(Post 10/02/2007) ĐH, CĐ, TCCN lâu nay đào
tạo theo những gì mình có. Các trường khi mở ngành mới hầu hết cũng sao
chép theo cái đã có. Do nhu cầu của người học rất lớn, nên giáo dục nghề
nghiệp, đặc biệt là giáo dục ĐH đang còn ở thế độc quyền. Để phá thế này,
giáo dục sau phổ thông cần mau chóng chuyển hướng từ đào tạo theo cái
đã có sang "đào tạo theo nhu cầu".
Một giờ
học tại Học viện Báo chí Tuyên truyền. Ảnh: Lê Anh Dũng |
|
>>Trường
trong doanh nghiệp- Mạnh vì cơ chế "thoáng"!
>>2007-
Tổ chức đào tạo theo nhu cầu xã hội
>>Giáo
dục ĐH- Không "cung" với "cầu rởm"
Lần đầu tiên, một bàn tròn cấp quốc gia giữa các nhà
quản lý giáo dục, các trường và doanh nghiệp đã được tổ chức. Hội thảo
diễn ra tại TP.HCM sáng nay, 1/2.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, hiện nay có
ba nhóm nhu cầu xã hội là nhu cầu của Nhà nước, nhu cầu của doanh nghiệp
và nhu cầu của người học. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho hay,
hội nghị lần này chỉ xác định mục tiêu đào tạo cho nhu cầu của doanh nghiệp.
Mở ngành mới: Sao chép cái sẵn có
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong phần mở đầu
hội thảo, hiện nay, tỉ lệ cung cấp lao động còn mất cân đối. Các trường
đang đào tạo theo những gì mình có chứ chưa đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Cụ thể, các ngành khối kinh tế, quản lý chiếm 30% tổng số SV nhưng các
ngành khối kỹ thuật công nghiệp thì chỉ chiếm 15%.
Thứ trưởng Bành Tiến Long nhận thấy, các trường vẫn đào
tạo theo khả năng sẵn có của mình, hoặc đào tạo theo dự báo của trường
chứ chưa đáp ứng và xuất phát từ nhu cầu xã hội.
“Tình trạng này gây ra hiện tượng thiếu thừa cục bộ về
nguồn nhân lực, gây lãng phí không chỉ về nguồn nhân lực nhà nước, tiền
bạc của dân mà còn lãng phí thời gian và cơ hội của người học".
Nhiều trường đăng ký mở ngành và tổ chức đào tạo những
ngành ít phải đầu tư vào máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm, nhà xưởng
như kinh tế, kế toán, tin học ứng dụng, văn thư lưu trữ, ngoại ngữ. Số
này chiếm 40-50% quy mô đào tạo toàn quốc.
Ngược lại, các ngành kỹ thuật và công nghệ đòi hỏi đầu
tư và chi phí lớn về trang thiết bị thì ít được mở thêm. Điều này làm
giảm khả năng tìm kiếm việc làm của SV sau khi tốt nghiệp, hạn chế khả
năng sáng nghiệp, tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Đáng nói hơn cả là việc mở ngành đào tạo mới tại các
trường mới thành lập.
Các ngành mới mở chỉ là sao chép chương trình đào tạo
của một cơ sở nào đó đã có sẵn, ít khi được xây dựng thích ứng với đặc
điểm của trường, của ngành và của địa phương trên cơ sở khảo sát, phân
tích nhu cầu lao động.
Xu hướng nhập khẩu nguồn nhân lực
"Doanh nghiệp có những khó khăn khác nhau về thị
trường hoặc vốn nhưng 100% đều có nhu cầu về con người, tất nhiên là người
làm được việc...", ông Giản Tư Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị
công ty PACE khẳng định.
Một dẫn chứng thời sự mà ông Trung đưa ra. Hiện, thị
trường chứng khoán đang sôi động, nguồn nhân lực cho nhu cầu này rất lớn.
"Chúng ta không chỉ cần đào tạo ra những chuyên gia về chứng khoán
làm việc ở TP.HCM mà ở Hồng Kông, New York. Như thế, các trường học có
phải đào tạo những chuyên gia trong lĩnh vực này để giải quyết nguồn nhân
lực cho xã hội".
