Xóm tôi thời điện tử - chương 10  
 

(Post 01/03/2006) Giao tiếp người-máy là mong ước của nhiều người trong tương lai. Ngôn ngữ máy tính có ưu điểm là lô-gich, ngắn gọn, dễ chuyển thành tín hiệu điều khiển, song có nhược điểm vô cùng lớn là không trực cảm. Ngôn ngữ của con người hàm xúc hơn, nhân bản hơn, liên tưởng hơn, và tất nhiên đổi lại, nhược điểm là sẽ có nhiều câu nói tù mù về mặt ngữ nghĩa, hoặc phải lắp thêm cho nó ngữ cảnh vào mới “xài được”.

Chương 10: Giao tiếp ngươi máy

Lại nói về ông Côổng. Ông gửi cho tôi một tin nhắn điện tử ngỏ ý nhờ tôi giúp đỡ ông “bồi dưỡng thêm” về tiếng Việt. Ông nói, ông đã học “sơ sơ” (không phải ông đến Việt Nam lần đầu), nhưng ngoại ngữ là thứ không thể ngốn ngay một lúc, mà phải học từ từ, lừ đừ như ông từ vào đền, nó mới ngấm. Tôi thực sự ngạc nhiên khi biết rằng, hôm ông thuyết minh cho tôi ở bảo tàng, ông không hề dùng tới thiết bị phiên dịch hai chều Pro-Smart, mà ông đã cố gắng “biểu thị bản thân mình bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của anh”. Tôi hỏi ông lý do, ông cười và bảo, sắp tới, nếu triển khai các sản phẩm của cơ quan ông ở Việt Nam, thể nào cũng có liên quan đến “ba cái vấn đề ngôn ngữ và chữ viết của người Việt Nam”. Ra thế. Ông này hầu như bất kỳ giây phút nào cũng nắm rất vững yếu lĩnh đầu vào-đầu ra. Tôi trao đổi với anh Trần việc này, anh mới té ngửa. Thì ra, ông ta đích thân chuẩn bị cấp tập cho khâu đột phá để đưa công nghệ giao tiếp người máy vào thực tiễn. Ngay sau giây phút nhận lời trợ giúp ông, tôi nhận ngay tức thì một mớ câu hỏi. Điều làm tôi ân hận là từ nhỏ mình đã không học tiếng mẹ đẻ của mình một cách rành rọt, tử tế.

Ông Côổng học tiếng Việt qua phần mềm “Nguyễn Siêu” có khả năng tự bổ sung vốn từ hằng ngày. Chẳng hạn, khi ông học đến vần “ôm”, máy tính bắt ông phải học thuộc lòng đoạn văn ngắn ngủi sau đây: “Khuya. Trời lốm đốm những vì sao. Canh ba sắp tàn. Sao Hôm sắp lặn, sao Mai sắp mọc. Một gã trộm ăn mặc lôm côm, đang ngồi chồm hỗm trên cành cây, chôm chôm chôm (vặt chôm chôm) trong vườn nhà ông Tôm-xơn. Đời xôm quá! Hắn nhồm nhoàm nhai chôm chôm. Bỗng có bàn tay ai vỗ bồm bộp vào vai hắn. Nhìn kỹ, thì thấy một bóng ma ốm yếu đang nằm, mồm nhộm nhoạm nhai cốm. Hắn có bộ râu xồm, giọng nói ồm ồm: “Gớm, làm gì mà ôm đồm thế, chúa Chổm? Xuống khẩn trương, kẻo bị tôm bây giờ!”. Tên trộm nổi cộm sống lưng, ôm thân cây vội vàng tụt xuống đất, suýt rách cả đũng quần. Hắn bị té, vì ếch nhái bò lổm ngổm xung quanh. Nhưng hắn đã kịp lồm cồm vùng dậy, còng lưng tôm đẩy chiếc xe ôm cũ kỹ màu mắm tôm rồ ga nổ máy. Chiếc xe có cặp gác-đờ-bu chế bằng nhôm cứ nhẩy chồm chồm trên con đường rải đá. Thì ra, bóng ma chính là hình nộm canh vườn của ông bà Tôm-xơn”

