(Post 18/02/2006) Thực ra
nguồn gốc của mọi sự là kỹ thuật số. Có giỏi giang như Tề Thiên Đại Thánh
thời nay cũng không thể thoát khỏi lưới trời lồng lộng của cuộc cách mạng
này...
Chương 7: Kỹ thuật số và thực tại
ảo
Những tri thức mới thu nhận được làm
tôi hoang mang, lo lắng hết sức. Khi sống cuộc sống thực tại ảo, phải
chăng tôi không còn là tôi nữa, cho dù có cố véo vào đùi vẫn thấy đau?
Hoặc giả, khi Mỹ tiến công I-rắc, họ sẽ dùng máy bay thả những tấm mạng
nhện quái quỷ lên nóc các toà nhà cao tầng ở Bát-đa để kiểm soát hết lý
trí tình cảm của binh lính I-rắc? Thấy tôi có vẻ dị ứng với cuộc sống
thực tại ảo, anh Trần rủ rỉ động viên tôi. Anh giảng giải:
- Thực ra nguồn gốc của mọi sự là kỹ
thuật số. Có giỏi giang như Tề Thiên Đại Thánh thời nay cũng không thể
thoát khỏi lưới trời lồng lộng của cuộc cách mạng này. Cách đây năm năm,
một chiếc máy in phun màu đã là xa xỉ phẩm. Giờ thì máy in rẻ như bèo,
chỉ có mực in hơi “mắc” tí chút. Nhược điểm của nó là ai để dành không
chịu in là tự hủy diệt máy của mình, nhưng ưu điểm là in tranh ảnh thì
đẹp như thật. Có đúng là đẹp như thật chăng? Bố anh đã từng thất vọng
tràn trề khi chứng kiến những bản in màu nhoè nhoẹt anh từng mang về khoe
ông cách đây hai năm. “Còn kém cả những bức tranh Đông Hồ vẽ gà vẽ lợn
ở các phiên chợ quê. Trông dại quá!”, ông bảo.
Trong vòng một năm trở lại đây, giấy
in dùng riêng cho máy in màu đã giảm giá, các bản in màu vi tính mới dần
dần được người dùng chấp nhận. In phun có hai cái dở: thứ nhất là hình
ảnh in ra giấy và hình ảnh nhìn trên màn hình không mấy khi giống nhau
(vì người dùng có thể điều chỉnh độ sáng, độ tương phản trên màn hình
tùy thích); Hai là, lúc mực in sắp cạn hết, máy in sẽ cho ra chất lượng
in khác, xấu lắm. Đã có hồi, các nhà công nghệ tập trung trí tuệ cao độ
nhằm đạt đến tiêu chuẩn in-hệt-như-màn-hình. Song không thể nào bắt máy
tính thông minh như thế. Có người đặt vấn đề khác hẳn: thôi, không in
hệt-như-màn-hình nữa, mà duy trì một kiểu chất lượng in-đẹp-hơn-cả-màn-hình,
ngắn gọn là in-đẹp-hơn-thật.
Thời gian này, trên nhiều lĩnh vực của
cuộc sống, người tiêu dùng đã bắt đầu được nghe về công nghệ đẹp-hơn-thật.
Điều này gần giống với công nghệ của những chiếc máy ảnh rẻ tiền. Khởi
đầu, các nhà công nghệ kỹ thuật số chỉ muốn giúp cho một người bình thường
cũng có thể chụp ảnh mọi nơi mọi lúc: mọi việc lấy tiêu cự, độ sáng, độ
nét... đều phó mặc cho con chíp nhỏ xíu cấy bên trong máy làm. Lúc chụp
có hơi run tay bấm cũng không can gì. Có thế mới bán được nhiều máy ảnh
du lịch chứ!
Tiếp sau đó là sự ra đời của các máy
rửa ảnh thông minh: hình ảnh tươi tắn hơn, bắt mắt hơn, ảnh nào xấu tự
loại ra, không rửa. Và đến bây giờ là thời của những tấm ảnh in bằng máy
in phun màu: không cần in trung thực, hãy in đẹp-hơn-thực! Đỏ, hãy đỏ
chót. Xanh, hãy xanh lè. Vàng, hãy vàng khè. Nâu, hãy nâu bóng. Một bộ
phận nhân loại không nhỏ dường như lại khoái cái trò mờ mờ ảo ảo mới chết
chứ. Ảnh chụp hôm trời u ám, nhưng rửa ra mà sáng chói rực rỡ thì được
khen là máy chụp nhạy. Phim xấu mà rửa ra được ảnh đẹp thì được khen là
máy rửa ảnh tân kỳ. Những phần mềm xử lý ảnh thâm nhập cộng đồng bằng
cách đóng miễn phí vào các CD phát kèm khi mua máy in phun màu.
