(Post 31/01/2007) Giáo dục tiếp tục là lĩnh
vực được Bộ trưởng cố vấn cao cấp Singapore Lý Quang Diệu quan tâm trong
buổi gặp gỡ với Bí thư Thành uỷ TP.HCM Lê Thanh Hải và Chủ tịch HĐND TP
Phạm Phương Thảo, tối ngày 19/1. Kết thúc buổi gặp gỡ, ông Lý Quang Diệu
đưa ra lời khuyên với thanh niên VN: "Thanh niên cần học nhiều và
hăng say hơn nữa mới gặt hái được thành công".
Ông Lý
Quang Diệu và Bí thư Thành uỷ TP.HCM Lê Thanh Hải. Ảnh: Phạm Cường |
|
Để các trường đại học tự lực
"Muốn phát triển giáo dục, VN cần đẩy mạnh tư nhân
hoá, để các trường đại học tự lực, trả lương cao cho giáo viên và chỉ
tuyển những giáo viên có chất lượng. Thu học phí cao để lấy tiền bù vào
chi phí này. Thực tế, nếu giáo dục trong nước không tốt, người dân sẽ
vẫn mất tiền gửi con ra nước ngoài học" - ông Lý Quang Diệu nói,
khi gặp Bí thư Thành uỷ TP.HCM - người vừa trở về TP dù đang thực hiện
một chuyến công tác.
Đây là cách để giáo dục Singapore thay đổi nhanh chóng
trong vòng 10 - 15 năm qua.
Theo ông Lý, điều quan trọng là nâng cao trình độ ngoại
ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên
tiếp xúc với truyền hình cáp, internet để thu thập kiến thức, giao dịch.
Tạo thuận lợi cho tư nhân và nước ngoài
Ông Lê Thanh Hải nêu ra một loạt vấn đề mà TP phải đối
mặt: Kết cấu hạ tầng quá tải, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Các doanh
nghiệp của TP so với mặt bằng cả nước năng động hơn, nhưng sức cạnh tranh
còn kém. Cải cách hành chính chưa đạt kết quả như mong muốn.
Cố vấn cao cấp của Singapore cho hay, nhiều hiệp hội
doanh nghiệp của Singapore, châu Âu, Mỹ mà ông gặp đều tỏ ra lạc quan
về sự phát triển của VN với các lãnh đạo trẻ, năng động.
Tuy nhiên họ cũng cho rằng, VN cần giảm các thủ tục,
giấy phép phiền hà; thủ tục càng rườm rà càng nhiều tiêu cực.
Giải pháp cho cơ sở hạ tầng mà ông Lý đưa ra cũng tương
tự như giáo dục: VN cần tạo điều kiện cho tư nhân và các doanh nghiệp
nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này, giống như Trung Quốc đang đẩy mạnh,
để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội, vừa giúp họ có cơ hội thu lợi
nhuận, phát triển kinh tế.
Biện pháp kinh tế và giáo dục nhận thức
Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo tỏ ý ngưỡng mộ
đất nước Singapore nhiều cây xanh, đông người nhưng vẫn sạch, quy hoạch
ngăn nắp. Bà từng nhìn thấy ở Singapore "hệ thống xử lý nước thải
hoàn hảo và nhà cho người thu nhập thấp thì cứ như cho người thu nhập
cao".
Những điều mà bà Thảo ngưỡng mộ Singapore lại là vấn
đề bức xúc của TP.HCM. "TP đã cố gắng nhiều nhưng còn rất bộn bề".
Theo ông Lý Quang Diệu: "Chúng tôi đã phải mất nhiều
thời gian để có được một xã hội ngăn nắp, phát triển. Muốn vậy phải nâng
cao ý thức của người dân, để họ cùng chia sẻ với chính quyền".
"Chúng tôi đã làm cho người dân hiểu rằng nếu họ
không giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp, thì bản thân họ sẽ bị thiệt
thòi vì chất lượng môi trường xuống cấp và giá trị bất động sản, nơi sinh
sống của 95% dân số có nhà riêng, bị hạ xuống".
Chính sách của Singapore trong lĩnh vực này là "vừa
dùng biện pháp kinh tế, vừa giáo dục nhận thức cho người dân".
Luôn sợ bị vượt qua
Trước câu hỏi của bà Thảo: "Một xã hội phát triển
như Singapore có gặp thách thức gì không?", ông Lý Quang Diệu thừa
nhận: "Các nước châu Âu có thế mạnh về khoa học, công nghệ. Mỹ đã
khai thác lĩnh vực này và vượt qua cả châu Âu. Bây giờ đến lượt Trung
Quốc học tập Mỹ để có thể vượt qua trong tương lai.
"Nếu chúng tôi không phát triển thì trong vòng vài
chục năm nữa, các nước đi sau sẽ học tập để vượt lên, và chúng tôi sẽ
đứng ngoài lề. Nếu Singapore có 1 nhà khoa học lỗi lạc, thì một nước đông
dân như Trung Quốc có tới 5.000. Vì vậy, chúng tôi phải tập trung phát
huy thế mạnh của mình, chẳng hạn lĩnh vực khoa học, công nghệ, cụ thể
như phần mềm vi tính".
Bà Thảo cũng đưa ra những thách thức của TP.HCM, cần
nhận sự hợp tác từ Singapore.
TP đang đối mặt với nạn ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi
trường, đang kêu gọi đầu tư xây dựng 6 tuyến tàu điện ngầm. Nhu cầu học
tập của giới trẻ ngày một tăng đặt ra yêu cầu mở rộng hơn nữa quy mô và
chuyên ngành đào tạo. Các bệnh viện hiện nay đều quá tải, cơ sở vật chất
còn rất yếu so với yêu cầu.
Phạm Cường
(theo VietNamNet) |