Giới đầu tư: VN cần "chăm sóc" đặc biệt nguồn nhân lực  
 

(Post 02/12/2006) Không phải ngẫu nhiên khi câu hỏi của các nhà đầu tư tại Diễn đàn Thương mại và đầu tư VN hôm 16/11 đều tập trung vào nguồn nhân lực, một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của họ tại đây. Người tài không thiếu, song, các nhà đầu tư e ngại cách thức đào tạo hiện nay của Việt Nam.

Diễn đàn đầu tư APEC. Ảnh Trần Thuỷ

Khi giới thiệu cơ hội, tiềm năng của Việt Nam, từ trước đến nay chúng ta luôn tự hào về nguồn nhân lực rẻ, dồi dào và rất trẻ. Tuy nhiên, ưu thế này đang mất dần khi Trung Quốc, Ấn Độ... có số dân đông gấp nhiều lần Việt Nam. Chính vì vậy, sự hơn kém nhau ở trình độ, kỹ năng làm việc... của nguồn nhân lực mỗi nước sẽ là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc, xem xét trước khi bỏ vốn làm ăn.

Lỗi ở khâu đào tạo

Phần lớn các nhà đầu tư ca ngợi Việt Nam có nhiều người tài năng, năng động. Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Intel khu vực Đông Dương, nhận xét, lao động của Việt Nam rất tốt, rất ham học hỏi. Còn ông Chaker Chahrour, Tổng giám đốc Thương mại và bán hàng của Hãng sản xuất động cơ máy bay GE, đánh giá, dân số Việt Nam có nhiều nguồn lực có thể tận dụng. 7-8 năm kinh doanh tại Việt Nam, chưa bao giờ ông được chứng kiến một sự năng động, tập trung như vậy trong công việc của người Việt.

Nhưng vấn đề đặt ra lại nằm trong khâu đào tạo, cách thức đào tạo để có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu hiện tại. Có doanh nhân Mỹ còn nghi ngại, liệu có hy vọng thay đổi gì từ các trường đại học Việt Nam trong việc này? Sinh viên ra trường, DN lại phải tự đào tạo, hoặc đào tạo lại. Trong khi đó, những người đi du học lại thường ít trở lại Việt Nam, vậy Chính phủ có chính sách, biện pháp gì để mời gọi họ quay về? Trong khi ở các nước, có Việt kiều là những doanh nhân, những nhà khoa học đầu đàn.

Một doanh nhân đến từ tập đoàn Power Group của Trung Quốc, thì cho rằng, lao động Việt Nam rất trẻ và biết cách làm việc, song phải có người lãnh đạo và hướng dẫn.

Đấy là lo ngại về nguồn nhân lực nói chung, còn những người đào tạo ra để có thể quản lý kinh doanh được, thì càng hiếm.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Phạm Uyên Nguyên, Giám đốc điều hành VinaCapital, nói: "Tôi nghĩ đào tạo về quản lý kinh doanh ở Việt Nam phải thay đổi rất nhiều để gắn liền với thực tế. Đa số sinh viên tốt nghiệp đại học trong nước ra thì kém hẳn so với người Việt Nam ra nước ngoài học. Có thể trí thông minh thì như nhau, nhưng môi trường đào tạo, cách thức đào tạo của ta còn thiên về lý thuyết quá, thiếu cọ xát va chạm. Chúng ta đang có sự thiếu hụt lớn về nhân lực quản lý. Đây là khó khăn của hầu hết các nhà đầu tư khi vào Việt Nam".

Và ông Nguyên cho biết, để bù đắp sự thiếu hụt này, lãnh đạo nơi ông buộc phải dùng một số người nước ngoài, dù họ không biết tiếng Việt, không quen nền văn hóa Việt. Nhiều DN còn phải dùng người "thường thường bậc trung" rồi sau đó đào tạo lên. Tình trạng này đúng là "giật gấu vá vai". Hay trong nhiều trường hợp, có công ty đành lấy tiêu chí trung thực để tuyển chọn, mặc dù người đó thiếu tài, thiếu kỹ năng quản lý, chưa biết cách quán xuyến... rồi sau đó bồi đắp từ từ.

"Thực ra, quá trình này làm chậm sự tăng trưởng mà chúng ta phải chấp nhận", ông Nguyên nói.