Ông hỏi tôi về động từ “đánh”. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào thì rõ rồi; đánh bài, đánh bạc, đánh đề, đánh đầu đít, đánh cắp, đánh bả, đánh rượu, đánh thuốc lá cũng đúng, vì chúng là những thứ nguy hại cho sức khoẻ của con người và xã hội (ông có bổ sung một từ, theo tôi không được tao nhã cho lắm, đó là... đánh rắm); đánh quần đùi áo may-ô, đánh đầu, đánh gót, đánh cút, đánh gối, đánh cùi trỏ, và đánh... cược là từ chuyên môn của bóng đá; Việt Nam bổ sung thêm đánh đá, đánh đấm, đánh đập, đánh đuổi (trọng tài); Xinh-ga-po bổ sung thêm chiến thuật đánh lưng; đánh ten-nít, đánh cầu lông, đánh bóng bàn, đánh gôn, đánh cờ, đánh côn, đánh gậy thuộc về thuật ngữ thể thao quốc tế; đánh võng đồng nghĩa với đi Văn Điển; đánh giậm, dân dã và dễ hiểu, tức là đi xúc tép bắt tôm; đánh cá là quăng chài bủa lưới; đánh quả là đi hái lượm, bứt trái cây; đánh gió thể hiện khí tiết anh hùng chinh phục thiên nhiên; đánh ghen cũng tương tự, nếu có khác chăng thì khác ở chổ, từ này thường liên quan đến phụ nữ. Đơn cử vài từ cũng liên quan chặt chẽ đến quý cô quý bà: đánh mắt, đánh môi, đánh son, đánh phấn, đánh má hồng, đánh móng tay, đánh móng chân. Sử dụng chiêu “một đòn chết bảy”, ta có thể đưa ra một từ thay thế cho bảy từ kể trên, đó là đánh bóng mạ kền. Nhờ đã đọc “Bách khoa thư đàn ông”, tôi thêm cho ông Côổng hai từ kinh dị xuất phát từ Ấn độ và Ả rập: đánh hôngđánh mông, khiến ông cảm ơn nhiệt liệt. Ông Côổng tự tìm ra từ đánh yêu, khá đắt.

Còn đánh tiết canh, đánh một giấc, đánh chén, đánh kem, đánh trứng, đánh đòn, đánh đống đứa trẻ con nứt mắt nó cũng luận ra, vì đánh ở đây na ná như làm. Thế nhưng, ông Côổng đặt câu hỏi, làm gì mà lại nổi nóng đến nông nổi đánh đàn, đánh trống, đánh nhịp, đánh bi, đánh đáo, đánh chắn, đánh tam cúc, đánh tú-lơ-khơ? Thậm chí, tội tình gì mà… đánh răng, đánh bạn? Đúng là mọi thứ rối tung lên như canh hẹ, cứ như là đánh đố.

Hay thắc mắc có lẽ là căn bệnh kinh niên của ông Côổng. Tôi tức phát khóc lên vì cái lão Côổng đa sự này. Ông thắc mắc, ông đi Thành phố Hồ Chí Minh, ông thấy đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ, còn ở Hà Nội chỉ có phố Lê Thái Tổ và Quang Trung, vì sao lại thế. Ông hỏi, cảnh sát giao thông ở Việt Nam không mấy khi đứng ở ngã tư, mà “vị trí chiến đấu” của họ hơi lùi một chút, cách ngã ba ngã tư khoảng 20-30 mét, thường là sau một gốc cây to, vì sao lại thế.

