(Post 25/02/2006) Trong chiếc tủ có một quyển
sổ tay bọc bìa da đen, to bằng hai bàn tay, nhưng hoàn toàn có thể mở
rộng ra gấp hai, gấp bốn, thậm chí là gấp tám. Mày mò một hồi, tôi mới
ớ ra, đó chính là quyển sách điện tử mà một bài đọc tiếng Anh tôi học
hồi đại học đã đề cập đến, nằm ở chuyên mục “Hướng tới tương lai”. Nó
thực sự chỉ là một thiết bị điện tử để tải các cuốn sách từ Internet thế
hệ III về...
Chương 9: Truy tìm thư viện
Sau buổi tham quan bảo tàng nhà ông Côổng,
tôi phụ giúp anh Trần dẫn hai mẹ con cô Lan đi thăm thú cửa hàng cửa hiệu,
siêu thị trong thành phố. Em Hương có dịp làm quen với những hệ thống
làm đẹp kỹ thuật số tân kỳ: máy uốn tóc Mỹ Miều với 13.013 kiểu
chọn, em Hương thử cấp tập trong một ngày được 500 kiểu tóc. Máy thử quần
ào giày dép mũ mãng nhãn hiệu Con Công, cho phép khách hàng sử
dụng dịch vụ “Từ gót chân đến đỉnh đầu” cực kỳ thuận tiện. Ca-ta-lô điện
tử đồ trang sức Trai Ngọc Nữ, có khả năng khoác lên người bạn những
gì sang trọng và mơ mộng nhất trong tích tắc, và thiết bị trợ giúp thân
thể Ngựa Vằn gắn với màn hình tinh thể lỏng nhằm trình diễn hình
ảnh lý tưởng của bạn trong tương lai gần, sau “chỉ” vẻn vẹn có 300 giờ
tập. Nói chung, mỗi buổi dạo chơi là một cuộc khám phá kỳ thú.
Em Hương cười như nắc nẻ. Hôm chúng tôi
đi siêu thị Quả thị cô Tấm, trên đường, chúng tôi gặp một đoàn
học sinh trung học đeo mặt nạ bằng nhựa côm-pô-zít tổng hợp lượn rồng
rắn trên vỉa hè. Mỗi khi cậu đội trưởng hô một tiếng, kiểu như “Rồ-nán-đồ”,
hay “Bách-khàm”... thì ngay lập tức, những chiếc mặt nạ đang đeo như có
bùa phép lạ, biến đổi ngay, khiến chúng tôi được chứng kiến một rừng Rô-nan-đô
hay Béch-kham... trông cực kỳ vui nhộn. Có lần, cậu ta hô “Đại thánh”,
thế là các tiểu Tôn Ngộ Không vớ luôn những chiếc đòn gánh điện tử ở các
quầy ven đường choảng đùa nhau, tuy nhiên có hai chú nhóc mặt đỏ phừng
phừng suýt nữa biến cuộc vui thành một trận thư hùng oanh liệt.
Lạ nhất là cái hôm vào siêu thị ối
chà chà, chúng tôi thấy các bậc phụ huynh đi mua bán mặt cứ tỉnh bơ,
mặt lạnh như tiền không một chút băn khoăn khi thả lũ con ra chạy nhông
nhông hết sức vô tư. Mà lũ trẻ ấy còn bé tí tẹo, đã nhớn gì cho cam, đứa
“già” nhất không quá 3 tuổi. May, có anh Trần giải thích cho tôi là đại
siêu thị ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS, đeo cho mỗi đứa trẻ
một chiếc đồng hồ vào cổ tay. Bố mẹ chỉ cần liếc nhìn trên màn hình khổ
lớn treo trên cao là biết ngay con mình đang nghịch ở quầy nào, khỏi phải
giam chúng vào quầy “Vui chơi trẻ em” như ở những siêu thị cổ lỗ khác.
