Bài ca Trường Sơn  
 

(Post 28/07/2006) Kỹ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27 tháng 7 năm nay, website Aptech Vietnam xin trích đăng Nhật ký về nguồn – Nguyễn Quang Anh – Giám đốc trung tâm tài chính ngân hàng, công ty giải pháp phần mềm FPT

Tháng 9/1999

Chúng tôi chuẩn bị một chuyến đi mang tên gọi “Về nguồn”. Trong tờ chương trình mà anh Nam gửi có nhắc đến những địa danh như Sông Mã, Cầu Hàm Rồng, Sông Nhật Lệ, Cầu Hiền Lương, Nghĩa Trang Trường Sơn, những địa điểm chúng tôi đã nghe nhiều, hát nhiều, đọc nhiều nhưng tất cả chỉ là nghe, hát và đọc. Sự thật chiến tranh bình dị hơn nhiều, tang thương hơn rất nhiều và vĩ đại hơn quá nhiều. Bây giờ chúng tôi mới thấy thấm thía cái giá của sự tự do, cái đau của sự mất mát và cuộc sống hôm nay với những bon chen, đòi hỏi sao mà tầm thường thế. Chúng tôi đã đi ngược con đường xưa, đi ngược thời gian hai mươi năm về trước để nhìn, nghe, ngửi thấy, để chạm vào chiến tranh và có lẽ sau chuyến đi này chúng tôi thêm hiểu mình.
...

Xe đi đến Hà Tĩnh chúng tôi hát bài chào em cô gái Lam Hồng, giọng phó tiến sĩ, ca sĩ Khắc Thành vút cao: "Hồng Lĩnh ơi... Đỉnh cao mây vờn, đã cùng em từ những đêm thức trọn, nối tiếp những mạch đường quê nhà, đường rộn ràng những chuyến xe qua, tình nghĩa quê em sáng tỏ như ánh trăng đêm rằm, tiền phương... tay lái mang tình em đảm đang". Nơi đất bắt đầu của con đường Trường Sơn lịch sử, giữa bom gào đạn rung những cô gái thanh niên xung phong vẫn sống cùng con đường, những bóng người nhỏ bé vẫn ào lên sau mỗi đợt bom để lấp đầy những hố bom, dẫn đường cho đoàn xe an toàn vượt tuyến. Và cũng chính nơi đây đã chứng kiến một sự hy sinh làm quặn thắt trái tim những người đang sống, mười cô gái Đồng Lộc. Chúng tôi rẽ vào ngã ba Đồng Lộc, con đường vào ngã ba vắng vẻ đìu hiu, hai bên đường những cây con bắt đầu mọc lên trên những quả đồi còn chi chít hố bom, vết thương chiến tranh vẫn chưa lành miệng. Khu tưởng niệm Ng• ba Đồng Lộc rộng mênh mông xung quanh là những đồi thông xanh bao bọc một vùng thung lũng, nơi đặt tượng đài tổ quốc ghi công và một hồ nước xanh vắt tạo nên một khung cảnh thanh bình và hoang sơ. Khó mà tưởng tượng được chính nơi này đất đã cày lên sau mỗi loạt đạn bom và ở nơi đây đã tấp nập tiếng hát, tiếng hò của những cô gái thanh niên xung phong Lam Hồng. Từng đoàn xe bộ đội đã đi qua, mặt đất đã thắm máu bao người ngã xuống. Dưới chân đồi là một khu nhỏ được xây tường thấp xung quanh, có một cổng vào bên trên là một dàn hoa giấy tươi thắm. Phía ngoài có một hố trũng xuống, đó chính là hố bom nơi mười cô gái của tiểu đội thanh niên xung phong Đồng Lộc đã ngã xuống. Chúng tôi thắp nén nhang, làn khói mỏng nhè nhẹ bay và có cái gì cay cay trong mắt. Nhỏ bé quá các chị, cả khu mộ này cũng vậy, mười người xếp thành hai hàng như ngày xưa đã từng xếp hàng điểm danh, những Tần, Cúc, Nhỏ... những cô gái mười bảy, mười tám, hai mươi nằm lại mãi nơi này. Nơi các chị ngã xuống cỏ đã lên xanh, ngoài kia xóm làng đã thanh bình, đồng lúa chín rung rinh trong gió và chúng tôi, những người cũng còn rất trẻ, đứng lặng nơi này trước các chị và cảm thấy mình sao mà bé nhỏ. Đồi thông xanh ru mãi các chị giấc yên bình, tạm biệt nhé tiểu đội thanh niên xung phong, mười cô gái Đồng Lộc. Không khí như chùng xuống trên con đường chúng tôi đi. Chúng tôi bắt đầu đã chạm vào những dấu tích của cuộc chiến tranh, đã bắt đầu cảm nhận rõ hơn cái vĩ đại của một dân tộc nhỏ bé.
...

