Phát súng đầu tiên trên con đường hội nhập giáo dục  
 

(Post 14/02/2007) Ngày 13-1-2007, Trường đại học FPT đã chính thức khai giảng khóa I. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy một trường đại học "mới toanh" đường hoàng khai sinh. Nhiều người lại càng ngạc nhiên hơn khi FPT mạnh dạn đưa ra một loạt các cam kết về việc làm cho bất cứ thí sinh nào trúng tuyển với mức lương tốt; về việc sẽ mời hẳn các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy; bảo đảm sinh viên FPT khi tốt nghiệp sẽ cầm chắc trong tay hai bằng: tin học và ngoại ngữ. Và giật mình hơn cả là mức học phí tại Trường đại học FPT rất cao so với mặt bằng của trường đại học Việt Nam. Sự ra tay của một doanh nghiệp CNTT và Viễn thông hàng đầu Việt Nam đối với ngành giáo dục phải chăng là tín hiệu mới về giáo dục thời WTO.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học FPT

Kỳ thi tuyển yên ả nhất

Ngày 9-12, tại Hà nội và TP Hồ Chí Minh đã diễn ra kỳ thi tuyển sinh đầu tiên của Đại học FPT. Gần 1.000 thí sinh đến từ mọi miền đất nước đã đến tham dự kỳ thi này. Các thí sinh đã làm bài thi trắc nghiệm Toán và Tư duy lô-gích trong 120 phút với tổng số 90 câu hỏi. Các phiếu trả lời được thu lại và chỉ sau vài giờ đồng hồ, kết quả kỳ thi đã hiện ngay trên máy tính của Hội đồng tuyển sinh.

Có lẽ chưa có một kỳ thi đại học nào lại diễn ra trong trật tự đến như vậy. Không có những đám đông tụ tập ngoài địa điểm thi, không hề có bóng dáng những sinh viên tình nguyện bảo đảm trật tự cho kỳ thi. Cũng không có bất kỳ một mẩu giấy nào vương vãi bên trong cũng như bên ngoài địa điểm thi, dù là những tờ rơi quảng cáo hay các tài liệu ôn tập và phao thi. Nguyên nhân thật đơn giản, các thí sinh chỉ được phép mang duy nhất bút chì và tẩy vào phòng thi, nháp thì làm ngay vào mặt sau của đề thi. Với đề thi dạng này thì các phao thi là hoàn toàn vô nghĩa.

Điểm bài thi rải đều trong khoảng từ 11 đến 80 điểm trên thang điểm tối đa 90. Điều này, chứng tỏ đề thi đã phân loại thí sinh khá tốt. Điều thú vị là có những thí sinh có điểm thi đại học chung hơn 24 điểm thì điểm thi lần này lại chỉ đạt 30/90, còn có nhiều bạn điểm thi đại học chung chỉ đạt 14, 15 nhưng lại đạt đến hơn 60 điểm trong kỳ thi của Trường đại học FPT. Sau buổi thi, bạn Hoàng Ngọc Gia Long, sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa cho biết: "Từ cách tổ chức thi và dạng đề thi hoàn toàn mới đã thật sự hấp dẫn em. Tuy nhiên, do phân bổ thời gian chưa hợp lý nên kết quả vẫn chưa như mình mong muốn". Đồng quan điểm với Long, bạn Nguyễn Đoàn Tĩnh cũng cho biết: "Với cách thi như Trường đại học FPT tổ chức, mình đang kỳ vọng vào một chương trình đại học theo tiêu chuẩn quốc tế, mang đến cho người học những cơ hội và thách thức".

Sau khi công bố kết quả thi vào ngay sáng 11-12, Trường đại học FPT đã tiến hành phỏng vấn, xét cho vay tín dụng ưu đãi với hơn 100 thí sinh con nhà nghèo có kết quả thi đạt loại khá trở lên trong hai ngày 12 và 13-12. Trước đó, ngày 1-12, Trường cũng đã phỏng vấn hơn 100 thí sinh xuất sắc, thành viên các đội tuyển quốc gia và thủ khoa đại học để chọn lựa và cấp 50 suất học bổng toàn phần. Theo thông báo của Hội đồng tuyển sinh, hạn nhập học cho các thí sinh trúng tuyển là 30-12. Trường tổ chức khai giảng và làm lễ khai trương chính thức đi vào hoạt động ngày 13-1-2007.

Học phí có quá "quốc tế"?

