(Post 13/09/2006) Dù đến 14h30 buổi trò chuyện của Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Henry Paulson mới chính thức bắt đầu nhưng từ trước đó nửa tiếng, hội trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã chật kín SV. Gần 1.000 sinh viên đã tham dự, nhiều bạn không có chỗ ngồi đành phải đứng dọc các lối đi lại giữa các dãy ghế. Ông Henry Paulson: "Người điều hành phải biết tìm đúng người và giao đúng việc.” - (Ảnh VOV) | |
“Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh với các bạn bốn điểm chính. Đầu tiên, hãy luôn nhớ rằng thay đổi là bạn đồng hành với SV, các bạn trẻ đừng ngại thay đổi. Tất nhiên mọi sự thay đổi đều khó khăn và ban đầu có thể vấp phải những phản đối nhưng chỉ có những ai vượt qua được các lực cản đó mới thành công. Thứ hai, hành trang quan trọng là một tầm nhìn dài hạn. Chỉ có sự kiên trì và kiên nhẫn vươn tới mục tiêu lâu dài mới đem lại những thành công trọn đời cho các bạn. Bên cạnh đó, cần chú ý giữ tính liêm khiết trong mọi hoàn cảnh. Và cuối cùng là phải biết cân bằng giữa cuộc sống và công việc.” – Đó là những chia sẻ chân thành của ngài Henry Paulson, Bộ trưởng Tài chính Mỹ với các SV trường ĐH Kinh tế Quốc dân khi mở đầu buổi trò chuyện. Trong suốt buổi nói chuyện, Bộ trưởng Henry Paulson trả lời nhiều chục câu hỏi của các bạn SV, gần một nửa trong số đó tập trung vào việc VN gia nhập WTO, một số hướng vào quan hệ thương mại Việt-Mỹ, còn lại là những câu hỏi về kinh nghiệm phát triển của nền kinh tế Mỹ cũng như bản thân ông Paulson. Trả lời các câu hỏi của SV liên quan đến việc thông qua quy chế PNTR cho VN, việc thông qua qui chế này có cả lợi ích cho Mỹ; tại sao Chính phủ Mỹ lại kéo dài thời gian thông qua qui chế này cho VN? Ông Henry Paulson đồng ý rằng thông qua quy chế PNTR cho VN là rất tốt cho Mỹ và VN cũng được hưởng lợi từ đó. Trên thế giới, nhiều người phản đối quá trình tự do hoá thương mại. Có những hình thức bảo hộ nền kinh tế, vì vậy sự thoả thuận về thương mại không dễ gì nhận được sự đồng thuận thông qua, bởi cũng có những luận cứ, quan điểm cố hữu có thể trái ngược nhau. Ông Paulson tin tưởng rằng quy chế PNTR sẽ nhanh chóng được Quốc hội Mỹ thông qua. Và còn nhiều hiệp định, thoả thuận thương mại khác rất đáng lạc quan, tin tưởng. Về những lợi ích mang lại khi VN trở thành thành viên đầy đủ của WTO, ông Henry Paul cho rằng: “Lợi ích mang lại cho VN có thể thấy đầu tiên là thương mại tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên không đảm bảo chắc chắn rằng mọi thứ đều dễ dàng. Bản thân VN cũng phải tạo cho mình những đột phá, cải cách kinh tế. Khi tôi trao đổi với các DN trẻ ở VN thì họ đều phàn nàn là có quá nhiều qui định, thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian để có thể điều chỉnh, thông qua một điều nào đó. Điểm quan trọng là cần triển khai luật một cách thống nhất, bài trừ tham nhũng; tạo cơ hội cho những người dân, thể chế của nền kinh tế có thể tham gia tiến trình này". "...Thông qua quy chế PNTR cho VN là rất tốt cho Mỹ và VN cũng được hưởng lợi từ đó..." (Henry Paulson) |
Về vấn đề gia nhập WTO của VN, ông Paulson lưu ý các công dân VN trẻ không nên quá kỳ vọng về một sự “đổi đời” chỉ sau một đêm. Gia nhập WTO chỉ là bước đầu tiên và rất nhỏ bé trong lộ trình phát triển kinh tế. VN còn có nhiều việc phải làm và phải cố gắng hơn nữa, đặc biệt là trong việc cải cách hành chính và pháp luật. Ông Henry Paulson khẳng định: “Không có gì quan trọng hơn việc đem lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu, giúp con người có một tầm nhìn, hướng tới tự do hoá thương mại, tự do hoá kinh tế. Tổng thống Mỹ và nội các của ông hoàn toàn không làm quá vấn đề này trên Quốc hội Mỹ. Hiện nay ở Mỹ vẫn đang là mùa bầu cử, một thời điểm quan trọng và nhạy cảm cho nên sẽ khó hơn trong giai đoạn bình thường để nói về vấn đề này". Khi được hỏi về tầm quan trọng của trường học đối với sự nghiệp của mình, ông Paulson chia sẻ: “Trường học không chỉ cho chúng ta kiến thức mà quan trọng hơn, chúng ta phải vận dụng sáng tạo để sử dụng hiệu quả những kiến thức đó trong tương lai.” Ông Paulson cũng nhấn mạnh rằng các bạn SV cần học cách thể hiện ý kiến bản thân bằng lời nói cũng như bằng câu chữ trên văn bản. Đó cũng là một yếu tố nên học trong nhà trường. Nhưng sự học không thể kết thúc ở đại học, mà kể cả khi đi làm, các bạn trẻ vẫn phải có thái độ tích cực, tiếp tục học tập và tích lũy kiến thức. Chia sẻ kinh nghiệm bản thân khi làm “ông chủ” của một tập đòan lớn, ông Paulson nhấn mạnh: “Khi bạn mới đi làm, cần tạo dựng một văn hóa làm việc theo nhóm. Đến khi đã là “ông chủ” thì cần tạo dựng một đội ngũ trợ lý đắc lực giúp đỡ. Người điều hành phải biết tìm đúng người và giao đúng việc.” Giải thích cho quyết định từ bỏ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Goldman Sachs với tổng thu nhập 35 triệu USD năm 2005 để làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ với mức lương 200.000 USD/năm, ông Henry Paulson nói: “Đã đến lúc tôi phải cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc của mình. Tôi hy vọng có thể mang những kinh nghiệm tài chính trong thời gian hoạt động ở phố Wall để giúp đỡ Chính phủ và nhân dân.” Đó cũng là lời nhắn nhủ chân tình của ông với các bạn trẻ VN về sự cống hiến công sức và tài năng cho Tổ quốc. Đúng 15h30, buổi trò chuyện kết thúc trong tiếng vỗ tay cảm ơn đầy tiếc nuối của các SV tham dự. Còn rất nhiều thắc mắc muốn chia sẻ nhưng thời gian có hạn nên nhiều cánh tay giơ lên, hạ xuống vài lần mà vẫn chưa đến lượt. Hoàng Thị Quý (Lớp Quản lý kinh tế 45B) tâm sự: “Em muốn hỏi Bộ trưởng một câu về chính sách thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân vì đây là vấn đề rất nóng hiện nay nhưng không được gọi. Tuy nhiên, em cũng rất thích các câu trả lời của Bộ trưởng, rất thẳng thắn và đi đúng trọng tâm. Phong cách thân thiện của ngài đã để lại ấn tượng về một chính trị gia nổi tiếng nhưng lại rất gần gũi với SV.” Lan Hương (theo VietNamNet) |