(Post 02/10/2010) Những dữ liệu cá nhân đưa
lên Internet hằng ngày không hẳn là điều tốt. Nó như con dao hai lưỡi
mà ngày nào đó sẽ quay lại “đâm” vào bạn, buộc nhiều người phải thay tên
đổi họ để thoát khỏi quá khứ kỹ thuật số mang đầy thông tin cá nhân họ
đã đưa lên mạng.
“Xóa thời
niên thiếu” không đơn giản như động tác bấm phím - Ảnh: Hoài Linh |
|
Lời cảnh báo trên của Eric Schmidt, giám đốc điều hành
Google - cỗ máy tìm kiếm thông tin trên mạng lớn nhất thế giới hiện đang
tạo ra doanh thu hàng tỉ USD mỗi năm bằng cách hoàn thiện công nghệ tích
trữ, lưu trữ và phục hồi thông tin của người sử dụng - đã nhóm lên một
cuộc tranh cãi rộng hơn về một thế giới “không bỏ quên bất cứ điều
gì”.
Câu chuyện của Stacy Snyder
Stacy Snyder là một ví dụ điển hình về việc không kiểm
soát được những thông tin cá nhân của mình sau khi đã tung lên mạng. Năm
2006, Snyder - khi đó 25 tuổi và đang là giáo viên tập sự Trường trung
học Conestoga Valley ở hạt Lancaster, Pennsylvania, Mỹ - đã đưa lên trang
MySpace của mình bức ảnh chụp cô tại một bữa tiệc, trong đó cô đội mũ
cướp biển, tay cầm ly rượu với chú thích “tên cướp biển say xỉn” bên dưới
bức ảnh.
Chuyện tưởng như một trò đùa vui trong bữa tiệc bạn bè
lại trở nên nghiêm trọng khi người giám sát của Snyder tại trường trung
học tìm thấy bức ảnh này trong một lần lục kiếm thông tin về cô trên mạng.
Ban giám hiệu trường cho rằng bức ảnh của Snyder “không
phù hợp với tiêu chuẩn nghề nghiệp” của một giáo viên và hiệu trưởng Trường
đại học Giáo dục Millersville nơi Snyder theo học cáo buộc cô khuyến khích
học trò dưới tuổi mình uống rượu. Hậu quả là trước lễ tốt nghiệp đại học,
Snyder đã không được cấp bằng dù cô hoàn thành các kỳ thi cũng như giai
đoạn thực tập và học bạ không có vấn đề gì.
Snyder đã đâm đơn kiện Trường Millersville về chuyện
phạt một hành vi trong quá khứ và hoàn toàn hợp pháp của cô. Nhưng năm
2008, một thẩm phán bang đã bác bỏ thỉnh cầu của Snyder với lý do tấm
ảnh của cô không phục vụ tốt cho công việc trong một ngành nghề liên quan
đến công chúng mà cô đang theo đuổi. Cuối cùng Snyder đành ngậm ngùi từ
giã giấc mơ mà cô theo đuổi suốt bốn năm tại trường đại học chỉ vì một
sơ suất của mình.
“Điều mà mọi
người không nhận ra là khi đưa thông tin gì lên mạng, bạn
đã mất quyền sở hữu và kiểm soát thông tin đó ngay lập tức.
Ai cũng có thể tải về, lưu trữ và phát tán thông tin đó.
Nó vượt ngoài tầm tay của bạn”
RICK FERGUSON
(một chuyên gia an ninh mạng ở Trend Micro) |
|
Câu chuyện của Snyder đặt ra cho người sử dụng Internet
một thách thức mà hàng triệu người trên toàn cầu đang đối mặt: làm thế
nào để có được cuộc sống tốt nhất trong một thế giới ghi lại mọi thứ và
không bỏ quên thứ gì trên Internet khi mỗi hình ảnh ta đưa lên mạng, những
thông tin cá nhân mới nhất, những bài viết trên blog, trên Twitter, những
câu chuyện phiếm, tâm sự vụn vặt hằng ngày... có thể được lưu giữ mãi
mãi?