Hôm sau mặc dù vẫn còn đói ngủ, nhưng chúng tôi vẫn phải dậy đúng 7h để tiếp tục lên đường. Chương trình hôm đó gồm: thăm thành cổ Quảng Trị, đi dọc đường chín Nam Lào thăm nghĩa trang Trường Sơn, tắm biển, ăn trưa tại cửa Tùng, thăm địa đạo Vĩnh Mốc và đi ngược ra thị xã Đồng Hới thăm nhà mẹ Suốt. Ai cũng dự định cho mình một giấc ngủ trên xe, nhưng những gì chúng tôi chứng kiến ngày hôm ấy khiến mọi người lại phải tiếp tục thức, thức để suy nghĩ, thức để chia sẻ bớt những cảm xúc trong lòng.
...

Thành cổ Quảng Trị giờ không còn chút dấu tích xưa, bom đạn đã cầy nát vùng đất rộng chừng 8 ha. Vốn xưa đây là nơi làm việc và sinh sống của quan lại ở Quảng Trị thời phong kiến, sau này trở thành toà hành chánh của nguỵ quyền. Bộ đội ta đã mở chiến dịch đánh chiếm Quảng Trị trong vòng mười bốn ngày và ta đã giải phóng được Quảng Trị, chiếm được thành cổ. Tuy nhiên đây là tiền tiêu quan trọng mất Quảng Trị đồng nghĩa với việc mất Huế và mất luôn cả những tỉnh khác nữa, địch đã điên cuồng chiếm lại Quảng Trị. Mỹ đã điều đến đây một phần ba cơ số máy bay của mình ở Đông Nam á, hàng ngàn tấn bom đã đổ xuống, khối lượng bom gấp khoảng bảy lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima. Bộ đội ta đã quyết giữ Quảng Trị để tăng sức mạnh cho tiếng nói của đoàn đàm phán tại Paris. 81 ngày đêm giữ thành, không kể hết những người ngã xuống, mỗi tấc đất ở đây được đổi bằng máu của chiến sĩ ta. Tám bảy ngày đêm chống chọi với kẻ địch mạnh gấp nhiều lần, phơi mình giữa bom đạn vẫn ngoan cường bám trụ chiến công Quảng Trị xứng đáng là một thiên anh hùng ca vĩ đại của chiến thắng. Chỉ có điều mất mát cũng lớn lao quá, con số không chính thức do những người cựu chiến binh về đây thăm lại chiến trường kể lại mỗi ngày chúng ta mất khoảng một đại đội (một trăm người). Tại thành cổ nhân dân cả nước cùng Quảng Trị đang xây lại bốn cổng thành, và biến nơi đây thành một khu tưởng niệm. ở giữa có đài tưởng niệm được xây theo triết lý nho giáo xưa kia, tượng đài tượng trưng cho sự biến đổi khôn lường của vũ trụ và sự hoà hợp của âm dương, tượng đài hình cây nến vươn thẳng lên trời như một cầu nối để những linh hồn của các anh theo đó mà siêu thoát. Xe đưa chúng tôi trở ra, hai bên đường làng mạc vẫn còn tiêu điều, những cây non bắt đầu nhú lên trên mảnh đất khô cằn lởm chởm những hố bom.

