Giáo dục Singapore: "Nới lỏng" để "khóa chặt"  
 

(Post 07/02/2007) Từ năm 2006, trường ĐH công lập lâu đời nhất Singapore sẽ "thoát dần" bàn tay Chính phủ. Hệ thống giáo dục phổ thông cũng có những chuyển đổi mạnh mẽ để phù hợp với "chương trình linh hoạt" mà Bộ trưởng Giáo dục nước này vừa thông báo. Dấu hiệu "xiết chặt" chất lượng của hệ thống giáo dục ĐH tư nhân đang được thực hiện dần dần sau thời gian "thả" để thu hút lợi nhuận.

Một lớp học của trường ĐH Quản trị Singapore (SMU)

Sau sự hào hứng khi giới thiệu thứ hạng thứ 18 trong bảng xếp hạng các trường ĐH danh tiếng thế giới của tạp chí The Times (Anh) 2004, Tan Thiam Soon, hiệu phó trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS) cho biết, năm tới, NUS sẽ tiến hành "một công việc khó khăn" kể từ sau 100 năm ra đời.

Đó là, NUS cùng 2 cơ sở đào tạo ĐH công lập khác sẽ nhận được quyền tự chủ nhiều hơn từ phía Chính phủ. Mục đích của sự "thả lỏng"này là khuyến khích tự do sáng tạo phát triển, đưa NUS thành trường ĐH hàng đầu châu Á.

Hiện tại, mỗi năm, chi phí vận hành cho trường vào khoảng 1 tỷ đô la Sing (SGD), trong đó 75% là số tiền rót từ Chính phủ. Tới năm 2006, Chính phủ vẫn rót tiền nhưng không trực tiếp nhúng tay quá sâu vào công việc điều hành của trường.

Bù lại, Chính phủ sẽ có những chỉ tiêu đặt ra khá chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên. Ví như, mỗi năm, sẽ xem xét chỉ tiêu "xuất xưởng 3.000 kỹ sư có chất lượng" có đảm bảo hay không.

"Thứ hạng 18 của tạp chí Times quả là tự hào. Nhưng chúng tôi hiểu, việc xếp hạng sẽ theo nhiều tiêu chí khác nhau, và không phải cứ năm nay ở thứ 18 thì năm sau cũng vậy", ông Tan cho hay. "Ngay tức thì, sẽ chưa có gì thay đổi đáng kể. Nhưng đó là thử thách cho chúng tôi về thay đổi cơ cấu tổ chức, chương trình hoạt động...".

Tan cho biết, trong chuyến công tác tới Mỹ tuần trước, ông đã tham khảo thêm cách thức vận hành của trường ĐH công khi Chính phủ nới lỏng sự điều hành.

So với "người ông đáng kính tuổi 100" NUS, "cậu bé 5 tuổi" SMU (ĐH Quản lý Singapore) xem ra bắt nhịp nhanh hơn với sự linh hoạt trong vận hành của mình.

SMU nhập khẩu mô hình đào tạo của ĐH Wharton và Carnegie Mellon, đào tạo kinh tế và quản trị kinh doanh của Mỹ. SMU là một trong số ít ỏi trường tuyển sinh theo cách tuyển của các trường ở Mỹ: thi đầu vào bằng kỳ thi SAT, kỳ thi kiểm tra tiếng Anh và toán học. Điểm trúng tuyển SAT mỗi năm một nhích lên (năm 2003 là 1.200, đến năm 2005 là 1.340).

Cơ ngơi khá bề thế, dù so với campus đầy cây xanh và thảm cỏ, rộng đến mức SV từ ký túc xá tới giảng đường, từ khoa này sang khoa kia phải di chuyển bằng xe buýt miễn phí trong khuôn viên trường của NUS, thì khuôn viên của SMU còn phải đứng ở đàng xa. Bù lại, SMU lại nhấn vào lợi thế khác.

Thuỳ Dương, sinh viên năm thứ 3 ngành Tài chính - Kế toán của SMU cho biết, do quy mô của một lớp học không lớn, thường là 30 - 40 sinh viên nên giảng viên và sinh viên của lớp đều biết khá rõ về nhau.

Trước khi thành lập, SMU đã tìm hiểu nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp khá kỹ lưỡng. Bởi vậy, trong chương trình đào tạo cũng như các hoạt động ngoại khóa, người ta thấy khá nhiều các môn học bắt buộc và hình thức học đi sát vào thực tế. SMU cũng khuyến khích SV học nhiều văn bằng trong cùng thời gian, để có kiến thức toàn diện và đảm bảo sự lựa chọn phong phú về việc làm sau khi tốt nghiệp.

