(Post 24/09/2009) Mô hình đào tạo nhân lực
CNTT của Việt Nam cần thay đổi để đối phó với sự phát triển rất nhanh
chóng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Đó là chia sẻ của ông Võ Tấn
Long, Tổng giám đốc Công ty IBM Việt Nam trong cuộc trao đổi với Báo Bưu
Điện Việt Nam về chủ nguồn nhân lực CNTT.
Để tham
gia khai thác thị trường dịch vụ CNTT toàn cầu, mô hình đào tạo
nhân lực CNTT ở Việt Nam phải thay đổi gấp. Ảnh minh họa. |
|
Báo BĐVN: Điều gì khiến ông đi đến
nhận định mô hình đào tạo nguồn nhân lực CNTT của chúng ta cần phải thay
đổi?
Ông Võ Tấn Long: Nhìn vào cơ cấu GDP
của nhiều quốc gia trên thế giới, chiếm khoảng 65-70% GDP là doanh thu
từ các ngành dịch vụ, số lượng nhân lực tham gia vào các ngành dịch vụ
cũng rất lớn. Riêng doanh thu từ dịch vụ trong ngành CNTT hiện đạt khoảng
450-550 tỷ USD/năm.
Những quốc gia như Việt Nam chúng ta hiện có tiềm năng
và cơ hội lớn để tham gia vào những thị trường dịch vụ này, với điều kiện
nguồn nhân lực của Việt Nam phải được chuẩn bị tốt để có thể bắt kịp với
xu thế phát triển, với những dịch vụ CNTT như xử lý quy trình kinh doanh
(BPO), dịch vụ contact center, xử lý các giao dịch hậu cần (logistics)…
Bản thân IBM cũng xem Việt Nam như là một thị trường lớn và có nhiều tiềm
năng. Tuy nhiên, tại Việt Nam chúng tôi gặp khó khăn lớn là nguồn nhân
lực thiếu kỹ năng.
Theo đánh giá của chúng tôi, có tới 2/3 số sinh viên
CNTT Việt Nam hiện nay sau khi tốt nghiệp chưa có đủ điều kiện để làm
việc cho các công ty đa quốc gia hay trong môi trường toàn cầu hóa. Chỉ
có khoảng 1/3 số sinh viên là có khả năng về kiến thức, về ngoại ngữ hay
kỹ năng giao tiếp để sẵn sàng làm việc trong môi trường này. Nhưng ngay
cả số sinh viên này nếu tuyển dụng chúng tôi cũng cần từ 6-18 tháng để
trang bị lại các kiến thức và kỹ năng (giao tiếp, làm việc nhóm trong
môi trường toàn cầu, về sự khác biệt văn hóa và cách ứng xử…) để họ có
thể phát huy được năng lực làm việc.
Hay như có đến 80% nhân viên được tuyển dụng vào làm
việc tại nhà máy của Intel ở Việt Nam là tốt nghiệp các trường đại học
ở nước ngoài chứ không phải là ở trong nước. Rõ ràng, nếu muốn hòa nhập
được vào môi trường lao động toàn cầu và nắm bắt những cơ hội phát triển
mới thì Việt Nam cần phải thay đổi mô hình đào tạo sinh viên.
Báo BĐVN: Vậy mô hình đào tạo cần
phải thay đổi như thế nào, theo quan điểm của ông?
Ông Võ Tấn Long: Tại IBM chúng tôi xây
dựng mô hình chữ T để thể hiện kỹ năng cũng như kiến thức của nguồn nhân
lực được đào tạo để phục vụ cho nền kinh tế hiện nay. Bất cứ người nào
tham gia vào nền kinh tế hiện nay cũng phải hiểu biết sâu về một lĩnh
vực chuyên môn (dấu gạch đứng của chữ T). Chẳng hạn như bạn là chuyên
gia về truyền thông, còn tôi là chuyên gia về công nghệ, về thương mại.
