(Post 22/11/2006) Loạt bài sau đây về giáo
dục trong thời đại mới được trích ra từ những quan điểm của nhiều chuyên
gia giáo dục nổi tiếng trên thế giới, có trong tài liệu huấn luyện của
chương trình PIL-Microsoft. Hấu hết các chuyên gia đều khẳng định rằng
xã hội đã thay đổi rất nhiều bởi tiến bộ công nghệ, thế mà giáo dục của
thế giới thì lại tụt hậu không đáp ứng được đòi hỏi mới. Vì vậy cần thiết
có sự thay đổi căn bản trong cách nghĩ và cách quan niệm của toàn thể
đội ngũ những người làm về giáo dục trên toàn thế giới. Trong bối cảnh
đó giáo dục Việt Nam còn có những đặc thù riêng cần được nhìn nhận rõ.
Người ta phải nhìn lại sự thay đổi của loài người, nhìn
lại bản chất việc học tập và sự phát triển của hệ thống giáo dục, để từ
đó thấy ra những việc cần thực hiện, những điều cần kíp phải tiến hành
ngay để cho giáo dục đáp ứng được với đòi hỏi của thời đại.
1. Thế giới thay đổi
Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi thường
xuyên, và tốc độ thay đổi ngày một tăng cao do những tiến bộ và tác động
của công nghệ đem lại. Lịch sử loài người cho thấy rõ sự tăng tốc thay
đổi này diễn ra như thế nào.
Con người bắt đầu tạo ra thay đổi từ việc biến đổi và
di chuyển vật chất. Vật chất được người này biến đổi, chế tạo và thông
qua buôn bán, di chuyển mà chuyển giao cho những người khác. Phương tiện
di chuyển vật chất đã tiến hoá nhanh chóng qua nhiều hình thái: từ dùng
sức người, dùng đôi chân đi bộ chuyển sang dùng sức con vật chuyên chở,
dùng tầu bè - dùng sức gió đẩy thuyền đi. Tốc độ di chuyển do vậy tăng
lên.
Việc thay đổi về cách biến đổi, sử dụng và chuyển tải
năng lượng là một nhân tố khác làm cho sự thay đổi trong xã hội con người
được tăng tốc lên. Từ năng lượng cơ bắp của con người hay con vật, nhiều
dạng năng lượng tự nhiên khác đã được khoa học khám phá ra và công nghệ
giúp khai thác sử dụng: than đá, hơi nước, gió, điện, nguyên tử... Thuyền
chạy bằng hơi nước và động cơ đốt trong ra đời đánh dấu kỉ nguyên máy
móc hoá, tự động hoá các phương tiện di chuyển.
Việc thay đổi về cách thức sử dụng và truyền bá thông
tin và tri thức làm cho xã hội con người còn biến chuyển nhanh hơn nữa.
Con người lan tỏa trên thế giới và làm xuất hiện của các nền văn minh
đầu tiên của nhân loại dựa trên thông tin và tri thức truyền khẩu, trao
đổi trực tiếp qua hoạt động cụ thể. Chữ viết ra đời góp phần vào việc
truyền bá tri thức và kinh nghiệm của từng cá nhân cho cả động đồng. Xã
hội hình thành cơ cấu chuyển phát tin tức cho các cá nhân qua việc gửi
thư. Hơn nữa, việc truyền và phổ biến tri thức và kinh nghiệm được thực
hiện qua chữ viết và qua hệ thống giáo dục. Do đó những thay đổi trong
xã hội đã xuất hiện với việc thay đổi cách thể hiện và truyền tải thông
tin.
Cách mạng công nghiệp cho phép sáng tạo của con người
kết hợp vật chất và năng lượng thành máy móc để chế tạo ra các sản phẩm
vật chất với số lượng lớn. Khoa học và công nghệ phát triển cho phép thực
hiện truyền điện tín đầu tiên qua khoảng cách xa từ đầu thế kỉ 19. Thế
kỉ 20 chứng kiến nhiều phát minh công nghệ cho phép chuyển tải nhiều dạng
thông tin trực tiếp tới từng người: radio ra đời truyền tiếng nói tới
cho mọi người, biểu diễn và truyền thông tin âm thanh. Truyền hình cho
phép các thông tin và hình ảnh được truyền trực tiếp tới từng cá nhân
trên phạm vi toàn thế giới.
