Từng người thành công cho đất nước thành công  
 

(Post 11/11/2006) Nếu nền giáo dục trong nước cứ ỳ ạch, trĩu nặng, tiếp tục chỉ huy tập trung và bao cấp kín bưng như hiện nay, không trả lời được đòi hỏi này, thì người ta sẽ tìm mọi cách cho con em họ chạy ra nước ngoài để tự tìm lấy một nền giáo dục khác.

VN đã nhiều lần đăng quang tại cuộc thi Robocon châu Á-Thái Bình Dương, càng nhiều chiến thắng như thế này sẽ là tiền đề cho "Một nước Việt hùng mạnh" - Thành công hay thất bại của từng cá nhân sẽ quyết định thành hay bại của cả đất nước

Gần đây có một cuốn sách gây xôn xao và cũng gây nhiều ý kiến khác nhau, cuốn Thế giới phẳng, tiếp theo cuốn Chiếc Lexus và cây Ô-liu, đều của Thomas Friedman. Có người cho rằng Fried nói quá đáng về công nghệ, kỹ thuật, đề cao nó quá. Tôi không nghĩ thế. Friedman chỉ báo cho chúng ta biết rằng đang diễn ra những thay đổi âm thầm mà rất sâu sắc về khoa học, công nghệ, và cũng như mọi lần trước, những thay đổi lớn như vậy sẽ làm biến đổi bộ mặt thế giới, cụ thể là lần này đang và sẽ làm cho thế giới phẳng ra và nhỏ lại, đến mức mỗi cá nhân sẽ có thể liên lạc và hợp tác tức thì với bất cứ ai, ở bất cứ đâu, để cùng chia sẻ, cùng làm ăn, và cùng thắng.

Toàn cầu hoá những lần trước đã phơi từng quốc gia ra trước toàn thế giới, buộc từng quốc gia phải có câu trả lời đúng để sống còn và phát triển. Như chúng ta đã biết, lần ấy chúng ta đã trả lời sai, đã không hề biết rằng có toàn cầu hoá, coi cái thế giới mới đang đến gõ cửa nhà mình là một “bọn Tây di” tức cũng chỉ là một thứ “rợ” như thiên triều Trung Hoa vẫn khinh miệt gọi các dân tộc ở quanh mình, nhắm mắt đóng kín cửa lại, và do đó đưa đất nước vào thảm hoạ, gỡ mấy trăm năm và bằng mấy cuộc chiến tranh đẫm máu mới ra được. Đối mặt với toàn cầu hoá lần ấy là các quốc gia, nếu cá nhân có bị thách thức thì cũng là qua quốc gia của mình, gián tiếp qua trung gian số phận của nước mình, gián tiếp qua trung gian số phận của nước mình. Lần nay- mà Friedman gọi là toàn cầu hoá 3- khác hẳn. Không còn trung gian gián tiếp nào nữa, từng con người bị (và được) phơi ra trước toàn thế giới, chẳng còn vật che khuất nào hết. Tình thế đó sẽ khiến cho quan hệ giữa con người với con người thay đổi như thế nào, sẽ làm biến đổi văn hoá đến đâu, có tạo ra một văn hoá mới hay không, nếu có thì diện mạo văn hoá ấy ra sao?...Tôi nghĩ không chỉ ở ta, mà có lẽ cả trên thế giới chưa có, hoặc ít ra chưa có đến nơi đến chốn một nghiên cứu nào về điều có thể hết sức quan trọng này. Đang rất cần những nghiên cứu như thế, tổng quát, cơ bản, và cụ thể, thực tế.

Tuy nhiên, ngay từ lúc này ít nhất cũng đã có thể nhận ra được một điều cốt yếu: toàn cầu hoá 3 đang làm thay đổi sâu sắc, thậm chí cơ bản vai trò của cá nhân trong nhân quần, trước thế giới. Theo cách nào đó có thể nói chưa bao giờ, trong suốt lịch sử, cá nhân được “giải phóng” triệt để đến thế, giải phóng theo tất cả các nghĩa và các phương diện của khái niệm này.

Không còn bất cứ rào cản nào cho cá nhân, từng cá nhân đi ra thế giới, tiếp cận trực tiếp và tức thì với toàn thế giới. Blog đang phát triển rất nhanh, chẳng mấy chốc đã thành mốt, thành một cách sống. Và Blog tức là một người , một cá nhân, tự mình, riêng mình, làm một tờ báo để nói chuyện với toàn thế giới. Báo chí sẽ thay đổi thế nào đây với hiện tượng này? Chưa có gì lường trước được…

Và với outsourcing, tôi, tự tôi thôi, chẳng cần trung gian nào hết, cũng chẳng ai cản tôi được hết, tôi có thế cộng tác với bất cứ ai ở bất cứ đâu, mà chẳng cần di chuyển thậm chí một bước chân. Thị trường lao động sẽ biến đổi thế nào đây với khả năng mới kỳ lạ này? Vân vân…

ĐẶC ĐIỂM CỦA LẦN NÀY LÀ, NGƯỢC LẠI, THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI CỦA TỪNG CÁ NHÂN SẼ QUYẾT ĐỊNH THÀNH HAY BẠI CỦA ĐẤT NƯỚC

Cá nhân được giải phóng triệt để như chưa từng có theo nghĩa là đã và đang tạo nên sự bình đẳng hoàn toàn về cơ hội cho mọi người, cho từng người. Thế giới rồi sẽ không còn khái niệm “hẻo lánh” nữa. Anh sinh ra ở kinh đô văn hoá và đại học của nước Mỹ là Boston, hay sinh ra ở chốn xa tít như vùng “Cao lương đỏ” của Trương Nghệ Mưu ở bên Tàu thì cũng chẳng có gì khác nhau cả, cơ hội thành công trong cạnh tranh toàn cầu là ngang nhau, miễn là anh đủ khả năng cạnh tranh. Tất nhiên đi đến đó thật còn lâu, nhưng quan trọng là sự tất yếu đi đến đó đã được tạo ra. Điều quan trọng Fiedman phát hiện và chỉ ra cho chúng ta chính là cái xu hướng sẽ không thể cưỡng lại được nữa đó. Biết để mà chuẩn bị tốt, đặng sống còn được và phát triển được cùng với nó.

