(Post 11/03/2006) Học sinh giỏi quốc tế? Lê
Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu, Đinh Tiến
Cường, Ngô Đắc Tuấn, Đào Hải Long, Hà Huy Tài... Không chỉ là những cái
tên quen thuộc thường được nhắc đến mỗi khi người ta điểm lại thành tích
đào tạo. Có rất nhiều người đã chọn một hướng đi khác.
Một thế
hệ dân Toán xưa - hiện tại nhiều người thành đạt trong kinh doanh |
|
1. Đầu năm 2001, báo chí Việt Nam có
bài viết khá gây ấn tượng trong giới trẻ với tiêu đề "Đỉnh cao IT
phải là của người Việt". Các nhân vật trong bài là một đội trí thức
trẻ (đều sinh năm 1977, tuổi Đinh Tỵ) gồm các học sinh giỏi quốc tế, quốc
gia Toán, Lý hăng hái nhảy vào kinh doanh trong lĩnh vực dotcom.
Nhóm bạn gồm Đinh Sỹ Quảng (HCV Vật lý quốc tế đầu tiên
của Việt Nam), Ngô Anh Đức (thi HSG Lý quốc tế năm 1995), Lê Minh Đức
(Giải nhất Toán toàn quốc), Đỗ Hoài Nam (cựu học sinh chuyên Lý trường
Ams) và Lê Thị Thái Tần, cô gái Việt kiều nhận danh hiệu "Người Úc
trẻ" năm 1998 (giải thưởng hàng năm uy tín nhất dành cho một công
dân Úc trong độ tuổi 16-25).
Ý tưởng kinh doanh khởi đầu là thành lập một website
cung cấp các dịch vụ qua mạng cho giới trẻ trên toàn nước Úc. Những sáng
lập viên Công ty 6 AM (6 giờ sáng) xuất thân từ dân chuyên tự nhiên với
tham vọng tạo dựng chỗ đứng trong lĩnh vực kinh doanh "hot"
nhất trên thương trường lúc ấy.
Bài báo cho hay, chỉ trong chưa đầy 4 tháng, gặp thời
trong xu hướng phát triển mạnh của lĩnh vực này, cộng với khả năng làm
việc của đội "học sinh giỏi" và vị thế cũng như quan hệ sẵn
có của Lê Tần (lúc đó rất nổi danh tại Úc), thị giá của công ty lên tới
20 triệu đô la trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng dotcom toàn cầu.
Thất bại, các bạn trẻ 24 tuổi lại xoay chiến lược sang
tấn công vào lĩnh vực công nghệ không dây với công ty tên Scan and Send,
và cũng không mất nhiều thời gian để mở rộng tầm hoạt động sang các nước
khác trong khu vực...
Không biết những số liệu và thông tin trong bài chính
xác bao nhiêu phần trăm. Nhưng, bỏ qua việc ca ngợi có phần hơi quá đà,
bài báo cũng gợi mở, hay nói chính xác hơn là đưa ra một thực tế: Những
HSG toàn quốc, quốc tế (ở một góc độ nào đó, được coi là những người tài
năng ở tầm tuổi, hay nói rộng hơn là ở thế hệ của họ) có xu hướng rẽ ngang
sang các hướng đi khác.
2. Thực ra, xu hướng này không phải
mới mẻ. Đã có nhiều HSG quốc tế chuyển hướng sang những ngành nghề khác,
đặc biệt là kinh doanh từ sớm hơn nhiều.
Đoạt HCB IMO năm 1975, năm sau Lê Đình Long, cựu học
sinh chuyên Toán ĐHSP Hà Nội được Nhà nước phân công sang học Toán lý
thuyết ở Đức. Với suy nghĩ muốn làm những việc có khả năng ứng dụng trực
tiếp hơn, anh chọn ngành Toán điều khiển tại ĐH TU Dresden.
Về nước, anh vào Viện Tính Toán và Điều khiển (Viện Khoa
học Việt Nam), nay là Trung tâm Khoa học và Công nghệ quốc gia.
