(Post 26/07/2006) Trong thời đại khoa học kỹ
thuật phát triển như vũ bão, nhiều bạn trẻ đã nhanh chóng nắm lấy những
tiến bộ của nó để phục vụ cho học tập cũng như làm việc, giải trí. Những
vật dụng như điện thoại di động (ĐTDĐ), PDA, máy tính xách tay bây giờ
đã trở thành những vật bất ly thân của nhiều bạn trẻ.
Dũng “PDA” Thắng “digital”... và gì nữa?
Không phải ngẫu nhiên mà bạn bè đặt cho Dũng cái nickname
như thế. Đơn giản là do cậu quá phụ thuộc vào những chiếc PDA (Personal
Digital Asistant ). Đi bất cứ đâu (học, chơi, ăn, ngủ) Dũng đều kè kè
bên mình chiếc PDA.
Những tiện ích mà những chiếc PDA mang lại cho Dũng là
không thể phủ nhận. Với nó, cậu có thể dùng như chiếc ĐTDĐ, lên lịch làm
việc, soạn thảo văn bản, bảng tính, kết nối Internet, đồng thời cũng là
phương tiện nghe nhạc, giải trí hiệu quả.
Tuy nhiên, do quá phụ thuộc vào chiếc PDA mà nhiều lúc
Dũng làm trò cười cho những người xung quanh. Làm con tính đơn giản như
đổi 100 USD ra tiền Việt với tỉ giá 1USD ăn 15.800 đồng, Dũng cũng phải
dùng PDA và... mở tiện ích máy tính nhờ giúp đỡ.
Khác với Dũng “PDA”, cái nickname Thắng “Digital” lại
do chính cậu tự đặt. Nhận thấy công nghệ kỹ thuật số (KTS) thật sự đã
mang lại những ứng dụng tuyệt vời trong nhiều lĩnh vực trong cuộc sống,
Thắng luôn săn tìm những sản phẩm KTS mới nhất.
Cuộc sống của cậu được bao quanh bởi những máy tính xách
tay, PDA, ĐTDĐ, máy ảnh KTS, ghi âm KTS, đầu DVD KTS....
Không chỉ có những “con nghiện” máy tính là nam giới,
“tóc dài” cũng có những người luôn bị phụ thuộc vào máy tính. Đỗ Thị Hà,
sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Cô tuy ở trong KTX nhưng ngày nào cũng ra quán Internet.
Mỗi lần về quê, Hà lại nhớ máy tính đến quay cuồng. Đến khi trở lại thành
phố, cô phải chạy ngay ra hàng Internet. “Mỗi khi được ngồi bên chiếc
máy tính là như được gặp lại người bạn thân”- Hà tâm sự.
Những hệ lụy
Là con người của thời đại KTS, những Dũng, Thắng luôn
đi đầu trong các lĩnh vực “số hóa”. Tuy thế, trong nhiều lĩnh vực khác,
các cậu chỉ là những con “gà công nghiệp”.
Dũng, Thắng...đều viết chữ như gà bới. Do chỉ quen gõ
máy nên tất tần tật bài vở, giấy xin phép nghỉ học, đơn xin việc... thậm
chí cả giấy biên nhận cũng phải lôi máy tính xách tay ra gõ.
Với Tuấn, Hà mỗi khi ngồi, 2 tay đặt lên bất cứ chỗ nào
là gõ nhoay nhoáy như gõ bàn phím.
Vì suốt ngày bấm ĐTDĐ, PDA, bàn phím máy tính mà ở nhiều
người trẻ hiện nay xuất hiện “hội chứng ngón cái”. Những ngón cái của
các bạn trẻ này luôn có xu hướng choãi ra khỏi bàn tay.
Đức Thành, sinh viên Trường Đại học dân lập Phương Đông
khoe: “Với con Nokia 6600, em có thể soạn tin nhắn không thua gì trên
máy tính”. Nhìn hai ngón cái trên bàn tay Thành, nhiều người không khỏi
bật cười khi nó bè bè như bị dị tật.
Không chỉ dừng ở những hành động, ngôn ngữ của Dũng,
Thắng cũng được “số hóa”. Tôi từng nghe Thắng nói với bạn gái: “Người
anh hôm nay bị “nhiễm virus” (bị ốm) hay sao ấy, em đi mua cho anh ít
“Notron” (thuốc) để “scan” (quét)”, hay : “Dạo này “bộ nhớ” (đầu óc) của
anh có vấn đề, mấy cái “data”(dữ liệu) bị mất hết, để anh thử “reset”
(khởi động) lại xem sao”...
Vì quá phụ thuộc vào những chiếc máy, Tuấn còn mắc chứng
bệnh máy móc. Cách cậu điều hành công việc cứ hệt như cái máy đã được
lập trình. Đang chat với một khách hàng trên mạng, có người gọi vào máy
cố định. Dũng liền kẹp vào vai, hai tay vẫn tiếp tục gõ phím.
Máy ĐTDĐ lại có tiếng réo, cậu lại nhận điện, trong khi
đó cuộc gọi kia vẫn đang diễn ra. Rồi cô thư ký vào đưa bảng quyết toán
chờ cậu ký. Như một chiếc máy tính quá tải, Dũng bỗng ngừng lại tất cả
mọi việc trong một giây.
Rồi như bừng tỉnh, cậu lại lần lượt gõ phím trả lời khách
hàng, nói vào chiếc máy cố định, quay sang trả lời máy di động. Cuối cùng
là ký vào bảng quyết toán kia.
(Theo Tiến Đoàn/Tiền phong) |