(Post 09/08/2006) Một nhà giáo, một người làm
quản lý giáo dục hơn 30 năm đã về hưu gửi bức thư tâm huyết đến Bộ trưởng
Bộ GD-ĐT qua VietNamNet. Có trên dưới một chục bức thư gửi gắm sự đồng
cảm và âu lo cho Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong cuộc chiến "nói
không với tiêu cực" sau bài viết của VietNamNet.
Bao giờ
học sinh mới không còn là nạn nhân của các chương trình giáo dục
thí điểm? |
|
"Nói không với tiêu cực"?
Tôi thấy ông đã dũng cảm ngồi vào chiếc ghế “cực nóng”
này. Vì tôi đã biết tính cách của ông trong việc điều hành công việc ở
UBND thành phố Hồ Chí Minh. Ông đang phải trả lời rất nhiều câu hỏi rất
thực tế, rất cụ thể, rất đau lòng mà bất cứ ông Bộ trưởng nào cũng không
muốn trả lời vì còn đâu giành thì giờ cho nghiên cứu những vấn đề vĩ mô.
Nào việc tiêu cực tràn lan trong thi cử, nào chất lượng “kinh hoàng” khi
thi vào các trường đại học, nào thày giáo gạ tình học trò, nào ông trưởng
phòng giáo dục mua dâm vị thanh niên…
Việc “Nói không với tiêu cực” xuất phát từ bức thư ngỏ
của một người dân gửi ông ngay khi ông vừa ngồi chưa yên chỗ trên chiếc
ghế bộ trưởng và ngay lập tức ông đã có phản ứng tức thì. Theo tôi, phản
ứng này khá vội vã bởi ông đã quá bức xúc với vấn đề đặt ra. Vội vã bởi
ông đã đưa ra một ý kiến gây ra sự tranh cãi khi cho rằng người dân là
đồng tác giả của chuyện tiêu cực và chạy theo thành tích.
Nếu chỉ nhìn hiện tượng thì đúng là như vậy, nhưng nếu
theo dõi ngành giáo dục nhiều năm thì sẽ thấy, người dân chính là nạn
nhân của những chủ trương chính sách sai lầm của ngành giáo dục. Họ chỉ
là “đồng tác giả“ một cách bất đắc dĩ, một cách bất khả kháng. Mặt khác,
ông khẳng định 10 năm nữa giáo dục sẽ thay đổi, tôi sợ rằng có ông chủ
quan và vội vã?.
Việc phát động “Nói không với tiêu cực trong
thi cử” mới chỉ giải quyết phần ngọn. Cái gốc của vấn đề vẫn chưa được
đụng đến. Cách đây hơn 10 năm, khi ông Phạm Minh Hạc ngồi vào
chiếc ghế Bộ trưởng, ông cũng đã có chủ trương như thế. Năm đó, rất nhiều
địa phương đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và vùng các dân
tộc thiểu số khu trú - vùng trũng của ngành giáo dục - có tỉ lệ thi tốt
nghiệp phổ thông trung học chỉ 20-30%. Số còn lại sẽ đi đâu, làm gì? Không
có lời giải. Vậy là năm sau, tỉ lệ thi đỗ lại lên 80, 90 thậm chí nhiều
nơi 100%. Và người ta (Đảng bộ, chính quyền địa phương và cả Bộ Giáo dục,
thầy cô giáo và phụ huynh học sinh) chấp nhận sống chung với tiêu cực,
coi nó là chuyện bình thường mà không hề xấu hổ.
Sau sự việc một thầy giáo ở Hà Tây dũng cảm tố cáo tiêu
cực trong thi cử, tôi có gặp một người dân ở Vân Tảo nơi anh giáo này
cư ngụ. Họ nói: “Ông Khoa này dở hơi. Con cái chúng tôi có cái bằng tốt
nghiệp rồi cũng chỉ đi cầy thuê cuốc mướn chứ làm vương làm tướng gì ở
cái xứ nghèo mỗi người dân chưa đủ 3 sào ruộng này”.
Hãy suy nghĩ nghiêm túc về ý kiến này. Nếu sang năm,
trong một triệu thí sinh thi tốt nghiệp chỉ có 300.000 em đỗ còn 700.000
em trượt, chúng sẽ đi đâu, sẽ hành xử thế nào, nhất là ở các đô thị lớn?
Bài học đối với thanh niên Pháp và cách đối phó của ông Bộ trưởng Giáo
dục Pháp đáng để chúng ta suy ngẫm. Vấn đề đã vượt khỏi tầm tay của ngành
giáo dục trong khi xã hội chưa có sự chuẩn bị kịp thời.