Với những trang như LOL Facebook Moments chuyên thu thập
và chia sẻ những sự việc cá nhân gây sốc trích từ những người sử dụng
Facebook, rõ ràng những thông tin cá nhân này luôn được nhiều người lục
tìm trên mạng nhiều tháng, nhiều năm sau này. Đã có trường hợp một thiếu
nữ Anh bị sa thải chỉ vì một hôm ông chủ tìm thấy trên trang Facebook
của cô tâm sự rằng: “Tôi quá buồn chán” (!).
Nguy cơ đầy rẫy
Trước sự phát triển như vũ bão của các mạng xã hội, hiện
có khoảng 600 triệu người có lý lịch cá nhân trên mạng. Facebook đã vượt
qua MySpace năm 2008 để trở thành địa chỉ mạng xã hội lớn nhất với khoảng
500 triệu thành viên, ước tính những người sử dụng Facebook dành mỗi tháng
khoảng 500 tỉ phút cho mạng này và chia sẻ hơn 25 tỉ nội dung gồm những
câu chuyện mới, blog và hình ảnh. Gần đây, Library Congress - thư viện
lớn nhất thế giới hiện nay - thông báo sẽ lưu trữ vĩnh viễn toàn bộ những
gì trên Twitter kể từ năm 2006. Hiện Twitter có hơn 100 triệu thành viên.
Một nguy cơ rất rõ ràng là mọi người, từ bạn bè thân
hữu đến những nhà tuyển dụng và cả kẻ thù, đều có thể tiếp cận hình ảnh,
video và blog của các cá nhân chỉ với vài cú nhấp chuột đơn giản. Theo
một điều tra của Microsoft thực hiện gần đây, 75% chuyên gia nhân sự và
nhà tuyển dụng Mỹ tìm hiểu thông tin trên mạng, sử dụng nhiều địa chỉ
khác nhau để nghiên cứu kỹ về ứng viên trước - bao gồm những công cụ tìm
kiếm, mạng xã hội, hình ảnh và video, trang web cá nhân, Twitter và những
địa chỉ chơi game. 70% nhà tuyển dụng Mỹ loại ứng viên chỉ vì lý do đăng
những hình ảnh hoặc có những cuộc thảo luận, tranh cãi giữa những thành
viên mạng mà họ cho là không thích hợp.
Trường hợp của Snyder là lời cảnh báo đối với những bạn
trẻ đang muốn làm một nghề mà mình đeo đuổi. Hàng triệu bạn trẻ, những
người đang nộp đơn xin việc, sẽ thấy rằng có quá nhiều chi tiết trên mạng
gây khó khăn cho họ đối với nhà tuyển dụng mà giờ họ không thể gỡ xuống
hoặc đã quá muộn để gỡ xuống. “Internet không bao giờ quên”
là một sự đe dọa, ngăn cản chúng ta vượt qua quá khứ để tiến đến tương
lai cho những khởi đầu mới.
Theo dự đoán của các chuyên gia mạng, trong tương lai
gần những công cụ tìm kiếm trên Internet chắc chắn sẽ được nối với các
công cụ tìm kiếm tập hợp mạng xã hội để nối dữ liệu từ các nguồn trên
mạng như đóng góp chính trị, blog, video trên YouTube, những trang web
bình luận, bất động sản và album ảnh. Những tập hợp này sẽ tiến đến việc
xếp hạng danh tiếng công chúng và cá nhân giống như trang Unvarnished,
thậm chí xếp hạng tín nhiệm như cha mẹ tốt, những cuộc hẹn hò tốt, đạo
đức và gia cảnh, nhà tuyển dụng tốt, rủi ro bảo hiểm tốt...
Có câu nói rằng luôn có cơ hội lần hai. Nhưng sự thật
là đối với một ngân hàng trí nhớ vĩnh viễn ngày càng mở rộng của web,
sẽ khó có những cơ hội lần hai để thoát khỏi một bức thư tươi rói trong
quá khứ kỹ thuật số của bạn.
Phản ứng và giải pháp
Nỗi lo về việc Internet lưu giữ quá nhiều thông tin cá
nhân tăng mạnh trong năm nay, sau khi Facebook đưa ra cải tiến mới khiến
thông tin của người sử dụng được đưa ra công chúng nhiều hơn. Tháng 12-2009,
Facebook thông báo nhiều thông tin cá nhân của người sử dụng trước đó,
bao gồm bạn bè, tình trạng hôn nhân, quan hệ gia đình... sẽ là thông tin
“công chúng” chứ không phải cá nhân.