2005 đánh dấu sự phát triển về số lượng và chất lượng SV của SMU. Trong số 9.428 người đăng ký, có 1.000 SV được tiếp nhận. Đây được xem là "tỷ lệ chọi" khá cao trong tuyển sinh của các trường.

Tan Thiam Soon (áo trắng bên trái) trao đổi với các SV Việt Nam

Phổ thông vào cuộc mạnh mẽ

Sự buông dần bàn tay can thiệp của Nhà nước vào công tác điều hành ở các cơ sở đào tạo công lập đã được Chính phủ thực hiện mạnh mẽ ở bậc phổ thông thập kỷ trước.

Trường nam sinh Raffles (một loại trường dạy sáp nhập 2 bậc THCS và THPT) - từng là nơi học tập của các chính khách nổi tiếng của Sing như Lý Quang Diệu, Lý Hiển Long, Go Chok Tong - bắt đầu chuyển sang cơ chế tự chủ từ năm 1990.

"Dù là trường có bề dày lịch sử (thành lập năm 1823), khi mới chuyển sang, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Bố trí giáo viên như thế nào đây, lựa chọn chương trình nào phù hợp và nhất là đạt được các hiệu quả cao", ông Edward, Giám đốc tuyển sinh nhà trường cho hay.

Tự chủ hơn, thì chương trình cũng được tự quyết định. Đến nay, Raffles là trường đi đầu trong một số cải cách giáo dục. Những cải tiến xuất phát từ trường này đã được Chính phủ đưa vào áp dụng trên toàn quốc gia.

Đáng kể nhất là các kỳ thi tốt nghiệp toàn quốc để lấy chứng chỉ mỗi bậc học như O- level, A -level (các chứng nhận tốt nghiệp của học sinh sau khi học xong các cấp học tại Sing)

Tất nhiên, để duy trì, thì mức học phí của Raffles đã tăng lên đáng kể. Học phí hàng tháng của trường hiện nay là 200 SGD, trong khi các trường công khác thu ở mức 12 SGD.

Tạo sự linh hoạt, tự đề xuất cho các trường để tăng chất lượng - Đó là cái cách đang được đề cập nhiều tới trong hướng phát triển của các trường học năm 2006. Bộ trưởng Giáo dục Singapore Tharman Shanmugaratnam cho biết một kế hoạch "linh hoạt cho người học và người dạy sẽ bắt đầu từ năm 2006 và kéo dài tới năm 2010 tại các trường phổ thông".

Đáng kể nhất cho kế hoạch cho năm tới này là việc cho giáo viên mỗi tuần 2 giờ rảnh rỗi để làm các công việc hoạt động ngoại khóa. Các trường học được phép cắt bỏ 10 - 20% thời lượng chương trình, sử dụng thời gian đó để tập trung vào một số nội dung phù hợp và hữu ích. Còn nhà quản lý giáo dục ở các trường học sẽ được tham gia các lớp học quản lý để tăng tính chuyên nghiệp về khả năng điều hành khi được nhận nhiều quyền tự chủ.

Với hệ thống các trường cao đẳng kỹ thuật (Polytechnic), Bộ Giáo dục Sing cũng vừa thông báo những chính sách mềm dẻo hơn trong tuyển sinh, trong đó, cho phép nhiều trường không những tuyển học sinh dựa trên kết quả đạt được trong các kỳ thi quốc gia mà còn tuyển cả học sinh giỏi thể thao, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, và hùng biện với tỷ lệ 10 - 20%.

"Buông" không có nghĩa là "thả...

Học viện quản lý du lịch Sentosa là một chi nhánh mới mở của trường CĐ Telmark tại hòn đảo du lịch Sentosa.

Học phí theo học mỗi năm là 12.000 đôla Singapore, không có chế độ hỗ trợ học phí, lượng SV VN theo học ở đây cũng chưa tới chục em. Tuy nhiên, trong mùa tuyển sinh cho năm 2006 tới đây, học viện này cũng chỉ định tuyển 5 SV VN.

Khi tôi băn khoăn, tại sao không tuyển "rộng tay" hơn, ông Yong Kit Mun, quản lý các khoá học của trường cho hay: tuyển như vậy mới đảm bảo số lượng sinh viên trong một lớp học không quá nhiều, các em mới có điều kiện học tập tốt hơn. Việc mở rộng quy mô sẽ làm dần dần khi các điều kiện cơ sở vật chất hoàn thiện hơn để hỗ trợ công việc học tập cho sinh viên. Hiện tại, sát ngay trường, hai khách sạn đang được xây dựng. Ngoài phục vụ khách du lịch, đây sẽ là nơi thực hành lý tưởng cho SV. Khi đó, mới có điều kiện tuyển thêm nhiều SV.