Nhưng ngày hôm nay những người chỉ là chuyên gia ở một lĩnh vực nào đó
thì khả năng tạo ra những giá trị mới, đóng góp và thành công của họ trong
nền kinh tế sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Ví dụ, nếu bạn chỉ là một lập trình viên chuyên nhập
mã lệnh (code) hoặc quản lý hệ thống thì khả năng hiểu biết của bạn về
việc làm thế nào sử dụng CNTT để tạo ra những giá trị mới cho các mô hình
dịch vụ là rất ít. Chính vì vậy hiện nay những sinh viên khi ra trường
không những chỉ phải nắm rất sâu về lĩnh vực mà họ được đào tạo, như kế
toán, luật, CNTT… mà còn cần phải hiểu về lĩnh vực, về ngành mà họ làm
việc (đó là dấu gạch ngang của chữ T).
Nhân viên bán hàng của IBM có kỹ năng CNTT rất tốt, nhưng
họ sẽ không thể bán được hàng nếu như họ không hiểu biết môi trường làm
việc của khách hàng, những lĩnh vực ngân hàng, khối chính phủ, ngành hàng
không… Có nghĩa là nhân viên IBM phải hiểu được các lĩnh vực đa dạng đó
và cần biết kết nối giữa công nghệ và sự hiểu biết về ngành công nghiệp
để có thể tạo ra những giá trị mới.
Như vậy, mô hình đào tạo cần phải thay đổi để các sinh
viên không chỉ hiểu sâu về lĩnh vực được đào tạo, mà họ còn cần phải nắm
bắt được những kiến thức và kỹ năng của những ngành công nghiệp khác,
để có thể hòa nhập thành công vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nói rất nhiều đến những kỹ
năng mềm (soft skills), như kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, làm
việc nhóm… cần trang bị cho đội ngũ nhân lực để hòa nhập thành công vào
thế giới phẳng. Cách trang bị những kỹ năng mềm này cho nguồn nhân lực
cũng khác mô hình đào tạo kiểu truyền thống rất nhiều.
Điều đáng mừng là tôi nhìn thấy ở Quyết định phê duyệt
Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định
hướng đến năm 2020 của Chính phủ cũng đã phảng phất một số ý tưởng của
sự thay đổi, như việc tập trung đào tạo CNTT cho nguồn nhân lực. Tuy nhiên,
đó chỉ là một mặt của vấn đề.
Điều quan trọng và cần thiết nữa là những sinh viên chuyên
ngành CNTT cũng cần có những kỹ năng, hiểu biết về các ngành khác, kỹ
năng làm việc trong môi trường đa quốc gia, kỹ năng về truyền tải thông
tin, thu thập và xử lý thông tin…
Báo BĐVN: Theo ông, những lực lượng
nào sẽ cần tham gia và cùng phối hợp để triển khai mô hình đào tạo mới
này?
Ông Võ Tấn Long: Đào tạo nhân lực theo
mô hình mới cần có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ,
các ngành công nghiệp và các trường đào tạo, đồng thời với khái niệm “học
tập liên tục trong cuộc đời”, vì hiện nay mọi thứ đang biến đổi quá nhanh.
Cái gì được coi là đúng ở ngày hôm qua chưa chắc còn đúng ở ngày hôm nay,
nên một người tham gia môi trường kinh tế toàn cầu thì việc liên tục học
hỏi và cập nhật kiến thức, kỹ năng là yếu tố không thể thiếu được.
Chính vì vậy, việc hợp tác giữa các trường đào tạo với
các ngành công nghiệp để liên tục thay đổi và cập nhật kiến thức, để đưa
những kỹ năng mà ngành công nghiệp cần vào quá trình giảng dạy là giải
pháp quan trọng nhất để lực lượng lao động có thể theo kịp với sự phát
triển.
Báo BĐVN: Thực ra mô hình kết hợp
giữa các cơ quan chính phủ - ngành công nghiệp – các cơ sở đào tạo không
phải là một giải pháp mới, nhưng ở Việt Nam, tiến trình thay đổi đào tạo
nguồn nhân lực CNTT rất chậm. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để thúc
đẩy tiến trình đó nhanh hơn. Và trong 3 đỉnh của tam giác này, lực lượng
nào cần phải đi tiên phong?
