(Post 22/03/2006) Hầu hết, những trường ĐH
dân lập của Việt Nam hiện nay đều là tư thục, nhưng lại đứng dưới danh
nghĩa "đại học dân lập". Một quy chế chung rõ ràng về hoạt động,
tổ chức, nhân sự, tài chính cho các loại hình trường này là nền tảng tốt
để thúc đẩy quá trình xã hội hoá giáo dục.
Đại học
tư thục Harvard |
|
"Không ai hiểu rõ vấn đề bằng chính các trường,
ý kiến đa chiều từ chính các đại biểu sẽ giúp Hiệp hội và Bộ GD-ĐT xây
dựng một quy chế hợp lý nhất" - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,
CĐ ngoài công lập Trần Hồng Quân "khơi mào" cho hội thảo về
"Quy trình chuyển đổi trường ĐH dân lập sang trường ĐH tư thục"
sáng nay.
Các đại biểu của hơn 10 trường ĐH, CĐ dân lập đã chia
sẻ nhiều suy nghĩ, bức xúc xung quanh vấn đề này.
Tài sản chung: Định giá và xử lý như thế nào?
Từ những đồng vốn đầu tiên của những người sáng lập,
qua nhiều năm đầu tư để quản lý, đào tạo và chi phí cho các khoản: thuê
đất, xây dựng cơ sở vật chất, trả lương giảng viên và cán bộ công nhân
viên... sẽ còn lại một khoản tạm gọi là tài sản tích luỹ.
Tài sản này được định giá như thế nào và được "xử
lý" như thế nào, dựa trên nguyên tắc nào cho hợp lý...? Đây là tranh
luận nóng bỏng nhất tại hội thảo.
Từ trước tới nay, khi các trường mang tên ĐH dân lập,
hầu như toàn bộ số tài sản tích luỹ đó được "nằm im", đa số
là sẽ được gửi vào Ngân hàng, hưởng lãi suất (rất ít nếu so với việc đem
đầu tư kinh doanh vào việc khác), tích luỹ cho tương lai hoặc đầu tư vào
việc xây dựng cơ sở hạ tầng... Nói tóm lại, được hiểu là một tài sản chung
(của cộng đồng trường ĐH đó, những học sinh, giáo viên, nhân viên...).
Nhưng, với việc chuyển đổi sang tư thục, nhiều ý kiến
cho rằng, ĐH, CĐ tư thục cũng là một hình thức doanh nghiệp tư nhân, và
lĩnh vực mà họ đầu tư là giáo dục. Và, những người góp vốn, những nhà
đầu tư (ở đây là Hội đồng quản trị, là những người có công lớn trong việc
xây dựng trường) phải là những người thụ hưởng số vốn tích luỹ ấy.
Khi đó, như đối với các doanh nghiệp tư nhân khác,
họ hoàn toàn có thể chủ động được với tài sản tích luỹ đó (?)
Xung quanh vấn đề này có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Quy
trình chuyển đổi |
HĐQT
trường làm hồ sơ
Tiếp đó là định giá tài
sản (kiểm kê, và mời kiểm toán vào đánh giá) và phân loại tài
sản của trường.
Trên cơ sở đó, các trường
xác lập vấn đề sở hữu cá nhân (thoả thuận về việc phân chia, xác
định quyền lợi thụ hưởng của những đối tượng liên quan...).
Cuối cùng, trường phải
xác định thành phần cổ đông và tổ chức đại hội cổ đông.. |
Chia hay không chia?
"Xử lý" ra sao với "tài sản tích luỹ"?
Câu hỏi đó nhận được nhiều lời giải không giống nhau.
Ông Trần Quang Vũ, luật sư tham dự hội thảo với tư cách
khách mời, tư vấn: "Trong điều 67 của Luật Giáo dục 2005, có nói:
Việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đối với trường tư thục được thực hiện
theo quy định của Chính phủ. Thực ra, không luật pháp nào đặt ra việc
lấy tài sản cá nhân thành tài sản chung. Nhà nước chỉ có thể quy định
điều kiện để trường hoạt động, chẳng hạn vốn pháp định là bao nhiêu...
còn những nhà đầu tư có quyền chọn lựa cách vận hành của nguồn vốn của
mình. Nếu can thiệp sâu vào việc này là vi hiến".
"Thực sự, một doanh nghiệp tư nhân cũng phải có
quy định minh bạch về tài chính. Các trường dân lập hiện đang hoạt động
theo mô hình này. Như thế, tài sản tích luỹ không phải chia cho tất cả
các cán bộ, công nhân viên nhà trường, mà thuộc về những cổ đông"
- một đại diện ở ĐHDL Đông Đô phát biểu.
Nhưng, xác lập vấn đề sở hữu như thế nào cũng chưa có
được sự đồng thuận. Đóng góp của nhiều người là tiền của, của nhiều người
khác là công sức, trí tuệ, cần có sự lượng hoá thành đóng góp vật chất
tương đương. Chưa kể, số tiền đóng góp ấy, sau nhiều năm đã có sự trượt
giá.
Ông Hoàng Trung Yêm, ĐHDL Lương Thế Vinh phát biểu: "Đầu
tiên, phải định giá lại giá trị tài sản lúc góp vốn, tính theo yếu tố
trượt giá, đương nhiên, cần phải tính lãi suất".
Việc xác định vấn đề sở hữu, có lẽ phải để tuỳ trường
tự định. "Có trường sẽ cho những người sáng lập hay những người có
công lao đặc biệt một số cổ phần nhất định. Có người sẽ tính rộng hơn,
dựa trên đóng góp của cán bộ, nhân viên...". Ngay việc tính yếu tố
trượt giá theo giá vàng, hay giá đô-la cũng chưa đi đến thống nhất.
