(Post 18/01/2006) Một lần, anh Trần rủ tôi
qua nhà cô Lan ăn giỗ cụ ngoại cô, chẳng ngờ cô Lan lại là đầu mối làm
bùng nổ hướng kinh doanh khác trên mạng...
Chương 2: Một nhành lan
Lúc ấy, chợt có tiếng ai e hèm ngoài
cửa: “Đứa nào bắt nạt anh tiến sĩ Henry Trần
đấy hả?”. Tôi quay lại và nhận ra cô Lan, nhà ở cuối xóm, đang hỏi thăm.
Tôi vội vàng đáp: “Thưa cô, chả có đứa nào đâu ạ. Tháng này, xóm mình
phải trả tiền nối mạng nhiều quá ạ. E rằng các gia đình không phấn khởi,
buồn chán nản chí thì khổ cho anh Trần”. Cô Lan bảo: “Ồ, tưởng chuyện
gì! Anh tiến sĩ Henry Trần này. Từ ngày có cái mạng của anh, xóm mình
khang trang ra hẳn. Anh cho cô góp một tay nhé. Kẻ góp công, người góp của, có được không?”.
Rồi, không đợi anh trả lời, cô gọi ời ời: “Hương ơi, lấy cho mẹ
cái xắc tay sang đây con”. Một lát, đã thấy cô con gái rượu của cô chạy
sang. “Đây, mẹ ạ”. Cô Lan rút một xấp tiền mới cứng trong xắc ra, dúi
vào tay anh Trần bảo: “Anh tiến sĩ Henry Trần ạ, mẹ con cô có chút ít
gọi là đóng góp cho bà con chòm xóm cùng tham gia chương trình nối mạng
của anh. Chả giấu gì anh, nhà có căn biệt thư cho thuê trên phủ Tây Hồ
nên cũng có đồng ra đồng vào. Anh cứ cầm tạm, thiếu bao nhiêu, cô bù sau
nhé”. Rồi cô thân mật bảo: “Chủ nhật này, anh tiến sĩ Henry Trần có rỗi
không? Cô mời anh sang nhà ăn cơm với hai mẹ con cô nhé. Chậc, từ ngày
chú nhà cô bỏ hai mẹ con cô mà đi, nhà neo người quá! Hôm rày anh quá
bộ sang chơi, nhà chỉ có cơm rau dưa đãi anh thôi. Vả lại, anh sang xem
em Hương nhà cô nó có biết nấu nướng hay không với nhé”. Nghe thân tình
như vậy, anh Trần chẳng nỡ chối từ. Không ngờ, buổi chiêu đãi xã giao
hôm ấy lại đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp nối mạng của anh Trần.
Thứ nhất là anh phát hiện ra nhu cầu
học tập – bét nhất cũng là các nghiệp vụ thư ký văn phòng - của các cô
gái mới lớn trong xóm. Cơm nước xong, cô Hương yêu cầu anh trực tiếp yêu
cầu anh dạy cách điều khiển chuột, cách mở Word,
soạn thảo văn bản, đơn từ. Loay hoay mất cả tiếng đồng hồ. Thế là về nhà,
anh lụi hụi mất ba buổi tối xây dựng một mạng học-tập-từ-xa cho cả xóm,
ai muốn học lúc 12 giờ đêm cũng được, và học-trả-góp bất cứ lúc nào rỗi
rãi. Học nhiều, tự nhiên người nó sáng ra. Anh Trần bảo, việc xây dựng giáo
trình điện tử có nhiều điều lợi, và một trong những món lợi ấy là để cả
xã hội biết được giáo trình ấy đang cũ đến mức nào, lạc hậu đến mức nào,
bị lặp lại một cách công khai như thế nào.
