(Post 04/03/2006) Chính khát
vọng của các bậc cha anh, đã giúp cho FPT, cho Fsoft, cho tôi, cho các
bạn - những người đồng nghiệp và chiến hữu, có cơ hội làm việc sánh vai
với các bạn bè 5 châu, được khen và được nghe chửi, được uống rượu và
ngắm tranh, được chu du trong sương mù London, đi tàu Sekansen xuyên nước
Nhật, bay trên bầu trời xanh thẳm của bình nguyên bao lao American Great
Plain…
Lời
nói đầu
Chương
1: Khởi đầu
Chương
2: Demo
Chương
3: Thương mại
Chương
4: Diệt phát xít
Chương
5: Sự tiến hóa của tổ chức và con người
Phần
kết 1
Phần kết 2: Đi một ngày đàng
học một sàng khôn
Phần một câu chuyện phần mềm của tôi
kết thúc vào cuối năm 1996.
Năm 1997 là một năm ổn định: TTVN phát
triển thành FOX. SIBA bắt đầu được nâng cấp thành SmartBank. Tổng cục
Thuế trở thành một khách hàng mới tin cậy và đầy tiềm năng. FSS mở chi
nhánh tại tp HCM và đã giúp báo Thể thao Tp HCM trở thành tờ báo đầu tiên
truyền ảnh từ SEAGames 19 về nước bằng mạng máy tính.
Năm 1998 - FPT 10 tuổi, năm của hồi tưởng
và cảm xúc, năm của những trăn trở về con đường tương lai và những mục
tiêu vĩ đại. Tháng 10, các cán bộ lãnh đạo họp tại Đồ Sơn, ra nghị quyết
về toàn cầu hoá, nội dung đã được anh ChâuHM tóm tắt tài tình trong lời
bài hát Phần mềm ca:
Tiến lên tương lai chúng đang chờ
phía trước
Tiến lên hàng đầu, đếch biết gì cũng tiến
Xuất khẩu phần mềm ta sẽ vượt thằng Tàu
Xuất khẩu gạo nhiều ta sẽ vượt thằng Xiêm
Và Fsoft ra đời.
Trước đó chúng tôi cũng đã dăm lần móc
tiền Tây, nhưng chỉ là “tiện tay dắt dê”. Bây giờ lại được giao là nhiệm
vụ chiến lược. Mà phải sang tận “sào huyệt” của chúng mới thỏa chí tang
bồng. Thật đúng là đếch biết gì cũng phải đi Tây. Các cuộc xuất ngoại
hòa nhập ào ạt của dân Fsoft xứng đáng viết nhiều chương dài trong lịch
sử. Chỉ xin điểm lại một vài mốc quan trọng mà tôi được chứng kiến và
là người tham dự và hẹn các bạn nhiều chi tiết thú vị hơn vào một thời
điểm khác.
Tháng 11/1998, a. Bình, Nam và a. Hùng
Râu sang Ấn độ thỉnh kinh. Thấy một thiên đàng phần mềm ở Bangalore: công
ty phần mềm nhiều như hiệu gội đầu, quảng cáo học Java thay cho quảng
cáo chữa bệnh yếu sinh lý, buổi tối tại các bar chỉ có lập trình viên
mới có đủ tiền lai vãng. Chúng tôi nhập tâm 3 chữ “outsourcing” “ISO”
và “CMM”.
Tháng 10/1999, chúng tôi uống sâm banh
để mừng cho những đồng đô la đầu tiên “từ bên kia đại dương” (lời của
Khúc Trung Kiên) rơi vào túi. Dự án Lifeserve của Nguyễn Đức Quỳnh được
khách hàng trả tiền.
Tháng 11/1999, FPT mở văn phòng tại India,
tháng 1/2000 mở văn phòng tại San Jose. Trần Văn Hùng (còn gọi là Hùng
Henry), Lê Hồng Sơn, Khúc Trung Kiên, Bùi Hồng Liên, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn
Đức Quỳnh là những nhân viên Fsoft đã biến giấc mơ cắm cờ FPT bay phấp
phới khắp năm châu thành hiện thực. FPT tiếp các đoàn đại biểu chính phủ
Việt nam cơm dưa ngay tại Banglore – Silicon Valley của châu Á. FPT làm
nên hàng tít lớn “cộng sản xâm chiếm thung lũng hoa vàng” của báo chí
Silicon Valley. Tên tuổi các anh chị xứng đáng được lưu trong trang đầu
lịch sử Fsoft và FPT. Tôi tự hào có những người bạn như vậy.