Chúng tôi đến nghĩa trang Trường Sơn vào khoảng 12 giờ trưa, trên đường đi các máy ảnh đã tranh thủ nạp đầy phim. Trên xe chúng tôi hát Bài Ca Trường Sơn, bài ca đã gắn bó với các chiến sĩ Trường Sơn xưa trên đường ra trận:

"...Ôi có những vì sao thức cùng ta đêm nay
Như mắt em ánh lên bao niềm tin
Ta nhớ má Năm Căn ta thương em Cửa Việt
Mười bốn năm rồi giấc ngủ chưa tròn
Cả miền Nam đang giục chúng ta đi..."

Nghĩa Trang Trường Sơn nằm trong một quần thể thiên nhiên rộng lớn tuyệt đẹp. Những ngọn đồi tiếp nối nhau đứng nghiêm trang lặng lẽ, một hồ nước xanh trong như được tạo nên bởi nước mắt những người mẹ, người vợ tiễn chồng con đi, đi mãi không về. Các anh, các chị ở xưa nằm lẻ loi ở những cánh rừng, chân núi, cửa biển nay về đây quây quần bên nhau. Trên những ngọn đồi kia họ được xếp theo tỉnh thành, nhìn rõ lắm Hà Nội, cạnh Hà Tây, Huế, Thành Phố Hồ Chí Minh... như thấy hiện lên hình đất nước. Chúng tôi làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sơn trước đài tưởng niệm. Trong tiếng nhạc Hồn Tử Sĩ thiêng liêng, thắp nén nhang thơm nhẹ giữa trưa hè vắng lặng, trong một vùng trời mây mênh mông Trường Sơn nghe có gì nghèn nghẹn trong lòng. Chúng tôi chia nhau đi thăm và thắp nhang cho các anh các chị. Những người con gái, con trai của mọi miền tổ quốc, trẻ lắm nhiều người mười bảy mười tám, đa số đang tuổi hai mươi, lứa tuổi đẹp nhất của đời mỗi con người. Những binh nhất, binh nhì tạm biệt mẹ mới được một năm rồi ra đi m•i, những trung sĩ, thượng sĩ mới vào chiến trường được vài ba năm. Trên con đường Trường Sơn các anh đi, có biết bao người không về đến đích, đất quê mình giờ đẹp lắm các anh ơi. Bỗng có tiếng Minh gọi hối hả phía xa, chúng tôi chạy lại thấy cậu đang đứng lặng trước khu mộ các liệt sĩ tỉnh Hà Tây, khu mộ rộng nhất ở đây, những hàng bia trắng đều tăm tắp trải dài xa khuất tầm mắt, đoàn quân xưa đứng đều trong hàng ngũ, thác xuống rồi vẫn thẳng đội, thẳng hàng. Có nhiều ngôi mộ không tên, bia mộ trắng như một nét vẽ vô tình của lịch sử, vẫn biết với tổ quốc anh là liệt sĩ, nhưng vẫn cầu cho một ngày nào đó các anh nhận lại được họ được tên, để gia đình, bà con xóm giềng biết đường thăm viếng, để những người sống như chúng tôi được thanh thản hơn khi đứng trước các anh. Anh Nam thay mặt đoàn viết vài dòng tưởng niệm vào sổ, chị Khanh tra sổ nghĩa trang chép tên một số liệt sĩ nhà ở cùng phố với chị, chị nói biết đâu trong số các anh có những người gia đình chưa nhận được tin tức. Anh Trung nảy ra sáng kiến nên làm trang WEB tra cứu danh sách liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi đang liên hệ xin file danh sách ở Bộ Lao Động Thương Bình Xã Hội, hy vọng một ngày những cán bộ FPT sẽ làm được nghĩa cử đẹp đó. Chị Liên mua mười ba băng catset Bài Ca Trường Sơn do đoàn văn công Quảng Trị biểu diễn, chúng tôi đã hát theo say sưa những