Ông đọc một lèo Tấm Cám và không thiện cảm lắm với đoạn kết, khi hai mẹ con Cám bị bỏ vào hũ ngâm mắm, thứ mắm được các chú quạ khen ngon. Theo ông, nên lược bỏ đoạn này ra khỏi sách thiếu nhi, như người ta từng dũng cảm bớt đi một số đoạn dung tục có hại trong Nghìn lẻ một đêm. Ông thắc mắc về câu Đường ta đi xây xác quân thù của Văn Cao, nhưng tôi đã kịp thời giải thích cho ông, ông đừng lo, hát là hát thế thôi, chứ người Việt Nam hiền lành lắm, vả lại bài hát ra đời trong một bối cảnh lịch sử không giống với ngày hôm nay. Ông nghe Du kích sông Thao và hỏi tôi, vì sao ông chỉ nghe thấy “Hồng Hà” chứ không thấy “sông Thao” trong bài hát, làm tôi khá lúng túng, ờ nhỉ, sống giữa những thói quen của mình, của xã hội, tư duy con người nhiều khi bị chuội đi. Mính đâu có để ý.

Ông ngầm đố tôi: con sông, con đò, con thuyền… và quả bóng, quả cưới, quả đắng rất dung dị, đơn giản dễ hiểu, thế nhưng, tôi hãy thử đi tìm cho ông một vài thứ không phải động vật, cũng chẳng phải thực vật, mà vẫn được người Việt Nam gọi đồng thời là conquả. Một thứ tôi tìm còn chưa nổi, huống chi vài thứ! Ông đề nghị tôi phản biện xem giữa Giàu vì bạn, sang vì vợ với câu Giàu bỏ bạn, sang bỏ vợ, câu nào đúng? Và giải thích cho ông xem ăn cháo đá bát là đúng, hay là ăn cháo đái bát, đâu là chân lý? Khó thật. Tôi thì tôi cho rằng, cả hai đều là chân lý… tương đối. Ông tỏ ra khá tinh quái khi giải thích câu thành ngữ Chuối sau cau trước. Ông kể, khi ông “thâm nhập về vùng nông thôn”, một bà lão dặn ông là, khi ăn thì nhớ ăn cau trước, rồi mới ăn chuối sau, kẻo nhạt miệng. Một lão nông khác lại bảo, nếu trồng cây quanh nhà thì nhớ trồng cây cau đằng trước, trồng cây chuối đằng sau, trông cho nó đẹp mắt và… đỡ muỗi. Còn nhiều nữa. Ví như, ông đã nghe một bà mẹ mắng cậu con trai té tát “Đi khỏe lắm vào, rồi dẫm phải dây thép gai, cho mày chết!” và quát chồng sa sả “Sao mà khỏe đi thế, tối nay không có cơm cho ông đâu nhá!”. Mới đầu, ông cứ ngỡ từ khỏe dùng để nói về trạng thái sức khỏe hay liên quan đến thể dục thể thao gì đó. (Việt Nam sắp tổ chức SeaGames 22 mà!), nhưng trông sắc mặt đằng đằng sát khí của bà vợ và nhác nhìn  qua thứ tự từ khỏe đứng trong các câu trên, thì không phải. Vậy, thế là thế nào?

Giao tiếp người-máy là mong ước của nhiều người trong tương lai. Ngôn ngữ máy tính có ưu điểm là lô-gich, ngắn gọn, dễ chuyển thành tín hiệu điều khiển, song có nhược điểm vô cùng lớn là không trực cảm. Ngôn ngữ của con người hàm xúc hơn, nhân bản hơn, liên tưởng hơn, và tất nhiên đổi lại, nhược điểm là sẽ có nhiều câu nói tù mù về mặt ngữ nghĩa, hoặc phải lắp thêm cho nó ngữ cảnh vào mới “xài được”. Làm sao để hai thứ ngôn ngữ này dung hòa nhau đây? Không nói đâu xa, chỉ nói về hai ngôn ngữ cùng của con người đã có những chổ vênh, khập khiễng. Ông Côổng nhận xét, trông thấy một người bạn đang ăn cơm, những người Âu-Mỹ thường chúc người kia ăn ngon. Người Việt Nam thì ngược lại: cái ông ngồi ăn sẽ mời cái ông đang đi từ xa tới ăn cùng. Vậy nên, một rô-bốt máy tính sẽ làm sao nhận biết từ xa cái ông để tóc dài ngang vai như đàn bà, mặc quần bò híp-pi đang ngồi ăn cơm kia là Âu hay Việt, để mà giao tiếp cho phải lối?