Với hệ thống các trường tư, sự kiện trường AIT đóng cửa hồi tháng 9 vừa qua cũng cho thấy tín hiệu của Chính phủ trong việc "xiết chặt dần chất lượng giáo dục đào tạo ĐH" sau một thời gian thực hiện chính sách "mở rộng trường tư" để thu hút lợi nhuận.

Các chứng chỉ, tiêu chuẩn chất lượng là những biện pháp mà chính phủ Singapore đang thực hiện để dần nâng cao chất lượng của toàn bộ hệ thống giáo dục.

Chứng chỉ CaseTrust được nhắc nhiều trong thời gian gần đây là một ví dụ. Chứng nhận CaseTrust về Giáo dục đã được Hiệp hội Người Tiêu dùng Singapore thiết kế riêng cho ngành công nghiệp giáo dục tại Singapore. Chứng nhận này đảm bảo rằng các Tổ chức Giáo dục Tư nhân đã hoàn thành các yêu cầu bắt buộc về chính sách, cho phép họ có thể tiếp tục tuyển sinh viên quốc tế vào học các khóa học tại trường.

Một loại tiêu chuẩn chất lượng khác xét theo góc độ kinh doanh là chứng nhận chất lượng hàng đầu Singapore (SQC)

AIT là một trong số ít các trường tư ở Singapore có được Hệ thống Quản lý chất lượng ISO 9001:2000. Nếu xét về tính hệ thống và quy mô của một trường tư và khả năng có được chứng chỉ Case Trust không phải quá khó.

Mấu chốt vấn đề là ở chỗ, sau một thời gian mở rộng trường tư để thu hút lợi nhuận, Chính phủ cũng nhận ra rằng: nếu muốn biến Singapore thành một trung tâm giáo dục của khu vực, phải chú trọng vào chất lượng hơn là số lượng. Bởi vậy, việc quy củ hệ thống giáo dục tư nhân đang từng bước thực hiện dần dần.

"Không có phương pháp hoặc công cụ ''vàng'' nào trong giáo dục. Mỗi nước phải tự xây dựng mô hình giáo dục của riêng nước đó", Bộ trưởng Giáo dục Tharman Shanmugaratnam cho hay. Dẫu vậy, câu chuyện "thả lỏng" để xiết chặt chất lượng giáo dục của Singapore cũng đáng được lưu tâm...

Hệ thống giáo dục Singapore

Trường công: Trẻ em chính thức học mầm non từ 4 tuổi. Từ 7 đến 12, các em học tiểu học (lớp 1 đến lớp 6). Cuối cấp, phải tham dự kỳ thi kết thúc bậc tiểu học (PSLE).

Trung học cơ sở: Có 5 chương trình khác nhau: đặc biệt, cấp tốc, bình thường, sáp nhập và năng khiếu. Các em học chương trình đặc biệt và cấp tốc sẽ tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ O-level (Ordinary của ĐH Cambridge - Anh) vào cuối năm thứ 4. Các em theo học chương trình bình thường sẽ lấy chứng chỉ N sau 4 năm. Sau đó sẽ lấy chứng chỉ N vào năm sau nếu các em đủ điểm lấy chứng chỉ N (Normal).

Sau khi có chứng chỉ O, HS có thể theo học các khóa 2 năm lấy chứng chỉ A (Advance) tại các trường của chính phủ. Điểm số chứng chỉ A sẽ quyết định HS có đủ điều kiện học ĐH hay không. Nếu đủ, các em có thể chọn 1 trong 3 trường: ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ĐH kỹ thuật Nanyang (NUT) và ĐH Quản trị Singapore (SMU).

Hoặc, các em có thể chọn học các khóa lấy bằng cao đẳng tại 1 trong 5 trường CĐ kỹ thuật (gọi là Polytechnic), theo học các khoá kỹ năng kỹ thuật tại Học viện đào tạo kỹ thuật (ITE), trường nghề sau bậc THCS.

Bên cạnh trường công, ở Singapore còn có hơn 300 trường tư. Mỗi trường có cách thức tuyển sinh riêng.

Bài, ảnh: Hạ Anh
(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Lý Quang Diệu và những bài học mang tới VNÔng Lý Quang Diệu: "Cần tư nhân hoá giáo dục"
Lý Quang Diệu và chính sách giáo dục để "hóa rồng""Thắng cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong kinh tế"
"Việt Nam: Không thể lãng phí chi tiêu giáo dục!"Mô hình nào cho quản trị ĐH Việt Nam?
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11