Tháng 4 năm nay, Facebook giới thiệu hệ thống tương tác
Open Graph chia sẻ thông tin trong trang web cá nhân của bạn và bạn bè
với các địa chỉ đối tác bạn đến. Điều này vấp phải sự chỉ trích kịch liệt
từ người sử dụng, các nhà lập pháp và những người vận động chống lại việc
Internet tác động đến đời tư của cá nhân. Bốn thượng nghị sĩ dân chủ Mỹ
đã viết thư cho ông chủ Facebook Mark Zuckerberg diễn tả lo lắng về vấn
đề này.
Khắp thế giới, từ các nhà chính trị, học giả và các cá
nhân đang tìm cách phản ứng lại thách thức duy trì kiểm soát nhận diện
của cá nhân trong một thế giới kỹ thuật số “không bao giờ quên”.
Tháng 2 năm nay, Liên minh châu Âu (EU) tài trợ chiến
dịch “Think B4 U post” (Think before you post: Suy nghĩ kỹ trước khi bạn
đưa thông tin lên) kêu gọi bạn trẻ cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra
khi công khai hình ảnh của họ và bạn bè cho công chúng mà không suy nghĩ
kỹ và chưa xin phép họ. Vào tháng 4-2010, bốn sinh viên Đại học New York
đã lên kế hoạch xây dựng mạng xã hội Diaspora miễn phí, trong đó không
bắt buộc người sử dụng cam kết về việc cho phép mạng sử dụng những thông
tin cá nhân của họ.
Ở Mỹ, một nhóm các nhà khoa học, học giả luật và chuyên
gia mạng đang tìm cách tạo lại khả năng “quên” của kỹ thuật số. Công ty
tư vấn ReputationDefender (Bảo vệ danh tiếng) là một giải pháp tạm thời
cho việc đối phó với “thế giới không quên” của Internet.
ReputationDefender do một sinh viên luật Đại học Harvard
thành lập, chuyên cung cấp dịch vụ làm sạch hình ảnh trên mạng. Hiện ReputationDefender
có khách hàng tại hơn 100 quốc gia và là công ty thành công nhất trong
việc giải quyết những vấn đề liên quan đến danh tiếng của người sử dụng
được đưa lên Facebook và Google. Công ty sẽ giám sát danh tiếng của khách
hàng trên mạng, liên lạc với các địa chỉ web và yêu cầu gỡ bỏ những mục
nhạy cảm.
Với sự giúp đỡ của công nghệ tìm kiếm, ReputationDefender
có thể tấn công dồn dập các trang web bằng những thông tin tích cực hoặc
vô hại về khách hàng của mình, hoặc tạo ra những trang web mới hay nhân
lên các đường dẫn đến trang web hiện tại để đảm bảo hiện ra những thông
tin tích cực tại hàng đầu và đưa những trang web tiêu cực xuống những
trang sau của Google.
Trong khi đó, nhiều nhà lập pháp Mỹ bắt đầu suy nghĩ
những luật mới giúp kiểm soát đời tư cá nhân trên Internet được chặt chẽ
hơn. Điều này chắc còn lâu mới thành hiện thực, nhưng trước hết thay vì
đâm đơn kiện như trường hợp của Stacy Snyder sau khi sự đã rồi hay thuê
một công ty dọn sạch “đống rác” của chúng ta trên mạng, mỗi cá nhân cần
phải tự bảo vệ mình và ý thức về việc đưa thông tin gì lên Internet.
Rick Ferguson, một chuyên gia an ninh mạng ở Trend Micro,
đã nói: “Điều mà mọi người không nhận ra là khi đưa thông tin gì lên
mạng, bạn đã mất quyền sở hữu và kiểm soát thông tin đó ngay lập tức.
Ai cũng có thể tải về, lưu trữ và phát tán thông tin đó. Nó vượt ngoài
tầm tay của bạn”.
HOÀI ANH
(Theo New York Times, Independent) |