(Post 21/01/2006) Để giúp mọi người nắm vững
thế nào là ngân hàng dữ liệu, anh Trần vã bọt mép mất công giảng giải
suốt mấy ngày liền, rằng, ngân hàng này chứa đựng thông tin, mà thông
tin trong thời đại ngày nay chính là tiền, song các bà các cô vẫn thấy
nó “trừu tượng quá”, bởi họ đã quá quen với cái lối tư duy “sờ tận tay,
day tận trán”…
Chương 3: Ngân hàng dữ liệu
Một lần, tôi ngỏ ý kêu anh khao về “chiến
thắng” đó, anh Trần bảo: “Ừ, thì đi!”, giọng hơi miễn cưỡng. Chúng tôi
uống bia hơi, nhắm với một đĩa “sâu” (thực chất là dưa chuột bao tử muối
cả quả và... lá), cỡ khoảng hai ba chục con sâu-điện-tử khác nhau to bằng
ngón tay, gai đâm tua tủa - sản phẩm lấy từ “Vườn thực vật Internet Hương
Lan”. Thì ra, thu tiền viếng mộ điện tử không ngon như tôi tưởng. Dịch
vụ trên mạng rắc rối lắm. Anh Trần kể, hôm nọ suýt có người kiện anh,
vì cơ sở dữ liệu trục trặc, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Một khách-hàng-tiềm-năng
của anh đang thành kính khấn khấn vái vái, chợt ngửng lên thì phát hiện
ra đấy không phải là ông nội của mình, mà là ảnh một cụ già râu tóc bạc
phơ lạ huơ lạ hoắc, mặt nghiêm trang như Bao Thanh Thiên! Vẫn may là trông
ông cụ rất phúc hậu, nên bà khách chỉ phê bình anh Trần nhè nhẹ. Một lần
khác, người đi viếng lại không gặp được người dưới âm. Là do hôm
ấy trúng ngày 11 tháng 9 (tôi cũng không rõ là ngày giỗ kỵ gì bên Mỹ,
vì thấy có rất nhiều máy chủ ì ra, không chịu làm việc). Henry Trần lại
một phen gãi đầu gãi tai giải thích trên trời dưới biển cho Thượng đế
của mình.
Anh Trần hân hoan bảo tôi sắp tới sẽ
có máy tính khứu giác. Gọi thế vì nó có thể nhận biết được mùi. Xét tận
gốc thì một mùi bất kỳ tạo nên từ một số mùi cơ bản. Bên trong máy tính
sẽ có sẵn mấy ống mùi cơ bản, kiểu như những ống mực màu đen-đỏ-xanh-lam
trong máy in phun màu, và tùy theo tỷ lệ pha trộn, máy tính sẽ tuôn ra
đúng mùi nó cần thể hiện. Tất nhiên giờ đây, bộ sưu tập các loài hoa trên
đĩa CD bên cạnh màu sắc rực rỡ, âm thanh dào dạt, còn có thêm làn hương
thơm dìu dịu. Anh Trần sẽ tích hợp thêm mùi vào chương trình viếng mộ
để tùy khách lựa chọn từ ngân hàng dữ liệu mùi hương, mùi
trầm.
Để giúp mọi người nắm vững thế nào là
ngân hàng dữ liệu, anh Trần vã bọt mép mất công giảng giải suốt mấy ngày
liền, rằng, ngân hàng này chứa đựng thông tin, mà thông tin trong thời
đại ngày nay chính là tiền, song các bà các cô vẫn thấy nó “trừu tượng
quá”, bởi họ đã quá quen với cái lối tư duy “sờ tận tay, day tận trán”.
Về sau, anh huy động chi đoàn thanh niên xóm vận động đoàn viên tham gia
xây dựng một ngân hàng dữ liệu kiểu mẫu để “nâng cao nhận thức cho mọi
người”. Công việc khá đơn giản, không đòi hỏi phải ăn no vác nặng. Nói
ngắn gọn, mỗi đội viên thiếu niên, đoàn viên thanh niên trong xóm đóng
góp một ngày công để đưa vào ngân hàng dữ liệu dấu chân của chó và mèo
nhà mình (và giúp hộ cho cả những gia đình thương binh liệt sĩ, neo đơn)...
Quay trình như sau. Đầu tiên, cho chó hoặc mèo rửa chân xà-phòng sạch
sẽ, dùng giẻ khô lau kỹ các ngón chân cho ráo nước. Sau đó, đổ mực tàu
vào một cái chậu nhỏ và cho đối tượng (con vật) dẫm chân vào đó.
