Thành công nhờ kỹ năng mềm  
 

(Post 20/03/2010) Hầu hết các nhà quản lý và nhà tuyển dụng đều than phiền nhân viên trẻ thiếu và rất yếu về kỹ năng mềm, đa số không đáp ứng được yêu cầu công việc dù họ có bằng cấp rất tốt…

Khó xin việc

Ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp Nguồn nhân lực L&A cho biết: Nghiên cứu của L&A trong các doanh nghiệp (DN) cho thấy 80% thành công của một cá nhân là nhờ vào kỹ năng mềm chứ không chỉ nhờ vào “kỹ năng cứng” (kiến thức chuyên môn). Nhưng việc đào tạo kỹ năng mềm trong nhà trường hiện nay còn bỏ ngỏ, trong khi đó nhiều sinh viên chưa ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của kỹ năng mềm.

“Cách duy nhất để trau dồi kỹ năng mềm là phải luyện tập, học hỏi thường xuyên, tạo cho mình một phản xạ tức thời mỗi khi gặp tình huống” ông Ngô Đình Đức.

Một nghiên cứu khác của L&A cho thấy, khoảng 70% sinh viên ra trường khó xin việc vì không có kinh nghiệm và thiếu các kỹ năng cần thiết. Cơ hội tìm được công việc thích hợp, lương cao, môi trường tốt ở các công ty lớn hay tập đoàn nước ngoài là khá xa vời. Ở các công ty, tập đoàn có bề dày hoạt động lâu năm và tổ chức hoàn chỉnh, việc một nhân viên thiếu kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, nói chuyện trước đám đông, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng làm chủ bản thân... là hạn chế khiến họ khó có thể hòa đồng và tồn tại lâu.

Ông Đức cho ví dụ: Intel từng thất vọng khi tuyển 2.000 nhân viên cho dự án đầu tư vào Việt Nam nhưng chỉ có 40 ứng viên đủ trình độ kiến thức lẫn kỹ năng mềm. 40 ứng viên này không dễ tuyển vì các em hầu như không nhận thức được thế mạnh bản thân, hoặc biết nhưng không thể hiện được khả năng nổi trội của mình và thường bối rối khi nói về bản thân.

Một ví dụ khác: Trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng vào công ty A, đang trao đổi về nghiệp vụ kinh doanh, nhà tuyển dụng bỗng bất ngờ hỏi câu hỏi chẳng ăn nhập gì với công việc đang tuyển, ví dụ: “Theo em, khi phi một con dao vừa dùng để phết bơ thì mặt nào sẽ tiếp đất, mặt phết bơ hay không phết bơ?”. Thật ra, ý đồ của các nhà tuyển dụng qua những câu hỏi “vu vơ” là nhằm kiểm tra kỹ năng mềm của các ứng viên. Sẽ không có đáp án cụ thể nào cho câu hỏi này mà ứng viên phải thuyết phục được nhà tuyển dụng tin vào đáp án của mình. “Chính vì vậy, việc học và đào tạo kỹ năng mềm cần được xem là vấn đề được quan tâm đặc biệt”, ông Đức lưu ý.

Luyện tập và học hỏi thường xuyên

Theo Thạc sĩ Bùi Quang Vĩnh, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, kỹ năng “mềm” (soft skills) là thuật ngữ chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: phong cách sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới... Đó là những thứ bạn không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn, không thể sờ nắm mà phụ thuộc vào cá tính của từng người. Chúng quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc.

Thạc sĩ Vĩnh cho biết, hiện một số trung tâm đào tạo đã có các khóa học ngắn hạn về kỹ năng mềm. Hầu hết các trung tâm này đều giảng dạy theo hình thức trải nghiệm (trao đổi kinh nghiệm, trò chơi, bài tập) kết hợp thảo luận mở, thảo luận nhóm, trình bày, trò chơi, thuyết giảng ngắn, đóng vai, thực hành... Các giảng viên dựa trên cách tiếp cận người học làm trung tâm nhằm phát huy sự tham gia tích cực của học viên. Các hoạt động học tập sẽ tạo điều kiện để học viên tận dụng kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng sẵn có nhằm thay đổi thái độ cũng như hành vi trong công việc. Cụ thể như với phương pháp đào tạo kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân, học viên sẽ được cung cấp những bài trắc nghiệm, những chiêu thức tâm lý khám phá ra chính mình, định hướng phát triển, luyện tập thói quen suy nghĩ và hành động tích cực, tạo phong cách riêng cho suy nghĩ và hành động.

“Muốn học hiệu quả các khóa này, chính bản thân học viên phải tự biết mình đang thiếu gì và cần bổ sung bằng tinh thần học thực sự chứ không phải học “để biết”. Những bạn trẻ mang tư tưởng thụ động “trường dạy gì thì em biết nấy” sẽ thiệt thòi hơn những bạn trẻ biết chủ động trau dồi kiến thức mình còn thiếu”, thạc sĩ Vĩnh nhấn mạnh.

Trường ĐH FPT được xem là một trong những trường ĐH tiên phong đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Từ đào tạo trong nội bộ trường, đầu năm 2009, Trường ĐH FPT đã nhân rộng chương trình đào tạo kỹ năng mềm của mình đến 60 trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội.

Học ở đâu?

Bạn trẻ cũng có thể tìm đến Trường Đào tạo và phát triển Nhân lực Á Châu (TP.HCM). Trường này có 60 chuyên đề về các kỹ năng như: Lập kế hoạch công việc cá nhân và DN, kỹ năng bán hàng, kỹ năng trình bày thuyết trình, kỹ năng xây dựng thương hiệu dẫn đầu… Chi tiết các khóa học tham khảo tại www.hieuhoc.com/khoahoc/nganh/ky-nang-mem. Ngoài ra, cộng đồng Phát triển Nghề nghiệp Motibee (www.motibee.com) đang thực hiện chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho thành viên của cộng đồng thông qua các buổi họp offline.

“Tôi đã từng tham gia các khóa học kỹ năng mềm. Việc học các kỹ năng này giúp tôi tự tin, vững vàng trong giao tiếp, ăn nói hoạt bát, suy nghĩ logic, giải quyết các vấn đề trong công việc và cuộc sống nhanh nhạy hơn. Đây không chỉ là những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống mà còn ảnh hưởng rất lớn đến việc bạn có hòa nhập được với môi trường làm việc và đạt hiệu quả cao trong công việc hay không?!” Nguyễn Ngọc Hà, nhân viên đối ngoại, Công ty Golden.

Thùy Nguyễn - Quỳnh Anh
(theo PC World VN)

Các tin liên quan:


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Lạt mềm buộc chặtNhững chuyện “ngớ ngẩn” của Tổng Giám đốc FPT
Người thành công phản ứng với thất bại thế nào?Trở thành TGĐ Intel Việt Nam sau 10 lần nộp đơn xin việc - 10 lần thất bại
Thân Trọng Phúc - Nguyên TGĐ Intel Việt Nam: Vẫn nhìn về phía trướcNghề IT: Lĩnh vực nào hot? Lĩnh vực nào không?
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11