Sự phát triển của công nghệ đã làm cho máy tính phát
triển và được phổ cập trong xã hội. Đi song hành với điều đó là việc hình
thành mạng liên lạc viễn thông toàn cầu, cho phép trao đổi thông tin qua
mạng máy tính. Cách mạng thông tin và tri thức đang diễn ra với tốc độ
nhanh đang đưa xã hội loài người vào thời kì phát triển mới. Khối lượng
và tốc độ trao đổi thông tin tăng lên nhanh chóng làm nền tảng để tích
lũy và chuyển giao kho trí tuệ của cả nhân loại cho từng người trên toàn
cầu. Điều này thúc đẩy nền kinh tế tri thức phát triển.
Các tiến bộ của xã hội đòi hỏi con người của thời đại
mới phải có các khả năng mới: học tập, giải quyết vấn đề, trao đổi, làm
việc theo tổ, làm công dân, làm lãnh đạo. Những khả năng mới này chưa
được hệ thống giáo dục cổ điển đề cập tới và học sinh chưa được trang
bị những tri thức và kĩ năng cần thiết để đáp ứng đòi hỏi mới. Xã hội
phải tiến hành đào tạo lại người lao động sau khi tiếp nhận các học sinh
đã hoàn thành việc học tập trong trường học. Tiến bộ xã hội đang gây sức
ép buộc hệ thống giáo dục phải có những thay đổi để có thể cung cấp những
con người phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại.
2. Học sinh thay đổi
Cơ hội học tập cho trẻ em đã tiến hoá qua các hình thái
xã hội. Trong hầu hết lịch sử nhân loại, cơ hội học tập không xảy ra trong
trường học. Trẻ em thời săn bắn hái lượm học bằng cách quan sát và bắt
chước người lớn. Trong thời xã hội nông nghiệp, trẻ em vẫn chưa tới trường
và vẫn học bằng quan sát và bắt chước người lớn. Xã hội thủ công nghiệp
và công nghiệp đặt ra những yêu cầu mới về con người có kĩ năng làm việc
phối hợp nhau.
Đòi hỏi của xã hội phát triển là mọi người mới đều cần
phải có một nghề nào đó để kiếm sống. Những người trẻ tuổi học nghề bằng
cách làm việc bên cạnh thầy trong nhiều năm. Việc đào tạo như vậy thực
chất là thông qua thực hành và áp dụng. Tri thức và kĩ năng của người
học thu được qua quan sát và tương tác với chuyên gia. Việc học tập chủ
yếu thông qua phạm sai lầm, người học quan sát chuyên gia làm và tự sửa
các sai lầm của mình.
Khi xã hội phức tạp lên, xuất hiện các hình thái trường
học. Tại Hy Lạp xuất hiện các trường của Platon, Aristotle..., mang tính
hàn lâm, dạy về các lí luận khoa học và triết học, chưa dành cho học sinh
nhỏ tuổi, không có bài tập và không có thi cử. Tại phương Đông các đạo
tràng được hình thành rất sớm để tạo môi trường phát triển tâm linh cho
một số người đi vào tìm hiểu ý nghĩa thực của cuộc sống, đa phần là người
lớn. Còn với đa số dân chúng ở phương Đông thì có các trường học xuất
hiện để dạy về văn học, lịch sử, thơ ca... Có hình thức các lớp học cho
trò nhỏ có thầy dạy ở từng địa phương và có tổ chức thi cử quốc gia để
tuyển chọn người vào bộ máy quan lại.
Học sinh trong thời đại hiện nay đang thay đổi khác hẳn
với các học sinh thời trước. Học sinh thời đại số thức, thời mạng, quen
làm nhiều việc một lúc, đồng thời nghe nhạc, nói điện thoại và dùng máy
tính. Họ mang tính chất tự học và tự tìm hiểu vấn đề nhiều hơn. Học và
chơi trò chơi trên máy tính thực tế trở thành một phần của việc giáo dục
con người.
