(Post 28/10/2006) "Không thể viện lý
do sợ chất lượng đào tạo kém mà chần chừ giao quyền tự chủ cho các trường;
Bộ chỉ nên kiểm tra, kiểm định chất lượng, hơn là làm hộ các trường những
thứ họ có thể làm được; Tự chủ là xu hướng bất khả kháng". Đó là
những ý kiến VnExpress vừa ghi nhận từ các chuyên gia giáo dục của các
ĐH xung quanh vẫn đề giao quyền tự chủ cho các trường.
GS Nguyễn Văn Chiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện
Khoa học Việt Nam: Bộ không nên coi mình là người quản lý thay
các ĐH, mà nên tập trung vào những vấn đề lớn của ngành để làm sao thoát
ra khỏi tình trạng yếu kém hiện nay. Bộ không thể có những cán bộ lãnh
đạo am hiểu tất cả vấn đề của các trường, nhất là những trường chuyên
sâu vào các ngành. Thí dụ, ở ngành địa chất của tôi, trên Bộ làm gì có
các cán bộ trình độ cao về địa chất mà có thể thẩm tra chương trình hay
là cách dạy ngành khoa học này.
Các trường giống như là các xí nghiệp kinh doanh đặc
biệt, sản xuất ra những hàng hóa đặc biệt là tâm hồn, trí tuệ con người.
Những trường nào sản xuất giỏi, có đủ uy tín trong xã hội thì đấy là thương
hiệu cũng như uy tín của các trường ấy. Làm sao Bộ có thể tạo được uy
tín cho các trường ĐH.
Bộ Giáo dục nên để các trường tự tuyển sinh theo đúng
yêu cầu đào tạo. Bộ chỉ kiểm tra chất lượng thi tuyển của các trường này,
chứ đừng nên làm thay công tác tuyển sinh ĐH cho các trường như những
năm vừa qua. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nên dành nhiều thời gian nghiên
cứu những vấn đề lớn của ngành, không nên sa vào những vấn đề sự vụ trước
mắt. .
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng
Hà Nội: Quy luật của sự phát triển bắt buộc sẽ phải tự chủ nhưng
trong quá trình thực hiện cũng có giai đoạn này, giai đoạn khác giống
như cổ phần hóa. Chủ trương thì đúng nhưng sự trì trệ của quá trình thực
hiện bao giờ cũng có.
Tuy nhiên, không thể viện lý do sợ chất lượng đào tạo
kém mà chần chừ giao quyền tự chủ cho các trường. Bộ cũng nên tin vào
cấp dưới, tạo điều kiện cho cấp dưới và giao tự chủ theo lộ trình càng
nhanh càng tốt.
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải
Phòng: Tôi biết, không thể nói muốn tự chủ là có thể tự chủ được
ngay, nhưng nếu được giao dần dần, có cơ chế thì chắc chắn là sẽ làm được.
Bộ nhiều lần nói rằng phải xem lại khả năng quản lý của các trường để
trên cơ sở ấy giao tự chủ. Tuy nhiên, nếu Bộ càng giao sớm và tạo điều
kiện cho các trường thì hiệu quả chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành
tích cũng sẽ cao hơn.
Thực ra, đối với các trường dân lập, tự chủ về mặt tài
chính rất rõ bởi trường nào cũng phải cân đối thu chi. Nhưng trong tuyển
sinh thì cả trường công lập lẫn dân lập đều không thể tự chủ. Các trường
dân lập bây giờ không thể chỉ nghĩ tới số lượng đầu vào mà còn phải nghĩ
tới chất lượng đào tạo, bởi đó là sự sống còn của trường. Nếu được tự
chủ về tuyển sinh thì các trường sẽ dần gỡ bớt những khó khăn. Tôi cho
rằng, phân bổ chỉ tiêu là điều không được tiến bộ.
Nếu đã được tự chủ đầu vào, các trường chắc chắn sẽ phải
thắt chặt đầu ra. Như ĐH Dân lập Hải Phòng, không bao giờ có chuyện tốt
nghiệp 100%. Có ngành tốt nghiệp chỉ 47%, hoặc cao hơn là 70%, bởi trường
phải giữ uy tín của mình.
Bộ chỉ nên kiểm tra với tư cách quản lý Nhà nước, kiểm
tra, kiểm định chất lượng, hơn là như bây giờ. Bộ đang vướng vào những
cái đôi khi không cần thiết lắm đó là làm hộ các trường những thứ trường
có thể làm được.Giờ là lúc Bộ nên dám quyết định, dám trao quyền tự chủ
cho các trường. Trong thời buổi cạnh tranh, chỉ có chọn chất lượng tốt
thì mới có thể tồn tại.
GS Hồ Ngọc Đại: Từ lâu tôi đã hoan nghênh
việc giao quyền tự chủ cho các ĐH, bởi đó hoàn toàn là việc hợp lý về
cả trình độ lẫn những mặt khác. Nói theo các ví von thì ĐH là người lớn
rồi, phải cho người ta tự chủ chứ.
Hiện nay, trên Bộ cũng có chủ trương mở rộng tự chủ.
Tôi cho là hiện mọi người đã nhận thức được, vấn đề còn lại chỉ là các
bước thực hiện ra sao thôi. Tự chủ là xu hướng bất khả kháng, có điều
là làm sớm hay muộn để thận trọng từng bước đi thôi. Nguyên tắc và lý
thuyết là dứt khoát phải đi đến con đường ấy.
Trước mắt, cần thí điểm tự chủ trong một số trường ĐH,
để rồi từ đó mình mới biết thực tế có đúng không. Bước nhảy quan trọng
nhất là từ không sang có, tức là trước không ai làm và giờ có một người
làm.
Tiến Dũng thực hiện
(theo VnExpress) |