Thứ nữa là nhu cầu làm kinh tế của cả
xóm. Chính cô Lan là người gợi ý cho anh. Một hôm, cô chân tình bảo: “Xem
ra dạo này xin việc khó khăn lắm. Bây giờ đi đâu người ta cũng yêu cầu
tiếng Anh, vi tính, rồi thì “ngoại hình cân đối”. Nếu cái-nối-mạng của
anh mà giúp được cả xóm nâng cao hai cái món ấy thì nhà nhà đều cảm ơn anh
lắm lắm”. Nghĩ ngợi một lát, cô chép miệng bảo: “Đất làng mình các cụ
để lại là đất giồng hoa. Nhưng thời buổi bây giờ, giồng hoa vất lắm, anh
ạ, một nắng hai sương đã đành, lại phải nâng như nâng trứng nữa. Gặp những hôm
sương muối xuống, hay mưa đá, hay gió mùa đông-bắc tràn về là hỏng hết,
cấm có giữ được bông nào. Nhiều người thấy thế tính bán đất, bằng công
giồng hoa suốt cả mươi, mười lăm năm. Thế nên bây giờ vào làng, mang tiếng
là vào làng hoa, có thấy mảnh vườn nào trồng hoa nữa đâu. Nghĩ mà nao
cả ruột. Cô thấy, xóm mình nhà nào cũng có sân thượng bỏ không, lãng phí
quá. Anh tiến sĩ Henry Trần học rộng biết nhiều, lại đã từng bôn
ba đây đó, có nghĩ ra sáng kiến gì không?”. Anh Trần lễ phép bảo:
“Thưa cô, tối nay cháu sẽ lên Internet tìm hiểu thêm ạ”.
Mấy ngày sau, đã thấy anh tươi tỉnh gõ
cửa nhà cô Lan trình bày một kế hoạch “tuyệt vời trên cả tuyệt vời”. Số
là, bên Tây người ta có cái giống hoa lan hay lắm. Hoa đẹp, bền lâu, lại
chả mất công tưới tắm. Bầy ở trong nhà cũng đẹp, mà để ở văn phòng cũng
xinh. Anh Trần hạch toán thử, giá hạt giống là 1 đô-la 1 hạt – cái hạt
bé bằng đầu tăm, chả mất bao nhiêu tiền chuyên chở - cộng thêm cả công
thức làm đất nuôi lan (thực chất chỉ là than dừa hoạt tính trộn với gio,
trấu gì đó), và chế độ bón phân: cả năm chỉ phải bón tổng cộng đâu chỉ
có 2-3 lần, mỗi lần giỏi lắm hết 5-7 nghìn. Cái giống này không sợ cớm
nắng, gió mưa. Chỉ cần mua một tấm lưới đan bằng vật liệu mới màu đen là cản được cả nắng mặt trời tháng sáu.
Khi lan lớn, ra hoa, bỏ rẻ cũng được
300.000 đồng một nhành, chơi được những ba tháng. Nếu hãm
khéo thì lan khai hoa đúng hai
chục ngày trước tết. Mỗi giò lan đính kèm thêm cái nhãn nhỏ xíu, in màu
sặc sỡ, trông gần giống cái nhãn dán trên mấy quả dưa hấu giống “Thái
Lan”. Vì dân ta vốn chuộng đồ ngoại nhập, đành phải chiều vậy. Sau ba
tháng, người mua có thể bán lại cho người trồng gốc lan với giá 30.000
đồng, để Tết năm sau được mua giò khác với giá khuyến mại. Nhất cử
lưỡng tiện.
Cô Lan là người nhìn xa trông rộng. Nghe
anh Trần nói thế, cô cho tiến hành
ngay. Giờ thì cô đã quá thạo việc lên Amazon.com
để đặt mua những quyên ca-ta-lô mới nhất về các giống lan quý hiếm, vốn
là sản phẩm của nền công nghệ biến đổi gen
trong phòng thí nghiệm sinh học. Có giống hoa lan lốm đốm trắng đen, xanh
đỏ tím vàng như cánh bướm, trông rất lạ. Có loại hình thù đặc sắc, hương
thơm ngào ngạt, chả giống ai. Sau vụ 11 tháng 9, giống lan “Tháp đôi”
bán chạy, ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. Cô Lan nảy ra sáng kiến đặt hàng
mười hai giống lan giống hệt 12 con giáp - cứ đặt hàng thật chi tiết cụ
thể, Tây nó chế tạo được hết - được các mối buôn ở Hà nội và các tỉnh lân cận
xúm lại mua, vì nhiều khách mua một phát cả bộ 12 giò luôn. Họ gọi trang trọng là “Lan bà Lan”. (Cô
Lan thì thích đặt tên là “Hương Trần”). Nhưng đặc sắc nhất - tất nhiên,
đi kèm theo, bán chạy hơn cả tôm tươi – là loài lan “Quốc kỳ” hình chữ
nhật, thể hiện cờ của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở Hà nội, đều đặn
cứ hai tháng một lần, các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế của Liên
hợp quốc lại cho người đến đặt cô thay hoa trang trí. Giá đâu có bèo.
