(Post 08/02/2006) Cô Lan không
dùng chìa khóa điện tử, mà ấn nhẹ ngón tay vào cái ổ khóa, thế là máy
tính nhận dạng ngay ra vân tay của cô. Cánh cửa cọt kẹt mở. Trong phòng
khách, trên mặt bàn kê cạnh mấy chiếc đi-văng, có một tấm bảng lớn vẽ
hình quốc kỳ của các quốc gia trên toàn thế giới. Tôi dí ngón tay út vào
lá cờ Việt Nam…
Chương 5: Thiên đường
Tôi và anh Trần một bận được tháp
tùng cô Lan và em Hương đi du lịch, chuyến đi làm tôi nhớ mãi. Hôm
ấy, có một tay người Mỹ rửng mỡ muốn sang Việt Nam, nên mời chào cô Lan
sang Mỹ. Ngôi nhà của hắn chả quảng cáo gì to tát, chỉ đăng độc dòng chữ
“Hy vọng bạn sẽ có cơ hội khám phá một ngôi nhà mới” trên trang chủ của
Hội Bốn phương Tám hướng. Tôi hơi lo lo khi nhớ lại chuyện mất
điện mà cô Lan đã kể. Nhưng rồi mọi nỗi lo qua đi nhanh chóng, vì chúng
tôi tới đất nước xa xôi đó vào buổi trưa. Chúng tôi bay nửa vòng trái
đất theo lối du lịch nhóm – mua vé kiểu ấy cho nó rẻ - chứ thực tình nhóm
chúng tôi, khoảng ba chục người, có quen biết gì nhau đâu. Xuống máy bay,
bốn chúng tôi chui vào một chiếc tứ mã điện tử. Sau khi biết nơi
chúng tôi cần đến, người xà ích nhìn chúng tôi ngỡ ngàng như nhìn
những người ngoài hành tinh, luôn miệng O.K.
Có lẽ, đó là cơ sở đảm bảo nhất để tôi
khẳng định anh ta là người Mỹ. Xe do bốn con ngựa “kéo” – cả bốn con ngựa
bạch tung vó phi nước đại trên một thảm cỏ hình chữ nhật to bằng ba cái
chiếu chuyển động nhờ hệ thống dây cua-roa, phía dưới thảm cỏ là động
cơ tám kỳ vận hành hết tốc lực – băng qua một cánh đồng lúa mì vàng rực
và đến một ngôi nhà trông như một tòa lâu đài, nằm trên một ngọn đồi thấp,
cỏ xanh mướt, lúp xúp mấy cây cọ châu Phi. Xuống xe, cô Lan rút ví định
trả tiền thì được biết, chủ nhà đã cắt sẵn tiền vào tài khoản của mọi
công ty giao thông trong vùng rồi. Tôi ngấm ngầm tiếc rẻ: Tại sao chúng
mình không đi trực thăng hay tàu thủy nhể?
Cô Lan không dùng chìa khóa điện tử,
mà ấn nhẹ ngón tay vào cái ổ khóa, thế là máy tính nhận dạng ngay ra vân
tay của cô. Cánh cửa cọt kẹt mở. Trong phòng khách, trên mặt bàn kê cạnh
mấy chiếc đi-văng, có một tấm bảng lớn vẽ hình quốc kỳ của các quốc gia
trên toàn thế giới. Tôi dí ngón tay út vào lá cờ Việt Nam. Một giọng nói
nhẹ nhàng cất lên: “Chào các bạn. Chúng tôi đợi các bạn đã lâu. Xin mời
các bạn vào nhà”. Các phòng rất rộng, ai muốn ở phòng nào thì ở. Cô Lan
chọn phòng có cánh cửa vẽ hình thần mặt trời, em Hương chọn hình cách
điệu một con thuyền đang lướt nhẹ trên dòng sông, anh Trần ở phòng vẽ
hình một quyển sách mở, còn tôi bước vào căn phòng có cánh cửa hình trái
tim. Tường nhà trang trí bằng các tấm pa-nen tinh thể lỏng, ghép hình
một cô gái quan họ khoác chiếc nón ba tầm đang cúi chào tôi. Lưng cô gập