Công nghệ này thật ra đã được Tổ chức Bảo vệ thú thiên nhiên hoang dã
áp dụng từ lâu rồi, và một lần đã xảy ra sự cố hi hữu, khi người ta phát
hiện ra một nữa đàn vịt giời trên đường di cư về phương Nam tránh rét
bất ngờ tách đàn, rẽ ngang vào ẩn dật trong một khu rừng ôn đới đâu mãi
tận vùng Tây-bá-lợi-á xa xôi. Hóa ra, những chiếc vòng đeo cổ của các
chú vịt xấu số bị lưu trong dạ dày của một con hổ tham ăn trong một thời
gian dài – cái vòng được sản xuất rất tốt, không bị môi trường a-xit ăn
mòn – gây nên những phán đoán sai lệch của các nhà khoa học đáng kính
thường giấu mình trong các phòng thí nghiệm hiện đại. Cô Lan như thể trẻ
ra dăm ba tuổi. Mối quan tâm của cô tập trung chủ yếu vào các loại thảo
dược, tinh dầu - tự nhiên cũng như nhân tạo. Cô bảo, thế giới này là một
vòng luân hồi vĩ đại. Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa hồi còn thơ ấu
đã từng viết những dòng thơ tả lại cảm xúc thương tâm của đồng bào ta
trước cảnh đạn bom khốc liệt, trong đó có câu “Những em bé nghiêm trang
như các cụ già. Các cụ già khóc như trẻ nhỏ”.
Con người nguyên thủy bước ra từ rừng
rậm núi cao, khai hoang mở đất, chinh phục thiên nhiên. Con người thời
nay đang ý thức được vai trò khổng lồ của tự nhiên trong cuộc sống của
mình: không thể vét cạn mãi được, phải biết vung vén, gây trồng. Vì thế,
họ bắt đầu đặt chân lại lên con đường tơ lụa nối liền phương Tây với phương
Đông như các bậc tiền bối của họ. Hai mảng đời xích lại gần nhau. Những
ma phương, hà đồ, kinh lạc... ngày nào còn bị trùm chăn coi là
mê tín dị đoan, nay đã được nhìn nhận khách quan hơn. Có những bệnh nan
y thuốc Tây bó tay đang được phương Đông chữa trị. Trong xu thế đó, người
ta ngày càng cần dùng nhiều loại thảo dược, tinh dầu chiết xuất từ thiên
nhiên để pha chế mỹ phẩm và thuốc trị bệnh. Kể cả nếu chúng không có tác
dụng chữa bệnh thực sự thì chúng sẽ có tác dụng an ủi, tâm lý trị liệu:
Bên cạnh những cao ốc chói ngời, những lâu đài nguy nga lộng lẫy, ngày
nay hầu như ai cũng mong có những giây phút nghỉ ngơi thư giãn ở một miền
quê yên ả thanh bình. Những củ khoai lang cục mịch tầm thường, sau khi
bước chân ra khỏi lò vi sóng, đã đắt giá hẳn lên, góp phần tạo
nên thú vui dân dã của những kẻ có chút tiền. Tôi chắc rằng, cô Lan đang
ấp ủ một kế hoạch kinh doanh lớn lao chưa kịp đặt tên.
*****
Sáng, bốn chúng tôi cùng ăn sáng trong
phòng ăn nhà ông Côổng. Một điều hay ho là chiếc bình sữa cứ như là có
ma. Anh Trần uống xong, khà một cái, lập tức cái bình tự động rót ngay
môt cốc khác cho anh. Cô Hương uống lề mề, mãi mới hết một cốc, chả thấy
nó rót tiếp. Chúng tôi đùa, gọi đấy là “Bình sữa Thạch Sanh”. Sống trong
ngôi nhà của ông Côổng, chúng tôi dần quen với những điều hôm-nay-còn-là-kỳ-lạ,
nhưng ngày-mai-đã-lỗi-thời.
Trên tường phòng ăn có treo một tấm ảnh,
đúng hơn, đó là một chiếc đĩa gỗ hình bầu dục chứa nhiều bức ảnh bên trong
nó, làm theo công nghệ chống giả mạo tinh vi: chỉ cần hơi khẽ nhìn nghiêng,
đang là ảnh này sẽ lập tức biến thành ảnh khác. Trong lòng đĩa, tôi thấy
ảnh gia đình ông Côổng hồi còn bé: bố mẹ ông, người chị gái và ông. Hồi
bé, ông Côổng là một thiếu niên có cái đầu to đùng không cân đối chút
nào, trên to dưới thót lại, tóc lưa thưa và đôi mắt sáng luôn mở to. Tấm
ảnh chụp trước giá sách đầy ắp của thư viện gia đình. Tôi mất nửa ngày
trời mò mẫm tìm sách trong thư viện nhà ông, nhưng chúng dường như xấu
hổ, trốn hết đi đâu mất. Ngay cả giá sách cũng chẳng có lấy một chiếc.