Và bình đẳng về cơ may, như bao giờ cũng vậy ở đời và đã được chứng minh trong suốt lịch sử, thì đương nhiên cũng bình đẳng về cơ nguy. Được bình đẳng bao giờ cũng là bị bình đẳng. Được đặt trước cơ hội ngang nhau, thì cũng là bị đặt trước cơ nguy ngang nhau. Bởi vì bình đẳng tức là một cuộc chơi, một cuộc chơi được tạo ra. Bước vào bất cứ cuộc chơi nào cũng vậy, mọi người đều bình đẳng, thế mới gọi là cuộc chơi. Luật chơi là bắt đầu bằng bình đẳng, về cơ may cũng như cơ nguy. Mấy trăm năm trước một sự bình đẳng, một cuộc chơi quyết liệt như vậy đã được tạo ra cho các dân tộc, các quốc gia, với toàn cầu hoá 1. Các dân tộc Phương Đông đều đã đứng trước cuộc chơi mới mẻ và hiểm nguy đó, và ta đã thua, mất sạch, rơi tõm vào nô lệ, vì chọn lựa nhầm, chơi trật. Nhật đã chơi tốt hơn, chọn lựa đúng, đã vượt lên, thắng cuộc, và trở thành cường quốc.

Lần này cũng vậy thôi, chỉ có khác không phải là các quốc gia nữa, mà là từng cá nhân được và bị đặt trước cuộc chơi, để hoặc thắng hoặc thua. Hay nói cho thật đúng hơn, lần trước từng quốc gia, do ứng xử của mình, mà thắng hoặc thua, và số phận từng cá nhân phụ thuộc vào số phận quốc gia của mình, nước ta mất nên từng mỗi chúng ta đều thành nô lệ. Lần này khác hơn, đặc điểm của lần này là, ngược lại, thành công hay thất bại của từng cá nhân sẽ quyết định thành hay bại của đất nước.

Vậy nên có thể khẳng định vai trò của cá nhân, năng lực của cá nhân, sự phát triển tự do và toàn diện của cá nhân trong số phận chung của dân tộc chưa bao giờ quan trọng quyết định bằng bây giờ. Và đây là tiêu chí hàng đầu để từng đất nước soi chiếu lại mình, nền văn hoá của mình, mục tiêu phát triển xã hội của mình. Cần một nền văn hoá, một tổ chức xã hội tạo điều kiện cho sự bừng nở cao nhất của cá nhân trong cộng đồng, để có thể hợp tác và cạnh tranh cùng thắng lợi với toàn thế giới. Tất cả các vấn đề của xã hội đều phải được giải quyết từ góc độ và tầm nhìn ấy. Chẳng hạn như vấn đề giáo dục đang là ưu tư chung và khá căng thẳng của xã hội chúng ta, trong đó đang rộ lên vấn đề tự chủ đại học. Xã hội đang đòi hỏi một nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. tạo nên được những con người  cơ ý chí và khả năng tự chủ cao nhất. Nếu nền giáo dục trong nước cứ ỳ ạch, trĩu nặng, tiếp tục chỉ huy tập trung và bao cấp kín bưng như hiện nay, không trả lời được đòi hỏi này, thì người ta sẽ tìm mọi cách cho con em họ chạy ra nước ngoài để tự tìm lấy một nền giáo dục khác, nền giáo dục của thế giới phẳng trong đó cá nhân được phát triển triệt để và toàn diện, tạo nên tình hình mà có người đã gọi không phải không đúng là “một cuộc di tản giáo dục”. Chính bằng hành động “di tản giáo dục” đó, nhân dân chứng tỏ rằng họ đã nhận ra tính chất phẳng đang san bằng và thu lại nhỏ xíu thế giới, và họ chủ động chuẩn bị cho con em họ, từng đứa, thành những cá nhân đối mặt được thành công với thế giới đó. Có thể sự nhận ra của họ còn như một linh cảm . Cần biến linh cảm đó – bao nhiêu lần đã tỏ ra rất tinh anh của nhân dân (như hồi dân “khoán chui” trước khi nhà nước chịu “khoán 10”)- không còn chỉ là linh cảm mà là hiểu biết và hành động tự giác của đất nước, cho hội nhập mới đang ập bước vào nhà ta rồi kìa.

Nguyên Ngọc
(báo Sài Gòn Tiếp Thị, 25/10/2006)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Giáo dục Đại học Việt Nam - tiếp tục cơ chế 'xin-và-cho' hay tiến lên tự chủ?GS Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội đồng khoa học tự nhiên VN, nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội - Giáo dục đại học dưới góc độ kinh tế: tiền nào của ấy
Tự chủ ĐH "đánh đổi" bằng trách nhiệm xã hộiBộ giáo dục hãy "cởi trói" cho các đại học
Tự chủ cho các trường đại học: Bao giờ?Cần lộ trình gấp rút trao quyền tự chủ cho trường ĐH
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11