Xuất hiện nghề ảnh kỹ thuật số hái ra
tiền, biến người thường thành hoa hậu, người già thành trẻ, cứ như uống
thuốc cải lão hoàn đồng. Vào các ký túc xá sinh viên, thấy cơ man nào
là các áp-phích, pô-stơ... chi chít hình ảnh những ca sĩ, ngôi sao điện
ảnh ăn khách. Chưa nói tới các kỹ xảo điện ảnh trên truyền hình. Mà nói
thực, những tấm áp-phích, pô-stơ, vi-đê-ô cờ-líp đó đã được mông má quá
nhiều trước khi chúng được bắn ra đời sống. Ai chả biết. Các ca
sĩ, diễn viên, ngôi sao cũng thích thế, các fan cũng thích thế.
Thế thì cớ sao chúng ta không làm? Vậy là, bản thân cuộc sống ngày hôm
nay đã chấp nhận từ trong sâu thẳm ý thức của mỗi con người về sự hư thực
của đời sống. Đám cưới nào cũng thấy anh chàng hoạt náo viên tán tụng
bốc phét lung tung: Kính thưa các quý vị đại biểu, vào một ngày đầu
xuân, đôi bạn trẻ... đã quen nhau... Xin quý vị cho một tràng pháo tay
chúc cho cô dâu chú rể sống với nhau cho đến đầu bạc răng long! Có
ai có ý kiến chê trách gì đâu? Không có tay hoạt náo viên, đám cưới cứ
gọi là buồn như chấu cắn. Thế đấy, nghe quen tai mất rồi. Hiển nhiên,
các “đôi bạn trẻ” mà choảng nhau thì rất dễ bị “long răng”! Thực tại ảo
chỉ là một mảng nhỏ nhoi, cớ sao chú lại ghét nó? Có ngày, chú sẽ cảm
thấy thiếu nó như ăn bún ốc Hồ Tây bị thiếu mì chính cho mà xem! Chú không
biết à, một nhà hàng sang trọng ở thủ đô Mát-xcơ-va đã lấy thịt lợn băm
trộn với trứng gà, hành lá, hạt tiêu, mộc nhĩ, miến vụn, rưới thêm một
chút nước mắm... để làm món ốc-nhồi-thịt danh tiếng. Có điều là, sau khi
ăn xong khách hàng sẽ được nhà hàng lịch sự xin lại đĩa vỏ ốc để tái sử
dụng cho thực đơn tiếp theo.
Tôi nghe anh Trần nói nhiều mà ong cả
đầu. Tôi quyết định đi tắm để gột rửa tâm hồn. Tôi nằm ngửa trên tấm ván
gỗ sồi bồng bềnh trong bồn tắm nhà ông Côổng, mắt dõi theo chiếc màn hình
phẳng mỏng dính 300 inh lắp trên trần nhà. Rất lạ là hơi nước hương
nhu bốc lên ngùn ngụt, nhưng không sao làm mờ nổi mặt màn hình. Tự nhiên,
tôi thấy ông Côổng xuất hiện. Trông ông già và đạo mạo như một giáo sư.
Ông nói, giọng trầm và ấm:
- Chàng thanh niên, đừng buồn. Chúng
ta đang đi trên cùng một lối, nhưng theo hai chiều ngược nhau. Tôi đã
quá quen thuộc với những thực thể kỹ thuật số, còn anh đang mon men đến
gần chúng nó. Nay, tôi có xu hướng trở về với nguyên thủy, với thiên nhiên.
Tôi thích những gì dân dã, tôi muốn khám phá xung quanh trong cái tình
trạng nguyên sơ ban đầu của nó, càng ít nhân tạo càng tốt. Còn anh, anh
đang ngạc nhiên trước những thành tựu vô song của con người. Con người
đừng có đi đối đầu với tự nhiên, không tốt đâu. Đừng chinh phục nó. Hãy
sống chung với nó. Phải mở to mắt mà học nó, bắt chước nó, lợi dụng nó.