Nhấc đối tượng ra, bắt nó đứng trên một tờ giấy trắng để in đủ dấu của
các ngón chân. Đừng quên bắt chúng đi tè trước đó. Lại nhẹ nhàng
nhấc bổng đối tượng lên một lần nữa, đợi mực khô, đem nộp bí thư chi đoàn.
Nhớ là nộp tờ giấy, chứ không phải “nộp đối tượng”, thế là xong.
Anh Trần hướng dẫn cô Hương cách quét
ảnh các tờ giấy, dùng chương trình xử lý đồ họa “chặt” riêng từng ngón
chân ra, xóa nhiễu, làm sắc nét thêm, rồi đưa toàn bộ ảnh các dấu chân
vào cơ sở dữ liệu máy tính (bao gồm chó hay mèo nhà ai, nam hay
nữ, tên thân mật là gì, dấu chân nào đi với ngón nào v.v...). Bản
thân anh cắm cúi ngồi viết chương trình nhận dạng ảnh quét vân chân. Thế
là từ đó trở đi, cả xóm tôi biết ngay chó hay mèo nhà ai phạm tội,
để mà về nhắc nhở giáo dục thêm. Những đoạn đối thoại kiểu như “Ch., nhốt
mèo lại nhá, hôm qua nó đi ăn vụng cá kho nhà tao đấy!”, “ề, đấy là mèo
nhà cái H. chứ, mèo nhà tao đưa sang nhà bà ngoại từ hôm thứ bảy rồi”
- chẳng người nào còn phải thưởng thức nữa.
Có người tưởng biện pháp hữu hiệu nhất
là nhà nào nhà nấy phải cho chó và mèo nhà mình ăn đủ no, đỡ sinh chuyện
(nhốt lại chắc không được, ai bắt chuột?). Nhưng không phải. Cái giống
ấy có lúc no đủ rồi vẫn không bỏ được cái thói hay ăn vụng, y hệt cái
giống... người. Hãn hữu cũng đôi lần không xác minh ra thủ phạm, chỉ vì
chú mèo khoang nhà bà Ng. khôn quá, dùng đuôi ngoáy lọ mỡ nhà hàng xóm
và cứ thế hồn nhiên... mút đuôi. Tôi bảo anh Trần, hay là ta tiến hành
nhận dạng... đuôi, bị anh “hừ” cho một tiếng, lườm tôi phát sốt phát rét.
Thiếu gì những con chó con mèo không có đuôi hoặc bị cụt đuôi?
À, tôi suýt quên kể chuyện bà Mãi đã
cải tiến phương pháp vận chuyển hàng hóa khi thực hiện thương mại
điện tử như thế nào. Bà Mãi không dùng con Phốc nữa – vì nó không
phải loại “chó sạch” – mà nhờ anh cháu rể thiết kế hệ thống đường dây
cáp chở hàng cho bà. Anh này hồi ở bộ đội đã từng tiếp quản một kho linh
kiện điện tử của quân đội Mỹ bỏ lại Việt Nam. Ai cần lấy linh kiện gì,
cứ liệt kê ra tờ giấy. Thủ kho mổ cò vài nhát vào bàn phím máy tính và
“Enter”, lập tức một chiếc xe tí hon nhấp nháy đèn tín hiệu, toe toe còi
xuất phát theo đường ray, tiến đến từng ngăn đựng linh kiện trong kho,
bàn tay máy tự động vươn ra lấy đúng số lượng yêu cầu, và sau khoảng thời
gian nhiều lắm là 3 phút, xe trở về vị trí thủ kho đang ngồi. Thủ kho
chỉ việc cấp phát. Nghe nói, những lập trình viên đã mất nhiều công tối
ưu hóa đường đi của chiếc xe, sao cho xe mất ít thời gian đi lấy hàng
nhất. Sau này, một công ty tư nhân ở Pháp học mót ý tưởng này, áp dụng
vào một bãi giữ xe đạp ngầm dưới mặt đất, có sử dụng thẻ từ ở thủ đô Pa-ri,
với cải tiến là những chiếc xe đạp được treo lơ lửng trên một hệ thống
ròng rọc động. Anh cháu rể bà Mãi nắm bắt cả hai sáng kiến trên, đã thiết
kế hệ thống cáp treo và hai chiếc xe tự hành chạy bằng sức gió. Một xe
to, một xe nhỏ, tùy theo khách mua nhiều hay ít hàng. Đôi khi, hai xe
kiêm luôn nhiệm vụ chở tiền. Thấy tôi khen bà Mãi, anh Trần bảo “chưa
ăn thua gì”, vì ở hải ngoại, họ chở tiền bằng phương tiện điện tử, tức
là thông qua các ngân hàng điện tử, chứ đâu dùng chiếc xe
cơ khí như bà Mãi.
