Giáo dục Đại học Việt Nam - tiếp tục cơ chế 'xin-và-cho' hay tiến lên tự chủ?  
 

(Post 07/11/2006) Trong khi Bộ Giáo dục vẫn muốn ghì “con ngựa” vào “dây cương” thì ở phía ngược lại, FPT quyết không chịu. Nhìn về phía FPT, họ hiểu rõ hơn ai hết việc phải sử dụng đồng tiền ra sao cho có hiệu quả cao nhất bởi “lời ăn, lỗ chịu”. Nhưng Bộ giáo dục lại không muốn tự mình tạo ra một tiền lệ bị vượt mặt.

Cơ sở vật chất của Trường Đại học FPT đã sẵn sàng để đón sinh viên

Tranh luận về Đại học FPT cho ta thấy rõ nhiều vấn đề trong giáo dục Việt Nam.

Gần cả tháng nay cuộc tranh luận giữa một bên là tập đoàn FPT - một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và bên kia là Bộ Giáo dục và Đào tạo – cơ quan chủ quản của ngành giáo dục nước nhà về phương án tuyển sinh cho trường Đại học tư thục FPT vẫn chưa có hồi kết. Các mốc thời gian cho ngày thi tuyển sinh (21/10) và ngày khai giảng khoá đầu tiên (cuối tháng 11) đã cận kề, vậy nhưng mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết rốt ráo bởi cả hai phía đều chuẩn bị cho mình những lí lẽ vững chắc. Nhìn vào cuộc tranh luận này, chúng ta có thể thấy rõ hơn rất nhiều vấn đề trong giáo dục đại học nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung.

Mọi chuyện bắt đầu với nhu cầu tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao của tập đoàn FPT. Nguồn nhân lực này trước đây hầu hết được đào tạo trong các khoa Công nghệ thông tin của các trường đại học trong nước, nhưng cung không đủ cầu, mặt khác rất nhiều tân cử nhân cầm mảnh bằng trong tay lại không thể đáp ứng được yêu cầu cao của công việc, và thế là sau khi vào công ty, các “ông chủ” lại phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để đào tạo lại họ. Thực tế này không chỉ diễn ra với tập đoàn FPT mà còn diễn ra ở rất nhiều các doanh nghiệp khác, không chỉ diễn ra trong một lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn ở nhiều ngành khác nhau. Trước yêu cầu ngày càng cấp thiết về nguồn nhân lực có chất lượng trong quá trình mở rộng tập đoàn, FPT quyết định xin phép thành lập trường Đại học tư thục FPT chuyên đào tạo sinh viên công nghệ thông tin với mục đích đào tạo những kĩ sư tin học đạt chất lượng cao, thậm chí đạt chuẩn quốc tế. Sau khi ra trường, họ có cơ hội làm việc cho tập đoàn hay làm cho các doanh nghiệp khác.

Dự án này của tập đoàn FPT vừa ra đời lập tức giành được sự ủng hộ của xã hội. Lần đầu tiên người ta thấy mô hình giáo dục và đào tạo hoàn toàn mang một tư duy hiện đại - khi mà giáo dục bắt nguồn từ yêu cầu thực chất công việc chứ không bắt nguồn từ “cái danh” - điều phổ biến trong giáo dục Đại học Việt Nam bấy lâu, dẫn đến tình trạng rất nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường mà không tìm đâu ra việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Mặt khác đứng đằng sau trường đại học FPT lại là cả một tập đoàn hùng mạnh với nguồn tài chính vững vàng, có thể cho phép thực hiện các dự án giáo dục một cách dễ dàng mà không phải chờ vào nguồn kinh phí phân bổ của nhà nước vốn phải trải qua rất nhiều các khâu trung gian phức tạp. Đây cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp chính thức kinh doanh giáo dục theo như mô hình các nước tư bản phương Tây, và mọi người đều rất hi vọng vào một sự đột phá trong ngành giáo dục nước nhà mà bấy lâu nay vẫn bị nói là chậm cải cách.

Cơ chế 'xin-và-cho': chuyện con ngựa và cái dây cương cũ kĩ.

Ngày 5/10, trường Đại học FPT đã công bố rộng rãi về việc tuyển sinh khoá học đầu tiên, theo đó sẽ tuyển 500 sinh viên cho năm học 2006 – 2007, mọi kế hoạch tuyển sinh đã được nhà trường chuẩn bị thực hiện, vậy nhưng cũng từ đây, những tranh cãi giữa nhà trường và tập đoàn FPT với Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu. Ngay sau khi thông tin về kế hoạch tuyển sinh của trường được công bố, Bộ Giáo dục đã có công văn thông báo về việc nhà trường chưa hoàn thành các thủ tục để tổ chức tuyển sinh với lí do: theo quy chế, sau khi có quyết định thành lập, các trường đại học phải mở ngành học, phải được Bộ giao chỉ tiêu thì mới được tuyển sinh, Đại học FPT chưa làm cả hai việc này mà đã thông báo tuyển sinh là vi phạm quy chế. Vậy là lí lẽ của phía Bộ là khi chưa “xin” thì không “cho”, mà khi đã không “cho” vẫn cố tình “làm” tức là “phạm luật”.