DN "xắn tay áo" cùng đào tạo

Trước những nhận xét của nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc thừa nhận, đúng là hiện nay đào tạo của Việt Nam đang "có nhiều vấn đề", đặc biệt là trong đào tạo đại học. Ông mong muốn thấy sự cố gắng từ 2 phía: bên đào tạo và phía sử dụng.

"Ngoài việc hợp tác với các trường trong việc đào tạo, chúng tôi chào đón các nhà đầu tư vào Việt Nam xây dựng trường đại học, đặc biệt là đại học công nghệ cao, như trường RMIT của Australia ở Việt Nam chẳng hạn. Từ đó, giúp chúng tôi xây dựng các trường đại học chuẩn theo mô hình quốc tế", ông Phúc kêu gọi.

Tất nhiên, theo ông Phạm Uyên Nguyên, vấn đề không phải là đặt tên đẳng cấp quốc tế hay trường quốc tế là có ngay trường chuẩn. Vấn đề đào tạo là công việc lâu dài. Singapore từ những năm 60 đã cử người đi học, để 10 năm sau có người về đào tạo. Có lẽ, chúng ta làm điều này vừa chậm, vừa thiếu một chiến lược nhất quán. Một trong những yếu tố để trường đó đạt đẳng cấp quốc tế là đội ngũ giáo viên, cần có kế hoạch rõ ràng trong việc này. Đồng thời, cũng phải quyêt tâm làm thì 50 năm sau chúng ta mới có được lực lượng như thế, đủ số lượng và trình độ để đáp ứng nhu cầu đào tạo trong nước.

Trên thực tế, hiện các nhà đầu tư cũng rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Từ kinh nghiệm của mình, nhiều doanh nhân đã gợi mở hướng đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam. Ông Thân Trọng Phúc cho biết, Intel đã hợp tác với 20 trường đại học tại Mỹ, với 20 chương trình giảng dạy phù hợp để ra trường sinh viên có thể đầu quân cho tập đoàn này. Ông tiết lộ rằng Intel đã lựa chọn 5 trường đại học ở Việt Nam làm đối tác đào tạo.

"Chúng tôi đã giúp đưa các giảng viên, giáo sư Hoa Kỳ đến giảng dạy tại Việt Nam. Thông qua đó, có thể trao đổi chương trình giảng dạy, chuyển giao được nội dung, phương pháp giảng dạy và công nghệ, thiết bị giảng dạy".

Hay như hãng GE, cùng với công việc sản xuất, kinh doanh tại Ấn Độ, Trung Quốc, đã xây dựng các Trung tâm Nguồn lực quốc tế để phát triển nhân lực ở hai quốc gia này. Đến nay, GE đã đào tạo được hơn 1.000 kỹ sư, họ có thể tự vận hành được công việc. Như vậy, vô hình chung, ông Chaker Chahrour cho rằng, chính những DN như ông đã chuyển giao được công nghệ cho các nước bản địa. Ông cũng hy vọng GE sẽ xây dựng được trung tâm phát triển nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam.

Nói như ông Robert Davies - Trưởng đại diện Diễn đàn các nhà lãnh đạo kinh tế quốc tế ở London, thì những công ty lớn vào làm ăn ở Việt Nam bao giờ cũng có những giải pháp quan trọng về nhân sự. Thách thức đặt ra hiện nay chính là hệ thống giáo dục của Việt Nam. Nếu Việt Nam muốn phát triển, tăng trưởng bền vững, phải học hỏi càng nhanh càng tốt, đặc biệt trong việc đào tạo nhân lực. Việt Nam nên quan hệ với các trường đại học đẳng cấp cao.

Ngoài ra, Chính phủ cần luôn ưu tiên kêu gọi những người đã du học trở về nước. Việt Nam sẽ có thêm nguồn lực lớn nếu kéo được hàng nghìn người Việt ở nước ngoài trở về.

Hà Yên
(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Đổi mới giáo dục và người lãnh đạo: Phần 3: Những việc cần triển khaiĐổi mới giáo dục và người lãnh đạo: Phần 2: Xu hướng học tập và vai trò hiệu trưởng
Đổi mới giáo dục và người lãnh đạo: Phần 1: Thế giới thay đổi - Giáo dục thay đổiCuộc cách mạng giáo dục mới phải bắt đầu từ bậc Đại học - Cao đẳng
WTO - Giáo dục và sự thắng thuaTừng người thành công cho đất nước thành công
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11