Bản thân con người cũng là một sản phẩm kỳ diệu của tạo hóa. Hãy học khám
phá bản thân mình. Đến một trình độ nào đó, con người không chế tạo nổi
các máy tính thông minh nữa, việc ấy phải giao phó cho máy tính. Tôi không
nói chuyện “cháu đẻ ra ông”. Một mạng máy tính liên kết sức mạnh mới đủ
khả năng kiểm soát để làm xuất hiện sự hình thành của những dạng thức
sơ khai của chiếc máy tính tương lai. Đến lượt mình, thế hệ máy tính tương
lai trợ giúp con người giải quyết hàng loạt bài toán khó, song không bao
giờ quên nghĩa vụ sinh sản ra thế hệ tiếp theo có sức mạnh vượt mình.
Khi đó, cảm giác của anh là con người trợ giúp máy tính, chứ không phải
máy tính trợ giúp con người. Máy đánh cờ Deep Blue là một thí dụ...
- Xin lỗi, tôi hơi mệt (chẳng nhẽ lại
nói toạc ra là “tôi đang buồn ngủ”?). Cụ thể, ông khuyên tôi điều gì?
- Tôi thành thật khuyên, cậu hãy thử
xem qua bảo tàng nhà tôi. Với trí thông minh của cậu, tôi tin là cậu sẽ
đoán ra được mật khẩu.
Bố này lắm chuyện quá, cho xem
thì cho xem luôn đi, cứ dền dứ mãi. Tôi mặc quần áo và bước đến khung
cửa nhỏ có đề hàng chữ nhỏ nhắn dễ thương mạ vàng: Bảo tàng. Tôi
định hét lên: “Có ai giúp tôi với, tôi không biết mật khẩu”. Nhưng rồi,
mọi sự diễn ra chóng vánh như một tia chớp, bởi bất ngờ tôi đã tự nghĩ
ra.
Cổ nhân có câu: “Nước chảy đá mòn,
kiến tha lâu đầy tổ”. Một nhà hiền triết bên Tàu kể chuyện “Ngu công
chuyển núi”. Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian phương Nam chép lại sự
tích “Dã tràng xe cát biển Đông”. Một nhà mác-xít châu Âu phát
biểu định luật: “Lượng biến đổi thành chất”. Cuộc nói chuyện khi
trước của tôi với ông Côổng đã tích tụ thông tin, giúp tôi chợt nghĩ ra
mật khẩu, cho dù tôi chỉ là một người bình thường. Xin mở ngoặc nói thêm
là những nghiên cứu về bộ óc con người đã chỉ ra rằng, óc người có tổng
cộng khoảng 1025 tế bào nơ-ron thần kinh, nhưng không phải
tất cả đều ở trạng thái hoạt động tích cực. Một sinh viên đại học trung
bình có 107 tế bào nơ-ron hoạt động, vĩ nhân thì hơn, có 1011
tế bào. Còn từ khoảng 1011 đến 1025 tế bào nơ-ron
làm cái gì, chưa ai biết. Phải công nhận, ấn tượng mạnh nhất mà ông Côổng
gây cho tôi là cái... nắm cơm muối vừng. Chính cái cách nói ỡm ờ của ông
vừa rồi khiên tôi sinh nghi, đoán mật khẩu là “Vừng ơi, mở cửa ra!”. Không
thể nào khác được.
Tôi buột mồm nói khẽ câu đó như có ma
xui quỷ khiến. Cánh cửa bảo tàng lập tức hé mở. Tôi bước vào và đưa mắt
nhìn xung quanh. Không có nhiều thứ đồ đạc lắm. Chiếc tủ kính kê giữa
phòng bảo tàng đập ngay vào mắt tôi: một con chíp 8088 cổ điển, một chiếc
ổ cứng 10 Mê nhác trong như quyển tự điển Oxford dày cộp,
khi lâm nguy có thể dùng làm vũ khí tự vệ; một chiếc kính lúp của những
người chơi tem hạng xoàng, chuôi tay cầm đã bong nước sơn, đen loang lổ;
con chuột vi tính to gần bằng một trái dừa cỡ nhỏ, phủ một lớp sơn màu
lam nhạt, tạo dáng mỹ thuật công nghiệp còn thô kệch; một chiếc tách uống
cà-phê vàng khè sứt cạnh; và một ngôi nhà đồ chơi nóc nhọn hoắt bằng gỗ
thông trắng mềm có rất nhiều khung cửa sổ bỏ ngỏ: chữ nhật có, hình vuông
có, hình thang có và hình tròn cũng có... Dòng suối phía sau ngôi nhà
quanh co chảy rì rào không dứt, chắc hẳn là nhờ cơ cấu bơm tí hon giấu
dưới gầm tủ. Nước suối không tung bọt trắng xoá mà như pha lẫn màu chì.