Nhìn những lá cờ nho nhỏ bằng hoa xinh xắn phe phẩy vẫy vẫy trong phòng
khách, ai cũng ngợi khen nhiệt liệt.
Hình dạng của những bông hoa lan nay
không còn đơn điệu nữa. Theo gợi ý của anh Trần, cô cho đặt hàng các giống
lan chế tạo theo công nghệ 3-D (ba chiều, lập thể). Có hoa hình cái đàn
ghi-ta, có hoa hình mũ phớt, thậm chí hình ông Phật Di-lặc. Có hoa hình
bộ ấm chén mở nắp, trông vừa nhã vừa gợi mở. Nên cũng có kẻ xấu miệng,
khen mát hoa của cô Lan là hoa “mở ví”, là hoa “ba-đê”: điệu, đẹp, và...
đắt. Cô Lan không phải tay vừa. Cô mắng những kẻ ấy là điêu, đần, và...
đểu.
Người Mỹ họ rất tử tế. Đôi bận, cô Lan
đặt sách ca-ta-lô quên bẵng trả tiền, hai tháng sau vỗ trán đánh “bốp”
mới sực nhớ ra, cũng chả thấy họ nhắc nhở. Mà ca-ta-lô của họ thì cô đã
nhận từ đời nảo đời nào. Có đáng bao nhiêu, mỗi quyển hết độ 30 đô,
đắt đỏ gì đâu. Cô lại lên mạng, rối rít gửi thư điện tử cáo lỗi và gửi
trả họ đầy đủ cả gốc lẫn lãi ngân hàng.
Một hôm, cô Lan đột ngột tuyên bố chuyển
giao toàn bộ công nghệ và các mối về cho nhà tôi. Thật phúc đức. Cô tươi
cười bảo, làm một thời gian nó cũng nhàm,
cô muốn chuyển sang công nghệ khác. Cô không kinh doanh đơn thuần, mà
chơi-kinh-doanh. Thì ra, cô chăm lên mạng – thì cũng như các cụ dạy “Đi
một ngày đàng, học một sàng khôn” – nên hiểu rộng biết nhiều. Cô chuyển
sang thủy canh, chuyên trồng các loại rau-siêu-sạch trong những chiếc
bình thủy tinh trong suốt có dung dịch “bổ béo”, “dinh dưỡng” gì đấy,
bán rất chạy. Sau sáu tháng, cô Lan lại chuyển hướng, quyết định đầu tư
lớn cho chiến dịch trồng cà-chua-mận-hậu. Gọi thế, là vì hình dáng của
quả cà chua to bằng quả mận hậu. Nếu chỉ là cà chua bình thường thì chắc
cô Lan chẳng ăn ai. Nhưng ở đời, ăn nhau là ở cái sự khác biệt. Cô kể:
“Nhân một lần xem ti-vi, thấy dân tình mít-tinh biểu tình ném cà chua,
trứng thối vào một nhân vật VIP, tôi mới nảy ra ý định trồng cà chua”.
Điểm mấu chốt là cô đặt giống cà chua theo hình dạng định sẵn và cực kỳ
khác biệt: Mỗi quả cà chua có đến hai cái núm. Theo lời cô, võ sĩ Tai-xơn
là khách hàng đầu tiên đặt mua của cô cả tấn cà chua hình đầu Hô-li-phin
để ăn tươi nuốt sống. Đằng nào cũng phải xơi cà chua, thế mà được đớp thủ cấp của đối thủ thì còn gì bằng!