Vậy nên cần có lộ trình. Nói thế thì hơi khuôn sáo nhưng
rõ ràng không thể nóng vội. Rồi ông sẽ thấy, ông không thể có thời gian
gặp ông Khoa chống tiêu cực, không thể về Hà Nam giải quyết việc ông Phó
chủ nhiệm khoa gạ tình, đi dự giờ không báo trước ở Hà Nội… Nhân đây,
tôi cũng nói ngay ông cứ đi dự giờ, ông công bố trên báo chí như vậy là
ông đã báo trước để toàn ngành giáo dục Hà Nội và toàn quốc chuẩn bị giáo
án đối phó rồi đó.
Bây giờ, tôi muốn nói với ông về cái gốc của giáo dục
hiện nay. Ngành giáo dục có Viện chiến lược chuyên nghiên cứu hết chuyên
đề này đến chuyên đề khác, có Viện Khoa học Giáo dục toàn các vị mũ cao
áo dài, trên Chính phủ có Hội đồng quôc gia giáo dục do Thủ tướng đứng
đầu. Ai cũng tưởng đó là “Lấy giáo dục làm quốc sách hàng đầu” nhưng không
phải thế. Các cuộc họp của Ủy ban xuân thu nhị kỳ, nghe các báo cáo dài
lê thê mà không có phản biện và đi đến các kết luận các việc làm ngay.
Căn bệnh ”thí điểm” “vừa làm vừa run” đã trở thành mãn tính...
Điều tôi muốn nói giáo dục là thượng tầng kiến
trúc phải được xây dựng trên cơ sở hạ tầng là mức tăng trưởng của kinh
tế. Khi thu nhập bình quân đầu người chưa được 500USD/ năm mà
cứ nói đến phổ cập này nọ là phi thực tế, là duy ý chí.
Trước mắt, do đã phát triển giáo dục quá đà phát triển
kinh tế, chúng ta không thể ngay tắp lự đối phó bằng cách đánh trượt hàng
trăm hàng ngàn học sinh được mà cần có sự phân hóa. Đề thi tốt nghiệp
phổ thông phải ra ở mức độ dưới trung bình, phải có câu hỏi phân loại.
Kết quả tốt nghiệp không chỉ căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp mà còn kết
hợp với xếp loại văn hóa và hạnh kiểm cả 3 năm học phổ thông. Như vậy,
các em buộc phải học đều các môn. Chắc chắn các thày dạy chính trị, thể
dục, kỹ thuật… không dễ dàng cho các em điểm khá nếu các em không chịu
học tập tử tế các môn không thuộc loại văn hóa cơ bản. Như vậy, sẽ có
rất nhiều em đỗ tốt nghiệp ở mức trung bình. Số này sẽ không được dự thi
đại học, buộc các em phải thi vào các trường dạy nghề. Ông thử tính xem
xã hội sẽ đỡ tốn bao nhiêu khi chỉ có khoảng 50% số học sinh tốt nghiệp
phổ thông đủ điều kiện thi đại học và điểm thi đại học sẽ không ngao ngán
như hiện nay. Lúc đó các trường dạy nghề sẽ có giá và tôi đồ rằng ngành
giáo dục sẽ tiếc khi trao lĩnh vực này cho Bộ Lao động Thương binh Xã
hội khi Bộ Giáo dục còn “đèo” thêm hai chữ Đào tạo.
Thử xem những năm qua, ngành giáo dục đã phát triển ồ
ạt về số lượng như thế nào sẽ giải thích được ngay sự không tương thích
của chất lượng giáo dục. Một huyện thuần nông như huyện Thanh Oai, tỉnh
Hà Tây mà có tới 4 trường cấp 3 thì thật lạ. Ông Giám đốc Sở Giáo dục
Hà Tây (đã về hưu gần 10 năm nay) tự hào báo cáo trước Bộ GD-ĐT rằng Hà
Tây sẽ “tú tài hóa toàn dân”, cái giá phải trả là quá lớn. Biết trước
chất lượng đại trà sẽ quá kém, Hà Tây cũng như nhiều tỉnh chủ trương phát
triển trường chuyên lớp chọn lấy mấy con gà nòi bồi dưỡng cho đi thi quốc
gia quốc tế lấy vài cái huy chương về để báo cáo thành tích, và để che
mắt các quan chức cấp cao về chất lượng quá yếu kém của toàn ngành.