Ở chiếc kệ kê sát tường phía bên kia, tôi nhìn thấy lủng củng mô hình
các đồ gia dụng: một chiếc máy ảnh, một chiếc máy giặt, một chiếc bàn
là, một chiếc điều hoà nhiệt độ, và một chiếc lò vi sóng. Tất cả đều mang
nhãn hiệu Fuzzy. Tôi đoán là của bà chủ tha ở Nhật về. Sau này,
tôi mới biết mình nhầm.
Bảo tàng có vẻ tầm thường và đơn giản,
không đáng xem. Tôi đang định quay ra thì thấy cánh cửa tự nhiên khép
lại. Tôi nói vội: “Vừng ơi, mở cửa ra!”, song lần này không tác dụng.
Vụt một cái, bộ mặt tươi cười của ông Côổng xuất hiện trên những tấm màn
hình tinh thể lỏng gắn kế tiếp nhau trên tường. Ông bảo tôi:
- Xin chúc mừng anh đã vào được đây.
Anh đừng vội đi. Tôi biết anh đang mê say khám phá thời điện tử. Nếu anh
cho phép, trong vòng 30 phút, tôi sẽ là người hướng dẫn tình nguyện của
anh.
Tôi miễn cưỡng đồng ý. Hôm nay làm sao
ấy, ông ta ăn nói văn hoa ra phết. Có vẻ, hình ảnh tôi thấy kia không
phải là hình ảnh thật của ông Côổng, mà là một sự bố trí từ trước, quay
sẵn chẳng hạn. Mãi về sau tôi mới hiểu, những gì ông ấy dành cho tôi là
một đặc ân. (Vả lại, một kinh nghiệm xương máu giao tiếp với thế giới
Mỹ là khi bạn nằng nặc đòi hỏi một thứ gì đó, như lấy vi-sa vào nước Mỹ
chẳng hạn, thì khó lòng đạt được, còn bạn hơi bất cần đời một chút thì
người ta lại mời chào). Ông quý tôi, bởi tôi đã dám trêu chọc ông bằng
cách đòi ăn cái món cháy chấm đường không có trong bếp nhà ông. Lúc bấy
giờ, theo phản xạ tự nhiên, tôi tặc lưỡi, ừ thì đằng nào mình cũng đang
cần đi ngủ, nay tự dưng có một người giúp việc “30 phút” như ông ta, thì
còn gì quý bằng.
Trần nhà tự nhiên hổng ra một lỗ. Một
cánh tay máy thò vào tủ kính, nhấc bổng con chíp 8088 đặt lên mặt bàn
chỗ tôi ngồi. Ông Côổng kể lể về lịch sử ra đời của thế hệ máy vi tính
thứ nhất. Giọng ông nao nao buồn. Chắc thời gian đó ông ta khó khăn lắm.
Tiếp theo, cánh tay máy cất con chíp đi và trưng ra chiếc đĩa cứng 10
Mê. Chiếc đĩa đã có thời là niềm mơ ước của ông. Thật khó tin.
Còn với chiếc kính lúp thân thuộc, ông đã mổ xẻ, khám phá và giải phẫu
hàng trăm máy tính XT, AT (loại vứt đi, thế mà cũng dám gọi là Advanced
Technology!). Con chuột đánh dấu một thời kỳ mới, một cuộc cách mạng
hẳn hoi. Bàn phím thì còn nói là mô phỏng của máy chữ, bàn số hoá cũng
vậy. Chứ con chuột thì hẳn xứng danh là “sản phẩm cao cấp”. Thật khó tưởng
tượng nổi nó mô phỏng cái gì. Chiếc tách uống cà-phê gắn bó với ông Côổng
và các đồng sự những khi “bàn mưu tính kế” (một bộ đầy đủ của nó gồm 128
chiếc kia, nhưng đã bị thất lạc hết). À, thì ra là vậy. Ngôi nhà đồ chơi
của con trai ông ta chăng? Không phải. Của chính ông ta. Được cái, ông
rất mê ngôi nhà có nhiều cửa sổ. Dòng suối chẳng hề là một vật trang trí
trong viện bảo tàng. Ông Côổng gọi nó là gì nhỉ, à, dòng nước bạc,
một loại nước xám xịt và rẻ mạt. Ở nước tôi, loại nước ấy chả ma nào thèm
đoái hoài.
(theo Tin học Đời sống – còn nữa) |