(Post 18/11/2006) Thực trạng Giáo dục &
đào tạo hiện nay ở nước ta là nỗi âu lo sâu sắc của toàn xã hội, vì nó
gắn liền với mỗi gia đình và tương lai phát triển của đất nước. Vấn đề
này đã được đề cập mọi lúc, mọi nơi và nhiều khi gay gắt trong Hội thảo
khoa học, trên mặt báo và tại diễn đàn của Quốc Hội. Các nhà giáo, các
nhà khoa học đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp đổi mới nền giáo dục
nước nhà, nhưng sự chuyển biến rất chậm chạp và đôi khi còn tạo ra các
mâu thuẫn mới trong nội bộ hệ thống giáo dục. Nguyên nhân của tình trạng
này có thể phân tích theo các quan điểm khác nhau. Do đó, cho đến nay
chúng ta vẫn chưa có quan điểm thống nhất, các kiến nghị, đề xuất giải
pháp thường chưa đủ tính đồng bộ và tính hệ thống.
|
Để thống nhất quan điểm chỉ đạo đổi mới giáo dục trước
hết ta phải xuất phát từ chức năng của Ngành GDĐT từ tính chất của các
bậc đào tạo và mục tiêu chiến lược của ngành trong thời kỳ công nghiệp
hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Nói chung, giáo dục có 3 chức năng:
chức năng xã hội, chức năng kinh tế và chức năng văn hoá tư tưởng. Tuy
nhiên các chức năng đó thể hiện khác nhau ở các bậc học. Có thể khẳng
định rằng trong thời đại ngày nay ở bậc Đại học - Cao đẳng chức năng kinh
tế trở thành chức năng chính, giáo dục Đại học - Cao đẳng thuộc lĩnh vực
kinh tế dịch vụ. Xem xét ba chức năng trên cho toàn bộ hệ thống GDĐT,
mục tiêu của giáo dục thể hiện bằng phương châm chung là: nâng cao dân
trí, phát huy dân khí, đào tạo nhân lực, trọng dụng nhân tài. Nhân tài
không xuất hiện trong quá trình đào tạo ở nhà trường, mà chỉ thể hiện
trong quá trình sử dụng đúng người có trình độ kiến thức sâu rộng trong
môi trường tinh tế - xã hội thích hợp. Biết trọng dụng nhân tài, biết
tạo điều kiện để nhân tài phát huy tác dụng, thì nhiều nhân tài sẽ xuất
hiện và khi nhân tài xuất hiện thì phải được tiến cử đúng lúc, đúng chỗ.
Hiện nay, hầu như tất cả các nước đều đề ra và thực hiện
chương trình cải cách giáo dục, đặc biệt là đối với hệ thống Đại học.
Tất nhiên, chúng ta cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước. Nhưng ở mọi
quốc gia, nền giáo dục đều có lịch sử phát triển, truyền thống và kinh
nghiệm riêng. Do đó, trên thế giới không thể tìm thấy hai quốc gia nào
có hệ thống giáo dục hoàn toàn đồng nhất. Chính vì thế mới có chuyện phải
tiến hành các thủ tục công nhận bằng cấp và học vị của nhau, như chúng
ta đều biết, mặc dù xu thế hoà nhập về nội dung đào tạo và cấu trúc Đại
học đang được quan tâm ở nhiều nước.
Nghiên cứu tình hình cải cách, đổi mới giáo dục trên
thế giới chúng ta có thể nhận ra 2 kiểu cải cách:
Cải cách diễn ra bên trong hệ thống giáo dục, còn bản
thân hệ thống đó vẫn không thay đổi.
Cải cách sâu sắc, toàn diện cả hệ thống giáo dục được
tác động của các nhân tố bên ngoài hệ thống, bên ngoài khuôn khổ của nước
ta đã tiến hành một cuộc cách mạng giáo đục như vậy sau khi thành lập
nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1945.
17 năm qua, ngành giáo dục đã tiến hành nhiều biện pháp
cải cách, đổi mới về chương trình, tổ chức hệ thống giáo dục và đa dạng
hoá nguồn đầu tư. Nhưng tất cả những biện pháp đó chủ yếu diễn ra trong
hệ thống giáo dục hiện hữu, nên hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, thậm chí
đôi khi gây tác động tiêu cực lên xã hội, hoặc sau cải cách chúng ta quay
lại điểm khởi đầu. Đã đến lúc chúng ta phải tiến hành một cuộc cách mạng
giáo dục mới đối với toàn bộ hệ thống giáo dục, mà trước hết là đối với
bậc giáo dục Đại học - Cao đẳng. Nói khác đi, chúng ta phải tiến hành
cải cách giáo dục kiểu thứ hai đã nêu trên.
