(Post 27/01/2007) "Nếu thắng trong cuộc
đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế", trò chuyện với
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông Lý Quang Diệu - nguyên Thủ tướng
Singapore khẳng định. Điều này được ông đúc rút từ thực tế xây dựng Singapore
"hóa rồng" với những chính sách quyết liệt về giáo dục. Trong
hồi ký "Lịch sử Singapore 1965 - 2000: Bí quyết hóa rồng" (Nhà
xuất bản Trẻ), Lý Quang Diệu đã kể lại những "bí quyết" này.
Ông Lý
Quang Diệu phát biểu tại lễ nhận bằng danh dự Tiến sĩ luật
của đại học Fudan Thượng Hải (Reuters) |
|
Một buổi ngoại khóa tới Trung tâm khoa học Singapore,
nơi học sinh phổ thông được quan sát và thí nghiệm về nhiều điều đã học
tại trường. Ảnh: Hạ Anh
"Cuộc luận chiến hôn nhân vĩ đại"
Đáng chú ý, chương "nuôi dưỡng và thu hút nhân tài"
dành phần lớn nội dung đề cập tới chính sách...tạo điều kiện cho các phụ
nữ có trình độ cao lấy chồng và sinh nhiều con.
Trong diễn văn mừng đại hội Quốc khánh thường niên năm
1983, Lý Quang Diệu đã làm mọi người ngạc nhiên khi phát biểu "thật
là ngu xuẩn cho những người đàn ông tốt nghiệp ĐH thích chọn vợ ít học
và ít thông minh".
Phát biểu này xuất phát từ báo cáo về những số liệu điều
tra dân số năm 1980. Bản thống kê cho thấy, những phụ nữ thông minh nhất
không chịu lấy chồng. Khoảng phân nửa SV tốt nghiệp ĐH là nữ, 2/3 trong
số đó không lập gia đình. Những phụ nữ giỏi nhất không sinh đẻ bởi những
người đàn ông tương đương không chịu cưới họ làm vợ.
Lý Quang Diệu khẩn khoản đề nghị nam giới có trình độ
cao cưới vợ cùng trình độ và khuyến khích phụ nữ có trình độ sinh từ hai
con trở lên.
Đúng như dự đoán, phát biểu này đã dấy lên một cuộc công
kích mà báo chí gọi đó là "cuộc luận chiến hôn nhân vĩ đại".
Không chỉ là phản ứng của những gia đình có phụ nữ ít học và và học cao
trong nước, truyền thông phương Tây cũng chỉ trích ông là "kẻ ngu
dốt và định kiến" khi tin vào thuyết giáo dục tinh hoa, bởi cho rằng
là tư chất thông minh là kế thừa.
Lý Quang Diệu vẫn kiên trì ý tưởng, bằng cách hằng năm,
cho công bố các phân tích thống kê về trình độ học vấn của các phụ huynh
trong số 10% HS đỗ đầu kỳ thi các lứa tuổi với các kết quả xác nhận yếu
tố quyết định thành tích cao là do có bố mẹ trình độ cao.
Đồng thời, ông còn "làm bà mối ở cấp Nhà nước"
bằng cách thiết lập cơ quan phát triển xã hội, tạo điều kiện cho nam nữ
có trình độ hòa nhập với nhau dễ dàng hơn.
Để hạn chế phụ nữ trình độ thấp sinh nhiều con, phụ nữ
trình độ cao sinh ít con, ông cùng và Bộ trưởng giáo dục lúc bấy giờ đã
quyết định cho các bà mẹ có trình độ cao được quyền ưu tiên chọn trường
tốt nhất cho cả ba đứa con nếu họ sinh đứa thứ 3.
Khi thực hiện các chính sách này, ông chờ đợi sự giận
dữ của những bà mẹ ít học, nhưng điều bất ngờ lại là phản ứng của các
bà mẹ học vấn cao bởi họ cho rằng không cần đặc quyền.
Tuy nhiên, những chàng trai đã "thấm" được
thông điệp mà ông gửi đến: ngày càng nhiều người cưới vợ cùng trình độ.