Tôi cứ nghĩ học mót ý tưởng thế là hết
ý thơ rồi. Ai ngờ, anh Trần giảng giải cho tôi nhiều điều còn hay
ho hơn thế nữa. Anh kể, một Vườn ươm chồi tin học ở Anh, quê hương của
Sê-lốc-hôm, đã hướng cho các em học sinh làm một “chiếc xe nhỏ” chạy suốt
ngày trên các xa lộ thông tin của Internet thu lượm các thông tin định
hướng từ trước. Để tránh bị phát hiện, chiếc xe đó sẽ lưu các thông
tin thu lượm được rải rác trên đường đi, và đến “một thời điểm thích hợp”,
mới đánh tín hiệu cho Trung tâm biết nơi cất giấu thông tin để tải về.
Tôi nghe chuyện này, lại nhớ đến câu chuyện cổ tích “Cậu bé tí hon” rắc
bánh mì lên đường đi để tìm đường về nhà, bị lũ chim rừng ăn sạch.
Hãy tưởng tượng một bà buôn bán quần
áo mà biết rõ tất cả các cửa hiệu trong thành phố mình ở đã bán dững
thứ quần áo, khách mua là ông nào bà nào, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì,
nhà ở đâu... thì bà ta sẽ có định hướng ôm hàng, đẩy hàng
“đúng đắn” đến mức nào. Thông tin là báu vật. Một khi các bà bán quần
áo cũng biết thông tin nọ thì thành ra bi kịch, hòa cả làng. Vì
thế, anh Trần bảo, khi người ta chế tạo ra chiếc xe nhỏ biết thu lượm
thông tin tài tình và bán nó cho một người, nó sẽ là chiếc xe huyền
thoại. Bán thêm cho người khác, người bán dầu có nhận được thêm tiền,
nhưng giá trị của chiếc xe thì nhỏ đi hơn một nửa. Vấn đề là phải cải
tiến cải lùi, làm ra chiếc xe khác, chứ không phải là sản xuất hàng loạt
để bán nó như trong thời đại công nghiệp.
Tôi yêu cuộc sống xunh quanh với cả những
bí ẩn thông tin của nó, và thực sự kinh hoàng nếu như mọi thông tin đều
bị “lột trần”. Anh Trần bảo, có những người lên kế hoạch bắn hơn 600 vệ
tinh treo lơ lửng trên bầu khí quyển Trái Đất và truyền mọi thông tin
thu thập được về một trung tâm, nhằm biết rỏ ai, ở đâu, đang làm gì,...
Vệ tinh có con mắt hồng ngoại, tử ngoại gì đó nên nhìn rỏ cả ban đêm.
Nói cách khác, các vệ tinh hoạt động 24/24 giờ trong ngày. Tôi nghe mà
thấy ớn cả xương sống. Có lẽ nhân loại phải cùng nhau lập ra Luật không
gian không cho phép một tổ chức, Nhà nước nào đó tự do treo vệ tinh
lên đầu. Chả ai sung sướng gì khi xuất trình chứng minh thư đi ra máy
bay lại thấy hiện lên đầy đủ những lần trốn học, nghịch ngợm, copy
bài hồi nhỏ. Hoặc khi đang có mặt ở phòng đăng ký kết hôn chuẩn bị “làm
thủ tục” lại thấy lù lù trên màn hình máy vi tính bản danh sách tiền sử
bệnh tật dài dằng dặc của các ông cụ tám đời nhà mình... Anh Trần gọi
đó là những vấn đề thông-tin-cá-nhân có tính chất tế nhị. Biết làm sao
được. Ở thời nào cũng thế, khoa học phát minh ra những điều kỳ diệu, và
một số người xấu bụng lợi dụng các thành tựu của khoa học để gây nên những
nỗi kinh hoàng cho số đông người khác.
Anh Trần bắt chước Singapore, ứng dụng
thành tựu sổ liên lạc điện tử. Các trường tiểu học xung
quanh khu vực xóm tôi đều đã cài đặt hệ thống này. Bố mẹ đàng hoàng lên
mạng, sau khi gõ đúng mật khẩu là có thể truy cập đến sổ liên lạc của
con mình. Bài kiểm tra được mấy điểm, con có trốn học không, trong lớp
có chú ý nghe thầy cô giảng bài không, hay lại nghển cổ xem chim hót trên
cành cây,... phụ huynh biết tất tần tật. Tuy nhiên, ở lớp chuyên tin nọ,
đã xảy ra chuyện “bịt mắt bắt dê”. Một phụ huynh lên mạng thường xuyên,
nắm tình hình con mình rất vững, đã tá hỏa tam tinh khi vào dịp
họp phụ huynh cuối học kỳ, cô giáo chủ nhiệm đột ngột tuyên bố, cậu quý
tử nhà nọ chỉ mê trò chơi điện tử, mảng chơi lười học, bị điểm kém mà
không thấy gia đình có ý kiến gì. Thì ra, cậu chàng đã dùng một phần mềm
bông hoa nhỏ để lái đường đi của dữ liệu: điểm số mà bố mẹ cậu
nhìn thấy trên mạng chính là lấy từ sổ liên lạc của cô bé lớp trưởng.