Về sau, cô Lan quảng cáo giống cà chua
“Hả giận”. Khách chỉ cần gởi cho cô 3 ảnh chụp (phía trước, phía sau và
chụp nghiêng). Trong nháy mắt, cô đưa vào máy quét lập thể, sẽ tạo ra
hạt giống, và hai tuần sau, khách đã có thể sở hữu một bị cà chua “ăn
cho hả giận”. Hai cái núm chính là hai con mắt. Có bà xoay
được ảnh bồ nhí của ông chồng mang đến, nhưng chắc trúng phải ảnh rởm,
nên lúc nhận được cà chua thì hai con mắt xịch tít tận xuống phía dưới.
Khổ! Có bà còn vác ngay cả ảnh của đức ông chồng mình
đến đặt hàng cô Lan. Đến bữa ăn, thị thì chả ăn, cứ rau ráu nhai cái món
cà chua sống. Tệ!
Có hôm, tôi thấy cô Lan mua một chồng
truyện tranh trẻ con về nhà ngồi... đọc. Tôi ngạc nhiên, đánh bạo hỏi,
thì cô trả lời là “đã làm kinh doanh thì cần luôn luôn mở rộng tầm kiến
thức”. Mãi cho tới khi cô cho ra giống cà chua “Pô-kê-mon” (trước đó,
đàn anh của nó là giống “Đô-rê-mon”) thì tôi mới ngã ngửa người. Giỏi,
giỏi thật! Ngày nào tôi cũng ngó thấy bà cấp dưỡng của trường mẫu giáo
xóm khuân một giỏ cà chua đặc sản này. Sắp đến, chắc là cà chua “Harry
Potter”.
Một lần, anh Trần rủ tôi qua nhà cô Lan
ăn giỗ cụ ngoại cô, chẳng ngờ cô Lan lại là đầu mối làm bùng nổ hướng
kinh doanh khác trên mạng. Sau bữa ăn, đang ngồi uống nước, cô Lan chợt
bảo: “Anh tiến sĩ Henry Trần này, dạo này cô bận quá, chả mấy khi về quê
tu bổ mồ mả tổ tiên cho nó chu toàn... “. Dăm hôm sau, đột nhiên tôi thỉnh
thoảng bắt gặp cô Lan chắp tay ngồi trước máy vi tính, hai mắt lim dim,
mồm lầm rầm khấn vái, trông rất thành kính. Tôi không dám làm kinh động
cô, mà lập tức meo cho anh Trần:
“Anh Trần, chuyện gì vậy?”, thì mới tỏ, đó là nghĩa trang điện tử. Anh giải thích, anh
đã lập một trang web cho mọi người truy cập vào và tự điền các thông tin
về người thân của mình đã mất, đại loại như họ tên, năm sinh, ngày mất,
ảnh chân dung... và có thể lựa chọn kiểu bia mộ, dòng chữ trên bia,...
để máy tính lưu giữ trong cơ sở dữ liệu và chọn hoa viếng, kiểu khói bay,
kiểu bình đựng trầm... mỗi khi “đi” viếng. Làm như vậy, đối với những
nhà kinh doanh bận rộn như cô Lan (và kể cả đối với nhiều người trong
xã hội do đường sá xa xôi cách trở, do tuyết rơi gió thổi, do bận bịu
công tác, và do một số lý do tế nhị khác...) sẽ luôn được “đi” viếng mộ
trong tâm tưởng người đã khuất. Mà số lượng những người thân, họ hàng,
bạn bè... có ít đâu. Rồi thì nhớ cho ra ngày giỗ (âm lịch) cũng mệt
lắm. Cho nên, hầu như ai cũng đóng cho anh Trần một món tiền nhỏ để được
anh ấy hầu: gần tới ngày giỗ, sẽ phát sinh tự động một lá thư điện tử gửi
tới thân chủ, nhắc nhở họ chuẩn bị “đi” viếng mộ. Mỗi lần viếng, tốn độ
2 phút vào mạng chứ mấy. Xét ở mức độ xã hội, còn tiết kiệm khối thứ nữa.
Anh Trần thu hoạch vụ đó cũng khá lắm. Tích tiểu thành đại mà lại.
theo Tin học Đời sống – còn nữa |