Rất nhiều người quan tâm đến những nội dung mà Trường đại học FPT sẽ đào tạo. Với "cái giá" 2.800USD/năm tiền học phí, bất cứ phụ huynh nào cũng phải cân nhắc kỹ càng trước khi mở hầu bao "đầu tư cho tương lai". Tính ra, học phí của Đại học FPT ở mức 11.200USD cho cả khóa học 4 năm. Học phí này là khá cao so với học phí của các trường đại học Việt Nam, tuy nhiên chỉ bằng 1/2 mức học phí của các trường đại học nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học FPT cho biết: "Bằng của trường đại học FPT nằm trong hệ thống văn bằng quốc gia của Việt Nam, cấp theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Chương trình đào tạo và chất lượng đào tạo tuân thủ theo những chuẩn đã được quốc tế thừa nhận. Trường đại học FPT xây dựng chương trình đào tạo và quá trình đào tạo theo các chuẩn nội dung của ACM, ITSS và chuẩn chất lượng của ABET. Đây là những chuẩn cao cấp nhất về đào tạo cho ngành CNTT và đang được áp dụng ở nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới".

Theo đó, chương trình của Trường được giảng dạy trong 4 năm và được giảng dạy bằng ngoại ngữ (trừ phần các môn khoa học xã hội và một số môn cơ bản). Trong khóa I, Trường đại học FPT sẽ đào tạo chuyên ngành Kỹ nghệ phần mềm với hai khối: tiếng Anh và tiếng Nhật. Đại học FPT đã và sẽ hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn CNTT lớn nhất thế giới để đưa các giáo trình công nghệ của họ vào giảng dạy tại Trường. Vừa qua, FPT đã ký thỏa thuận về việc này với tập đoàn Microsoft trong hội nghị APEC 14.

Trong giai đoạn hai năm tới, Trường đại học FPT sẽ tập trung đào tạo các ngành CNTT như Kỹ nghệ phần mềm, Kỹ nghệ máy tính, Hệ thống thông tin.

Giảng viên của Trường được tuyển chọn theo một quy trình nghiêm túc, khắt khe, được yêu cầu phải luôn luôn cập nhật kiến thức và tham gia các kỳ thi, đồng thời chấp nhận sự đánh giá thường xuyên của Hội đồng khoa học và sinh viên. Riêng các giảng viên chuyên ngành phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm thực tế tại các công ty CNTT lớn. Nguồn cung cấp giảng viên và trợ giảng chính sẽ là Tập đoàn FPT với hàng trăm chuyên gia CNTT hàng đầu Việt Nam. Dự kiến, Trường sẽ có giảng viên nước ngoài dạy ngoại ngữ ngay từ năm đầu tiên.

Mặt khác, Trường đại học FPT còn có sự hỗ trợ tối đa về chi phí cho những đối tượng có năng lực và có nhu cầu muốn học nhưng chưa đủ năng lực về tài chính. Thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn là đối tượng tham gia "Chương trình tín dụng ưu đãi", vay học phí bằng tín chấp với lãi suất ưu đãi, trả góp sau khi tốt nghiệp đi làm. Các mức tín dụng được xét duyệt từ 30% đến 90% mức học phí của cả khóa học. Trường đã ký thỏa thuận với Ngân hàng BIDV để bảo lãnh cho vay học phí, trả dần sau khi đi làm với các thí sinh gia đình không có điều kiện.

Đại học tư thục FPT đã chính thức được thành lập sau Quyết định số 208/2006/QĐ-TTg ngày 8-9 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đến, ngày 15-11, Trường đại học FPT đã được đồng ý của Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh 500 chỉ tiêu năm 2006.

Cơ sở vật chất ra sao?

Trụ sở chính thức của Trường sẽ được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, là một quần thể đại học hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế với các khu học tập, sinh hoạt, thể thao, giải trí để đáp ứng cho 20.000 sinh viên và chuyên gia trên một diện tích 100ha. Giai đoạn 1 sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2008 đủ chỗ học tập và sinh hoạt cho 5.000 sinh viên. Kế hoạch phát triển cơ sở đào tạo tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng đã được xây dựng và đang trong lộ trình. Tạm thời trong hai năm đầu tiên, Trường tổ chức hoạt động tại cơ sở tòa nhà Detech, 15B Phạm Hùng, Mỹ Đình, Hà Nội với cơ sở vật chất đủ cho 1.800 sinh viên theo học.

Sự đầu tư mạnh tay của một doanh nghiệp trong nước đối với ngành giáo dục có lẽ cũng là một điều kỳ lạ tốt đẹp, mở màn cho công cuộc đổi mới giáo dục đại học Việt Nam

(theo báo Quân Đội Nhân Dân)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Phá thế độc quyền để đào tạo theo nhu cầuGiáo dục Singapore: "Nới lỏng" để "khóa chặt"
Lý Quang Diệu và những bài học mang tới VNÔng Lý Quang Diệu: "Cần tư nhân hoá giáo dục"
Lý Quang Diệu và chính sách giáo dục để "hóa rồng""Thắng cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong kinh tế"
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11