Thế giới đang thay đổi và điều này được mọi người thừa
nhận. TS. Peter Vaill, giáo sư về quản lí, Đại học Antioch nhấn mạnh:
“Trong thế giới làm việc ngày nay, chúng ta phải giải quyết với việc tăng
vùn vụt những thay đổi”. Những thay đổi đó tạo ra các yêu cầu và cơ hội
học tập mới cho mọi người. TS John Dewey nói: "Việc đi học cần được
xem như bản thân cuộc sống". TS John Seely Brown bình luận: "Công
nghệ mới đã tác động lên sự ưa thích học tập của học sinh".
3. Tiến hóa của hệ thống giáo dục
Xã hội hiện đại đòi hỏi các công dân phải có những tri
thức tối thiểu để tham gia vào hoạt động kinh tế xã hội. Đó là các tri
thức tối thiểu về đọc, viết, làm tính đơn giản, quyền công dân và giá
trị đạo đức mà học sinh phải biết. Các trường công ra đời để đáp ứng cho
yêu cầu này trong việc dạy cho học sinh những yêu cầu tối thiếu của xã
hội.
Xã hội cần phải cung cấp các cơ hội học tập cho số đông
người mới lớn và do đó xã hội đã chấp nhận giáo dục là một thành tố quan
trọng cần được chính phủ chăm nom phát triển. Tuy nhiên nhấn mạnh chủ
yếu của xã hội là áp đặt một số hiểu biết và tri thức nhất định lên học
sinh. Hệ thống giáo dục lấy thầy là người đại diện cho việc cung cấp tri
thức, học sinh là người chấp nhận thụ động khối lượng tri thức do thầy
chuyển giao. Các trường công đã xuất hiện cùng với việc nhà nước đầu tư
cho hệ thống giáo dục và phát triển trường học xem như hạ tầng cơ sở cần
thiết của xã hội.
3.1 Hệ thống giáo dục phổ thông
Xã hội hình thành cơ chế giáo dục chuyên môn để dạy các
tri thức nghề nghiệp và tri thức giao tiếp xã hội, các chuẩn mực đạo đức.
Cơ chế nhà trường phổ thông xuất hiện dựa trên việc biến đổi mô hình trường
học cổ điển, hàn lâm của người lớn, trở thành nơi dạy học cho học sinh
nhỏ tuổi. Bởi vì không thể có nhiều thầy thực giỏi và có tầm cỡ cho nên
các trường phải sử dụng các thầy giáo đã được đào tạo chính qui và thống
nhất dùng giáo trình đã được những người có kinh nghiệm soạn ra. Các yếu
tố khoa học được đưa vào các giáo trình dạy học. Xu hướng dạy các tri
thức hàn lâm xuất phát từ sự phát triển của khoa học đã dần trở nên chiếm
ưu thế trong một thời gian dài, khi mà trình độ phát triển công nghệ của
xã hội còn thấp.
3.2 Thay đổi mục đích giáo dục
Mục đích giáo dục của thế kỉ hai mươi mốt là rất khác
với mục đích của các thời trước. Sự dịch chuyển này là quan trọng và được
cần lưu tâm khi xem xét tới những lời phàn nàn rằng trường học đang "kém
đi". Trong nhiều trường hợp các trường dường như vẫn vận hành như
cũ, nhưng thách thức và trông đợi của xã hội đã thay đổi triệt để.
Trong các xã hội phương Đông thời xưa, mục đích của giáo
dục là cung cấp các tri thức văn chương và nguyên lí đạo đức để đào tạo
người ra làm quan cai trị dân. Việc dạy học ban đầu nhằm vào việc dạy
viết chữ, đọc chữ, và về sau là học các văn bản thánh hiền, các pho sách
được coi như những kinh sách chính dạy làm người, dạy đối nhân xử thế.
Tri thức trong mối quan hệ xã hội và thái độ với con người được nhấn mạnh
hơn là tri thức về khoa học, về tự nhiên. Việc học nghề trong xã hội chủ
yếu được thực hiện qua truyền khẩu và qua thực hành, không đi sâu vào
lí thuyết.
Mục đích của trường học Châu Âu vào đầu thế kỉ 19 có
khác hơn, và có xu hướng đi theo sự phát triển của khoa học và công nghệ.