Nghiên cứu những kỹ thuật mô phỏng hình ảnh, âm thanh,
tiếng nói, nhận dạng chữ viết... là công việc của anh trong 5 năm tại
phòng Khoa học nhận dạng và trí tuệ nhân tạo. Những nghiên cứu này có
ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như xứ lý ảnh vệ tinh, chẩn đoán bệnh, khai
thác tài nguyên...
Năm 1989, khoá học Thạc sỹ Máy tính tại Học viện AIT,
Thái Lan (do cơ quan cử đi học) dẫn anh sang một lối đi khác. Anh trở
thành người của Procter & Gamble (P&G: Tập đoàn hàng đầu thế giới
của Mỹ về sản xuất hàng tiêu dùng) với vị trí Phân tích tài chính rồi
Kế toán trưởng tại P&G Thái Lan.
Công ty rất tốt, các cơ hội thăng tiến và chế độ đãi
ngộ cũng như điều kiện làm việc đều "ngon lành", nhưng nguyện
vọng về Hà Nội làm việc lại đưa anh đến làm Giám đốc tài chính của Motorola
sau khi tham dự khoá đào tạo 2 năm tại Mỹ trong chương trình phát triển
năng lực lãnh đạo của Tập đoàn này.
Bốn năm tiếp theo làm Giám đốc chương trình "Nâng
cao năng lực quản lý và kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam"
của World Bank giúp Lê Đình Long thâm nhập và hiểu kỹ hơn về thực tế các
doanh nghiệp. Thời gian này, anh cũng có điều kiện tiếp cận với các ngân
hàng qua những lần hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển...
Trong hợp tác hỗ trợ Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc
tế Việt Nam (VIBank), anh đã được Hội đồng quản trị mời về hiện thực hoá
ngay chiến lược này với vai trò trợ lý Hội đồng quản trị và vài tháng
sau nhận trách nhiệm làm TGĐ.
3. Trong ngành ngân hàng, còn gặp nhiều
HSG quốc tế khác. Trong số đó có Lê Như Dương (HCĐ IMO 1978) hiện là trưởng
Trung tâm Thông tin tín dụng của Vietcombank.
Ở tất cả các nước trên thế giới, dù giàu hay nghèo, các
ngân hàng thương mại đều có một trung tâm Thông tin tín dụng với vai trò
rất quan trọng của nó.
Nôm na, trung tâm kiểu này là nơi xây dựng một hệ thống
thông tin tích hợp, và cung cấp cho những người tham gia vào các hoạt
động tín dụng: chủ đầu tư, doanh nghiệp, khách hàng...
Tuy nhiên, ở Việt Nam hoạt động này còn rất mới. Đồng
nhĩa với nhiều khó khăn nhưng rõ ràng, cũng có thuận lợi là còn rất nhiều
"đất" để phát triển các ý tưởng. Và thực tế, trong môi trường
mới này, Dương rất nổi tiếng với kết quả hoạt động của trung tâm và các
ý tưởng phát triển độc đáo của mình.
Lấy thông tin từ nhiều nguồn, nhiều dạng: Thị trường
(giá cả, xu hướng, sản lượng, công suất...), Khách hàng (khả năng tài
chính, thực tế vay, tính cách và năng lực...), Những thông tin mang tính
rủi ro (chứng từ giả mạo, giá bán không hợp lý, nhân vật có quan hệ trong
danh sách đen...). Phân tích các khối thông tin đồ sộ, chọn lọc và chế
biến, rồi chuẩn hoá để cung cấp cho những đối tượng cần. Có thể hình dung
như thế về công việc của anh và các đồng nghiệp.
Dương nói "Tôi mong muốn mang lại tri thức từ những
thông tin thu nhận được. Ở Việt Nam, thông tin thì nhiều mà tri thức thì
rất hiếm". Xuất phát điểm là dân Toán, anh cũng thích làm việc ở
môi trường logic, gần gũi với khoa học.
Dương là một trong rất nhiều người mà chặng đường đời
của họ là hệ quả của những tác động xã hội lớn.
Do gia đình thuộc thành phần tư sản, nên cậu học sinh
chuyên Toán Hải Phòng nuối tiếc nhìn bạn bè đi du học còn mình phải ở
nhà vào bộ đội. Xin xỏ, đấu tranh mãi, cũng được vào giảng đường ĐH Tổng
hợp Hà Nội.