Đối với nước ta các nhân tố khách quan bên ngoài hệ thống
giáo dục hiện hữu tác động vào hệ thống giáo dục bao gồm: Sự nghiệp công
nghiệp hoá, hiện đại hóa với mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở
thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do vậy, đòi hỏi hệ thống
giáo dục và đào tạo phải cung cấp đủ nhân lực có trình độ cao chậm nhất
cũng trước năm 2010. Chính vì thế cuộc cách mạng giáo dục mới phải bắt
đầu từ bậc Đại học - Cao đẳng.
Nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu và rộng vào
thị trường và nền kinh tế thế giới.
Cơ chế kinh tế đã thay đổi đòi hỏi phải thay đổi cơ chế
quản lý và tổ chức hệ thống giáo dục, đặc biệt là cơ chế quản lý bậc Đại
học và Cao đẳng, bậc học có mục tiêu cung cấp lực lượng lao động có trình
độ cao cho thị trường nhân lực. Hệ quả đương nhiên là thị trường nhân
lực có trình độ cao đòi hỏi phải hình thành thị trường Đại học - Cao đẳng.
Các trường Đại học và Cao đẳng phải cạnh tranh để thu
hút Sinh viên. Do đó các trường phải có quyền tự chủ cao trong việc tuyển
sinh, thành lập và giải thể các khoa, các bộ môn, tuyển Giáo sư, Giảng
viên tuỳ theo nhu cầu của trường. Các trường Đại học và Cao đẳng dần dần
không còn có chủ quản như hiện nay, mà hoạt động theo luật giáo dục mới
và các quy định của pháp luật. Sẽ có tác dụng rất lớn trong việc phân
luồng học sinh tốt nghiệp Trung học, nếu chúng ta có thể đánh giá xếp
hạng (accreditation) các trường như nhiều nước đã làm đặc biệt là ở Hoa
Kỳ. Với một cơ chế thích hợp, các Hội khoa học - kỹ thuật quốc gia kết
hợp với các Hội doanh nghiệp và các hội nghề nghiệp khác hoàn toàn có
thể đánh giá khách quan và xếp hạng các trường Đại học và Cao đẳng. Khi
đó vai trò và trách nhiệm xã hội của các hội nghề nghiệp sẽ được nâng
cao.
Xu hướng phát triển các hệ thống Đại học - Cao đẳng trên
thế giới có tác động rất lớn đến quá trình đổi mới hệ thống Đại học -
Cao đẳng ở nước ta. Các xu hướng dễ dàng nhận thấy bao gồm: đào tạo đại
trà, tuyển sinh dễ dàng và sàng lọc chặt chẽ trong quá trình đào tạo học
suốt đời, thường xuyên bằng các hình thức đào tạo khác nhau, đào tạo liên
ngành, kết hợp chức năng đào tạo với chức năng nghiên cứu khoa học và
chuyển giao tri thức công nghệ.
Dưới đây là một số đề xuất theo cách nhìn hệ thống GDĐT
trong hệ tổng thể kinh tế - xã hội:
1. Tập trung mọi nguồn lực tạo sự chuyển
biến đột phá cho bậc Đại học - Cao đẳng. Khuyến khích các thành phần kinh
tế, các tổ chức và cá nhân thành lập nhiều trường Đại học và Cao đẳng
ở các vùng kinh tế - văn hoá - xã hội. Có các chính sách và giải pháp
ưu đãi để huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho sự phát triển về số
lượng và chất lượng bậc Đại học và Cao đẳng với hai hình thức tổ chức
công lập và tư thục. Sẽ có người đặt câu hỏi: Đội ngũ giảng dạy đại học
và cao đẳng hiện nay vừa yếu lại vừa thiếu, thì làm sao bảo đảm chất lượng
đào tạo? Chúng ta có thể đặt câu hỏi ngược lại: Đã có bao nhiêu phần trăm
đội ngũ khoa bọc và công nghệ có trình độ cao được tham gia đào tạo? Đó
là chưa kể một lực lượng khá đông đảo các nhà khoa học và kỹ sư về hưu
theo luật lao động có thể tham gia đào tạo ở các trường Đại học và Cao
đẳng. Về mặt chất lượng đào tạo chúng ta cũng cần có cách đánh giá mới.
Chính người sử dụng nhân lực mới đánh giá đúng chất lượng đào tạo của
nhà trường. Một tổ chức chỉ bao gồm các giáo sư cũng không thể làm điều
đó. Nói khác đi, thị trường nhân lực khoa học - công nghệ sẽ điều chỉnh
chất lượng đào tạo, cũng như quy mô đào tạo. Vả lại, để tồn tại và phát
triển trong môi trường cạnh tranh bản thân nhà trường phải nâng cao chất
lượng đào tạo để thu hút Sinh viên và đứng vững trên thị trường Đại học
- Cao đẳng.