Một số thói quen tưởng chừng vô hại của con người cũng làm cho ngôn ngữ bị bào mòn đi. Cách gọi ban khoa giáo thay cho ban khoa học-giáo dục, ban kinh tài thay cho ban kinh tế-tài chính, ban văn xã thay cho ban văn hóa-xã hội, là một tiền đề tốt để nảy sinh ra phòng hành tổng (hành chính-tổng hợp), sở khoa môi (khoa học-môi trường), báo văn thể (văn hóa-thể thao), và bộ thông du (thông tin-du lịch). Những bậc tiền bối ngày xưa dầu có sử dụng “liên khúc” công nông binh, Việt-Trung-Xô, toán lý hóa (nhẽ ra phải là toán vật hóa chứ?), văn sử địa, văn thể mỹ, hoa lá cành, bò dê gà... nhưng vẫn còn có sự tiết chế, gia giảm nào đó. Còn thời nay, mọi thứ có vẻ hơi bị lạm dụng. Người ta nói, thầy cô giáo, công nhân viên, thanh thiếu niên, y bác sĩ, động thực vật không thấy ngượng mồm, nên “phát triển lên”, lại nói và viết: phối kết hợp, trang thiết bị, đông tây y, quân dân y, thủy hải sản, thủy đặc sản, kỹ chiến thuật, trung cao cấp, không thời gian. Tột đỉnh có lẽ là công-nông-lâm-ngư nghiệp. Ông Côổng châm biếm thói hư này bằng cách nhấn mạnh cực kỳ độc đáo, (tôi chả bao giờ quên!), khi tôi hỏi ông ấy: “Ông xơi cơm với muối vừng chứ ạ?”, câu trả lời chắc nịch là “Hiển-dĩ-hẳn-tất-mặc-tuyệt-đương nhiên!”.

Ông Côổng thi môn tiếng Việt lấy bằng theo phương pháp từ xa. Câu hỏi ông gặp phải, thuộc loại khó, là “Hãy kể tên những nhân vật trong chính quyền hoàng gia của Bảo Đại”.

Tôi không nghĩ là ai đó sẽ chế được chiếc máy (tính) giúp ông Côổng thực thi câu trả lời kiểu này. Hoặc nếu có thì còn phải khá lâu nữa. Thấy tôi có vẽ chưa tin tưởng về tương lai của máy tính, ông Côổng cho tôi xem một đoạn băng vi-đê-ô để củng cố tinh thần. Đoạn băng miêu tả ứng dụng giao tiếp người-máy từ xa. Từ trên đỉnh núi cao ở Nhật Bản, cô y tá người Nhật đang băn khoăn tham khảo ý kiến các chuyên gia y tế người Anh ở Luân-đôn để có biện pháp kịp thời điều trị cho các cụ già trong trại an dưỡng. Cô ta hỏi bằng tiếng Nhật. Lập tức, câu hỏi được dịch ra tiếng Anh và hiển thị lên màn hình của các bác sĩ. Một bác sĩ cầm mic-rô và nói bằng tiếng Anh. Ngay tức thì, các ý kiến tư vấn của ông ta biến thành dòng chữ Nhật Bản trên màn hình của cô y tá. Sau khi trao đổi ý kiến khoảng mười phút, tôi thấy cô y tá tự tin chuẩn bị đồ nghề, thuốc men đi lên phòng các cụ già

(theo Tin học Đời sống – còn nữa)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Xóm tôi thời điện tử - chương 9Xóm tôi thời điện tử - chương 8
Xóm tôi thời điện tử - chương 7Bên hồ Giơ-ne-vơ
Xóm tôi thời điện tử - chương 6Xóm tôi thời điện tử - chương 5
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11