Tốt nghiệp ĐH, nhờ kết quả xuất sắc trong giai đoạn làm
chuyển tiếp sinh, anh được sang thực tập 2 năm tại Kiev. Nhưng, những
thay đổi chóng mặt nửa cuối thập kỷ 80 khiến các thầy phải lao đi kiếm
sống, nên luận án của anh phải đổi đề tài và người hướng dẫn xoành xoạch...
và cuối cùng không thể bảo vệ được vì không có sự thống nhất trong quá
trình làm.
"Lúc đó, tất cả những gì tôi biết chỉ gói gọn trong
từ Toán". Làm lại TS thì chặng đường dằng dặc, anh đã bổ sung thêm
những kiến thức khác để tự chuyển mình...
4. Một trong những cựu HSG quốc tế thành
công trên thương trường phải kể đến Lê Quang Tiến, cựu học sinh chuyên
Toán ĐH Tổng hợp Hà Nội.
Làm xong luận án Phó Tiến sỹ Toán Lý tại ĐH Tổng hợp
Kishinhev (nhưng không bảo vệ), cũng như nhiều trí thức trẻ lúc đó, anh
hào hứng về nước với những mong muốn lập nghiệp và cống hiến.
Nhưng, thực tế xã hội không phải là màu hồng đối với
những người trẻ nhiều khát vọng. Thập kỷ 80, hậu quả của chiến tranh vẫn
còn nặng nề, sản xuất lưu thông chưa phát triển, cơ sở vật chất kiệt quệ,
cơ chế bao cấp vẫn còn đè nặng lên nền kinh tế nước nhà. Trừ một số thành
phần xã hội sống dựa trên bao cấp và lợi dụng bao cấp, đa số đều có cuộc
sống không dễ thở.
Những dấu ấn của thời kỳ này đã tác động mạnh mẽ đến
đường đi sau này của nhiều nhà khoa học. "Tự cứu mình trước khi trời
cứu, không than vãn" - là hành động của nhiều người, và Lê Quang
Tiến cũng không phải ngoại lệ.
Thời gian đó, đồng lương giảng viên khoa Vật lý, Học
viện Kỹ thuật quân sự không đủ để anh nuôi sống bản thân. Trong khi anh
đã có gia đình, nên cần kinh doanh thêm ở ngoài để kiếm tiền nuôi con.
Anh cho biết, đến với kinh doanh một phần do hoàn cảnh bắt buộc và một
phần do bản thân cũng mê kinh doanh.
Không rõ, nếu không phải vì hoàn cảnh bứt anh ra khỏi
bục giảng, thì anh có tự thấy mình làm doanh nhân là hợp lý không.
Nhiều người, dù thích hay không vẫn nhìn nhận anh như
một cái đầu doanh nhân điển hình. Lạnh lùng, tỉnh táo, nhìn nhận mọi việc
đơn giản và cực kỳ thực tế, anh hiện là Phó TGĐ phụ trách Tài chính của
FPT.
"Tôi không tiếc vì đã học Toán cả thời tuổi trẻ
để rồi sau này lại không tiếp tục theo nghề. Tuy nhiên, khi bỏ Toán -
Lý để chuyển sang kinh doanh thì tôi cũng không tiếc. Trong công việc
của mình hiện nay, tôi phải sử dụng rất nhiều đến những kiến thức Toán
học đã được trang bị".
Hiếu tại công ty |
|
5. Nếu như với nhiều trí thức thế hệ
trước, việc bỏ khoa học để chuyển sang hướng đi khác chịu ảnh hưởng ít
nhiều từ những yếu tố bên ngoài, như hoàn cảnh xã hội (một sự bị động)...
thì với những thế hệ trẻ hơn, việc xác định hướng đi tương lai là những
quyết định tự thân và chủ động hơn.
Trong đó, có thể do ảnh hưởng của thời đại, có thể do
nhận thức và ý thích, nhiều người đã chọn kinh doanh.