Việc dạy học tập trung vào cơ chế viết khi thầy giáo đọc chính tả, truyền
các thông điệp bằng lời thành dạng viết ra. Mãi đến giữa thế kỉ 19 việc
viết mới bắt đầu được dạy ở mức độ phổ cập ở hầu hết các nước Châu Âu,
và học sinh bắt đầu được yêu cầu soạn bài văn của mình. Cho dù vậy thì
việc dạy viết chủ yếu vẫn nhằm vào việc cho trẻ em khả năng bắt chước
sát với dạng văn bản rất đơn giản. Mãi cho tới những năm 1930 mới nổi
lên ý tưởng về việc học sinh phổ thông cơ sở cần phải biết tự diễn đạt
suy nghĩ của mình qua việc viết. Gần đây nhiều trường coi việc phân tích
và diễn giải điều học sinh đã được đọc là yêu cầu chính. Về tổng thể,
định nghĩa về học vấn chức năng đã thay đổi từ khả năng kí tên sang đọc
thông tin.
Vào đầu thế kỉ 19, thách thức của việc cung cấp giáo
dục quảng đại đã được nhiều người coi như tương tự với sản xuất hàng loạt
trong các nhà máy. Những người quản trị trường học đều hăm hở dùng cách
tổ chức "khoa học" của nhà máy để cấu trúc lớp học hiệu quả.
Trẻ em được coi như vật liệu thô cần được các công nhân kĩ thuật (thầy
giáo) xử lí hiệu quả để đạt tới sản phẩm cuối cùng. Cách tiếp cận này
định phân loại vật liệu thô (trẻ em) sao cho chúng có thể được xử lí bằng
cách nào đó như trong dây chuyền lắp ráp. Giáo viên được coi như công
nhân có việc làm là thực hiện các chỉ thị từ cấp trên của họ - những chuyên
gia lão luyện về trường học (các nhà quản trị và nhà nghiên cứu).
Việc mô phỏng tính hiệu quả nhà máy đã thúc đẩy thêm
sự phát triển các phép kiểm tra được chuẩn hoá để đo "sản phẩm,"
công trình lao động bàn giấy của các giáo viên, để lưu giữ các bản ghi
lại về chi phí và tiến bộ (thường là chi phí cho việc dạy), và về "việc
quản lí" của các cấp lãnh đạo quận, sở, những người có rất ít tri
thức về thực hành giáo dục hay triết lí. Nói tóm lại, mô hình xưởng máy
đã ảnh hưởng tới thiết kế chương trình, bài giảng và cách đánh giá trong
trường học. Và ảnh hưởng đó còn kéo dài tới tận ngày nay.
3.3 Yêu cầu đối với giáo dục hiện đại
Giáo dục hiện đại đang đứng trước yêu cầu và thách thức
lớn lao của xã hội hiện đại. Mô hình trường học theo kiểu xưởng máy của
thế kỉ trước không còn phù hợp nữa. Việc học tập của học sinh không thể
là thụ động tiếp thu bài giảng của giáo viên mà phải là sự tham gia tích
cực vào các hoạt động tập thế, theo dự án, để có thể tham gia vào các
hoạt động sản xuất và xã hội sau này.
Ngày nay, học sinh cần nắm rõ trạng thái tri thức của
mình và phải xây dựng nó, cải tiến nó, và ra quyết định trong việc đối
diện với sự không chắc chắn của môi trường. Hai khái niệm về tri thức
đã được John Dewey (1916) chỉ ra là việc nắm vững văn hoá và sự tham dự
vào các quá trình hoạt động thực tế, như vẫn được diễn tả bởi từ "làm".
Xã hội quan niệm học sinh tốt nghiệp là người có thể nhận diện và giải
quyết vấn đề và có đóng góp cho xã hội trong cuộc đời họ - những người
thể hiện phẩm chất của "chuyên gia thích ứng". Việc đạt tới
tầm nhìn này đòi hỏi phải tư duy lại điều đã được dạy, cách các giáo viên
giảng dạy và cách đánh giá học sinh học thế nào.