bài như: Đêm Trường Sơn Nhớ Bác, Đường ta dài theo đất nước, Trường sơn đông trường sơn tây, Bài ca Trường Sơn, Cô gái mở đường... hát như để quên đi không khí tang thương, hát để nhớ về các anh, nhớ về một nghĩa trang in hình đất nước. Có một câu chuyện mà chúng tôi cứ bàn tán mãi, đó là việc những người bảo vệ tại nghĩa trang Trường Sơn kể chuyện các anh bộ đội vẫn về. Họ kể rằng trước kia hồi mới xây các anh về thường xuyên lắm, có những buổi sáng nghe rõ tiếng hô tập thể dục trên đồi, tiếng chân rầm rập bước. Nhất là các đêm mưa, các anh thường về lúc thì nghe tiếng đàn ghi ta, có hôm nghe tiếng chặt cây tưởng có người trộm gỗ, đội bảo vệ xách súng lên đồi chạy về phía phát ra tiếng động thì không thấy gì mà lại nghe sau lưng có tiếng chặt cây, chạy lại thì tiếng chặt cây thì nó lại phát ra từ hướng cũ, họ bảo nhau chắc là các anh trêu và xuống đi ngủ. Những mùa có giải bóng đá lớn như EURO, WORLDCUP bảo vệ ở đây thường nhậu chờ xem bóng đá rồi ngủ quên mất, đến đúng giờ bóng lăn, họ chợt bừng tỉnh vì nghe tiếng đập ngoài cửa sổ, tiếng đập ngày một gấp gáp hơn, họ hiểu rằng các anh gọi dậy xem bóng đá, họ bật tivi lên và mở cửa sổ nhìn rõ những bóng người đứng lố nhố bên ngoài, họ xem đá bóng cùng các anh. Có nhiều cách hiểu hiện tượng này, người thì bảo đa phần các chiến sĩ ở đây chết trẻ nên rất thiêng, người thì bảo đó chỉ là ảo giác. Riêng tôi cứ nghĩ những người bảo vệ ở nghĩa trang Trường Sơn này cũng đều là cựu chiến binh xưa, ngày qua ngày họ chăm sóc từng ngôi mộ, cỏ cây và lại nhớ về một thời vào sinh ra tử. Nhìn những ngôi mộ đồng đội mình nằm đây, những số hiệu binh đoàn, tiểu đoàn mà đối với họ quá đỗi quen thuộc, chắc hẳn ký ức xưa không thể nào phai. Được bữa cơm ngon, được xem đá bóng họ lại nhớ những người đang nằm lạnh lẽo ngoài kia. Nghĩ nhiều, nên đôi lúc họ thấy dường như đang sống giữa đồng đội để nghe tiếng đàn ghi ta, nghe tiếng nói tiếng cười quen thuộc và dường như nhìn thấy những đoàn quân bước qua cửa sổ.
...

Xe đưa chúng tôi ngược trở về, qua cầu Hiền Lương cả đoàn xuống đi bộ qua cầu, đi trên con cầu nhỏ chúng tôi hát Câu Hò Trên Bến Hiền Lương, Hò ơi, ơi hò, người xưa gửi câu hò vượt qua ngăn cách, giờ chúng tôi hò để nhớ về ngày xưa, nhớ về Trường Sơn một thời máu và hoa, về một chuyến đi để tìm lại chính mình.

"Trường Sơn Đông nắng Tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình"

Tố Hữu


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Những người trẻ ...bị lập trình!Những quy định của hiệp định công nghệ thông tin ITA khi gia nhập WTO
Thử phân tích công việc của tân Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạoTrước ngưỡng cửa WTO, ngành công nghệ thông tin Việt Nam gặp nhiều cơ hội lẫn thách thức
Muốn làm giàu phải... “khùng” một chút!“Bill Gates” của Trung Quốc
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11