Các trường đua nhau đòi "cởi trói"  
 

(Post 27/12/2006) Đây là vấn đề không mới nhưng ở bất kì diễn đàn hay hội nghị nào do Bộ GD-ĐT tổ chức, điệp khúc đề nghị được “cởi trói” luôn nóng. Liệu đã đến lúc các trường ĐH được trao nhiều quyền tự chủ hơn hay chưa?

Việc mở rộng quyền tự chủ mọi lĩnh vực sẽ giúp các trường ĐH có những bước đi đúng hướng cho mình. Ảnh: PA

Vấn đề bị “kêu” nhất hiện nay là các trường ĐH chưa được tự chủ trong việc quyết định chỉ tiêu tuyển sinh và tài chính, đặc biệt là đối với các trường công lập. Theo quy trình này, mỗi năm các trường lại phải làm văn bản xin chỉ tiêu. Lý do khống chế chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT đưa ra là để nâng chất lượng đào tạo. Các trường thì lại cho rằng, nếu được tự cân đối chỉ tiêu tuyển sinh thì họ cũng không thể bê trễ nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo. Đơn vị nào cũng muốn giữ “học hiệu” nên họ sẽ có biện pháp đổi mới chương trình đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Cùng với yêu cầu được tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh là vấn đề tài chính. Mặc dù một số quy định hiện hành đã giao quyền tự chủ và khoán định mức chi tiêu cho các trường ổn định trong thời gian 3 năm nhưng nguồn thu của các trường hiện vẫn đang bị khống chế...

Trong khi các trường ĐH vẫn loay hoay với các vấn đề trên thì sự kiện ĐH FPT được phép tuyển sinh theo cách riêng cũng như tự quyết định mức học phí rất đáng để suy nghĩ. Đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ cách làm của ĐH FPT, thậm chí câu chuyện này đã trở thành chủ đề chất vấn tại kì họp Quốc hội vừa qua. Đây là mô hình đầu tiên của Việt Nam mà cơ sở đào tạo cam kết sẽ nhận số học viên vào làm việc ngay khi tốt nghiệp với mức lương khởi điểm từ 200-400 USD. Học viên cũng có thể vay đến 90% chi phí phải trả cho mỗi khóa học. Đến ngày 28-11, ĐH FPT đã nhận được 4000 đơn đăng kí dự tuyển qua Internet, trong đó có 400 thí sinh đã chính thức nộp hồ sơ và lệ phí dự thi.

Theo TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT: trường thu mức học phí cao nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo. Tuy nhiên mức thu chỉ bằng 1/2 học phí của ĐH quốc tế tại Việt Nam, cao hơn khoảng 2 lần mức chi cho đầu sinh viên ĐH công lập. Với mức lương CNTT hiện nay, trường ước tính nếu sinh viên vay ngân hàng để trả tiền học thì sau 5 năm kể từ ngày tốt nghiệp, sinh viên có thể trả xong khoản nợ học phí. FPT sẽ đứng ra bảo lãnh để sinh viên vay tiền ngân hàng và gánh chịu rủi ro tài chính về phía mình. Đây cũng là một trong các nguyên nhân để ĐH FPT tổ chức kì thi tuyển riêng nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo và đầu ra cho sinh viên.

Không phải ngẫu nhiên một đơn vị kinh doanh như Tập đoàn FPT lại có những bước đi như thế. Thực tế hiện nay cho thấy, khó có đơn vị đào tạo ĐH, CĐ công lập nào đủ khả năng đưa ra sự lựa chọn táo bạo như trên. Chính vì thế, yêu cầu có được sự tự chủ sẽ là một trong những yếu tố để các trường phát huy được nội lực của bản thân mình.

Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH đã trả lời báo chí rằng: Quyền tự chủ hiện nay của các trường ĐH bao gồm tất cả các lĩnh vực, từ điều hành, tài chính tổ chức nhân sự, đào tạo, tuyển sinh, xây dựng chương trình đến hợp tác quốc tế. Nền giáo dục Việt Nam đang chuyển dần từ quản lý tập trung sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của Nhà nước. Quá trình này không thể hoàn tất một cách nhanh chóng. Hiện các trường ĐH đang chịu sự giám sát quá chặt chẽ của nhiều tầng lớp quản lý trong sự chia nhỏ lẻ của các bộ chủ quản khác nhau... Các trường bị hạn chế, mất chủ động trong hoạt động, điều hành, quản lý, chuyên môn... không quan tâm đến trách nhiệm trước xã hội, chỉ quan tâm đối phó với những gì Nhà nước quản lý; còn thứ liên quan đến những người mang lợi ích cho nhà trường không được quan tâm. Đến năm 2007, sẽ có khoảng 20 trường ĐH được trao quyền tự chủ ở mức độ cao, có thể hiểu tự chủ gần như toàn bộ các khâu của quá trình đào tạo.

Nhiều ý kiến đã cho rằng, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH, CĐ đã có chủ trương từ lâu nhưng chỉ đạo thực hiện lại quá chậm. Những băn khoăn này liệu có nhanh chóng được giải đáp hay không còn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý...

Trà My
(theo HaNoiMoi)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Giáo dục: cần chiến lược 20 nămTôi đã sửa sai như thế nào? - nhân đọc bài: “Giáo dục thời WTO: Để người học có quyền sửa sai”
Giáo dục thời WTO: Để người học có quyền sửa saiNhật Bản: Mở rộng quyền tự chủ cho đại học quốc gia
Lý do khiến hàng ngàn sinh viên ghi danh vào đại học FPT?Chất lượng giảng viên cho ĐH FPT, giải quyết theo hướng nào?
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11