Vị giám đốc của cơ sở đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp này
cho rằng, hiện tại, hầu như doanh nghiệp nào cũng thiếu là trưởng, phó
phòng trở lên. Doanh nghiệp tuyển giám đốc điều hành, tiếp thị, sản xuất
nhưng rất khó khăn. Giải pháp tạm thời là nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam phản ánh, người sử dụng lao động thường xuyên kêu ca về kỹ năng
của SV tốt nghiệp. Mà kỹ năng phải do khả năng thực hành mới có. Muốn
làm điều này, phải có môi trường - người học phải tiếp cận với môi trường
thực hành trong quá trình đào tạo.
Ông Lộc dự báo: "Trong 5 năm tới, sẽ có xu hướng
nhập khẩu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực quản lý cấp trung và cao
cấp. Một bộ phận từ các nước trong khu vực đến Việt Nam tham gia quản
lý trong doanh nghiệp sẽ làm cho thị trường lao động sôi động hơn. Cơ
sở đào tạo trong nước sẽ có đối tượng để phân tích, rút kinh nghiệm và
thiết kế nội dung thích hợp để đưa ra những sản phẩm được chấp nhận".
Phá thế độc quyền trong giáo dục
Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, hiện nay, do nhu cầu
của người học rất lớn, nên giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là giáo dục
ĐH đang còn ở thế độc quyền.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, hàng năm, chỉ có khoảng
30% số thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TCCN. Đặc biệt, các
trường trọng điểm trong hệ thống các trường ĐH có điểm tuyển rất cao.
"Thế độc quyền này là một trong các rào cản về nhận
thức của các trường trong đào tạo theo nhu cầu xã hội", ông Long
nhận xét.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, chương trình đào tạo được
xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Thế nhưng,
nhiều trường chưa dựa trên kết quả khảo sát thị trường, phân tích nhu
cầu đào tạo, tiêu chuẩn, năng lực nghề nghiệp nên xây dựng chương trình
chưa tương xứng.
Tại hội thảo, một hành động có ý nghĩa biểu tượng khá
quan trọng đã diễn ra, ký kết bốn thoản thuận hợp tác giữa Bộ GD-ĐT với
Tổng cục Du lịch, VCCI, công ty Intel Vietnam và giữa các trường với doanh
nghiệp.
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ phát triển đội ngũ giáo viên và
cán bộ quản lý thông qua bộ tiêu chí xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo
viên, giảng viên. Những người này phải thâm nhập thực tế, tìm hiểu nhu
cầu của các doanh nghiệp và tạo mối liên lạc thường xuyên với doanh nghiệp.
Song song đó, các trường sẽ đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp
cho HS, góp phần phân luồng sau THCS và THPT.
Một lộ trình từ nay đến 2010 về "đào tạo theo nhu
cầu" cũng đã được Bộ GD - ĐT phác thảo.
Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ ngành trung
ương đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực trong khuôn khổ và khả năng của
từng bộ ngành; dự báo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan doanh
nghiệp trong các Bộ, ngành; phát triển tiêu chuẩn nghề nghiệp, xây dựng
và đánh giá chương trình đào tạo trong các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
và giáo dục ĐH; hỗ trợ công tác đào tạo và giới thiệu việc làm cho SV
sau khi tốt nghiệp.
Đồng thời, thành lập cơ quan dự báo nhu cầu xã hội. Các
địa phương có trách nhiệm thành lập mạng lưới hệ thống thông tin, làm
cơ sở lập kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho từng giai đoạn.
Cơ sở đào tạo phối hợp với doanh nghiệp, xây dựng mối
quan hệ đối tác trong việc xây dựng và kiểm định chương trình đào tạo,
tổ chức giảng dạy và bồi dưỡng giáo viên…
Cơ sở đào tạo thành lập các trung tâm dịch vụ hoạt động
theo cơ chế thị trường như một doanh nghiệp trong cơ sở đào tạo, giới
thiệu việc làm và theo dõi SV sau khi tốt nghiệp.
Đoan Trúc
(theo VietNamNet) |