2. Gắn đào tạo với sử dụng lực lượng
lao động được đào tạo. Có chính sách tuyển chọn và sử dụng lao động hợp
lý dựa theo năng lực và hiệu quả, thì vấn đề mâu thuẫn giữa đào tạo và
sử dụng, hiện tượng tiêu cực trong bằng cấp hoặc kiếm bằng theo các cách
phi đạo đức sẽ được giải quyết. Trong môi trường cạnh tranh lành mạnh,
lấy hiệu quả làm thước đo, không tổ chức kinh tế, tổ chức quản lý, tổ
chức xã hội nào lại chỉ dựa vào mảnh bằng để tuyển chọn, sắp xếp và đề
bạt cán bộ, nhân viên. Bằng cấp chỉ có giá trị thông tin cho biết người
có bằng trải qua một quá trình đào tạo nhất định. Do đó, cần phải xây
dựng và thực hiện chính sách sử dụng nhân lực được đào tạo theo quan điểm
mới. Thực ra vài chục năm trước đây chúng ta đã từng thực hiện điều này!
3. Trong giai đoạn cách mạng khoa học
và công nghệ sôi động như hiện nay, nhất là khi nền kinh tế nhiều nước
lần lượt phát triển lên bậc thang kinh tế tri thức, một vấn đề lớn được
đặt ra đối với hệ thống đào tạo Đại học và Cao đẳng là đào tạo chuyên
sâu (specialized training) hay đào tạo rộng (gener- alized training).
Ngày nay hiện tượng: "đổi nghề" nhiều lần trong đời làm việc
đã trở nên phổ biến. Ngoài ra, những vấn đề phải giải quyết trong thực
tiễn đều có tính liên ngành. Do đó, hệ thống Đại học và Cao đẳng nước
ta nên chọn cách đào tạo rộng là chủ yếu, thời gian đào tạo có thể rút
ngắn bớt. Nhà nước chỉ nên tập trung phát triển một số trường, một số
khoa đào tạo chuyên sâu để tạo ra đội ngũ có tài năng cung cấp cho hoạt
động nghiên cứu khoa học, phát triển văn hoá - nghệ thuật, tạo ra và phát
triển công nghệ mới.
4. Để đổi mới bản thân hệ thang giáo
dục - đào tạo Đại học và Cao đẳng, nhiều nhà giáo và nhà khoa học có tâm
huyết đã đưa ra nhiều giải pháp rất thiết thực và khá cụ thể ở đây tôi
chỉ đưa ra thêm một vài kiến nghị:
Chỉ tổ chức thi tuyển đối với một số trường đào tạo chuyên
sâu, trường năng khiếu. Việc tuyển sinh nên để cho các trường chủ động
thực hiện.
Việc xây dựng chương trình và nội dung kiến thức phải
do một tập thể các nhà giáo, các nhà khoa học và kỹ sư ở các viện nghiên
cứu và trong các doanh nghiệp thực hiện để gắn đào tạo với nhu cầu thực
tiễn. Ngay từ 1956 - 1957 ở Hoa Kỳ, để xây dựng chương trình vật lý cho
trường trung học người ta đã phải làm như vậy.
Chuẩn hoá, nâng cao trình độ đội ngũ giảng dạy Đại học
và Cao đẳng nên dựa theo các tiêu chuẩn phổ biến ở các nước trong khu
vực và phấn đấu theo tiêu chuẩn ở các nước công nghiệp phát triển. Kiên
quyết chống hiện tượng chuẩn hóa hình thức dựa vào bằng cấp đang có "xu
hướng lạm phát" hiện nay. Chỉ các nhà giáo, các nhà khoa học trực
tiếp tham gia giảng dạy và đào tạo mới được sử dụng chức danh "Giáo
sư", "Phó Giáo sư” trong hoạt động giáo dục và hoạt động xã
hội. Hội đồng chức danh khoa học (có lẽ phải có tên gọi khác!) không trực
tiếp công nhận, mà chỉ làm nhiệm vụ đánh giá có đủ tư cách hay không (habilitation)
để các trường tuyển chọn. Bằng cách đó chúng ta có thể phân bố hợp lý
Giáo sư, Phó Giáo sư giữa các trường, giữa các vùng.
Một việc tưởng chừng không quan trọng, nhưng rất cần
thống nhất đó là danh xưng học vị và chức danh. Tên gọi học vị "Thạc
sĩ" là không đúng, vì theo nghĩa Hán - Việt Thạc sĩ là người có học
vấn uyên thâm, có đạo đức cao và có thể hiểu là "bác học" theo
cách tôn xưng trong xã hội. Tôi thấy nên chọn danh xưng "Học sĩ",
vì người có bằng master thực chất chỉ mới học nghiên cứu. Tên gọi chức
danh "Phó giáo sư" cũng bất hợp lý, vì ai cũng biết Phó Giáo
sư không phải là người giúp cho Giáo sư, như chức phó trong cơ quan quản
lý. Tôi đề nghị nên chọn danh xưng "giảng sư”, vì chính các associate
profes - sor mới là người giảng dạy các giáo trình chính ở các trường
Đại học đã được chuẩn hoá.
(theo Tạp chí Khoa học & Tổ quốc)
|