Chất xám: Thu hoạch sớm và hút tài năng ngoại
quốc
Gặp gỡ Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Lý Quang Diệu
nói nguồn nhân lực tốt chính là "nút cổ chai" phát triển mà
Việt Nam cần chuẩn bị trước.
Đây là vấn đề mà ông từng đau đầu vào cuối những năm
70.
Lúc đó, khó khăn về nguồn nhân tài trở nên trầm trọng
khi các quốc gia phương Tây thay đổi chính sách nhập cư, chấp nhận người
di dân châu Á. Thời điểm đó, ở Singapore, khoảng 5% người có trình độ
ra đi.
Trong khi lãnh đạo của một số quốc gia ở khu vực lúc
bấy giờ có vẻ vui mừng vì cho rằng, hiện tượng chảy máu chất xám thực
chất là "chảy máu những rắc rối" thì Lý Quang Diệu ráo riết
thực hiện chính sách giữ người tài trong nước và thu hút ngoại lực cho
những công việc mà nền kinh tế đang cần.
Ông cho lập 2 ủy ban. Một ủy ban có nhiệm vụ giúp những
người có năng lực làm đúng nghề và một ủy ban kết hợp họ lại thành một
xã hội. Với những người xuất sắc, ủy ban này cố gắng thu hoạch sớm bằng
cách đề nghị việc làm ngay trước khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, còn lập 2 cơ quan thu hút nhân tài từ Ấn Độ
và các nước trong khu vực. Chính phủ của ông cũng bãi bỏ quy định cấm
nữ công dân Singapore đưa chú rể nước ngoài nhập cư để "giữ chân"
phụ nữ học vấn cao và thu hút thêm những ông chồng trình độ ít ra là tương
đương với họ.
"Nếu không lấp vào chỗ trống bằng những tài năng
nước ngoài, chúng tôi không làm cho đất nước vươn lên hàng đầu được",
Lý nói.
Tại Việt Nam hiện nay, nhất là khi VN đã gia nhập tổ
chức WTO, câu chuyện vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng
cao càng trở nên nóng bỏng.
Theo khảo sát online trên VietNamNet từ 1 năm nay, đã
có hơn 70.000 lượt ý kiến tham gia trả lời câu hỏi "Bạn đã (đang)
theo học chương trình sau ĐH ở nước ngoài, sự lựa chọn công việc sau khi
kết thúc khóa học là gì?". Đáng lưu ý, gần 70% xác định "ở lại
và tìm việc làm, sang nước thứ 3 tìm việc làm hoặc chưa có dự định cụ
thể".
Năm 2004, tại Việt Nam, một chiến lược phát hiện, nuôi
dưỡng và đào tạo nhân tài đã được giao cho một số đơn vị chức năng xây
dựng. Trong đó, Bộ GD-ĐT đảm nhiệm việc làm đề án chiến lược nhân tài
ở bậc phổ thông, ĐHQG Hà Nội đảm trách xây dựng "quy trình công nghệ
đào tạo nhân tài" từ ĐH. Đến nay, chưa rõ các đề án tiến triển ra
sao.
Trao đổi với lưu học sinh đầu năm 2007, Bộ trưởng GD-ĐT
Nguyễn Thiện Nhân cho biết, "nếu hỏi chúng ta có bao nhiêu TS người
Việt trên thế giới, bao nhiêu GS người Việt dạy trên thế giới cũng không
ai biết cả. Đây là tài nguyên rất lớn. Chúng tôi đã có chủ trương Bộ cùng
Hội người VN ở nước ngoài xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học VN
làm việc ở trong nước và nước ngoài".
Tại sao chọn tiếng Anh?
Các trường học ở Singapore đều dùng tiếng Anh là ngôn
ngữ bắt buộc. Với Chính phủ Singapore, việc lựa chọn tiếng Anh đóng vai
trò như ngôn ngữ làm việc, giúp ngăn chặn nảy sinh sắc tộc, đem lại ưu
thế cạnh tranh.
Để "đem lại ưu thế cạnh tranh", Lý Quang Diệu
phải kiên trì đeo đuổi chính sách đưa tiếng Anh vào trường học với nhiều
sóng gió.