Ở phía những người không tán thành việc phân chia tài
sản chung, cũng có nhiều ý kiến.
Ông Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng trường ĐHDL Phú Xuân,
Huế, giới thiệu là "hiệu trưởng U70 của trường U3", đề xuất:
Tán thành việc các trường dành số vốn tích luỹ đó để phục vụ cho mục đích
dân sinh: đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích SV bằng học bổng, đầu tư
cho những mục đích tập thể... Không chia, nói cách khác, sở hữu chung
là hay, và đúng với bản chất chế độ ta. Mà nếu chia thì thế nào cũng sinh
ra không công bằng. Làm sao xác định được chính xác ai nên hưởng bao nhiêu
trong số tài sản tích luỹ".
Cùng chung ý kiến này, bà Hoàng Xuân Sính, hiệu trưởng
trường ĐHDL Thăng Long, nói "Thực sự, ta trả lương cho giảng viên,
ta đầu tư cho cơ sở vật chất, cho nghiên cứu khoa học theo kiểu nào thì
sẽ dôi ra phần tích luỹ tương ứng".
Bà Sính lấy ví dụ, trường nào dùng số "tài sản tích
luỹ" để chia nhiều thì đương nhiên sẽ còn ít tiền đầu tư cho việc
phát triển trường. Mà cơ sở vật chất hay điều kiện giảng dạy, nghiên cứu
khoa học kém... thì dần dần sẽ kém thu hút SV. Mà SV mới chính là sản
phẩm trực tiếp, là thước đo giá trị của một trường.
"Harvard, Stanford... đều là tư thục, nhưng họ đâu
có cổ đông, đâu có chia lời. Kệ, trường nào thích chia thì chia, chúng
tôi không ủng hộ phương án này" - bà nói.
Với trường ĐH Thăng Long, việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục càng sớm càng tốt |
|
Chuyển đồng bộ hay để tuỳ trường?
Bà Hoàng Xuân Sính cho rằng, thực chất hiện tại, chiếu
theo định nghĩa của Luật GD năm 2005, tất cả các trường ĐH, CĐ DL của
Việt Nam hiện nay là tư thục. Cho nên việc chuyển đổi này là điều hiển
nhiên.
Bà cũng đề nghị, Nhà nước nhanh chóng xúc tiến quy trình
chuyển đổi này, tạo điều kiện để các trường tư thục thực hiện đúng chức
năng, nhiệm vụ và cởi bỏ được những trói buộc cứng nhắc, phiền hà... hiện
tại. Chẳng hạn như việc phải có một cơ quan bảo trợ như đối với đa phần
các trường dân lập hiện tại (phiền hà về mặt thủ tục, chỉ giải quyết về
mặt danh nghĩa, mà không có ảnh hưởng thực chất.
Trong khi đó, ông Đinh Gia Huấn, Chủ tịch HĐQT ĐHDL Lương
Thế Vinh, một trường mới thành lập chưa đầy 2 năm, xin... hoãn binh. Ông
Huấn cho biết, hiện tại trường mới có vốn độ vài ba chục tỷ đồng, ngoài
ra, khi tính số vốn chung, cần phải đánh giá cả phần đóng góp trí tuệ
(phải được lượng hoá thành đóng góp vật chất) và hiện tại, trường bối
rối, chưa biết đánh giá hay chia "tài sản chung" như thế nào
cho hợp lý.
"Nói thật, tâm tư của tôi là chưa muốn chuyển sang
tư thục. Nếu chuyển, nếu thay đổi hiện tại mà không dám chắc là mạnh lên
thì chúng tôi chuyển làm gì".
"Việc chuyển đổi dân lập sang tư thục đã được đưa
vào Luật giáo dục mới, tức là không thể có chuyện trường này chuyển, trường
kia không" - ông Trần Hồng Quân xác định.
Cần có một đề tài nghiên cứu nghiêm túc?
Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ
ngoài công lập cho hay, trong thời gian qua, Hiệp hội đã theo dõi tiến
trình của dự thảo và về các trường để tìm hiểu tình hình.
Ông đề xuất ý kiến, sẽ đưa quy trình này lên thành một
đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, trong đó Hiệp hội sẽ được cấp tiền để
đảm nhận nhiệm vụ thực hiện đề tài này.
Trước mắt, có thể sẽ thí điểm tại 3 trường ở 3 cụm Bắc,
Trung, Nam, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực tế, nguyện vọng... để
xây dựng thành một quy chế.
Sau đó, sẽ mời đại diện của tất cả các trường "ngồi
lại với nhau" trong một hội thảo nữa để đóng góp ý kiến vào bản dự
thảo lần 2. Khi có được sự đồng thuận, sẽ đi đến thống nhất để trình lên
thủ tướng chính phủ.
"Để đạt được một kết quả hợp lý, cần phải có nghiên
cứu, chứ không thể cứ làm, rồi sửa đổi, rồi lại làm..." - ông Nhĩ
khẳng định.
Trường công lập: Do nhà nước thành lập, đầu tư
xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường
xuyên.
Trường dân lập: Do công đồng dân cư ở cơ sở
thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo kinh phí
hoạt động.
Trường tư thục: Do các tổ chức xã hội, tổ chức
xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập,
đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo kinh phí hoạt động bằng
vốn ngoài ngân sách Nhà nước.
(Luật Giáo dục 2005) |
Trung Kiên (Tường thuật)
(theo VietnamNet)
|