Tháng 3/2000, Nam và Đạt đi “tìm hiểu”
phương thức đào tạo nhân viên mới của Tata tại Trivandrum, Ấn độ. Cả hai
bị bạn bắt quả tang đang quay phim các tài liệu trong thư viện và trở
thành nhân viên Fsoft đầu tiên làm gián điệp bị bại lộ. Tin này sau đó
còn được Tata đồn thổi khắp Silicon Valley. Chúng tôi học được “orientation
training” hay còn gọi là “đào tạo tân binh”. Bài trình bày về hệ thống
quản lý chất lượng của Tata tại Chennai trở thành thiết kế đầu tiên của
dự án Spacy sau này gọi là F-Insight.
Tháng 4/2000, Nguyễn Lâm Phương trở thành
nhân viên Fsoft đầu tiên đi onsite, nghiên cứu yêu cầu của một ông chủ
nhà hàng tại SanFrancisco muốn trở thành tỉ phú phần mềm. Đó là bước đầu
của chương trình SmartTouch.
Tháng 8 rồi tháng 9/2000, Hoàng Mạnh
Hùng, Nguyễn Quang Hoà, rồi sau đó là Phan Phương Đạt, Hoàng Việt Anh,
Nguyễn Đức Quỳnh, Bùi Thiện Cảnh tụ tập tại Bỉ hòng biến Proximus thành
sân sau của HarveyNash. Tuy chưa thành công nhưng từ đó trở đi, các chuyến
bay Âu/Mỹ/Nhật nhẵn mặt nhân viên Fsoft đi “onsite”. Tiện thể các anh
đề nghị Fsoft cài luôn Outlook cho giống bạn và tiện làm việc. Em HàNH
nhẹ hơn nhiều trong việc phân phối các meeting request.
Tháng 12/2000, anh Bình và tôi Đông du,
tận tai nghe thấy giám đốc Sumishu nói: “chúng tôi còn phải học nhiều
mới có thể giao việc cho các ông được” để hiểu được sự khiêm tốn chết
người của người Nhật. Nhưng Fsoft có hợp đồng đầu tiên với NTT-IT làm
bằng tiếng Nhật do Tạ Anh Thắng làm communicator.
Tháng 3/2001 Nam và Tiến béo sang Singapore,
hy vong có thể nhờ các ông bạn đối tác của FPT mang lại chút việc phần
mềm. Nghe bọn nó cười hô hố: “Ở đây, mạt vận lắm mới làm phần mềm”. Quả
thật là ông bạn phần cứng của tôi đã tranh thủ kiếm được một đống tiền
mà chẳng cần phải làm một bài presentation nào cả. Singapore là đất của
thương mại và tài chính.
Tháng 8/2001, Việt Anh đi Portland mang được CAIRO về
cho anh Hùng đổi thành RADIO là công cụ đắc lực của phòng SEPG và nỗi
kinh hoàng treo trước bàn của các team leaders.
Tháng 4/2002, TuanPM, SonHT và một số chiến hữu giả danh
Unilever, cắn răng ngồi trong lớp học, quyết tâm biến Solomon thành trò
trẻ con cho bà con buôn Omo dùng chơi.
Tháng 10/2002, lần đầu tiên Fsoft cử 7 samurais sang
Nhật sáu tháng, có mỗi ThangTA đã biết tiếng Nhật. Thật may mắn cả bảy
đã trở về an toàn và không khách hàng nào bỏ chúng ta cả. Mùa thu năm
2003, anh Bình ký biên bản tham gia vào VIJASGATE, liên doanh đầu tiên
“góp gạo thổi cơm chung” với 6 công ty phần mềm Nhật bản khác. FPT manh
nha một ý định bỏ qua giai đoạn “osin” tiến thẳng lên hàng chủ”.