Hèn gì mà điểm chả cao!
Phúc đức là hôm ấy có ông hiệu trưởng
Trường ứng dụng tin học nghiệp vụ cảnh sát tiểu khu cũng tham dự họp phụ
huynh. Biết chuyện, ông này khoái chí nhận đặc cách cậu bé vào trường,
khỏi phải thi đại học với cao đẳng chi cho nó mệt xác. Cho nên, trong
cái rủi vẫn có cái may. Anh Trần đã có dịp tiếp xúc với cậu bé này, anh
khen cậu bé “triển vọng lắm”. Nghe đâu, cậu đã bước đầu lái được
tiền từ tài khoản của bọn khủng bố về Quỹ xóa đói giảm nghèo của Việt
Nam. Cậu bé cam kết, khi không còn người nghèo ở Việt Nam nữa thì sẽ lái
tiền sang... Mỹ.
Thời đại điện tử, các ứng dụng mới nhất
được ứng dụng ngay tức thì vào cả các lĩnh vực học tập và giải trí. Chỉ
cần lọ mọ một ít tiếng Anh là có thể học đàn ghi-ta, học cách đánh
ten-nít,... một cách cơ bản trên mạng. Việc thực tập, luyện tập thực tế
rất quan trọng, không bỏ qua được, song, với một người sáng dạ, việc học
trên mạng rút ngắn thời gian “thày thợ” đi rất nhiều. Tôi nhớ một lần
toa-lét nhà cô Lan bị một con chuột cống già khát quá nhảy vào uống nước
ban đêm, chết đuối trong đó. Cô Hương nhanh nhảu đoảng giật nước túi bụi,
đâm ra toa-lét bị kẹt cứng. Gọi điện cho thợ nước đến, loay hoay một hồi
cũng không xử lý được. Họ bảo, cái toa-lét này thuộc “thế hệ cũ”, tài
liệu về nó đã bị ném hết vào toa-lét, thế là phải cầu cứu anh Trần.
Anh Trần không phải là thợ nước, nhưng anh là chuyên gia vi tính loại
cừ. Anh bật máy tính, vào Internet, gõ nhoay nhoáy, lập tức cả một sơ
đồ toa-lét chi tiết hiện ra. Bấm chuột vào nút bên cạnh, hình ảnh trên
sơ đồ chuyển động y như phim hoạt họa. Anh Trần “à” một cái và “dùng chuột
vi tính trị chuột cống”, làm cả “ông thợ nước” lẫn cô Hương xanh mắt mèo.
Đừng có nói trên Internet chỉ toàn đồ mới, không có đồ cũ!
Anh Trần giảng giải cho tôi, kỹ năng
tự học là một trong những kỹ năng lao động của thời đại mới. Anh giảng
thêm, sống như thế gọi là “nhân đôi cuộc sống”, bởi vì so với các cụ ngày
xưa, mình “sống” được nhiều hơn. Xã hội điện tử, không thể cứ chậm như
rùa bò. Nghề nghiệp thay đổi nhanh hơn chong chóng. Hôm nay, cái nghề
này ăn được, ngày mai nó lại bị lỗi thời, bị nghề khác ăn
mất, đó là chuyện thường tình. Nhưng rồi một thế hệ mới ra đời. Họ được
trang bị, được thừa hưởng những công nghệ, những vũ-khí-tối-tân, nên những
nghề bị coi là lỗi thời ngày nào đó lại có cơ hội hồi sinh, tất nhiên,
hồi sinh ở trình độ cao hơn, siêu hơn. Y hệt những cuộc thi hoa
hậu. Chẳng có hoa hậu đẹp nhất, vĩnh hằng. Các cuộc thi nối tiếp nhau,
các hoa hậu lần lượt lên ngôi và... xuống ngôi. Những người đi sau ngày
ngày đem băng vi-đê-ô của các bậc tiền bối ra học tập, bắt chước,
tạo dáng. Nói thế để thấy không thể kêu gọi suông các thế hệ đàn em, mà
phải khổ công chắt lọc tinh hoa, vắt óc đãi cát tìm vàng, tốn nơ-ron thần
kinh để tìm tòi, nghiên cứu và khổ luyện.
theo Tin học Đời sống – còn
nữa |