Ông Võ Tấn Long: Khi thế giới ngày càng
phẳng hơn thì sẽ không còn lực lượng nào quan trọng hơn lực lượng nào.
Tất nhiên, chính sách tạo ra tiền đề cho sự phát triển, nhưng sự phát
triển đó như thế nào nhiều khi được hình thành trong quá trình hợp tác.
Ở góc độ một tập đoàn công nghệ, IBM vẫn tiếp tục cung
cấp hoạt động đào tạo công nghệ tiêu chuẩn mở cốt lõi, nhưng đồng thời
chúng tôi đã mở rộng hỗ trợ các trường đại học trong việc xây dựng các
chương trình tổng hợp của nhiều lĩnh vực với tên gọi “Kỹ nghệ và Quản
lý Khoa học Dịch vụ” (SSME – Service-Science Management and Engineering),
giúp các khoa trong một trường đại học cùng hợp tác để cung cấp các khóa
học kết hợp kinh doanh, công nghệ và khoa học xã hội, để giúp các sinh
viên sau khi ra trường từ 4-6 tháng là có thể gia nhập vào lực lượng nhân
lực CNTT toàn cầu.
Chúng tôi hiện đang hợp tác với một số trường đại học
ở Việt Nam để đưa khung chương trình tổng hợp này vào giảng dạy.
Bên cạnh đó, IBM cũng đang hợp tác thành công với Bộ
KHCN trong việc xây dựng Nền tảng Cộng tác Sáng tạo (Innovation Collaboration
Platform), dựa trên các công nghệ kiến trúc hướng dịch vụ (SOA), công
nghệ Web 2.0 để xây dựng nền tảng trao đổi, chia sẻ thông tin, các ý tưởng
sáng tạo và hợp tác giữa các bên có liên quan.
Chúng tôi hy vọng cũng sẽ sử dụng những nền tảng tương
tự như vậy cho ngành giáo dục Việt Nam, để cộng đồng có một diễn đàn trao
đổi thông tin cũng như các nhu cầu về nguồn nhân lực, từ đó tạo nên những
xu hướng mới về đào tạo để đáp ứng các nhu cầu đó. Chính phủ cũng có thể
thông qua việc lắng nghe những ý tưởng trao đổi trên diễn đàn để có những
chính sách phù hợp hơn với sự phát triển.
Báo BĐVN: Việc kết hợp giữa các
doanh nghiệp (ngành công nghiệp) và khối đào tạo ở Việt Nam hiện cũng
đang được triển khai, như việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực theo đặt
hàng của doanh nghiệp. Quan điểm của ông về hình thức hợp tác đào tạo
này?
Ông Võ Tấn Long: Mô hình “đặt hàng”
có thể phù hợp trong môi trường kinh tế bao cấp chứ không thể phù hợp
trong một nền kinh tế của một thế giới phẳng. Nền kinh tế hiện nay phát
triển nhanh đến mức anh không thể “đặt hàng” được nguồn nhân lực cho tương
lai. Làm sao mà Intel hay IBM khi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ có thể đợi
được 4-5 năm từ khi đặt hàng đến khi lứa kỹ sư được đặt hàng ra trường
được.
Như vậy, việc đào tạo theo “đơn đặt hàng” vào thời điểm
này cần phải được nhìn nhận như thế này: Các cơ sở đào tạo và ngành công
nghiệp phải hợp tác chặt chẽ với nhau để có thể dự báo được những xu hướng
phát triển kinh tế vĩ mô trong tương lai, từ đó đặt ra những tiêu chí
cụ thể để đào tạo đáp ứng xu thế phát triển đó, chứ không phải là đặt
hàng để đào tạo bao nhiêu nhân lực cho tương lai.
Báo BĐVN: Cảm ơn ông!
Đặng Nguyễn
(theo báo Bưu Điện Việt Nam) |