Tháng 12/2003 TùngBH, Nam và CườngDD trở về cội nguồn
Trung hoa vĩ đại, thăm khu công nghiệp phần mềm Đại Liên, thung lũng thác
số từ Nhật chảy sang. Liệu FPT có khơi được nguồn, chuyển được dòng thác
đó về Việt nam?
Ta đi Tây và Tây cũng đến với ta.
Fsoft có nhân viên “mắt xanh, mũi lõ”.
Tháng 3/2001, Martin Geiger trở thành công dân Mỹ đầu
tiên tham gia FPT với tư cách giám đốc Marketing. Suốt một thời gian dài,
họp giao ban Fsoft bằng tiếng Anh, họp xong các cơ quan bộ phận cơ thể
mỏi dừ. Sau đó Emmanuel được một ông bạn của tôi từ Minsk giới thiệu đến,
rồi Silvain theo vợ hồi hương, Azkhar không thể rời được madam Liên, Bryan
vì mê các cô gái Việt nam đã bán nhà, bưng 2 nàng chó sang cho ăn cám
Việt. Tất cả họ đã góp phần to lớn làm nên một Fsoft đa dạng, phong phú
về phong cách và chuyên nghiệp hơn trong công việc.
Tôi cũng không thể quên được những vị khách hàng đầu
tiên từ những nền văn hoá khác nhau, những người thầy đã tận tụy dẫn dắt
chúng ta trong những bước đầu chập chững. Dr. Balta, giám đốc Winsoft
Canada, làm tiền từ Mỹ nhưng rất không ưa Mỹ với câu chuyện có thể làm
cho nước Mỹ rối loạn bằng 4 quả bom. Ông Werner, người Bỉ giám đốc Harvey
Nash Software, người đã rót vào tai tôi: “Nam, lập trình viên của mày
nói tiếng Anh thối hơn mấy con tiếp viên ở nhà hàng này!”. Ông Ichinose,
tự nhận là brother của Bình san, có thể hát bậy bằng tiếng Nhật cả tối
đối đáp với STC. Vợ chồng Richard ProDX đã lái xe cả đi về hơn 200km để
đãi chúng tôi xem mặt trời lặn ở phía Đông. Bà Eileen coi Việt Anh như
con nhưng vẫn phạt 10,000 đôla cho nhớ khỏi phát biểu bừa bãi…. Còn biết
bao nhiêu câu chuyện nữa mà chắc chắn không chỉ có tôi mà rất nhiều các
bạn Fsoft có thể kể ra đây.
Không ít kế hoạch “viển vông”, không phải dự án nào cũng
suôn sẻ nhưng tôi tin là những cuộc tiếp xúc giữa người với người như
vậy làm cho Fsoft và mỗi chúng ta giàu lên rất nhiều.
Tôi nhớ lại một đêm mùa hè năm 2001, tôi và anh Bình
đứng hút thuốc trên tầng 21 của toà cao ốc Sumitomo. Anh Bình đang chuẩn
bị cho bài trình bày với lãnh đạo Sumitomo về kế hoạch chiếm lĩnh thị
trường Nhật bản. Nhìn xuống Tokyo và Hoàng cung ban đêm thật lộng lẫy.
Chúng tôi xúc động và nhẩm lại bài hát của đoàn quân tầm vông Nam bộ kháng
chiến:
Thề quyết thoát khỏi lầm than
Ta mang thân ta liều cho nước
Ta mang thân ta đền ơn trước
Muôn thu sau lưu tiếng anh hào,
người dân Việt lắm chí cao.
Chính khát vọng của các bậc cha anh, đã giúp cho FPT,
cho Fsoft, cho tôi, cho các bạn - những người đồng nghiệp và chiến hữu,
có cơ hội làm việc sánh vai với các bạn bè 5 châu, được khen và được nghe
chửi, được uống rượu và ngắm tranh, được chu du trong sương mù London,
đi tàu Sekansen xuyên nước Nhật, bay trên bầu trời xanh thẳm của bình
nguyên bao lao American Great Plain.
Để được như anh Phan Quốc Việt nói:
Đi một ngày đàng học một sàng dại.
Sàng đi sàng lại còn một tí khôn.
Một tí khôn đó sẽ giúp chúng ta lớn lên!
Nguyễn Thành Nam
Tổng giám đốc công ty FPT - Software |