4. Quan điểm giáo dục thay đổi
4.1 Quan điểm dạy học cổ điển
John Taylor Gatto nhận xét trong cuốn sách Lịch sử ngầm
của giáo dục Mỹ, "giáo dục phổ thông ban đầu làm trống rỗng học sinh".
Đó là việc tách rời học sinh ra khỏi công việc thường lệ của xã hội cho
tới khi học sinh đã học xong hệ thống tri thức do người lớn soạn thảo,
theo quan điểm hàn lâm. Học sinh được đánh giá về năng lực học tập theo
điểm số thầy giáo cho, vì vậy không thấy được tầm nhìn về hành vi tương
lai của mình, sự đóng góp của mình. Việc đánh giá bằng điểm số này được
thực hiện thường xuyên và công khai. Học sinh được hệ thống giáo dục và
gia đình theo dõi liên tục từ sáng sớm tới tối mịt, không có thời gian
và không gian riêng tư. Thời gian trong ngày của học sinh bị trút đầy
bởi các hoạt động do nhà trường và thầy giáo ấn định.
Quan điểm giáo dục cổ điển này thực tế đã tạo ra những học sinh thiếu
năng động và linh hoạt trong cuộc sống, thiếu nhiều kĩ năng rất cần thiết
trong cuộc sống hiện đại. Nhiều kĩ năng làm việc liên con người, cộng
tác trong các nhóm lao động thực tế rất cần cho xã hội vẫn chưa được đưa
vào huấn luyện cho học sinh. Nhiều kĩ năng truy tìm tri thức mới có trên
thế giới chưa được giới thiệu cho học sinh. Sự tách rời giữa những thành
tựu mới đang được sử dụng trong xã hội với những tri thức học sinh được
trang bị trong trường đã dẫn tới việc xã hội phải mất thêm thời gian đào
tạo lại người lao động trong các cơ sở sản xuất.
4.2 Mục tiêu của học và dạy hiện đại
Betty Stricker, giáo sư tại đại học Vanderbilt nêu ra
mục tiêu của học và dạy hiện đại: "Mục tiêu của học viên là trở thành
nhà chuyên môn có hiệu quả trong các công việc mà thực tế yêu cầu."
TS Peter Vaill, GS Đại học Antioch thì nhấn mạnh: "Mục tiêu quan
trọng của giáo dục là giúp học sinh trở thành chuyên gia thích ứng".
Chuyên gia thích ứng là gì? Khái niệm về chuyên gia thích
ứng cung cấp một mô hình quan trọng cho việc học thành công. Chuyên gia
thích ứng là người có khả năng tiếp cận tới những tình huống mới một cách
linh hoạt và học trong cả đời mình. Họ không chỉ dùng điều mình đã học,
họ mang khả năng siêu nhận thức, tức là tự nhận thức chính việc học tập
của mình, và thường xuyên xem xét mức độ chuyên gia của mình và cố gắng
vượt ra ngoài các mức độ đó. Họ không đơn giản cố gắng làm cùng một điều
một cách hiệu quả hơn; họ cố gắng làm mọi thứ tốt hơn.
Nghiên cứu từ khoa học học tập cho biết: việc tổ hợp
của tri thức, kĩ năng và thái độ là điều cần thiết cho sự thành công trong
thế kỉ 21. Tri thức chuyên gia thích ứng là việc biết cách giữ cân bằng
giữa tính hiệu quả công việc và tính canh tân, đổi mới công việc.
4.3 Học tập kiểu thích ứng
Tri thức được hệ thống hóa giúp ta hiểu và suy diễn,
do đó làm cho ta hiệu quả hơn. Tuy nhiên vấn đề chính là phải thích ứng
với tình huống mới chứ không chỉ áp dụng những điều đã được học. Việc
học tập không theo kiểu bắt chước ngu xuẩn, không đi theo cách thức làm
mọi việc đã quen thuộc trước đây mà đi theo cách làm phù hợp thực tế là
con đường đưa tới tri thức mới.