Thế là thế nào nhỉ? Hay là ông ta sợ chúng tôi mượn sách không chịu trả,
nên đã mang gửi ở nơi khác? Tìm mãi tìm mãi, tôi mới phát hiện ra thư
viện nằm gọn trong chiếc tủ đầu giường tôi vẫn nằm. Lúc trước, tôi không
chịu để ý vì thấy một chiếc nhãn nhỏ có dòng chử “TV”, nên cứ đinh ninh
đó là ám chỉ “Vô tuyến truyền hình”, chứ không ngờ là “Thư viện”. (Hồi
đầu tiên, khi “biết” chúng tôi là người Việt Nam, mọi nhãn mác trong ngôi
nhà tự động chuyển hết sang tiếng Việt. Unicode hay không, và Unicode
dạng gì, dựng sẵn hay tổ hợp, tôi không biết, vì tôi là người-dùng-cuối).
Trong chiếc tủ có một quyển sổ tay bọc bìa da đen, to bằng hai bàn tay,
nhưng hoàn toàn có thể mở rộng ra gấp hai, gấp bốn, thậm chí là gấp tám.
Mày mò một hồi, tôi mới ớ ra, đó chính là quyển sách điện tử mà một bài
đọc tiếng Anh tôi học hồi đại học đã đề cập đến, nằm ở chuyên mục “Hướng
tới tương lai”. Nó thực sự chỉ là một thiết bị điện tử để tải các cuốn
sách từ Internet thế hệ III về (chữ “i” buộc phải viết hoa, còn
số “III” không được thay bằng chữ số ả-rập), nhưng đẹp hơn hết thảy những
quyển sách mà tôi đã đọc, vì vừa đẹp về hình thức thể hiện, lại vừa tiện
dụng. Có lẽ phần mềm được thiết kế với những ý kiến tư vấn của những con-mọt-sách-khổng-lồ.
Tôi mê ngay những tiểu thuyết nổi tiếng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại.
Kèm theo những trang sách đã dịch ra tiếng Việt là những bức tranh trắng
đen vẽ bằng bút sắt minh họa – nét bút vẽ nhân vật Võ Tòng trong
Thủy Hử trông thật rắn rỏi, tài hoa – và cả những đoạn vi-đê-ô-cờ-líp
sinh động. Thậm chí, bạn có thể xem hàng chục tập phim ùng oàng
liên quan đến quyển sách.
Nói chung, quan điểm của tôi là sau khi
đọc sách rồi hẵng xem phim thì hơn, vì phải như thế, bạn mới nắm bắt được
cái hồn của quyển sách. Còn không, bạn chỉ là anh chàng tù binh bất đắc
dĩ đã vô tình bị các nhà làm phim dẫn dắt theo ý đồ riêng và những thẩm
mỹ văn học chủ quan của họ. Tuy vậy, ở đời có nhiều người không cần “nắm
bắt hồn của quyển sách”. Họ đến với quyển sách như đến với “cốc sữa”,
hay một “chén cơm”, chỉ để thoả mãn tâm trí của họ trong chốc lát mà thôi.
Chúng ta nên rộng lượng với những người này, bởi vì hỏi họ “cậu đã đọc
quyển sách X. chưa?”, ngang với hỏi họ “cách đây 123 ngày, cậu đã ăn món
gì trong bữa cơm chiều?”. Ai hơi đâu mà nhớ! Có những bài thơ thoang thoảng,
sau khi được phổ nhạc đã được nhiều người biết đến và khen ngợi. Đối với
các quyển sách thì khác hẳn. Chưa bao giờ tôi thấy một tác phẩm điện ảnh
nào vượt qua được quyển sách nguyên thủy của nó. Cực kỳ khó.
Đấy là nói về sách văn học. Với những
sách chủng loại khác thì ngược lại hoàn toàn. Tôi giơ tay ủng hộ phiên
bản điện ảnh và phiên bản điện tử của nó. Những phiên bản này thường rực
rỡ hơn, súc tích hơn và dễ hiểu hơn rất nhiều, lấy ví dụ với các sách
khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục... chẳng hạn. Những phiên bản
điện tử đặc biệt sẽ góp phần nâng cao dân trí, mở mang những chân trời
tri thức cho các tầng lớp thanh thiếu niên ham học hỏi.
(theo Tin học Đời sống – còn nữa) |