hẳn lại, trông như điệu bộ của các cô gái Nhật Bản. Tôi vô tình huýt sáo
bài “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa…”, thì lập tức có tiếng nước
chảy rào rào trong buồng tắm. Tiếng nước dội từ vòi hoa sen xuống sàn
nhà nghe như lồng thêm tiếng nhạc, lúc trầm lúc bổng. Làn nước mỏng tang
được một thứ ánh sáng bảy sắc cầu vồng chiếu hắt vào, trông rất đã. Khi
tôi đổi qua bài: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng…”, thì các
tấm pa-nen cũng xoay nhẹ một vòng, và hình ảnh trên tường lúc này là một
cây cơm nguội già trên phố Lý Thường Kiệt gần chùa Quán Sứ, lá lơ phơ
trước gió, chùm quả chín đung đưa phô đủ sắc vàng: vàng nhạt, vàng chanh,
vàng rơm, vàng tươi, vàng ruộm, hoàng yến… quả lúc la lúc lỉu. Có cả những
hạt cơm nguội đã ngả màu da cam thẫm, vỏ căng tròn. Hồi bé, tôi trèo me
trèo sấu trèo cơm nguội đã nhiều, song chưa bao giờ tôi lại thấy cái cây
đẹp đến thế. Đến câu: “…cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau…” thì ống
kính ca-mê-ra chiếu hắt ngược mặt trời, làm cho những tia nắng – như đang
gắng gỏi xuyên qua bề dày của những chiếc lá bàng cuối thu đầu đông treo
hờ hững trên mấy cành khô gầy guộc – tạo nên một thứ ánh sáng dịu, đỏ
rực. Tôi nhìn thấy cả một con sâu róm đen sì bụng trắng màu sữa đang bò
chậm rãi trên phiến lá bàng xanh thẫm còn sót lại, nhưng con vật ở trong
tình huống này đẹp và sinh động, đầy chất nhân bản, chứ không đáng ghét
như người ta vẫn hay định kiến. Phiến lá bên cạnh có lẽ đã bị các con
sâu khác ăn hết phần diệp lục, chỉ còn trơ lại các gân lá đã nhạt màu,
như một tác phẩm mỹ thuật thủ công dệt bằng tơ, lăn tăn trong làn gió
nhẹ, trông cực kỳ lãng mạn. Lúc này, vòi hoa sen đã thôi chảy, mà thay
vào đó là điệu nhạc du dương. Tôi hít thở, khịt khịt mũi. Ừ, mà hình như
có mùi bàng chín thoang thoảng đâu đây? Phải nói, chủ nhà đã chọn được
những vi-đê-ô-cờ-líp đắt nhất để chiêu đãi chúng tôi.
Tôi cởi áo khoác ngoài, ngả người xuống
ghế sô-pha định nghỉ ngơi. Bất ngờ một bàn tay thò ra từ lưng ghế, đấm
nhè nhẹ vào lưng tôi như kiểu mát-xa, khiến tôi vừa hoảng sợ vừa thú vị.
Tự nhiên, tôi nảy ra ý định khám phá ngôi nhà. Cần phải tìm ngay ra trung
tâm điều khiển, nếu không, mình chẳng may hắt hơi sẽ bị nó lấy
cớ tống thẳng cổ vào bệnh viện thì nguy, còn đâu mà du với lịch.
Tôi lấy tay giả vờ xoa bụng, mặt ra chiều nhăn nhó, tức thì trên màn hình
xuất hiện cô gái quan họ ban nãy. Cô gái hỏi: “Ông xơi gì ạ?”. Tôi bảo:
“Cô cứ để tôi tự nhiên”. Thế là một danh mục đồ ăn thức uống hiện ra.
Tôi liếc nhìn: nem công chả phượng, bàn tay gấu, yến xào… đủ hết. Có cả
Minh Mạng thang và rượu Mao Đài 45 độ. Kinh nghiệm của tôi là trong
những chuyến đi xa, đừng ăn nhiều thứ nặng, khó tiêu. Tôi chợt
tò mò muốn biết chủ nhà là ai.
