trên thế giới, từ đó hình thành các tập đoàn viễn thông và CNTT Việt Nam làm chủ quốc gia, vươn ra quốc tế. Cùng với đó, Đề án cũng nhằm mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam, trong đó có đào tạo đội ngũ đầu đàn. Với sự hình thành các doanh nghiệp viễn thông và CNTT quy mô thế giới cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực CNTT là điều kiện thuận lợi, tiền đề rất tốt xuất hiện những “Bill Gates của Việt Nam”. 2020: 30% giảng viên CNTT có trình độ Tiến sĩ Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, con số này là hoàn toàn khả thi. So với hiện trạng và mặt bằng chung về tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các ngành thì tỷ lệ 30% là cao. Tuy nhiên, nếu so với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới thì tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ của họ còn cao hơn rất nhiều. Có nhiều hình thức đào tạo: Đào tạo trong các cơ sở đào tạo ở Việt Nam, do giảng viên Việt Nam đảm nhiệm; Đào tạo trong các cơ sở đào tạo ở Việt Nam, do các giảng viên nước ngoài, Việt Kiều hỗ trợ và gửi giảng viên ra nước ngoài đào tạo. Ngoài ra, với việc cải cách giáo dục trong thời gian sắp tới (về hình thức đào tạo), với việc xã hội hóa đào tạo. Cùng với đội ngũ giảng viên, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, trong đó có việc nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức nhà nước cũng đang được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo và của từng cán bộ, công chức. Để năng lực trình độ cán bộ CNTT đáp ứng được với yêu cầu, một mặt cần tiếp tục tổ chức, triển khai các khóa đào tạo về CNTT cho cán bộ, công chức. Mặt khác, cần tiếp tục cải tiến các chương trình đào tạo để nội dung đào tạo là thiết thực, gắn kết với các ứng dụng thực tiễn. Ngoài ra, còn cần có cơ chế khen thưởng, khuyến khích cán cán bộ, công chức ứng dụng CNTT giỏi. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để cán bộ, công chức có thể ứng dụng CNTT đó là vấn đề nhận thức và sự quyết tâm, vào cuộc của lãnh đạo. Khi người cán bộ, công chức nhận thấy ứng dụng CNTT là tốt cho công việc của bản thân thì chắc chắn họ sẽ làm được. Và khi lãnh đạo đơn vị trực tiếp ứng dụng CNTT, chắc chắn cán bộ, công chức của đơn vị đó sẽ ứng dụng CNTT. Thủy Nguyên (theo VnMedia) |