Mới đây, tôi thấy ông Bộ trưởng đi dự Hội nghị vinh danh
các học sinh giỏi thời kỳ đổi mới. Tôi xin nói thẳng đây cũng là một kiểu
chạy theo thành tích. Có thể nói chỉ có Việt Nam và một vài nước coi trọng
và đề cao quá chuyện này. Các em học sinh giỏi như những con gà nòi được
bồi dưỡng từ cấp 1 đến cấp 2 rồi cấp 3 về toán để đi thi quốc tế hy vọng
mang về cho Tổ quốc những tấm huy chương, trong khi ở các nước người ta
đâu có tổ chức bồi dưỡng từ bé như vậy. Xuất phát điểm khác nhau, tư duy
khác nhau, họ chắc chắn không xem trọng việc có được giải hay không. Mà
nếu họ không tổ chức bồi dưỡng mà có huy chương vàng thì đó mới thật sự
là thần đồng. Còn ở ta, nếu chẳng may gặp “bài toán không mẫu mực” sẽ
“ăn đòn” ngay.
Chúng ta thử thống kê xem có bao nhiêu em học sinh giỏi
quốc tế sau này đi làm cho nhà nước hay các công ty trong nước. Những
em giỏi nhất đã không trở về. Nạn chảy máu chất xám là một tất yếu khách
quan. Đừng tự ru ngủ nhau rằng đi làm cho nước ngoài cũng tốt và rằng
dù gì thì gì trước sau chúng cũng trở về. Chưa kể các em bị nhồi nhét
kiến thức toán đến ngờ nghệch về kiến thức xã hội như những con “gà công
nghiệp”. Tôi biết có em đoạt giải nhì toán quốc tế tại Anh sau này bị
tâm thần vì toán, cuộc đời coi như bỏ đi. Những chuyện như thế sao không
tổng kết?
Theo dõi nhiều năm, tôi cảm thấy riêng thành phố Hồ Chí
Minh nơi ông công tác nhiều năm trên cương vị Phó chủ tịch thường trực
thì thấy thành phố này không quan tâm nhiều lắm đến việc cử gà nòi đi
thi quốc tế mà chú trọng đề cao các em thủ khoa thi đậu vào các trường
ĐH, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học thêm.
Tôi có đồng quan điểm này.
Theo tôi, chỉ cần phát hiện một số em có triển
vọng tập trung tại ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để bồi
dưỡng. Nên mạnh dạn giải tán các trường chuyên ở các tỉnh. Trong
mỗi lớp học, nên có đủ các đối tượng khá giỏi, trung bình và kém để thày
giáo phát huy hết khả năng sáng tạo của mình và cũng để chống sự phân
biệt giàu nghèo đang hình thành trong giáo dục hiện nay. Trong xã hội
có phân hóa giầu nghèo nhưng trong giáo dục phải có sự bình đẳng.
Ở đây, thấy rất rõ việc làm trái quy luật của ngành giáo
dục. Giáo dục phải được phát triển theo hình chóp chứ không thể phát triển
theo hình trụ, thậm chí có nơi thành hình chóp ngược. Cứ mở lớp, cứ lên
lớp 100%, cứ tốt nghiệp100%, cứ thu hút học sinh trái tuyến để ăn tiền,
để rồi đưa ra xã hội những phế phẩm mãi được chăng?
Tôi đã có bài viết trên báo Lao động cách đây đã 6 năm
về chuyện Trường chuyên lớp chọn, nguyên nhân đẻ ra các lớp dạy thêm học
thêm tràn lan gây bức xúc trong dư luận. Sau đó ít lâu, Bộ đã giải tán
các lớp chọn, trường chuyên ở cấp THCS nhưng lại cho phát triển trường
chuyên ở cấp THPT. Như thế là làm nửa vời và không có chế tài, không có
kiểm tra nên trường nào cũng tồn tại các lớp chọn, không chỉ một lớp chọn
A1 mà có tới chín mười lớp A… Mục đích để làm gì? Chỉ vào được lớp chọn
mới có khả năng đỗ ĐH, mà có nhiều học sinh đỗ ĐH thì trường mới nổi tiếng
mới có nhiều học sinh trái tuyến xin học và trường mới thu được nhiều
tiền để chi tiêu các khoản ngoài ngân sách nhà nước. Thế là người dân
đổ xô tìm thầy giỏi và đó chính là nguyên nhân của tệ học thêm dạy thêm
tràn lan cho con đi học thêm tràn lan để được vào trường chuyên lớp chọn.