Học tập kiểu thích ứng chính là quá trình buông bỏ những
giả định cũ để giúp cho việc xác định không gian vấn đề mới. Nhưng việc
buông bỏ các ý tưởng, niềm tin và lệ thường mà chúng ta đã yêu mến và
dùng thời gian lâu thường là cực kì khó khăn. Đi theo những cái mới thường
đòi hỏi người ta phải buông bỏ kĩ năng và tri thức cũ đã thu được trước
đó để dấn thân vào những lĩnh vực mình còn chưa biết và khám phá ra những
tri thức mới.
4.4 Quan điểm dạy học: Dạy theo giáo án và dạy
sáng tạo
Quan điểm dạy học truyền thống xoay quanh vai trò chủ
đạo của giáo viên trong tổ chức học tập cho học sinh. Giáo án của giáo
viên chính là bản kế hoạch trung tâm cho các hoạt động dạy học diễn ra.
Giả định ban đầu là giáo viên cần soạn giáo án, lập kế hoạch giảng dạy
chi tiết và tiến hành giảng dạy theo giáo án. Với sự phổ cập giáo dục,
với nhiều giáo viên tham gia giảng dạy, điều e ngại chính là nếu không
có giáo án chi tiết nhiều giáo viên sẽ không dạy được hiệu quả. Và giáo
án cần được soạn tuân theo các chuẩn mực đã được những người có kinh nghiệm
giảng dạy thiết lập ra. Do đó dần dần dạy theo giáo án trở thành một yêu
cầu bắt buộc với các giáo viên.
Tuy nhiên những người phê bình “dạy theo giáo án” lo
ngại việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh bị suy giảm khi giáo
viên coi vai trò của mình chủ yếu là tuân thủ chặt chẽ giáo án. Bản chất
vấn đề dạy học không phải chỉ là hoàn thành những kế hoạch được vạch sẵn
mà không tính tới những biến đổi của môi trường và người học. TS Geneva
Gay, Đại học Washington quan niệm “Việc dạy hiệu quả là hành động sáng
tạo”. Điều này có nghĩa là bên cạnh tính hiệu quả của dạy học, vốn chỉ
là một phần, cần phải quan tâm và coi việc sáng tạo trong dạy học mới
đem lại hiệu quả chính.
Tại sao phải dạy có sáng tạo? Giáo viên phải thích ứng
sáng tạo theo nhu cầu của học sinh để có tính hiệu quả, tức là đào tạo
ra học sinh đáp ứng được cho nhu cầu xã hội. Giáo viên phải liên tục thích
ứng với thế giới đang thay đổi của chúng ta để đưa những cái mới vào giảng
dạy cho học sinh. Điều này cần sự sáng tạo.
4.5 Tính sáng tạo và canh tân
Tính sáng tạo bao gồm các hành động mới và thích hợp
với những gì đã được qui định thành chuẩn. Giảng dạy sáng tạo bao hàm
việc tuân thủ mục đích và các chuẩn do cộng đồng giáo dục lập ra. Việc
tuân thủ các chuẩn này là một đảm bảo cho việc dạy học đáp ứng được yêu
cầu. Tuy nhiên giảng dạy sáng tạo còn bao hàm việc lấy người học làm trung
tâm. Dạy học có tương tác cao giữa học sinh và giáo viên là cần thiết
để đảm bảo rằng mọi học sinh đều thành công. Thông qua việc đánh giá thực
tế tri thức và kĩ năng của người học, giáo viên thích ứng việc dạy để
thúc đẩy việc học đạt kết quả lớn hơn.
Giáo viên phải là những nhà chuyên môn, không đơn giản
tuân theo “giáo án” làm sẵn. Vai trò của họ là tác nhân đổi mới trong
tập các ràng buộc sẵn có. Do đó bản thân giáo viên cũng phải là các chuyên
gia thích ứng. Họ phải là những người nhanh chóng và nhậy bén nhận ra
những đòi hỏi mới từ học sinh để từ đó thay đổi, biến đổi các giáo án
của mình đáp ứng cho các nhu cầu mới đó và đóng góp thêm cho sự phát triển
của các giáo án tốt.
Kỳ sau xem tiếp: Phần 2: Xu hướng
học tập và vai trò hiệu trưởng
Ngô Trung Việt
(theo Tạp chí Tia Sáng - Bộ KH&CN) |