Nghe loáng thoáng cô Lan nói, ông ta
có tên Việt Nam là Côổng. Tôi mạnh dạn nói: “Cho tôi liên lạc với ông
Côổng”. Xoẹt một cái, màn hình hiện ngay ông chủ nhà mặc quần bò áo phông
đang ngồi ghếch chân lên bàn ăn nhà cô Lan (chắc ở đây dùng ăng-ten vệ
tinh toàn cầu loại AT-2003). Hắn trạc bốn mươi tuổi, đeo kính trắng,
nhưng không ra trí thức. Tôi nói vào chiếc máy phiên dịch để bàn nhãn
hiệu Pro-Smart mà nếu nhìn lướt qua, rất dễ bị nhầm thành Pho-mát:
“Chào ông Côổng. Ông đang dùng bữa, liệu tôi có làm phiền ông không?”,
“Ồ, không”, hắn vừa nhồm nhoàm đút nắm cơm muối vừng vào mồm vừa nói.
Rồi hắn ngẩng lên, nói có vẻ đắc ý: “Tôi hy vọng danh mục các món ăn làm
vừa lòng ông”. “Thế nhà ông có muối vừng không?”, tôi quyết định trêu
hắn. “Ố, có chứ. Ông mở thử cánh cửa tủ bên tay phải, ngăn thứ năm. Ông
sẽ thấy lọ muối vừng nhà tôi. Muối vừng là món yêu thích của tôi mà”.
Vừa nói, hắn vừa dốc lọ muối vừng nhà cô Lan ra, chấm nắm cơm đang nhá
dở vào đĩa muối vừng, rồi mới đưa lên mồm, sực một miếng ngon lành.
Tôi chưng hửng. “Thế có cà bát muối riềng không?”, “Chuyện vặt! Nếu ông
yêu cầu, món đó sẽ xuất hiện ngay trước mặt ông. Liệu ông có cần thêm
canh cua nấu rau rút không?”. Hắn tẩn nốt miếng cơm còn lại. Rồi
hắn xoa xoa hai bàn tay: động tác này thay cho rửa tay. Tôi thầm nghĩ,
mình mà có hỏi đến mắm cáy, chắc thằng cha láu cá này cũng đã chuẩn bị
sẵn. Trong khoảnh khắc đó, bất chợt tôi trông thấy chiếc nồi cơm điện
nhà cô Lan đang hiện diện bên khuỷu tay của hắn. Tôi hỏi: “Cho tôi hỏi,
nhà ông có món cháy-giòn-tan-ngào-đường không?”. Hắn nheo nheo trán một
lúc và hơi đỏ mặt. Màn hình vụt tắt, hiện thông báo: “Xin chờ một phút.
Phân hệ Tìm kiếm đang trong quá trình xử lý...”. Năm phút sau mới
thấy hiện ra thông báo thứ hai: dòng chữ bay bướm màu vàng chói nghiêng
nghiêng trên nền xanh nước biển đậm: “Quả đây là một thiếu sót. Nhà bếp
của chúng tôi chưa được trang bị thiết bị nấu nướng có tên là chảo-gang.
Hy vọng trong version mới, chúng tôi sẽ có thêm món cháy-ngào-đường
để phục vụ Quý ông. Hiện giờ, có món vỏ-bánh-mì-nướng-giòn-chấm-đường
khả dĩ thay thế món ăn nọ, nếu Quý ông có nhu cầu. Xin ngàn lần thông
cảm”. Vỏ bánh mì? Thèm vào! Tôi mỉm cười. Ờ, mà có khi, cứ cái đà này,
mình yêu cầu món cháo trạch thế nào cũng vớ được cháo rắn hổ mang chứ
chả bỡn!
Bất chợt, trên màn hình tinh thể lỏng
treo tường, tôi thấy anh Trần đang... cởi trần, tay vuốt vuốt mái tóc
ướt đẫm. Anh nháy mắt bảo tôi: “Chú tắm rửa ào đi rồi anh em mình đi bát
phố”. Tôi hỏi: “Thế còn cô Lan và em Hương?”. Anh Trần bảo: “Đang
ngủ”. Tôi nói bừa: “Em tắm qua rồi”. Anh Trần bảo: “Hay quá, thế thì đi.