Việc học thêm dạy thêm các môn Toán, Lý, Hóa đã làm phân
hóa sâu sắc trong các trường. Trong năm học, học sinh chỉ chú ý học các
môn gọi là quan trọng để đi thi còn các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân,
Kỹ thuật công nghiêp, Nông nghiệp… thì các em rất coi thường. Và cái kết
quả thi đại học với hàng ngàn bài thi bị điểm không về Lịch sử và Địa
lý là một tất yếu đã được báo trước. Sự phân hóa trong việc dạy và học
còn làm phân hóa đội ngũ giáo viên. Những người có học sinh học thêm thì
thu nhập cao vài chục triệu/tháng, những người dạy các môn mà học sinh
không học thêm thì sống rất đạm bạc bằng đồng lương nhà nước ba cọc ba
đồng. Họ trở thành tự ti chẳng hơi sức đâu mà cải tiến, mà sáng tạo. Khẩu
hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” “Tiên học lễ hậu học văn” trở thành
sáo rỗng, bị tiền tệ hóa mất rồi.
Vấn đề thứ hai tôi muốn trao đổi với ông là vấn
đề sách giáo khoa và tài liệu tham khảo. Đúng là loạn sách giáo
khoa và sách tham khảo. Sách giáo khoa năm nào cũng cải tiến, cũng sai
lầm và in lại. Một cuốn sách giáo khoa mới đi kèm rất nhiều sách tham
khảo. NXB Giáo dục và các Công ty Phát hành sách và thiết bị các địa phương
có thể báo cáo thành tích rằng năm nào cũng có đủ sách cho các trường
các học sinh kể cả vùng xa xôi khó khăn. Nhưng họ phải chịu trách nhiệm
về chất lượng quá yếu kém của nhiều cuốn sách mà công luận đã không ít
lần lên tiếng và họ đã móc túi của phụ huynh không biết cơ man nào mà
kể khi hủy bỏ tủ sách giáo khoa dùng chung và năm nào cũng phải mua sách
mới do họ độc quyền in ra.
Thưa ông, sách giáo khoa là tri thức ngàn đời của nhân
loại được đúc kết lại không thể năm nào cũng thay đổi. Ngày xưa chúng
ta toàn dịch sách của Liên Xô để dạy có vấn đề gì đâu. Bây giờ trăm hoa
đua nở nhà nhà làm sách thì sai be bét. Tôi đã chứng kiến một vị phụ huynh
đứng tần ngần hồi lâu trước một kệ sách phân vân không biết có nên mua
quyến sách Bài tập Địa lý lớp 5 hay không. Thật quá đáng, đến Địa lý lớp
5 cũng có sách bài tập, vậy mà thi ĐH môn Địa lý có cả ngàn bài bị điểm
0.
Nhà xuất bản giáo dục đã được cổ phần hóa. Tại sao không
đưa lên sàn chứng khoán để người dân được giao dịch mà chỉ làm nội bộ.
Phải chăng là biến một cơ quan độc quyền nhà nước thành một tổ chức tư
nhân ?
Việc thứ ba tôi muốn góp ý với ông Bộ trưởng
là việc hoạt động không có hiệu quả của các Ban Quản lý các dự án giáo
dục. ĐBQH tỉnh Kon-tum Nguyễn Đức Dũng nói đúng: “Ai cũng thích
làm dự án vì lương cao hàng ngàn USD, lại liên tục được đi tham quan nước
ngoài…”. Tôi đã để tâm tìm hiểu về vấn đề này thì thấy các Ban dự án thường
là nơi trú chân của con cha cháu ông trong ngành, chúng được cử đi nước
ngoài để về làm dự án trong khi không biết một tí gì về thực tế giáo dục
của Việt Nam. Lương lĩnh bằng đô, trụ sở thuê khang trang, xe ô tô xịn.
Còn kết quả ra sao ư? Dự án nâng cao chất lượng giáo viên tiểu học, trung
học… đã làm được gì đến mức mới đây ở Tp Hồ Chí Minh, người ta xin thôi
không được hưởng chế độ nâng cao này? Dự án phân ban làm đi làm lại tốn
không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc vẫn còn cãi nhau hoài trong
khi ở Pháp người ta làm cách nay cả trăm năm, dự án sách giáo khoa cũng
vậy. Tốn không biết bao nhiêu tiền mà năm nào cũng có chuyện.
Người ta so sánh các PMU cầu đường tuy có tham những
nhưng còn cho ra sản phẩm cụ thể là một cây cầu, một con đường, còn dự
án giáo dục thì sản phẩm rất trừu tượng không thể sờ thấy, không thể trông
thấy, không thể cân đong đo đếm, do đó thất thoát là khôn lường. Một quả
đấm cực mạnh nhưng lại đấm vào không khí. Vậy tốt nhất không nên vay vốn
ODA để làm dự án giáo dục mà nên dùng vốn ngân sách để còn có thể kiểm
tra kiểm toán được phần nào.
An Tuấn Dũng, Hà Nội
(theo VietNamNet) |