Khi lập chính quyền vào năm 1959, ông và cộng sự đã quyết
định dùng tiếng Malaysia làm quốc ngữ. Song, sau đó nhận ra rằng tiếng
Anh phải là ngôn ngữ nơi làm việc và ngôn ngữ chung.
"Tuy nhiên, đây là một vấn đề quá nhạy cảm, không
thể thay đổi ngay được".
Không muốn khởi chiến về lĩnh vực ngôn ngữ, Chính phủ
Singapore bấy giờ đề ra việc học ba thứ tiếng cho trường tiếng Anh. Đổi
lại, giới thiệu việc dạy tiếng Anh trong các trường dạy tiếng Hoa, tiếng
Malay và tiếng Tamil.
Những năm sau đó, ông phải đương đầu với phản ứng của
lực lượng chống đối khi họ đề nghị chính phủ đảm bảo vị thế của tiếng
Hoa như một ngôn ngữ chính thức. Đáng kể nhất là kế hoạch đưa tiếng Anh
vào làm ngôn ngữ giảng dạy ở ĐH Nantah, ngôi trường do những thương gia
người Hoa dựng nên. Sau một thời gian cải tổ, sáp nhập, trường Nathah
ngày trước, với chất lượng SV tốt nghiệp thấp, đứng trước nguy cơ tan
rã, nay đã trở thành ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), một trong những ĐH có
tiếng của Singapore.
Ba đứa con của Lý Quang Diệu hoàn toàn học hành ở các
trường tiếng Hoa. Phát biểu ở trường ĐH, Lý Quang Diệu khẳng định chưa
bao giờ hy sinh nền giáo dục của các con vì mục đích chính trị. Dẫu vậy,
về đào tạo ĐH, ông không cho con học trường tiếng Hoa vì "tượng lai
phụ thuộc vào việc thông thạo dùng ngôn ngữ của những sách giáo khoa mới
nhất, đó là tiếng Anh".
Điều này, Lý Quang Diệu đã gợi ý trong buổi gặp với Chủ
tịch nước Nguyễn Minh Triết: "ĐH Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng
Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... bởi nếu chỉ dùng
sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu. Nếu tất cả sinh viên Việt Nam
sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi
cũng đã là tụt hậu".
Ở Việt Nam, vai trò quan trọng của tiếng Anh đã đặt ra.
Năm 2006, Viện Chiến lược và chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT) khởi thảo
đề án "chiến lược dạy ngôn ngữ trong trường phổ thông", trong
đó xác định tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chính thức. Tuy nhiên, đề án đang
còn bỏ ngỏ vì những tranh cãi căng thẳng về việc có nên "suy tôn"
tiếng Anh như vậy hay không.
Khi theo đuổi chính sách "nhiều tiếng nói, một ngôn
ngữ" Lý Quang Diệu cũng nhận thấy "nguy cơ giá trị truyền thống
đạo đức mất dần đi trong SV qua việc gia tăng tiếp xúc truyền thông phương
Tây. Còn những giá trị của một xã hội tiêu thụ Mỹ đang lan khắp đất nước,
nhanh hơn các quốc gia trong khu vực do nền giáo dục bằng tiếng Anh".
"Chính sách song ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Malay,
tiếng Hoa hay tiếng Anh đều là gánh nặng lên vai con cái chúng tôi. Ba
ngôn ngữ mẹ đẻ này hoàn toàn không can hệ gì đến tiếng Anh. Song, nếu
sử dụng một trong những thứ tiếng trong các ngôn ngữ mẹ đẻ của mình thì
chúng tôi không thể kiếm sống được. Nếu chúng tôi chỉ sử dụng mỗi tiếng
Anh thì sẽ gặp bất lợi là đánh mất đi đặc tính văn hóa của mình, đó là
lòng tự tin về bản thân cũng như miền đất đang sống", Lý Quang Diệu
viết trong hồi ký.
Tuy nhiên, có một thực tế hiển nhiên, "lợi thế lớn
của Singapore là phần thưởng ngoài dự đoán khi thực hiện quy định dùng
tiếng Anh trong trường học", Lý Quang Diệu nói với Chủ tịch nước
Nguyễn Minh Triết trong buổi gặp gỡ ngày 16/1.
Hạ Anh
(theo VietNamNet)
|