Chú lấy bộ quần áo bằng sợi nhân tạo cạnh cửa sổ mặc vào người”. Tôi nghe
lời anh, trùm bộ quần áo bùng nhùng trông như mạng nhện qua đầu, chỉnh
lại mic-rô trước miệng và đáp: “Sẵn sàng”. Có tiếng động cơ nổ loẹt xoẹt,
thân người tôi hơi run lên nhè nhẹ. Tôi thấy anh Trần ở chiếc “Xê còng”
màu ghi đằng trước đang thò đầu ra khoát khoát tay ra hiệu, còn chiếc
“Xê gù” màu be của tôi vút theo sau. Cả hai chiếc thủy phi cơ liệng một
vòng trên bầu trời thành phố và đỗ xuống sân thượng một tòa bin-đinh cao
ngất. Nhìn ra xung quanh tuyệt đẹp: một rừng nhà chọc trời lô xô, dòng
sông xa xa lấp loáng, tháp truyền hình phía bên kia in bóng trên nền trời
mây trắng, và đặc biệt, dưới phố phường: xe, người đi đông như kiến. Anh
Trần bảo: “Tiếp đi!”, thế là máy bay lại bay tiếp. Có lần, máy bay sà
xuống giữa đại lộ, ngay ở một ngã tư. Tôi nhìn rõ viên cảnh sát giao thông
mồm ngậm còi đang phồng mang trợn má, nhưng không hiểu sao, anh ta không
nhìn thấy chúng tôi. Mà dường như những người đi đường cũng chả ai để
ý chúng tôi. Máy bay lại lao lên, mạo hiểm lách vào giữa những tòa nhà
cao vút, khiến tôi thót tim: nhỡ ai đó tưởng chúng tôi là tay chân của
Bin La-đen, họ “đòm” cho một phát thì bỏ xừ. Tôi nói gấp gáp vào mic-rô,
giọng hổn hển: “Bao... bao giờ mình về hả anh Henry Trần?”, “Chú cứ bình
tĩnh. Ba mươi phút nữa”. Máy bay lao về phía dòng sông. Tôi nhìn thấy
những cây cầu bắc qua sông, mỗi cầu một vẻ, nhưng đẹp nhất là một chiếc
cầu dây văng sơn màu xám, bắt chước mô hình cầu Mỹ Thuận, xe cộ đi lại
nườm nượp như trẩy hội. Giữa sông là một hòn đảo xanh rì, tua tủa đài
phun nước cái cao cái thấp, xen giữa những công viên đầy hoa. Chiếc đồng
hồ tròn khổng lồ bằng hoa trên đảo đang chỉ 11 giờ trưa.
Máy bay bay dọc theo con sông. Tôi thấy
đàn thiên nga bơi thong thả ven bờ. Khi chúng tôi tới gần, hai con thiên
nga trắng ngần vỗ cánh bay sát lại máy bay của tôi. Đến nỗi, khi tôi thò
tay ra thử vuốt ve chúng, chúng cũng không hề tỏ ra khiếp sợ. Bất ngờ,
máy bay rời mặt sông và bay lên cao. Tôi chợt thấy Thần Tự do đang vẫy
bàn tay ở phía xa. Máy bay ngày càng tiến lại gần, và giờ đây tôi đã bắt
đầu nhận ra tượng Thần Tự do to khủng khiếp, y như một trái núi con. Máy
bay rồ động cơ bay vòng quanh tượng, mỗi lúc cứ lên cao dần. Chúng tôi
lên đến gần chiếc vòng kim cô có gắn những tia nắng bằng vàng tỏa ra xung
quanh trên đầu Thần. Chiếc vòng không sáng loáng như khi tôi nhìn thấy
nó từ dưới đất (có lẽ nó đã phản quang rất mạnh), mà có rất nhiều vết
hoen gỉ (đồng?) xanh loang lổ, vì lũ bồ câu vô tư làm tổ trên đó. Thậm
chí, có thể nhìn rõ cả những đống phân chim chưa kịp khô. Từ đỉnh cao
này nhìn ra xung quanh, bạn sẽ bị những cảm giác choáng ngợp lạ thường
chi phối. Tôi như bước ra khỏi cơn mê khi nghe tiếng anh Trần bảo: “Đi
Las Vegas chơi không?”. Không cần đợi nghe câu trả lời của tôi,
anh đã lệnh cho cả hai chiếc thủy phi cơ tăng tốc, thẳng tiến đến kinh
đô bài bạc...
Theo Tin học và Đời sống (còn
nữa) |