Một HSG Toán quốc tế, chưa muốn "public" tên
tuổi vì "chưa làm được gì nhiều so với các bậc đàn anh" cũng
xác định ngay khi đang du học: "Học giỏi để có chuyên môn sâu, làm
nền cho việc kinh doanh trong lĩnh vực được đào tạo". Thành công
ban đầu ở nước ngoài là bước đệm về nước, hiện tại, anh là một doanh nhân
trẻ, thành đạt ở tầm tuổi 30.
Ở trường chuyên Hùng Vương, Phú Thọ, Nguyễn Minh Hiếu
là một trong những người được chú ý nhất trong khoá học 96-99, với thành
tích HCB Hoá quốc tế. Nhưng với Hiếu, giải quốc tế chỉ là niềm tự hào
thủa học trò, và thực tế hơn, là thêm giá trị trong những hồ sơ du học.
Sang Úc du học Khoa Kinh doanh, chuyên ngành Tài chính
và Thương mại điện tử, Hiếu tận dụng nhiều thời gian để học những kiến
thức chuyên môn và hoạt động xã hội. "Mình không đủ giỏi để thành
chuyên gia" nên hết đại học, Hiếu về nước.
Sau một năm dành thời gian đi làm thuê, phân tích tài
chính cho Indochina Capital (một công ty môi giới chứng khoán và đầu tư
bất động sản), tụ tập thêm 2 người bạn, cũng là những HSG quốc gia Toán,
Lý, Hiếu lập Công ty DreamViet, với website www.aha.com.vn
cung cấp thông tin so sánh giá các mặt hàng.
... Trong khuôn khổ một bài viết, không thể thống kê
được hết những trường hợp tương tự. Nhưng, có thể thấy kinh doanh là một
con đường mà nhiều người "được đào tạo để trở thành nhà khoa học"
đã chọn để đi trong những chặng tiếp theo của đời mình.
Khoa học hay kinh doanh, với Lê Quang Tiến, 2 lựa chọn
này không mâu thuẫn nhau. Nếu ai đó có tài và năng khiếu trong khoa học,
đặc biệt khoa học cơ bản thì nên để người ta làm khoa học. Tương tự, ai
đó có khả năng kinh doanh thì để họ làm kinh doanh. Và cuối cùng, xã hội
sẽ tự điều tiết là cần bao nhiêu nhà Toán học và bao nhiêu nhà kinh doanh.
"Khi Newton hoặc Enstein nghiên cứu Vật lý thì cũng
chẳng có nhà nước hoặc tổ chức nào khuyến khích hay đầu tư. Và không ai
ép buộc Bill Gate phải đi kinh doanh phần mềm máy tính. Họ đã tự quyết
định sự nghiệp của mình và đóng góp vô cùng to lớn đối với sự phát triển
của nhân loại chứ không chỉ cho riêng họ.
Nhà nước hoặc xã hội chỉ cần tạo điều kiện cho mỗi cá
nhân phát huy cái tốt nhất mà họ có đồng thời mang lại lợi ích chung cho
toàn xã hội".
"Toán
học giúp tôi điều gì"? |
"Sự thành công cũng ở nhiều mức độ khác nhau. Trong suy nghĩ
của rất nhiều người, dân khoa học có rất nhiều tố chất để thành
công khi sang thương trường. Tôi thấy dân Toán khi kinh doanh ít
khi thất bại" (Lê Như Dương)
"Toán học giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống, chứ không
chỉ trong kinh doanh. Người học Toán thường có tư duy logic và
chặt chẽ" (Lê Quang Tiến)
"Làm việc nhiều với các doanh nghiệp, tôi thấy thực tế những
người chuyển từ khoa học sang kinh doanh không hẳn dễ thành công.
Có rất nhiều trường hợp đã thất bại, chẳng qua là không được nói
đến.
Ngược lại, cũng có rất nhiều người không xuất thân từ dân khoa
học nhưng vào kinh doanh cũng thành công vang dội. Tôi cho rằng,
một doanh nhân đòi hỏi nhiều phẩm chất khác: sự nhạy bén, quyết
tâm, khả năng đón nhận cơ hội và năng lực tinh thần cũng như khả
năng chống chọi với các yếu tố bên ngoài" (Lê Đình
Long) |
Hoàng Lê
(theo VietnamNet) |