Trong khi đó, về phía nhà trường lại có suy nghĩ khác hẳn. Trả lời báo An ninh Thủ đô, ông Lê Trường Tùng - hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Theo quy định chung cho các trường là sau khi mở ngành, được giao chỉ tiêu rồi mới được tuyển sinh, sở dĩ như vậy là bởi kèm theo mỗi chỉ tiêu là định mức kinh phí từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên Đại học FPT là trường tư thục, không sử dụng ngân sách nhà nước, và nhà trường đã xin Bộ cho phép được thử nghiệm cơ chế tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội, trong đó được quyền bỏ qua các giấy phép con”. Cũng cần phải nói thêm là Bộ đã có công văn không cho phép trường thử nghiệm cơ chế tự chủ và bắt phải thực hiện theo các cơ chế hiện hành.

Như vậy, trong khi Bộ Giáo dục vẫn muốn ghì “con ngựa” vào “dây cương” thì ở phía ngược lại, FPT quyết không chịu. Nhìn về phía FPT, họ hiểu rõ hơn ai hết việc phải sử dụng đồng tiền ra sao cho có hiệu quả cao nhất bởi “lời ăn, lỗ chịu”. Nhưng Bộ giáo dục lại không muốn tự mình tạo ra một tiền lệ bị vượt mặt.

Tự chủ trong giáo dục Đại học - yêu cầu cấp thiết của giáo dục Việt Nam hiện đại.

Không phải cho tới tận bây giờ việc xin cơ chế tự chủ cho các trường đại học Việt Nam mới được đặt ra, nó đã âm ỉ từ rất lâu cùng với yêu cầu hiện đại hoá ngành giáo dục, nhưng chỉ đến trường hợp của trường đại học FPT thì vấn đề này mới đặt ra cấp thiết và rõ ràng hơn bao giờ hết, bởi phần lớn nền giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn là nền giáo dục công, mọi chi phí và quản lý đều do nhà nước quản lí thông qua cơ quan chủ quản là Bộ giáo dục và Đào tạo. Hàng năm nguồn ngân sách sẽ được phân bổ về cho các trường. Ai cầm tiền người ấy quyết định - lí lẽ này quá rõ ràng và dễ hiểu. Một số chưa nhiều các trường Đại học tư thục đã được thành lập nhưng vẫn phải chờ sự phân bổ chỉ tiêu của Bộ.

Trường hợp FPT rất khác so với các trường đại học tư thục khác, bởi vì đứng sau họ là một ông chủ lớn có yêu cầu rõ ràng và hính đáng về vấn đề: đào tạo ai, đào tạo cái gì, đào tạo như thế nào (điều chưa thật sự rõ ràng với các trường tư khác). Việc đào tạo cũng xuất phát từ yêu cầu “cần” chứ không phải chỉ là “đào tạo để đào tạo”, vì thế phía FPT có những lí do chính đáng để tự quyết việc số lượng tuyển sinh của mình mà không cần sự chỉ đạo từ phía Bộ (bởi thực chất có ở trong cuộc mới nắm rõ nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp là bao nhiêu). Và như vậy, có thể thấy cốt lõi trong cuộc tranh cãi giữa FPT và Bộ Giáo dục chính là ở việc xung đột giữa một bên là tư duy của nhà doanh nghiệp với một bên là tư duy của cấp quản lý.

Tự chủ - “thà lộn xộn để phát triển còn hơn là đứng im và lạc hậu...”

Tranh cãi giữa trường đại học FPT và Bộ Giáo dục liệu sẽ đưa đến một “cú đột phá” trong giáo dục đại học Việt Nam hay không?

Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng ủng hộ FPT, giáo sư Nguyễn Văn Đạo – giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội (một trong hai trường đại học lớn nhất nước, được Bộ và Chính phủ giao cho cơ chế tự chủ - vậy nhưng vẫn phải chờ phân bổ chỉ tiêu đào tạo trước mỗi mùa tuyển sinh và phụ thuộc vào nguồn kinh phí hàng năm của nhà nước) trả lời phỏng vấn báo An ninh Thủ đô: “Theo tôi, tất cả các trường đại học đều có thể tự chủ. Nếu không tự chủ được thì không thể nói đó là trường đại học và sẽ phải tự xóa sổ. Tất nhiên, hơn 100 trường đại học hiện nay sẽ là 100 thứ hạng khác nhau. Đây chính là nhầm lẫn của Bộ khi cứ giữ mọi trường đại học như nhau, tuyển sinh cùng cách thức, học phí như nhau, cấp cùng một loại bằng. Điều này hoàn toàn không đúng với thực tế”. Cũng theo giáo sư, việc giao cơ chế tự chủ cho các trường lúc đầu có thể lộn xộn, nhưng “thà lộn xộn để phát triển còn hơn là đứng im và lạc hậu như nền giáo dục hiện nay”.

Xu thế giáo dục hiện đại hiện nay trên thế giới là việc các trường đại học, các cấp giáo dục chủ động tự chủ, họ liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các ông chủ để đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu lao động của xã hội. Việt Nam đang tiến vào con đường hiện đại hoá. Giáo dục và đào tạo dứt khoát không thể đứng ngoài cuộc. Tiếp tục tư duy quản lý cũ như hiện nay thì khó mà thay đổi được chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

(theo ABC Radio)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


GS Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội đồng khoa học tự nhiên VN, nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội - Giáo dục đại học dưới góc độ kinh tế: tiền nào của ấyTự chủ ĐH "đánh đổi" bằng trách nhiệm xã hội
Bộ giáo dục hãy "cởi trói" cho các đại họcTự chủ cho các trường đại học: Bao giờ?
Cần lộ trình gấp rút trao quyền tự chủ cho trường ĐHNguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân: FPT "xé rào" hay muốn tồn tại "ngoài rào"?
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11